"Trường Sơn một thời để nhớ". Ký ức của Trương Thị Thái

Ngày đăng: 05:29 24/12/2020 Lượt xem: 492
TRƯỜNG SƠN 1 THỜI ĐỂ NHỚ ...
TRƯƠNG THỊ THÁI
( Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An
CCB trung đoàn 99 – Trường Sơn)


(Chân dung Nhân vật - Tác giả)
 
         Năm 1978 - đơn vị chúng tôi đóng quân gần Bản Rô nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cờ tu thuộc tỉnh Quảng Đà . Ở đó, khí hậu rừng Truòng Sơn quá ư là khắc nghiệt. Sáng nắng, chiều mưa, đêm ì ầm tiếng thác . Những cơn sốt rét rừng liên tục  hoành hành sức khỏe  các đồng đội thân yêu của tôi.
         Nhiệm vụ của đơn vị là xậy dựng những chiếc cầu trên đường 14 . Khỏi phải nói, đồng đội ai cũng hiểu những khó khăn vất vả nhất là nhũng chiến sĩ gái như chúng tôi .
         Cuối năm 1978 tôi được điều động học nghiệp vụ Thông tin tại C24 Sư đoàn 472 sau đó nhận nhiệm vụ Trực Tổng đài Hữu tuyến tại Trung đoàn bộ 99 .
          Hồi đó, tổng đài chỉ có 36 cửa, gồm 3 máy ghép lại, 1 phích cái và 36 phích con. Mật danh Tổng đài là YÊN HẢI. Nhiệm vụ hàng ngày là lấy tình hình tử các Tiểu đoàn 55 YÊN DƯƠNG và Tiểu đoàn30 YÊN DŨNG báo về cho các ban ngành và thủ trưởng đơn vị .
          Sau đó sẽ nối máy báo tình hình về YÊN HỒNG F472 .
          Quên sao được lần tôi suýt “được” hi sinh .
          Một buổi chiều mưa rừng sấm sét. Sau khi đã tháo các dây ra khỏi máy để đảm bảo an toàn máy móc. Sấm sét Trường Sơn đã bao lần đánh trúng ô tô bốc cháy. Có lần, một dãy áo quần đầu hè cũng bị sét đánh cháy thui ...
         Ngớt cơn mưa, tôi nhanh chóng đấu dây vào máy để kiểm tra các đơn vị thi công xem tình hình thế nào?  Các công trình có bị ảnh hưởng gì không ? để báo cáo cho các thủ trưởng biết! Vì nhiệm vụ của thông tin là phải hết sức nhanh chóng chính xác .
         Đang hí húi bỗng ! Ầ...M...OÀNG...!!! cả một bầu trời lửa đỏ rực quây lấy tôi. Tôi chỉ còn kịp nghe tiếng anh cơ công Mai Văn Khánh hét : Trực TỔNG ĐÀI CHẾT RỒI! Và tôi không còn biết gì nữa .
         Sau đó tôi tỉnh lại và thấy mình chưa chết. Nhưng không thể nào thở được. Một mùi khét kinh hoàng bốc lên từ khuôn mặt đen sì của tôi. Đôi mắt thì chắc bị cháy hẳn rồi ?
         Cứ như bị đổ ớt vào mắt. Nước mắt, nước mũi chảy dàn dụa. Tôi nghĩ vậy là mình còn sống nhưng đôi mắt đã bị đui rồi.
          Không được khóc! Nằm yên nào! Nếu khóc nước mắt càng xót càng đui thêm !
          Vắt chiếc khăn qua mắt mà nước mắt cứ tự chảy ra ướt hết khăn .
         Lúc đó, tôi nghĩ, thôi rồi mình sẽ làm nghề gì mà sinh sống với đôi mắt mù này? Chắc sẽ đi hát xẩm ở các nhà ga bến tàu ( vì hồi đó nghĩ mình cũng biết hát phọt phẹt đôi bài )
          Rồi 1 chiếc xe tải của Đại đội 6 đến cấp cứu đưa tôi về bệnh xá của Trung đoàn .
         Ai cũng lắc đầu. Chị Tâm, y sĩ, quê Thanh Hoá lính 1976 lau chùi mặt mũi cho tôi động viên: Ôi may quá, đen hết nhưng không bị cháy em ơi. Da mặt còn nguyên. Chỉ bị ám khói .
          Ơn giời ! Vẫn xinh gái em ạ !
          Sau 1 tháng trời điều trị mắt tôi đã dần mở được. Không đui là may rồi !
          Trở về đơn vị tôi được mệnh danh là “Trời đánh không chết ”
          Đồng đội Hoàng Thị Lục, Bùi Bích Thuỷ, Ngô Hoài Thu... cùng các anh trong trung đội đã giúp đỡ động viên tôi nhiều. Đêm đêm, đọc tiếp tôi nghe cuốn tiểu thuyết BÔNG HỒNG NHUNG mà tôi đang đọc dở .
          Hồi đó không có điện thoại như bây giờ. Có chị Thanh trên Sư đoàn viết thư về mách mẹ tôi rằng chị Thái bị sét đánh cháy hết mặt mũi. Thế là mẹ tôi khóc,  mẹ tôi bảo: sinh con ra mặt mũi tròn vạnh sáng sủa như trăng rằm sao giờ đời con khổ vậy con ơi là con...
          Anh trai tôi, công tác ngoài Đà nẵng nghe hung tin vội vào thăm em thì lúc đó tôi đã tiếp tục biểu diễn Văn nghệ trên sân khấu rồi . Gặp anh, khóc nhòe trôi hết phấn son luôn ...
          Cuối năm 1981, chị gái tôi xin cho tôi chuyển ngành về Ty Văn hoá Nghệ An. Ai cũng nói sao không xin xác nhận Thương binh . Tôi nói, tôi xin Bác sĩ chứng nhận sức khoẻ loại A hoa chứ Thương binh da mặt bị cháy lại vào cơ quan Văn hóa đi hát múa 
thì cơ quan nào họ nhận ?.
          Trong đêm nay dòng đời về kí ức Truòng Sơn cứ hiện về trước mắt, Cứ hiển hiện như mới hôm qua thôi !
Năm 2013, tôi có dịp cùng đồng đội thăm lại Chiến trường xưa . Tôi đã được đặt chân lên chính nơi mang nhiều kỉ niệm đời lính của tôi ...
          Tôi đã sống ở Trường sơn dù chỉ hơn 1.000 ngày nhưng đối với tôi thật thiêng liêng !
          Có biết bao kỉ niệm với bao đồng đội mà giờ đây tôi không thể nào nói hết được !
          Tôi trân trọng những năm tháng đó !
           Những năm tháng không thể nào quên với màu xanh áo lính !
              
 3g30’ ngày 20/12/2020
 TRƯƠNG THỊ THÁI
 ( CCB Trung đoàn 99 )

tin tức liên quan