Võ Bẩm, người ghi dấu trên đường 559

Ngày đăng: 10:27 23/12/2015 Lượt xem: 1.957

Võ Bẩm, người ghi dấu trên đường 559


Đồng chí Võ Bẩm.
Đồng chí Võ Bẩm.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh tại xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh (nay xã Tịnh Khê, thuộc TP. Quảng Ngãi) nhưng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã ghi dấu trên đường 559, sau này là con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

 

Võ Bẩm sinh năm Ất Mão -1915 tại xã Tịnh Khê. Ông còn có các tên Võ Tân Vinh (khi đi học chữ Nho ở quê nhà), Võ Hồng Đức (khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương - 1934), Võ Văn Định (trong 9 năm chống Pháp), Võ Văn Phúc (khi được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn). Cha ông là cụ Võ Thạc, một yếu nhân trong vụ mưu khởi Duy Tân, bị Pháp bắt giam và tra tấn cho đến chết (1916).

Võ Bẩm tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, nhiều lần bị Pháp bắt đưa đi đày ở các nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột, Căng an trí Ba Tơ… Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông từng đảm nhận các chức vụ Bí thư Huyện uỷ huyện Sơn Tịnh, Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Quảng Ngãi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông giữ các chức vụ từ Chính trị viên tiểu đoàn đến Chính uỷ trung đoàn.

Tháng 1.1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng) tổ chức tại Hà Nội do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, bàn về nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, vạch ra đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà. Tháng 2.1959, Tổng quân uỷ họp bàn những nhiệm vụ khẩn thiết về chi viện, xây dựng lực luợng ở miền Nam và phát huy vai trò của miền Bắc đối với miền Nam trong cuộc đấu tranh chung.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến vận tải giao liên quân sự để chi viện vũ khí, đạn dược, thuốc men…vào miền Nam với phương châm hoạt động: Tuyệt đối bí mật và an toàn. Thượng tá Võ Bẩm là người được Bác Hồ và Trung ương tin cẩn giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường đặc biệt này với vai trò Đoàn trưởng, kiêm Bí thư Ban cán sự. Biên chế của Đoàn ban đầu chỉ 500 người, gồm: Ban chỉ huy, Đoàn vận tải 301, các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh viếng nhà thờ đồng chí Võ Bẩm tại xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi).                                                  Ảnh: H.T
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh viếng nhà thờ đồng chí Võ Bẩm tại xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi). Ảnh: H.T


Sau này, ông kể lại trong hồi ký của mình: “Ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ cũng là ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác và bằng sự nhạy cảm đặc biệt, chúng tôi thống nhất lấy ngày 19.5.1959 là ngày truyền thống của đoàn, và Đoàn công tác quân sự đặc biệt lấy tên là Đoàn 559. Và như một sự thống nhất biện chứng, con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá sau này cũng được các chiến sĩ cùng đồng bào cả nước gọi là đường Hồ Chí Minh”.
 

Kinh qua nhiều chức vụ trong quân đội

Sau quãng thời gian công tác trên mặt trận đường 559, đồng chí Võ Bẩm lần lượt đảm nhận các chức vụ: Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục – Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu, Phó Tổng Thanh tra quân đội. Năm 1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Ông qua đời ngày 5.7.2008 tại Hà Nội.

Đầu tháng 6.1959, Võ Bẩm trực tiếp vào Hồ Xá – Vĩnh Linh (Quảng Trị) chủ trì cuộc họp bàn những việc cụ thể với đại diện Khu 5 và Trị - Thiên về việc mở đường vào Nam. Sau hội nghị, Đoàn 559 tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy. Qua tìm hiểu, khảo sát địa hình tây nam Quảng Bình, tây Vĩnh Linh và Trị - Thiên, kết hợp với nghiên cứu con đường do Lữ đoàn 270 – Quân khu 4 đã mở, nhằm cơ động lực lượng phòng thủ khu vực giới tuyến, Đoàn khảo sát quyết định chọn Khe Hó (một lạch nước sâu, hẹp chảy dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn Rào Thanh, tây nam Vĩnh Linh; cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa-PV) làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải xuyên Trường Sơn.

Giữ vững nguyên tắc bí mật, tuyến giao liên ban đầu phải tránh xa các bản làng, trong khi khảo sát mở đường, Đoàn không đi theo những lối mòn thuận lợi sẵn có, mà phải tìm lối đi mới ở bình độ cao hơn. Nguyên tắc cho mọi hành động lúc này là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Ngày 13.8.1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn vận tải 301 (thuộc Đoàn 559) chính thức vượt Trường Sơn với 20 tấn vũ khí là chiến lợi phẩm trong kháng chiến chống Pháp. Sau 8 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ băng rừng lội suối, chuyến hàng vào đến Tà Riệp - bắc A Lưới bàn giao cho Khu uỷ 5 an toàn.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, Đoàn 559 đã lập nên nhiều kỳ tích: Suốt gần hai năm đầu, mọi việc vận chuyển đều được thực hiện bằng sức người. Mỗi chiến sĩ phải cõng 30 - 40kg trên lưng, trèo lên núi cao, vượt qua ghềnh thác. Để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, ông đề nghị phương án mượn đường của nước bạn Lào để mở con đường vận chuyện cơ giới. Ông cũng là người đầu tiên thí điểm mô hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh trên biển về sau.

Trong một giai đoạn ngắn, hàng trăm nghìn tấn hàng hóa bao gồm súng ống, đạn dược, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua dãy Trường Sơn, đi sâu vào Nam, đảm bảo chi viện kịp thời cho tiền tuyến. Đường Trường Sơn đã trở thành con đường chiến lược, góp phần dẫn đến chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những ngày cuối cùng sống trên đỉnh Trường Sơn, ông bị xuất huyết não. Năm 1966, sau khi đường 20 mang tên đường Quyết Thắng, một hành lang vận chuyển chiến lược quan trọng trong hệ thống đường Trường Sơn hoàn thành, ông được đưa ra Hà Nội để chữa bệnh.

                                                                                                                                                                             NGUYÊN TÚ

tin tức liên quan