Còn mãi ký ức Trường Sơn - Nghệ sĩ Ưu tú Lệ Ngải

Ngày đăng: 10:33 23/06/2021 Lượt xem: 373
CÒN MÃI KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN

         Nghệ sĩ Ưu tú Lệ Ngải
(Thành viên Đoàn văn công xung kích Hà Bắc đi chiến trường Trường Sơn 1970-1971)

Thế là đã tròn 50 năm trôi qua, tưởng như mới ngày nào đón giao thừa tại Trường Sơn (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) đóng tại nước bạn Lào.
Đoàn văn công xung kích Hà Bắc được lệnh của tỉnh Hà Bắc chi viện sức người sức của cho chiến trường (tiếng hát át tiếng bom trên đỉnh Trường Sơn). Đoàn văn công xung kích Hà Bắc có 14 người (5 nữ 9 nam cả lãnh đạo). Đầu tháng 12/1970 đoàn hành quân vào tới Quảng Bình (sông Son) gặp mùa mưa phải nghỉ lại 10 ngày cùng với tiểu đoàn xe 59 tại sông Son, Quảng Bình. Sau 10  ngày ngớt mưa đoàn được hành quân vào Binh trạm 27 (bắc Quảng Trị).
Đoàn văn công xung kích Hà Bắc được phục vụ cho Binh trạm 27 khoảng 1 tháng. Đoàn đi khắp các đơn vị có ngày phục vụ tới 2-3 buổi mà không thấy mệt mỏi, từ Đội điều trị thương bệnh binh cho tới các trận địa pháo, các đơn vị công binh mở đường, các đơn vị xe chuẩn bị xuất kích vào tuyến trong.... Đến 30 Tết năm 1970, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc được hành quân qua Đèo Khỉ, Cổng Trời, về tới cơ quan Bộ Tư lệnh Trường Sơn thì trời cũng vừa tối. Được lệnh của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc được ăn tết, đón giao thừa tại Bộ Tư lệnh. Chúng tôi được ăn bánh chưng, hành muối từ miền bắc đưa vào, lúc bấy giờ thật nhớ nhà làm sao. Trong buổi đón giao thừa thật là vui. Chúng tôi hát Quan họ vang vọng cả núi rừng; còn được nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc thơ. Nhiều bài thơ rất hay. Anh Duật bảo: “Con gái Bắc Ninh hát Quan họ trên đỉnh Trường Sơn, làm cho các anh bộ đội vơi nỗi nhớ nhà, hăng say chiến đấu”. Chúng tôi đón giao thừa qua một giờ đêm mới chia tay nhau về lán ở.
Đoàn văn công xung kích Hà Bắc được phục vụ các đơn vị trong Bộ Tư lệnh  và các tiểu đoàn độc lập xung quanh Bộ Tư lệnh. Có hôm nhà thơ Phạm Tiến Duật đến thăm chúng tôi, anh tặng chị em văn công một nắm lá méo (lá méo chua). Chị em rất thích. Anh Duật mời chị em xuống Cục Chính trị (nơi anh công tác). Giữa hôm đó anh em trong đoàn đi xuống các đơn vị phục hết cả, chỉ còn mình tôi (Lệ Ngải) được ở nhà vì cúm, ngạt mũi, sốt... Anh Duật bảo tôi là: “Em cứ đi chơi cho khuây khỏa sẽ hết sốt ngay!” Thế là anh mời tôi tới thăm đơn vị anh. Xuống tới nơi không ngờ các anh bộ đội đã ngồi kín trong lán và đề nghị tôi hát Quan họ cho các anh nghe. Và không thể từ chối, tôi hát liền nhiều bài Quan họ và cuối cùng là bài quan họ “Người ở đừng về”. Sau tiếng hát “Người ở đừng về” các anh bộ đội reo hò vang dội “hẹn ngày chiến thắng chúng tôi sẽ về...”. Cho tới bây giờ tôi không quên được cái không khí ngày ấy. Sau buổi ấy anh Duật bảo với tôi rằng “qua đêm nay, ngày mai anh sẽ có bài thơ tặng em”. Thế là ngày mai chúng tôi lại hành quân vào tuyến trong chẳng gặp lại anh Duật.
Chúng tôi tiếp tục hành quân tới binh trạm 31,  32 tới binh trạm 34 - khu vực đường 9 Nam Lào. Nơi đây đang sảy ra chiến dịch Đường 9 Nam Lào rất khốc liệt. Những bãi B52 cày lên không biết bao nhiêu lần; quân ta và quân địch giành giật nhau từng tấc đất… Chúng tôi ở cách mặt trận theo đường chim bay chỉ chừng 3 km. Chúng tôi phục vụ ngày đêm, phục vụ thương bệnh binh - bộ đội công binh mở đường, các trạm giao liên, phục vụ cả tù binh ngụy. Rồi chúng tôi chung tay với bộ đội tìm kiếm phi công Mỹ bỏ trốn ở binh trạm 34. Chúng tôi hành quân về tới trạm giao liên 42 thì được gặp anh Ngân (chồng tôi bây giờ). Hai chúng tôi yêu nhau từ ngày ngoài Bắc. Nghe tiếng gọi của Tổ quốc anh xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc, trời cũng xui khiến thế nào mà chúng tôi lại gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn. Anh Ngân bị sức ép bom bị thương vào đầu và được điều ra Bắc điều trị thì chúng tôi gặp nhau. Một kỉ niệm đáng nhớ khi hành quân từ tuyến trong ra cùng với thương bệnh binh, anh nghe nói có đoàn văn công xung kích Hà Bắc vào phục vụ Bộ đội Trường Sơn. Thế là anh gọi toáng lên: “Ngải ơi!!.... ơi!”. Anh lao từ trên đỉnh núi xuống… Tôi nghe có người gọi rất quen. Tôi hét lên: “Chị Sâm ơi có người làng em ở đây và tôi chạy lao lên phía trước thì gặp anh Ngân. Vui mừng quá, nước mắt cứ chảy ra không sao ngăn được. Anh nghỉ lại trạm giao liên 1 đêm hôm sau mới cùng các anh thương bệnh binh hành quân ra Bắc. 2 chúng tôi chia tay nhau hẹn ngày gặp nhau ngoài Bắc. Cuộc hẹn hò ấy thật lạc quan. Chia tay người yêu, tôi cùng Đoàn tiếp tục hành quân vào tuyến trong theo đường giao liên vào Binh trạm 35. Vượt qua sông Bạc tới sân bay Trà Vằn, tới binh trạm 38. Các Binh trạm này thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471. Có lúc chúng tôi được đi xe cùng với tiểu đoàn xe vượt trên đường tuyến, có lúc thì đi bộ vượt trên bãi B52 đã cày xới lên không biết bao nhiêu lần. Qua các Binh trạm được gặp các anh các chị đồng hương Hà Bắc, chúng tôi cứ ôm nhau khóc như trẻ con. Thật là nhớ nhà da diết. Có anh vào chiến trường đã bảy tám năm, có người mười năm chưa được ra Bắc thăm nhà. Các anh viết thư về thăm nhà như anh Thuyên ở Tiên Du, anh Chi ở Bồ Sơn, anh Biên ở Yên Phong...Các anh dặn tôi rằng: “Em nhớ mang thư tới nhà thăm bố mẹ anh nhé....”
Có một kỷ niệm khó quên khi chúng tôi phục vụ cho Tiểu đoàn xe 59, Binh trạm 35 khi diễn vở “Lòng thương”. Tôi đóng vai bà mẹ 70 tuổi. Khi phục vụ xong có anh bộ đội lên ôm chầm lấy tôi khóc và hỏi rằng: “Thưa mẹ, mẹ bao nhiêu tuổi ạ!” Tôi rất hồn nhiên trả lời: “Dạ! Báo cáo thủ trưởng, em 19 tuổi ạ!”…
Anh ấy bảo: “Sao em đóng bà mẹ lại giống mẹ anh ở nhà thế! Tôi cứ ngỡ là mẹ tôi lên thăm tôi ở chiến trường”... Tôi hỏi anh quê ở đâu, anh bảo tôi tên là Biên - quê Hà Bắc huyện Yên Phong, lại gặp đồng hương quê mình rồi, anh bảo 7 năm rồi anh chưa được ra bắc rồi anh cùng đoàn tôi ngồi tâm sự hồi lâu rồi chia tay. Mãi tới gần đây tôi mới biết, sau này anh là Thiếu tá Nguyễn Hữu Biên, là Chính trị viên đại đội rồi Chính tị viên Tiểu đoàn 59… Anh Biên làm thơ rất hay.
Thế rồi Đoàn văn công Hà Bắc được lệnh vào Tây Nguyên (Đắc Lắc) phục vụ, xong mới đi tới Binh trạm 38 thì bị sốt rét nhiều quá, Đoàn tạm dừng lại để điều trị bệnh, không đi sâu vào tuyến trong nữa. Chúng tôi nghỉ lại điều trị tại Bệnh xá Binh trạm 38 khoảng ba tuần thì được lệnh hành quân ra Bắc. Cả đoàn có 14 người thì 9 người sốt rét còn lại 5 người không được khỏe lắm. Chúng tôi ai khỏe thì hành quân theo đường giao liên ra Bắc, còn ai sốt rét thì được nghỉ lại trạm giao liên để điều trị hết sốt lại tiếp tục hành quân. Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1971 chúng tôi mới thu đủ quân tại trạm 5 Quảng Bình sau đó về Bộ Tư lệnh hậu cứ 571 của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và nghỉ tại đây. Chúng tôi nghỉ tại đây khoảng 2 tuần thì có xe đón về Hà Nội (Cục Hậu cần của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đưa về hậu phương, đóng ở Bưởi, Hà Nội. Sau đó về Hà Bắc. Năm ấy (1970-1971) chúng tôi đã thực hiện đúng khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thực hiện Phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng, Phụ nữ 3 đảm đang”.
Một năm đi chiến trường phục vụ Bộ đội Trường Sơn cũng là một năm đầy ắp thăng trầm đầy ý nghĩa trong cuộc đời làm nghệ thuật của chúng tôi. Cho đến ngày hôm nay Đoàn văn công xung kích Hà Bắc ngày ấy có 14 chiến sĩ văn nghệ vào  Trường Sơn nay chỉ còn có 7 người. 7 anh chi em đã đi xa. Nhưng với những người ở lại, kỷ niệm ở Trường Sơn vẫn cứ hằn sâu trong ký ức không bao giờ quên. Những kỷ niệm đó sẽ theo chúng tôi đi hết cuộc đời này.
Bài thơ “Người ơi người ở” mà anh Phạm Tiến Duật hứa tặng tôi nhưng không đến tay tôi. Bài thơ của anh sau đó được đăng trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1971 và nhiều lần khác nữa.
Sau ngày giải phóng miền Nam tôi được nhận bài thơ “Người ơi người ở” qua một người bạn (anh Bốn quê Hải Phòng). Xin chép ra đây để các đồng chí cùng đọc lại.
 
NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở

 Phạm Tiến Duật
 
Bao nhiêu người đã hát
Bây giờ lại đến em
Bao nhiêu người hồi hộp
Bây giờ lại đến anh
Ở hai thung lũng xanh
Kề nhau thành hàng xóm
Công việc như nước cuốn
Chẳng bao giờ thăm nhau
Nắng đã tắt từ lâu
Tiếng ve như kéo mật
Dáng em ngồi trước mặt
Như cây nhỏ trong vườn
Chẳng thể gặp nhau luôn
Hãy ngồi thêm lát nữa
Hai người hai cánh cửa
Khép mở hai vùng trời
Gặp biết bao nhiêu người
Quen nhau bao gương mặt
Con đường thì tít tắp
Mặt trận thì mênh mông
Chẳng nhớ nữa mùa đông
Đi qua bao hang đá
Cũng quên rồi mùa hạ
Ở bao nhiêu nhà hầm
Công việc cùng tháng năm
Hát vui cùng chiến sỹ
Những ngày đi đánh Mỹ
Bao nhiêu người quen nhau
Anh chẳng nói sai đâu
Em là cây ngải đắng
Mọc trên triền núi vắng
Góp vị thuốc cho đời
Tiếng em hát người ơi
Người gần nhau mãi mãi
Tiếng em hát đò ơi
Sông đưa đò gần lại
Tiếng em hát cây ơi
Cây nhú thêm mầm mới
Tiếng nồng say em gọi
Náo nức tuổi trăng lên
Cái giọng thì của em
Mà lời anh đấy nhỉ
Giữ em chẳng được nào
Hẹn nhau ngày thắng Mỹ
Lại hát tặng tiễn nhau
Như bạn  bè Quan họ
Rằng người đi người nhớ
Rằng người ơi người ở đừng về.
 
 
 
 
 
 
 
 
tin tức liên quan