Cuộc ném bom lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Ngày đăng: 03:26 05/10/2022 Lượt xem: 505
Cuộc ném bom lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai
 
QĐND - Trong cuốn sách “Từ thất bại đến thất bại: Chiến tranh đường không chống miền Bắc Việt Nam 1965-1966” (Gradual Failure: The Air War over North Vietnam, 1965-1966), xuất bản năm 2011, trang 258, tác giả Gia-cốp Van Xta-vê-ren (Jacob Van Staaveren) viết:

          … Một đỉnh điểm nổi bật nữa của Kế hoạch Sấm Rền (Rolling Thunder) là các cuộc Không kích miền Bắc bằng B-52 của Không quân chiến lược Mỹ. Mục tiêu là đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), cửa khẩu chính để miền Bắc đưa quân và hàng tiếp tế sang Nam Lào. Các nhà chức trách Mỹ đã thẩm định sâu rộng đề xuất của Tướng Oét-mo-len (Westmoreland), Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam (MACV), trước khi đi đến chấp thuận nó vào đầu tháng 4-1966. 
 
Các đoàn xe tải qua đèo Mụ Giạ. Không ảnh do Mỹ chụp ngày 9-2-1967.    
         
          Ngày 8-4, Bộ tham mưu liên quân Hoa Kỳ (JCS) gửi một mệnh lệnh tới Đô đốc Sác-pơ (Sharp), Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương và Tướng Na-da-rô (Nazzaro), Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ, cho phép B-52 xuất kích oanh tạc Bắc Việt Nam.
         Ngày 12-4-1966, với mật danh Rock Kick II, Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ lệnh cho các oanh tạc cơ không kích đèo Mụ Giạ bằng 30 chiếc B-52 và 30 chiếc KC-135 (máy bay tiếp dầu)… Mỗi chiếc B-52 mang 24 quả bom nặng 1.000 cân Anh (khoảng 450kg) trong khoang máy bay, 24 quả bom nặng 750 cân Anh (gần 350kg) trên thân máy bay. Tất cả những trái bom 750 cân Anh sẽ tạo hiệu quả làm nổ tung lớp đất dưới bề mặt của mặt đất, trong khi 30 trái bom 1.000 cân Anh được thiết kế theo hiệu ứng bom nổ chậm…
         Ở phía đất Việt Nam sát đoạn đường biên giới này, các B-52 đã rải thảm một khu vực 3 dặm dọc Đường 15. Dựa vào một cuộc họp báo tại Sài Gòn, báo chí Mỹ đã mô tả cuộc không kích này như một phi vụ ném bom quy mô lớn nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt.
          Người phát ngôn của Mỹ ở Sài Gòn ca tụng cuộc không kích là đạt kết quả “rõ rệt”, vì nó đã gây được hiệu ứng lở đất.          Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau, không ảnh và quan sát bằng mắt xác nhận là phía Cộng sản đã lại lưu thông xe cộ qua cửa khẩu sang Lào. Oét-mo-len thúc giục tiến hành cuộc không kích thứ hai và lưu ý rằng, vì lưu lượng giao thông gần đây gia tăng qua đèo Mụ Giạ, nên cả Không quân và Hải quân Mỹ cần tiếp tục các cuộc không kích bằng máy bay cấp chiến thuật, đồng thời cần áp dụng công nghệ dẫn đường bằng máy bay B-66 để bảo đảm cho các máy bay F-105 ném bom chính xác…
Cuộc không kích thứ hai của Không quân chiến lược Mỹ, mang mật danh Bích Kai-tơ (Big Kite) đã được thực hiện trôi chảy hơn cuộc thứ nhất. Các kíp bay có được các số liệu về mục tiêu chính xác hơn, các điểm ngắm được xác định dễ dàng hơn, nên các máy bay B-52 đều đã ném bom được đúng theo kế hoạch. Điều rủi ro duy nhất đã xảy ra là hai quả tên lửa SAM từ một trận địa cách Mụ Giạ không xa đã được phóng lên, nổ văng mảnh trúng một chiếc tiêm kích hộ vệ cho B-52, tuy nhiên nó không bị rơi. Không ảnh thu được sau cuộc oanh tạc cho thấy 32 hố bom dọc theo Đường 15 ở Bắc Việt Nam chạy về hướng đèo, nhưng sau 18 giờ đồng hồ, tất cả những hố bom này đã bị lấp. Các xe tải của đối phương lại ầm ầm lao về phía Nam Lào…

                   Tranh cãi
          Gia-cốp Van Xta-vê-ren viết tiếp:
        Tuy nhiên, cả Xu-li-van (Sullivan), Đại sứ Mỹ ở Lào lẫn Đô đốc Sác-pơ đều chống đối việc tiếp tục ném bom đèo Mụ Giạ. Đại sứ Mỹ ở Lào muốn tránh công bố trên truyền thông về các cuộc không kích nhằm vào vùng thuộc phía Lào của đèo Mụ Giạ. Xu-li-van chất vấn hiệu quả của các trận ném bom, cho là lãng phí khi dùng các loại bom quý hiếm đánh vào các mục tiêu ở Lào-những mục tiêu có thể dùng không quân chiến thuật để không kích một cách dễ dàng hơn, chính xác hơn.
        Lập trường chống dùng B-52 không kích đèo Mụ Giạ của Đô đốc Sác-pơ dựa trên sự đắt giá của kế hoạch này do phải dùng các loại bom hiếm, do hiệu quả thấp trong tạo hố bom trên đường và làm tắc nghẽn giao thông, cũng như việc B-52 dễ gặp nguy do được trang bị kém để tránh tên lửa SAM-2 mà các trận địa của đối phương được triển khai không xa đèo Mụ Giạ. Sác-pơ cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của Không quân chiến lược Mỹ là phá hủy các vật liệu làm chiến tranh, chứ không phải để phong tỏa đường vận chuyển. Các quan chức của chính quyền Mỹ đã ngả sang hướng Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) và Đại sứ Mỹ ở Lào, ngưng chiến dịch này một thời gian…
         "Hiệp đồng” với Tư lệnh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, tháng 2-1966, trong cuộc xét duyệt tài khóa 1966 để bổ sung chiến phí cho chiến tranh ở Việt Nam tại Hạ nghị viện Mỹ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu Liên quân, Tướng Uy-lơ (Wheeler) khẳng định: “Trọng lượng và gia tốc của các loại bom 750 và 500 cân Anh có tính năng xuyên sâu xuống đất trước khi nổ tung, do đó sẽ làm sụp các địa đạo và các hầm ngầm liên thông của đối phương”.
         Theo Tạp chí Đại học Không quân Mỹ (Air University Review) số ra tháng 1-2 năm 1968, Tướng Oét-mo-len từng chú trọng trực tiếp chọn lựa các mục tiêu không kích bằng B-52. Ông ta thăm Guy-am (Guam) trong tháng 6-1966 để “nói chuyện với các phi đội B-52 và giảng giải các nỗ lực của họ đã tương xứng với bố cục về chiến lược của cuộc chiến tranh đến mức nào”.
        Trong thư gửi Tham mưu trưởng Không lực Mỹ (CSAF), Tướng Mắc Co-neo (Mc Connell) tháng 8-1966, Oét-mo-len viết: “B-52 đã thường xuyên đạt kết quả trong việc làm cho đối phương phải bỏ dở chừng kế hoạch tiến công và ngăn chặn họ tiến hành chuyển quân theo kế hoạch”.
         Trên tờ Bưu điện chiều thứ bảy (Saturday Evening Post) ra tháng 6-1966, trong bài “Vì sao chúng ta có thể thắng ở Việt Nam” (Why We Can Win in Vietnam), một quân sư cho Nhà Trắng, Giô-dép An-xốp (Joseph Alsop), nhấn mạnh tầm quan trọng tối hậu của hậu cứ trong hình thái chiến tranh phi quy ước trong rừng rậm Việt Nam.
          Tạp chí Đại học Không quân Mỹ kiến giải “chìa khóa” cho chiến thắng của Mỹ ở Việt Nam, viết: “Tướng Oét-mo-len đã nhiều lần nhấn mạnh sự hài lòng của ông ta về các kết quả không kích bằng B-52 cho tới nay (1968). Các pháo đài bay đã cung cấp cho Oét-mo-len một công cụ triển khai hỏa lực tập trung trong nhiều khu vực tương đối rộng lớn, bất kỳ ngày hay đêm, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. B-52 đã chứng minh quan điểm sử dụng không quân chiến lược triệt hạ hậu cứ của đối phương là đúng”.
          Trong cuộc phỏng vấn của báo Tin Mỹ và phóng sự thế giới (U.S.News and World Report), tháng 11-1966, Tướng Oét-mo-len tiết lộ, đối phương đã nhận thấy B-52 là loại vũ khí khủng khiếp nhất trong các phương tiện chiến tranh mà Mỹ từng triển khai trong cuộc chiến tranh này.
          Kết quả là, theo tác giả Gia-cốp Van Xta-vê-ren, các máy bay B-52 đã được dùng trở lại để không kích vùng đèo Mụ Giạ vào tháng 12-1966.
           Từ kỳ vọng đến ảo vọng
           Trong bài “Chống nổi dậy từ độ cao 10 nghìn mét: B-52 tham chiến ở Việt Nam”, Tạp chí Đại học Không quân Mỹ số ra tháng 1-2 năm 1968, viết: “Việc sử dụng một cách vô song, thừa thãi hỏa lực như một vật thế chấp thay cho sinh lực-một đặc tính nổi bật của phương thức làm chiến tranh của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam”.
         Vẫn theo tạp chí này, “trong 18 tháng kể từ tháng 6-1965 (B-52 lần đầu tham chiến, không kích một căn cứ du kích tại Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đến tháng 12-1966, lực lượng Không quân chiến lược B-52 tại Đông Nam Á đã ném hơn 130 ngàn tấn bom có sức công phá mạnh trong gần 800 phi vụ không kích. Trong giai đoạn đó, gần 98% lượng bom ném đã trúng mục tiêu nêu trong kế hoạch đánh phá...”.
         “Sẽ là hợp lý khi cho rằng đóng góp chính của B-52 cho tới nay (1968) ở Việt Nam là siết chặt sự linh động và thu hẹp phạm vi hoạt động của đối phương. Cũng cần nhấn mạnh hiệu quả về mặt tâm lý lên đối phương, tạo nên nỗi ám ảnh bị B-52 rải thảm, từ đó gây hiệu ứng làm cạn kiệt sự năng động của họ trong hoạch định các chiến dịch lớn” (trích Tạp chí Đại học Không quân Mỹ).
        Hy vọng vào hiệu quả hủy diệt và năng lực làm bại hoại ý chí đối phương tăng lên, cùng với cường độ cuộc chiến “một phía” bởi các pháo đài bay “bất khả xâm phạm” trên độ cao 10 nghìn mét chống lại nguyện vọng và ý chí thống nhất của Việt Nam. Bảo bối này sẽ được tung ra hết cỡ (trong 12 ngày đêm bay gần 800 phi vụ, ném 13.650 tấn bom vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên...)(*) để áp đặt Việt Nam ký kết Hiệp định Pa-ri theo điều kiện của Mỹ vào cuối năm 1972. Nhưng những quả tên lửa còn “vuốt đuôi” B-52 sáu năm trước đây, nay đã biến những “pháo đài bay” thành những “dàn hỏa thiêu” cháy sáng rực bầu trời Hà Nội.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)
tin tức liên quan