TẤM BẢN ĐỒ SƯ ĐOÀN 471 ANH HÙNG

Ngày đăng: 09:49 15/03/2020 Lượt xem: 4.741
 TẤM BẢN ĐỒ SƯ ĐOÀN 471 ANH HÙNG

            

 

   Tôi hành quân vào chiến trường tháng 8/1967. Đơn vị tôi thuộc Tiểu đoàn bộ binh 3037, Sư đoàn 304 B bổ sung cho B3. Song trên đường hành quân được lệnh dừng lại bổ sung cho tiểu đoàn công binh 341, Binh trạm 36. Sau đó chuyển sang tiểu đoàn 40 cao xạ, Binh trạm 36. Mãi đến cuối năm 1971, tôi được điều về Phòng Công binh Sư đoàn 471. Từ đây, hiểu biết về chiến tranh, về Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của tôi mới được mở mang.  
       Sau Tổng tiến công tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” để dần dần rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào của Mỹ ngụy, hòng cắt đứt Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại thảm hại. Ở Căm pu chia bọn phản động Lon Non đảo chính lật đổ chính phủ Xi Ha Núc. Con đường vận tải đường sông theo sông Sê Công – Mê Công vào chiến trường B2, và việc lợi dụng cảng Xi ha núc vin của ta không còn thực hiện được nữa. Để chuẩn bị cho những đòn tấn công chiến lược mới, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn nặng nề hơn rất nhiều. Quy mô tổ chức của Bộ đội Trường Sơn không còn đáp ứng được yêu cầu chi viện mới.  
          Vì vậy, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, năm 1970, Bộ Quốc cho phép  BTL Trường Sơn thành lập Bộ Tư lệnh Khu vực 470. Từ kinh nghiệm đó, sang năm 1971, theo đề nghị của BTL Trường Sơn, ngày 20 /7/1971, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập thêm 3 Bộ Tư lệnh khu vực cấp chiến dịch. Đó là ba sư đoàn binh chủng hợp thành 471, 472, 743. (Sau này Sư đoàn 471 chuyển thành Sư đoàn xe, cùng Sư đoàn 571 xe, phục vụ Tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975).
 
         Tháng 10 năm 1971, tôi được điều về Ban Tác chiến, Phòng Tham mưu Công binh c Sư đoàn với nhiệm vụ thống kê đồ bản. Vị trí đầu tiên của Sư đoàn bộ khi thành lập nằm ở phía tây trục đường 22 trong một thung lũng hẹp, kín đáo, ven con suối Nậm Hiêng (nam sông Bạc). Để vào được Sư đoàn bộ phải vượt qua một đỉnh núi thấp (trong bản đồ biểu tượng Sở chỉ huy tôi ghi số 1). Đây là điều bất lợi cho việc chỉ huy. Chính vì vậy, mùa khô năm 1972, Sở chỉ huy sư đoàn được chuyển sang ngang bắc Bạc ở km 24 đường Phù Trường, bên con suối Keng Nhang…
           Công việc hàng ngày tôi phải nắm toàn bộ tình hình hoạt động đánh phá của địch trên Tuyến; hoạt động của bộ đôi công binh của các binh trạm; tiến độ khắc phục hậu quả ở các trọng điểm; tiến độ thi công đường mới; số lượng bom nổ chậm chưa phá; số chiến sĩ hy sinh vv… để báo cáo Tham mưu trưởng Chu Minh Đông, phục vụ giao ban hàng ngày của Bộ Tư lệnh. Đồng thời tôi còn phải tổng hợp báo cáo ra Cục Công binh Bộ Tư lệnh Trường Sơn bằng đường thông tin tải ba. Ngoài công việc trên, tôi còn phải theo các đoàn khảo sát (trinh sát công binh) nắm tuyến, xác định các chốt,  kho tàng, trạm ba- ri- e, trạm sửa chữa,… lên bản đồ phục vụ công tác tham mưu, tác chiến công binh.
           Thời đó, bản đồ phục vụ tác chiến thường có tỉ lệ to 1/100.000. Việc quán xuyến toàn tuyến rất khó. Để bao quát toàn tuyến, can các bản đồ 1/100.000 lại mỗi chiều phải khoảng 5m. bản đồ này chỉ có thể treo ở Phòng giao ban Bộ Tư lệnh. Để phục vụ Tham mưu trưởng và các cán bộ đi công tác các tuyến thuận lợi, cất bản đồ được trong sắc cốt, tôi đã dày công vẽ thu khá chính xác từ bản đồ 1/100.000 xuống 1/400.000 (tức là nhỏ đi 4 lần) trong đó ghi rõ tên đường, vị trí từng km, kho tàng, trạm sửa chữa, tram ba ri e vv… rất thuận tiện và được các thủ trưởng rất thích. (Tấm Bản đồ ấy sau này, năm 2006 đã giúp một số đồng đội di tìm hài cốt liệt sĩ thành công ở vùng Sê Ca Mán). Tất nhiên tôi cũng can vẽ riêng cho mình một bản. Tấm bản đồ gốc tôi đã gửi tặng Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Bản can lại làm kỉ niệm trên giấy bóng mờ giờ cũng đã sờn, rách. Nay tôi dùng photoshop vẽ lại và đăng trên Trang báo điện tử Trường Sơn của Hội để các đồng đội, có thể tải về.  Đây là tư liệu quý giúp các đồng đội ôn lại các địa danh mình công tác, trên địa bàn rộng lớn mà Sư đoàn 471 đã đảm nhiệm trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ Cứu nước, khi Sư đoàn 471 thời kỳ Sư đoàn binh chủng hợp thành.
          Tấm bản đồ chính vẽ lai đẹp hơn, tôi đăng cả bản vẽ tay cũ để các bạn so sánh. Hy vọng, với tấm sơ đồ này, các đồng đội thời kỳ 1971 đến 1973 của Sư đoàn từ Tây Trương Sơn, Nậm Hiêng, Keng Nhang sang Đông Trường Sơn – Bến Giằng Quảng Nam, có thể giúp nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong những năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Sư đoàn 471 anh hùng  và  Đường Trường Sơn huyền thoại.
 
Đại tá Nguyễn Minh Đức
Nguyên trợ lý Tham mưu Công binh F471 giai đoạn 1971 – 1973.
ĐT 0936 818 300. Email: hongduc746@gmail.com.
 


Tấm bản đồ được vẽ mới.





Tấm bản đồ cũ


tin tức liên quan