Danh mục 5 trục dọc và 21 trục ngang.

Ngày đăng: 09:04 16/02/2020 Lượt xem: 4.007
Phần 3
DANH MỤC 5 TRỤC DỌC VÀ 21 TRỤC NGANG ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN (1959-1975)
 
Trong các phương tiện truyền thống đại chúng, trong các tài liệu, sách báo, phim ảnh đều thống nhất: “Hệ thống đường Trường Sơn gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, dài gần 20.000 km”. Để tìm hiểu, nghiên cứu một cách tổng thể Hệ thống đường Trường Sơn, trong giới hạn các tư liệu lịch sử hiện có, Ban biên tập đã cố gắng trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu về các trục dọc, trục ngang như sau:
 
A-Định nghĩa Trục dọc và Trục ngang

Trong các tài liệu lịch sử chính thống cũng như các tài liệu tuyên truyền hiện chưa có tài liệu nào thống kê đầy đủ và cụ thể tên 5 trục dọc và 21 trục ngang là những trục nào. Để hợp thức hóa 5 trục dọc và 21 trục ngang mà chúng ta quen nói, Ban Biên tập đã đề xuất danh mục các trục đường Trường Sơn lên Thường trực Hội Trường Sơn thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên danh sách 5 trục dọc và 21 trục ngang được trình bày trong cuốn sách này chỉ mang tính tương đổi.
Để có cơ sở phân loại, thống kê, trước tiên phải định nghĩa thế nào là “Trục đường” thế nào là “Trục dọc”, “Trục ngang”. Sự phân chia, phân loại này chỉ là tương đối có tính quy ước.

1/ Trục đường:
Trong cuốn sách này khái niệm “Trục đường” là một nhóm các nhánh đường có cùng một chức năng, nằm trên cùng một hướng địa lý. Phân chia các trục đường hoàn toàn mang tính quy ước. Thông thường mỗi “Trục đường” gồm có: Nhánh chính, nhánh phụ, nhánh hỗ trợ, nhánh vòng tránh có cùng chức năng, hoặc có hai hay nhiều tuyến nối tiếp nhau. Có hai loại trục “Trục đường” là  “Trục dọc” và  “Trục ngang”.
2/Trục dọc.
-Là trục chính tiếp nhận hàng từ hậu phương, hoặc từ các trục ngang vượt khẩu (Đông- Tây) chạy tiếp về hướng các chiến trướng rồi từ đó tỏa đi các trục ngang vượt khẩu (Tây- Đông) và đến các hướng chiến trường. Trục dọc là các “xương sống” của cả Hệ thống đường.
-Trục dọc có hướng chủ đạo là Bắc- Nam.
3/Trục ngang
Là các trục đường mang tính cục bộ, bao gồm:
- Các trục vượt khẩu từ Việt Nam sang Lào (còn gọi là tuyến vượt khẩu Đông - Tây).
- Các trục vượt khẩu từ Tây Trường Sơn về Việt Nam (còn gọi là tuyến vượt khẩu Tây - Đông).
- Các trục nối giữa các trục dọc với nhau, giữa trục dọc với một trục ngang khác tạo thành mối liên kết mạng.
-Các trục vươn đến các hướng chiến trường, đến các địa bàn  chiến dịch.
-Hướng chủ đạo là Đông - Tây, Tây - Đông. Tuy nhiên nhiều đường theo hướng Bắc- Nam vẫn gọi là đường ngang như: Đường 12 vượt khẩu qua  đèo Mụ Giạ, Đường 20 vượt khẩu qua Cà Roòng, Đường 16B (Làng Ho- Hường Hóa) phục vụ chiến dịch Khe Sanh, năm 1968; Đường 15N phục vụ chiến dịch Quảng Trị và Thừa Thiên Huế năm 1972, Đường 17… 
Để người đọc xác định được vị trí các Trục đường, chúng tôi có 3 bản vẽ minh họa:
-Bản đồ Đường Chiến lược Hồ Chí Minh, chỉ vễ các trục chính theo danh mục, bỏ qua các nhánh phụ, nhánh vòng tránh.
- Sơ đồ quan hệ giữa các Trục dọc và Trục ngang. Tất cả các trục đường đã được duỗi thẳng.
 
B-Danh mục 5 trục dọc.
Trong 05 trục dọc của hệ thống đường Hồ Chí Minh có:
- 01 trục xuyên suốt Trường Sơn trên đất Việt Nam đó là trục “Đông Trường Sơn”,.
- 01 trục xuyên suốt Tây Trường Sơn trên đất Lào, một phần Căm Pu Chia  và Việt Nam là trục Đường 128
- 03 trục dọc khác ngắn hơn trên đất Lào.
Để người đọc dễ hình dung, mỗi Trục đường ngoài “Tên trục đường”, tên các “nhánh đường”, người biên tập còn trình bày tóm tắt quá trình hình thành các trục đường.
Các trục dọc được quản lý bởi nhiều đơn vị, binh trạm khác nhau nên không trình bày đơn vị quản lý.
 
1-Trục dọc “Đông Trường Sơn: Bao gồm 3 tuyến đường chính thuộc ba thời kỳ.
-Đường 15 (do Bộ đội Trường Sơn quản lý) đoạn Lạc Thiện - Bãi Hà - Cam Lộ chiều dài 338 km xây dựng chủ yếu vào các năm 1960-1966. Đây là trục sử dụng ngay trong thời gian đầu và trong suốt thời gian chiến tranh. Đường 42 Bến Tắt - Cam Lộ được Cụ Công Binh đăng ký thành một đoạn Đường 15, nâng cấp năm 1974.
-Đường 14 Công Binh xây dựng năm 1971-1973 dài 254 km (cả đoạn bắc và nam Đường 9). Đoạn bắc Đường 9 (Cầu Khỉ - Hướng Hóa) dài 67 km, sau đó kéo dài vào phía nam đến Xưởng Giấy dài tổng cộng 208 km.
-Đường Đông Trường Sơn “xây dựng cơ bản”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án, xây dựng năm 1974-1975 và tiếp tục xây dựng sau năm 1975 từ Tân Kỳ- Chơn Thành, dài 1.200 km. Là trục dọc xuyên suốt Trường Sơn ở phía Đông.
Đường Đông Trường Sơn “xây dựng cơ bản” có hướng tuyến chủ yếu đi theo Đường 15 (Bắc Đường 9) và theo hướng tuyến Đường 14 Công binh (Nam Đường 9). Như vậy trục dọc Đông Trường Sơn là trục bao trùm lên cả Đường 15 và Đường 14.
 
    2-Trục dọc Đường 128
Trục Đường 128 là trục dọc xương sống của Hệ thống Đường Trường Sơn. Tuyến bắt đầu từ chân đèo Mụ Giạ, phía tỉnh Khăm Muộn (Lào) kéo dài đến Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước của Việt Nam. Trục dọc 128 bao gồm các tuyến: Đường 128 A, Đường hỗ trợ Đ128B, các đoạn vòng tránh.
(Ghi chú: Năm 1973, đoạn Đ12 Mụ Giạ-Lằng Khằng và đăng ký vào Đường 128).
Vào năm 1965 xây dựng 2 đoạn đầu tiên: Đoạn Xóm Péng- Na Bo (Bắc Đường 9) do Công Trường 128 xây dựng; đoạn Sa Đì - sông Bạc (Nam Đường 9) do Trung đoàn 98 thi công.
-Tiếp theo Đường 35 (Na Bo-Sa Đì) được xây dựng năm  1965-1966, sau khi hoàn thành, Đường 35 được đăng ký thành một đoạn của Đường 128.
-Năm 1968, Đường 128B từ bản Na Lai- đến Đường 9 (tây Na Bo 8 km) dài 96 km là tuyến Đường ”kin” hỗ trợ cho Đường 128A
-Vào năm 1968, Đường 128 tiếp tục được kéo dài vào đến Ngã ba Biên giới. Đoạn Mụ Giạ - Tà Xẻng (Ngã ba Biên giới) hoàn toàn nằm trên đất Lào.
-Đoạn Tà Xẻng- Sê Rê Pốc: Năm 1969 Trung đoàn 98 xây dựng kéo dài Đ128 vào đến Sê Rê Pốc, rồi sau đó vào đến Bù Gia Mập. Đoạn Sê Sụ - Bù Gia Mập đi dọc biên giới Việt Nam - Căm Pu Chia, có đoạn đi trên đất Căn Pu Chia. Gọi là trục dọc Tây Trường Sơn, nhưng có một đoạn cuối khá dài chạy trên đất Việt Nam.
Ngoài ra Trục chính 128 còn có số lượng đường vòng tránh rất lớn. Tiêu biểu là: Tránh Lằng Khằng, Xóm Péng, đèo Văng Mu, Tha Mé, tránh Đèo Long, tránh Tăng Cát, tránh Bạc...
 
  3-Trục dọc Đường 29-Đường 22
-Đường 29 được Trung đoàn Công binh 98 khởi công xây dựng ngày 09 tháng 8 năm 1964. Đường 29A bắt đầu từ Bản Đông (huyện Sê Pôn) trên Đường 9 và điểm cuối là Sa Đì (huyện Mường Noòng) dài 28 km. Ban đầu Đường 29 được hoạt động như là một đoạn của Đ128. Sau khi Đường “tắt” 35 xây dựng và thành một đoạn của Đường 128 thì Đường 29A thành một trục riêng. Tuy có chiều dài ngắn nhưng lại rất quan trọng, được sắp xếp là đoạn đầu của một trục riêng.
Đường 29B dài 26 km (xây dựng 1968) cùng với Đường 29C (điểm đầu Km3-Đường B70, điểm cuối Km23 Đường Sa Đi- Bạc. Chiều dài 31km) là một tuyến tránh song song hỗ trợ cho Đường 29A.
-Đường 22 được xây dựng cuối năm 1969 đầu năm 1970. Điểm đầu: Sa Đì (Km 236 trục dọc Đ128), nối tiếp với Đường 29.
-Điểm cuối Km4 đường Tăng cát C
-Chiều dài 135km.
Đường 22A nằm về phía Tây và song song với Đường 128 đã trở thành một trục dọc thuận lợi để vận chuyển hàng vào chiến trường. Đặc biệt tuyến Xăng dầu nhánh Tây được xây dựng dọc theo Đường 22A.
Nhánh 22B, 22C là 2 nhánh hỗ trợ Đường 22 A.
Đường 29 và Đường 22 nối tiếp nhau thành một trục dọc thứ hai ở Tây Trường Sơn.
 
  4-Trục dọc Đường kín 24
Đường 24 bắt đầu từ Km6 Đường 18. Điểm cuối: Kho K4 của Binh trạm 37. Chiều dài tuyến chính là 533 km.
Năm 1971, để chống lại máy bay AC130, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định xây dựng Đường “kin” 24. Đường 24 được xây dựng trong một thời gian kỷ lục với sự huy động cao nhất lực lượng công binh Trường Sơn và các lực lượng khác hỗ trợ. Đường 24 là một sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn. Khi Đường 24 hoàn thành, các đoàn xe ô tô vận tải chạy theo đội hình lớn giữa ban ngày, năng suất vận chuyển tăng lên nhanh chóng.
Tuy tuyến chính chỉ dài 533 km (hai chiều), nhưng rất nhiều tuyến nhánh, tuyến tránh cả dọc và ngang đều được xây dựng theo cách thức “kin” với tổng số chiều dài khoảng 3.400 km.
 
5-Trục dọc Đường 129-Đường 23
-Đường 129 là trục dọc đầu tiên ở Tây Trường Sơn do các tiểu đoàn Công binh Quân khu 4 xây dựng năm 1961, được Bộ đội Trường Sơn sử dụng đầu tiên từ năm 1962 cho đến 1975. Đường 129 bắt đầu Lằng Khằng đi Kê Pô, chiều dài 180 km. Sau khi đoạn Lằng Khằng- Xóm Péng đăng ký vào Đường 128, thì chiều dài Đ 129 là 132 km.
-Đường 23 (đoạn Mường Phìn đi Tha Teng) dài 208 km, là trục được Bộ đội Trường Sơn sử dụng thường xuyên bắt đầu từ năm 1971, trong và sau chiến lịch Đường 9- Nam Lào (Lam Sơn 719).
Trong các năm 1971-1975 trục Đ129 - Đ23 là một hướng vận chuyến chính yếu.
Đường 129 được xây dựng và sử dụng thời kỳ đầu tiên. Đến 1971, Đường 129 đã được Đường 23 nối tiếp thành một “trục dọc” xa nhất về phía Tây do Bộ đội Trường Sơn quản lý, được sử dụng có hiệu quả trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.
 
C-Thông kê 21 trục ngang.
Thống kê phần lớn theo thứ tự từ Bắc vào Nam.
 
1-Đường 8:
Là trục ngang từ thị trấn Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) sang thị trấn Lạc Sao (huyện Khăm Cớt- tỉnh Bolykhămxay) rồi kéo dài đến ngã ba Nậm Thơn (tỉnh Khăm Muộn). Đường 8 đã được các Binh trạm của Tổng cục Hậu cần sử dụng từ các năm 1965-1968. Đây là trục có vĩ tuyến cao nhất mà Bộ đội Trường Sơn sử dụng như một tuyến vu hồi trong giai đoạn 1968-1969 khi cửa khẩu Đường 12 qua Mụ Giạ bị máy bay Mỹ làm tê liệt. Tuyến Đường 8- Đường 8B - Đường 12 (Binh trạm 31) có cự ly dài, địa hình khó khăn nên chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn. Quản lý Đường 8 là Binh trạm 27 của Đoàn 500. 
 
2-Đường 12:
Là trục ngang cơ giới vượt khẩu (Đông-Tây) đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn được sử dụng từ năm 1962 đến hết cuộc chiến tranh. Đường 12 nối ba trục dọc chính là Đường Đông Trường Sơn (Đường 15) tại Khe Ve ở phía Đông và Đường 128 và 129 tại Lằng Khằng ở phía Tây. Đường 12 do Trường Sơn Quản lý dài 88 km (Khe Ve- Khe Nét). Hỗ trợ cho Đường 12 là Đường 12B, Đường 050 và 060. Đường 12 do Binh trạm 12 (đoạn Khe Ve- Mụ Giạ) và Binh trạm 31 (đoạn Mụ Giạ- Lằng Khằng- Khe Nét) quản lý và bảo đảm giao thông. Từ tháng 10 năm 1969, toàn bộ Đường 12 do Bộ Tư lệnh 559- Trường Sơn quản lý.

3-Đường 83:
Là trục ngang nối giữa một trục ngang là Đường 12  và trục dọc là Đường 128A.
Đường do Trung đoàn Công binh 83 xây dựng cuối năm 1968, nhằm giải tỏa ách tắc tại trọng điểm Lằng Khằng, Seng Phan, Xóm Péng...Tổng chiều dài cả hai nhánh 83A và 83B là 51 km. Đường 83 do Binh trạm 31 quản lý.

4-Đường 20 Quyết Thắng:
Là trục vượt khẩu Đông- Tây thứ hai (không kể Đường 8). Đường 20 nối trục dọc Đông Trường Sơn (Đ15) và Trục dọc Tây Trường Sơn (Đ128)
Đường 20 bắt đầu từ thôn Phong Nha, vượt biên giới Việt Lào (Km63) sang gặp Đường 128 (Km123) tại Lùm Bùm. Đường do Bộ đội, Thanh niên xung phong Trường Sơn xây dựng đầu năm 1966, hoàn thành sau 4 tháng thi công. Đường 20 là một tuyến đường bị đánh phá khốc liệt nhất, đồng thời cũng là nơi thử thách tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường của những chàng trai, cô gái lứa tuổi 20. Đây là một trục đường được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là: “Một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan” trong Hệ thống đường Trường Sơn.
Đường 20 không phải là một con đường duy nhất mà là một hệ thống các nhánh đường: 20A, 20B, 20C, 20D, 20E, Đường K, QA10, Qz25...
Đường 20 do Binh trạm 14 và Binh trạm 32 quản lý. Sau tháng 10-1969 Đường 20 do Binh trạm 14 quản lý toàn bộ.
 
5-Đường 10-Đường 18
Là trục vượt khẩu thứ 3 từ trục dọc Đông Trường Sơn (Đ15) sang Đường 9 tại Sê Pôn- Lào. Tổng chiều dài là 134 km.
Trục ngang này gồm hai đường nối tiếp nhau. Đường 10 bắt đầu từ Áng Sơn (trên Đường 15) đến Km 42, tiếp đó Km42/Đ10 là điểm khởi đầu của Đường 18. Tại Km 42/Đ10 là Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559- Trường Sơn năm 1969-1970. Đường 18 vượt Biên giới và qua những đèo hiểm trở: Đèo 400, Đèo 700, Đèo 900, Pha băng Nưa, Bản Cọ.. đồng thời cũng là những trọng điểm đánh phá ác liệt.
Đường ống xăng dầu năm 1969 cũng được xây dựng theo hướng Đường 18. Đường 18 là trục ngang đến Đường 9 ngắn hơn nhiều so với Đường 20. Trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, đây là một đường chiến dịch vận chuyển lượng thực thực phẩm và vũ khi cho các đơn vị chiến đấu trên Đường 9 năm 1971.
Quản lý trục Đường 10-Đường 18 là Binh trạm 27.
 
6-Đường 16
Là trục ngang vượt khẩu Đông-Tây thứ tư bắt đầu từ Thạch Bàn (Lệ Thủy, Quảng Bình) vượt Biên giới, vượt sông Sê Băng Hiêng xuống Đường 9 tại Bản Đông (Sê Pôn, Lào). Chiều dài tuyến chính Đường 16A là 116 km.
Đường 16 phục vụ rất hiệu quả cho Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (Lam Sơn 719). Đường 16 có rất nhiều tuyến tránh, tuyến hỗ trợ : 16B, 16C, 16D...
Hai trung đoàn Công binh 98 và 219 thi công mở thông vào tháng 11năm 1970
Đây là tuyến vượt khẩu ngắn nhất đến Đường 9 (không kể Đường 9). Năm 1974, tuyến đường ống xăng dầu nhánh Tây đi theo Đường 16 xuống Bản Đông rồi kéo dài theo Đường 22, 128 vào đến Plây Khốc hợp với nhành Đông để đến Bù Gia mập. Quản lý trục Đường 16 là Binh tạm 9.
 
7-Đường 9
Đường 9 cắt ngang hai nước Việt Nam và Lào từ Đông Hà (Quảng Trị, Việt Nam) đến tỉnh lỵ tỉnh Savanakhet  bên bờ sông Mê Công (Lào). Trong hệ thống đường Hồ Chí Minh Đường 9 là một tuyến đường ngang có vị trí đặc biệt. Vừa là trung tâm liên kết giữa các trục dọc, trục ngang, vừa là trục vượt khẩu theo cả hai hướng Tây-Đông và Đông-Tây. Đường 9 cắt cả 5 Trục dọc: Trục Đông Trường Sơn tại Đắc Rông, trục Đường 29A- 22 tại Bản Đông, trục Đường 128 tại Na Bo, trục Đường “kin” 24 tại Nam bản Sa Loi (đông Mường Phìn), trục Đường 129-Đ23 tại huyện Mường Phìn.
Đường 9 còn là đích đến của các đường ngang: Đ16, Đ18, đường Máy Húc và là điểm xuất phát của các đường ngang 15N, Đ36,...
Bắc và nam Đường 9 là các tổng kho chiến lược của Bộ đội Trường Sơn: Kho Vinh, kho Cù Lục, kho Mường Phìn...
Hỗ trợ đường 9 còn có nhiều nhánh đường song song: đường Thà Khống-Bản Đông, đường Noọng Ca Đeng- Thà Khống...
Đường 9 là chiến trường của Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971. Nơi có Bảo tàng Hữu nghị Việt Nam- Lào tại Bản Đông. 
 
8-Đường B70
Là trục ngang vượt khẩu Tây - Đông đầu tiên sau Đường 9, nối từ Đường 29A tại Tam Luông, huyện Mường Noòng, tỉnh Savanakhet về  Hướng Hóa, tây Quảng Trị. Chiều dài là  118 km
Đơn vị thi công là Trung đoàn Công binh 83 và Trung đoàn Công binh 7. Thời gian thi công năm 1968, 1970
Đơn vị quản lý: Binh trạm 41.
Đường chuyển tiếp và hỗ trợ: Đường Hương Hóa - Sa Trầm.
 
9-Đường B71
Bắt đầu từ La Nam (xã Hồng Vân, huyện A Lưới) đến  Khe Tre. Chiều dài  26 km .
Là trục ngang phục vụ chiến dịch “Tiến công và nổi dậy” tại thành phố Huế năm 1968. Năm 1971-1972 đường tiếp tục được khôi phục và kéo dài phục vụ chiến dịch Quảng Trị - Thừa Thiên.
Quản lý Đường B71 là Binh trạm 41.
 
10-Đường B72
Là đường ngang phục vụ chiến dịch “Tiến công và nổi dậy Mậu Thân-1968”, bắt đầu từ Km 43/ Đường B45 kéo dài đến Bình Điền, áp sát phía tây thành phố Huế.
Thi công đầu năm 1967, và phục hồi nâng cấp năm 1974.
Chiều dài  46  km. Phục vụ Chiến dịch Thừa Thiên- Huế năm 1968 và Xuân năm 1975. Đường B72 do Binh trạm 42 quản lý.
 
 11-Đường B73
Bắt đầu tủ ngã ba với Đường 14 tại A Sầu (Km 85 Đường 14) đi về Trà Vệ (Km127 - Đường 15N). Chiều dài  36  km.
Thời gian thi công đầu năm 1967 qua các địa danh xã Hương Phong, Hương Nguyên, cắt thượng nguồn sông Tả Trạch đến Hương Phú, phía nam động Li Hi về điểm cuối tại Khe Tre. Từ Khe Tre đã có đường cũ về huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên và về Mũi Trâu đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Đường B73 do Binh trạm 42 quản lý.
 
12-Đường B45. Tuyến vượt khẩu Tây-Đông thứ 2 sau Đường B70
Tổng chiều dài 210 km. Gồm các nhánh: Đường B45A, B45B
-Đường B45A: Bắt đầu từ ngã ba với Đường 128 tại  La Hạp (Lào), vượt biên giới về đến Trao (Quảng Nam). Chiều dài  171  km
Tháng 2 năm1967 xây dựng Đường B45 kéo dài đến Trao rồi đến Bung.
Đường 45B: Bắt đầu từ Km27 /Đ45A đến điểm cuối Km 110/ Đường B70. Dài  39 km
Đường B45A và B đều có chức năng vượt khẩu đưa hàng vào  Trị Thiên và Tây Nguyên
Đường B45 do Công binh Binh trạm 34 thi công đoạn Rừng Thông- A Túc, Trung đoàn 10 của Binh trạm 7 thi công tiếp từ A Túc đến dốc Con Mèo sau đó làm tiếp xuống đến Xưởng Giấy. Quản lý đường B45 là Binh trạm 33 và Binh trạm 42. 
 
13-Đường B46
Là một trục ngang vượt khẩu Tây- Đông thứ 3 nối Trục dọc Đ128 tại Chà Vằn nối với Đường 14 tại Đruđoóc (Công Tum, Việt Nam). Đây là tuyến ngang vượt khẩu quan trọng đưa hậu cần vào chiến trường Tây Nguyên.
Chiều dài trên đất Lào 78 km. Toàn tuyến dài 146 km. Đơn vị thi công là Trung đoàn Công binh 10. Thời gian hoàn thành là 10 năm1968. Hỗ trợ cho B46 là tuyến Lan Tôn- Khâm Đức dài 40 km. Quản lý và đảm bảo giao thông trục B46 là Binh trạm 44
 
14-Đường 25
Là một trục ngang nối 3 trục dọc: Đường 22, Đường 24, Đường 23.
Điểm đầu tại bản Na Phô (Km86/Đ23), điểm cuối  Km74/Đường 22A, chiều dài 56 km.
Đây là đường ngang cơ động đảm bảo vận chuyển liên tục ít tắc đường trong thời gian vận chuyển.
-Trung đoàn 10 thi công và hoàn thành trong tháng 1 năm 1971. Binh trạm 39 quản lý Đường 25.
 
16-Đường 50
Điểm đầu: Km5/Đường 32, điểm cuối: Km 32/Đường B46. Chiều  dài  50  km.
Đường 50 chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hoá và binh khí kỹ thuật nối từ Kho Y1 trên Đường 128 phía Bắc sang Đường B46. Khi hàng hoá từ miền Bắc vào đầu mùa khô chưa đáp ứng được yêu cầu, thì Đường 50 (tránh Chà Vằn) sẽ đảm nhận việc vận chuyển lương thực, thực phẩm thuốc men, xăng dầu từ nguồn hàng khai thác từ Căm Pu Chia phía Nam theo đường C4(49A) vào Khu 5. Đây là mạng đường tam giác chiến thuật lợi hại của Binh trạm 36, có nhiều tác dụng trong thời gian dài.
Đường 50 do Binh trạm 36 xây dựng và quản lý, bảo vệ.
 
17-Đường 16 L (thêm chữ L vào tên để phân biệt với Đường 16 Thạch Ban- Bản Đông):  Bản Phồn-Tha Teng- Păc Xoòng
Đường 16, đoạn từ Bản Phồn-Tha Teng đi Pác Xoòng là một trục đường có từ trước, Bộ đội Trường Sơn cải tạo sử dụng. Đây là một trục hướng đến chiến trường là cao nguyên Bô Lô Ven và khu vực Sa Ra Van. Sư đoàn quân tình nguyện 968 đã đánh nhiều trận giải phóng Sa Ra Van, Tha Teng và Pắc Xoòng. Trên đường đi kiểm tra một đơn vị tiền tiêu của F968 ở Pác Xoòng, Chính ủy Đặng Tính, Vũ Quang Bình (Chính ủy F968), Nguyễn Thúc Yêm (Cục phó Cục Tham mưu Công binh) Nhạc sĩ Trịnh Quý  cùng lái xe và đồng chí y tá đã hy sinh ngày 03 tháng 4 năm 1973 do xe trúng mìn trên Đường 16L.
 
18-Đường ngang  Đ49
Đường ngang 49A, 49B là một mạng đường từ Ngã ba Biên giới xuống đến Stung Treng, Căm Pu Chia (bao gồm cả đường sông).
Từ năm 1964-1966 Đường C4 là đường gùi thồ lương thực, thực phẩm và xăng dầu của “Ông Chủ” Đức Phương thu mua từ Đông Bắc Căm Pu Chia vận chuyển về cung cấp cho Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ năm 1966, Trung đoàn 98 thi công thần tốc Đường C4 thành đường ô tô, tiếp tục vận chuyển hàng của “Ông Chủ” Đức Phương bằng ô tô.
Từ Đường C4 nâng cấp thành Đường 49A, rồi mở thêm Đường 49B, Đường kín, các Đường Binh trạm 51, Binh trạm 52...
Quản lý Đường 49 là các Binh trạm 50, 51, 52, Binh trạm 53 (chỉ quản lý đường sông)
Sau năm 1970, Bộ Tư lệnh 470 được thành lập, đây vẫn là tuyến quan trọng vận chuyển hậu cần, vũ khí xuôi dòng Sê Công xuống Strung Treng rồi theo Đường 19 vào Thăng Đức cung cấp cho Tây Nguyên và Nam Bộ.
 
19-Đường 19: Stung Treng (Căm Pu Chia)- Thăng Đức (Gia Lai- Việt Nam)
Đây là tuyến ngang từ Strung Treng (Căm Pu Chía) trở lại Tây Nguyên (vượt khẩu Tây - Đông). Đường 19 là đường cũ của Căm Pu Chia được bộ đội Trường Sơn sửa chữa, nâng cấp và sử dụng.
Song song với Đường 19 cũ, Bộ đội Trường Sơn còn xây dựng một đường “kín” gọi là Đ19K.
Ngoài chức năng đường vượt khẩu vận chuyển hàng hậu cần, vũ khí cho Tây Nguyên và Nam Bộ, Đường 19 còn là hướng hành quân của các đơn vị bộ đội, các đoàn binh khí kỹ thuật vào, ra chiến trường Tây nguyên và Nam Bộ.
 
20-Đường 15N
Điểm đầu: Mai Lĩnh Phường (Quảng Trị)  trên Đường 9,
Điểm cuối : La Hi . Chiều dài  192  km.
Là trục đường phục vụ chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Mặc dù tuyến chạy theo hướng Bắc-Nam nhưng theo định nghĩa Đường 15 N xếp vào loại trục ngang.
Trong lúc chiến sự diễn ra quyết liệt ở phía Đông, hai Trung đoàn Công binh 217 và 229 thi công gấp tuyến đường 15N để các đơn vị chủ lực đưa pháo xuống thượng nguồn sông Mỹ Chánh chia lửa với Thành cổ Quảng Trị.
Quản lý Đường 15 N là Sư đoàn 473 (1973-1975)
 
21-Đường kín 17.
Điểm đầu: Bản Sa Thu (Km 0) cách Đường 16 ở  Bản Phồn 2 km về phía Tây
Điểm cuối: Tại bản Hạt Hài trên biên giới Lào - Căm Pu chia, sau đó nối về bến phà Nhăng Xum và Đường 49.
Chiều dài: 157 km (Na Thu- Hạt Hài)
Binh trạm 46 (Bộ Tư lệnh khu vực 471) khởi công thi công 63 km đầu tiên của Đường 17 vào ngày 16/6/1972. Tiếp đó Trung đoàn 10 được điều động sang thi công Đường 17. Tháng 11/1972 đã mở  thông đến Hạt Hài. Nhiều đoạn Đường 17 mở hai chiều.
 
Ngoài 5 trục dọc và 21 trục ngang chính đã thống kê ở trên, đường Trường Sơn còn rất nhiều tuyến đường khác chưa được kể đến: Đường 32, Đường Tăng Cát, đường Máy Húc, Đường 78, Đường 8 (Lào)...do người biên tập không có tư liệu.

 
BAN LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG

Đẻ minh họa cho bài viết này có 01 bản đồ vị trí các trục đường và 01 Sơ đồ quan hệ các trục đường

 


tin tức liên quan