Một mê lộ mới

Tháng 3-1966, tình báo chiến lược Mỹ báo cáo một tài liệu mang mật danh NPIC 6478 với giới “chóp bu” Mỹ: Máy bay do thám vừa phát hiện một con đường mới mở, được gọi là Đường 110, chạy từ Campuchia tới Tây Trường Sơn trên đất Nam Lào.

Tài liệu NPIC 6478 báo cáo tiếp:

1. Một trạm trung chuyển hàng hóa được xác định tại bờ đông sông Sekong. Một đoạn đường vòng chạy từ khu vực này đến nối vào Đường 110. Các hoạt động vận chuyển hàng chắc có thể đang được tiến hành ở nơi cách trạm hơn 300m về phía nam, nơi đường vòng nói trên tiếp cận bờ sông. 3 thuyền gắn máy được che giấu khuất một phần và có ngụy trang được phát hiện tại cửa của một con suối đổ ra sông. Cùng lúc, một thuyền máy nữa hoạt động theo hướng về phía bắc, dọc theo bờ đông của sông Sekong, tại đầu phía nam của điểm có tọa độ trên. Đã phát hiện ít nhất có 6 căn nhà được ngụy trang tại khu vực này.

Đường 110 và hệ thống Đường Hồ Chí Minh ở Nam Lào năm 1967.

2. Một điểm trung chuyển nữa, và chắc là có cả các nhà kho, được triển khai ở Don Fai trên sông Sekong. Phát hiện được ít nhất 4 căn nhà được ngụy trang ở đây và một xuồng gắn máy được chụp ảnh trong tư thế chuẩn bị rời bờ đông của sông và xuôi dòng.

Tổng số 35 xuồng gắn máy được phát hiện trên sông Sekong, ở vùng nằm giữa Siem Pang, Campuchia và vùng cực bắc nước này, tại nơi vừa phát hiện được điểm trung chuyển và kho tàng. 8 chiếc xuồng máy đang được cột vào vách đá ở giữa sông và một xuồng máy khác đang bắt tốc độ cao, lao nhanh về phía bắc.

Đã có sự tăng cường hoạt động của các xe tải đối phương tại vùng đông của sông Sekong và bắc của Đường 15 thuộc Campuchia. Các tuyến đường cho xe tải được phát hiện khắp vùng và các con đường vòng nối chúng với Đường 15.

Theo tình báo Mỹ, việc phát hiện Đường 110 cũng chính là lúc ở Campuchia xuất hiện thuật ngữ “Đường mòn Sihanouk”. Trên thực tế, Đường mòn Sihanouk thực chất là Đường Hồ Chí Minh kéo dài, đã nhanh chóng trở thành một hệ thống tiếp vận lan khắp Campuchia để tiếp tế cho cách mạng ở miền Nam Việt Nam.
 

Góc nhìn “người trong cuộc”

Trong sách “Các chiến dịch và hoạt động quân sự của Chính phủ Vương quốc Lào trong vùng cán soong của Lào” xuất bản năm 1981, Chuẩn tướng Vongsavanh Soutchay của Quân đội Hoàng gia Lào (phái hữu, thân Mỹ) dành nhiều trang viết về cuộc chiến ngăn chặn Đường Hồ Chí Minh của Mỹ mà ông ta có tham gia. Vongsavanh Soutchay viết:

“Đường mòn Sihanouk” là đoạn kéo dài của Đường Hồ Chí Minh, bắt đầu phân nhánh tại cao nguyên Boloven, ở phía nam của Attapeu và Mường Mày.

Vào lúc Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam bắt đầu xây dựng con đường này năm 1965 tại tỉnh Attapeu của Lào, không ai biết gì về nó, kể cả Đại tá Khong Vongnarath, Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu. Những tiếng nổ mìn phá đá vọng tới từ những công trình của bộ đội Việt Nam ngày và đêm. Thỉnh thoảng, Đại tá Khong có sai lính Lào mặc giả là những người săn voi đi vào các khu vực quân đội Việt Nam kiểm soát xung quanh Attapeu, khi trở về, họ báo cáo ông ta về quân số và hoạt động của những người mở đường. Tuy nhiên, quân Hoàng gia Lào đã không cử các đội tuần tra đi quá xa và đã không có những hành động quân sự mang tính khiêu khích nhằm vào QĐND Việt Nam.

Nguy cơ đánh trả của QĐND Việt Nam là quá lớn, cũng như mất mát các nguồn lợi do giao thương với họ cũng rất lớn. Một khi chiến sự ở Nam Việt Nam trở nên ác liệt hơn, Đường Hồ Chí Minh sẽ là một công trình mang tính chủ đạo về quân sự, thậm chí trở thành một chìa khóa trong quyết định kết cục của cuộc chiến tranh. Những dòng chảy của quân sĩ, của vũ khí và đạn dược từ phía bắc xuống phía nam qua Lào thường xuyên tăng lên. Thái tử Sihanouk đã cho phép QĐND Việt Nam đóng quân ở phần Đông Bắc Campuchia.

Sau khi bị lật đổ bởi Lon Non, trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Sihanouk tuyên bố: “Chúng tôi không trung lập. Nay nước chúng tôi trở thành một thuộc địa của Mỹ và bị chiếm đóng bởi 65.000 quân Sài Gòn, là bù nhìn của Mỹ. Tôi bị lật đổ ngày 18-3-1970 vì người ta

cho rằng tôi đã cho phép Hà Nội chiếm đóng Campuchia. Họ quả có tới Campuchia trong những trường hợp cần thiết, một nhu cầu mang tính chiến lược hoặc chiến thuật. Nhưng đây là điều nằm trong khuôn khổ của cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam.

Kể cả khi họ ở Campuchia, họ cũng nhìn về hướng Sài Gòn. Mọi nỗ lực của họ nhằm vào hướng Sài Gòn và Nam Việt Nam, họ muốn giải phóng miền Nam Việt Nam.

Họ công nhận tính hợp pháp của các đường biên giới của Campuchia, ngay cả trong tương lai, khi họ giành thắng lợi, biên giới hai nước sẽ không hề thay đổi”.

QĐND Việt Nam mở “Đường mòn Sihanouk” vào tháng 5-1966 và từ đó trở đi, hàng tiếp tế tuôn trào vào Bắc Campuchia. QĐND Việt Nam cũng sử dụng các xuồng máy để chở hàng theo dòng Sekong tới biên giới Campuchia. Họ cũng sử dụng dòng Sekong để thả trôi các bao gạo đóng vào vỏ chất dẻo sang bờ Campuchia, cả ngày lẫn đêm. Các xe tải chỉ không chạy khi các máy bay của Mỹ hoặc Không quân Hoàng gia Lào hoạt động, đồng thời được ngụy trang cẩn thận trên khắp thân xe. Kể từ khi các cầu trở thành mục tiêu lộ thiên của máy bay Mỹ, các con đường bằng đá và các khối gỗ lớn ngầm dưới mặt nước được xây dựng. Để đưa hàng vượt những con sông rộng hơn, những bè bằng tre được neo vào bờ, nấp dưới các tán cây rậm rạp phủ bóng lên mặt nước.

Từ năm 1970, tất cả các cung đường của Đường Hồ Chí Minh trên khắp hành lang Đông Dương được bảo vệ bởi các cỗ pháo cao xạ, một số đơn vị được trang bị cả radar.
 

Trận đồ bát quái

Sau chiến tranh, nhiều sách xuất bản ở Mỹ đã đề cập Đường Hồ Chí Minh ở Campuchia như một nước cờ cao của cách mạng 3 nước Đông Dương.

Sách “Con đường huyết mạch mang tên Hồ Chí Minh trong cuộc chiến Việt Nam” xuất bản năm 2000 đánh giá:

Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đã chi viện cho miền Nam bằng nhiều cách. Biện pháp hàng đầu là mở rộng Đường Hồ Chí Minh về phía nam, tới vùng ngã ba biên giới. Đường Hồ Chí Minh, theo thuật ngữ phương Tây, là một mê hồn trận gồm nhiều con đường, nhiều hệ thống vận tải trên sông và nhiều trạm nghỉ, trạm trung chuyển… được thường xuyên thay đổi, mở rộng và cải tiến. Đây chính là những mạch máu giao thông, tiếp vận cả người và vật chất từ miền Bắc phục vụ cho các nỗ lực kháng chiến ở miền Nam.

Báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ cho Lầu Năm Góc về việc triển khai Đường Hồ Chí Minh của Quân đội nhân dân Việt Nam trên địa phận Campuchia. Ảnh: Amazon


Theo các tác giả Mỹ, mưu toan ngăn chặn Đường Hồ Chí Minh ở Campuchia có thể là nguyên nhân dẫn tới cuộc đảo chính của phe thân Mỹ lật đổ chính phủ trung lập của Hoàng thân Sihanouk năm 1970. Trước đó, vẫn theo học giả Mỹ, con đường này thực hiện hai nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, như nêu trên, là vận chuyển hàng tiếp tế của miền Bắc cho Nam Bộ. Thứ hai, theo sách “Hành động quá đáng: Kissinger, Nixon và sự tàn phá Campuchia” xuất bản năm 1978, dựa vào nền chính trị trung lập của Campuchia, hàng đã được bốc dỡ từ các tàu mang cờ của các nước XHCN từ cảng Sihanoukville rồi chuyển theo các tuyến nội địa của Campuchia tới tuyến Đường Hồ Chí Minh để chi viện cho Nam Bộ.

Sách này cho hay, khoảng từ năm 1968, với quyết tâm mới của Hà Nội, tuyến đường ở Campuchia đã từ Mường Mày rẽ sang phía tây tại cực nam của Lào, rồi chạy song song với sông Sekong vào Campuchia. Từ đó, mạng đường này phát triển qua Siem Pang và tiếp cận sông Mekong ở gần Stung Treng.

Cho đến trước mùa hè năm 1969, có tới 80% hàng tiếp tế dành cho chiến trường cực Nam của miền Nam Việt Nam qua cảng Sihanoukville. Theo sách “Chiến dịch Campuchia: Cuộc tiến công năm 1970 và cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” xuất bản năm 2005, quân báo Mỹ biết được rằng, trong khoảng cuối năm 1966 tới 1969, mỗi năm các công ty bình phong của QĐND Việt Nam ở Campuchia đã mua được tới 55 nghìn tấn gạo từ các kho của Chính phủ Campuchia và 100 nghìn tấn nữa từ những người nông dân Campuchia. Số gạo này được chuyển an toàn tới biên giới Việt Nam mà phía Mỹ không thể can thiệp được.

Việc mua được gạo ngay tại thị trường Campuchia đã được phía Mỹ đánh giá là ngang với sức chở của 60 nghìn xe tải, khiến Hà Nội có thể dùng lượng xe này vào các mục đích khác phục vụ cho chiến trường. Từ năm 1971, dòng tiếp tế về nhân lực và hàng hóa cho vùng Đồng bằng sông Mekong lại đi vòng về phía tây, tới gần Phnom Penh, rồi vượt qua các ngọn đồi của dãy núi Cardamom, quay về phía đông, vượt biên giới sang Nam Bộ của Việt Nam.

LÊ ĐỖ HUY (dịch)