ĐIỀU NHIỀU NGƯỜI CÒN CHƯA BIẾT

Ngày đăng: 05:50 17/04/2020 Lượt xem: 1.396
ĐIỀU NHIỀU NGƯỜI CÒN CHƯA BIẾT:
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
TRONG CHIẾN DỊCH QUẢNG TRỊ 1972


 
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn- Phó Chủ tịch TT Hội Trường Sơn Việt Nam
Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn ca nô 166- Binh trạm 12, Bộ Tư lệnh Trường Sơn
 
         Trong lịch sử, mỗi thành tựu, mỗi chiến công được lập nên bởi sự đóng góp của nhiều đơn vị, của nhiều bộ phận mà thành. Một sự kiện diễn ra tại một thời điểm nào đó luôn là kết quả của sự chuẩn bị, tích lũy từ trước. Khi nhận định, đánh giá một sự kiện cũng cần trên quan điểm biện chứng và toàn diện, nếu không việc đánh giá sẽ phiến diện, sẽ thiếu tính bao quát.
        Đã 48 năm trôi qua, Chiến dịch giải phóng Quảng Trị nói chung và “Cuộc chiến bám trụ” tại Thành Cổ trong 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 nói riêng là một trang sử hào hùng, bi tráng trong lịch sử chiến tranh giải phóng đất nước (1954-4975).
        Để tôn vinh những chiến công, ghi nhớ sự hy sinh, mất mát to lớn của những chiến sĩ chiến đấu ở Quảng Trị, khu vực Thành Cổ đã được đầu tư tôn tạo xứng đáng với giá trị Di tích; được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
       Hàng ngày, rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch, đến để thắp hương tưởng nhớ những Liệt sỹ còn nằm đâu đó dưới chân Thành Cổ hay dưới lòng sông Thạch Hãn. Tôi cũng là một trong những “vị khách” thường xuyên đến thăm viếng nơi đây.
      Ngay khi khánh thành việc tôn tạo khu Di tích Thành Cổ, tôi đã có dịp thăm lại “Chiến trường xưa”. Tôi thực sự hài lòng và khâm phục ý tưởng tôn tạo Di tích Thành Cổ trở thành không gian thiêng liêng, là miền ký ức hào hùng và bi tráng của một “Thời hoa lửa”. Những hiện vật trưng bày trong Bảo tàng, những câu chuyện xúc động được cô thuyết minh kể lại đã làm bao nhiêu người muốn khóc. Nhưng đối với tôi, sau khi nghe hết lời thuyết minh về Sự tích Thành Cổ lại thấy mình hụt hẫng, trống vắng, như mình vừa đánh mất cái gì đó rất quý giá, thiêng liêng. Bởi vì, không có một hình ảnh, một kỷ vật hay một lời giới thiệu nào nói về chúng tôi - những chiến sĩ Tiểu đoàn 166, Binh trạm 12, Bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, vũ khí cho những đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành Cổ trong 81 ngày đêm ấy.
      Tôi lặng lẽ một mình đi ra bến sông Thạch Hãn, nhìn dòng nước êm trôi về Cửa Việt mà bồi hồi nhớ về những gì đã diễn ra ở đây, về những đồng đội của tôi trong Tiểu đoàn ca nô 166 trong những ngày đạn bom khốc liệt mùa hè năm 1972. Tôi thầm hứa với những đồng đội của tôi còn nằm lại dưới lòng sông Thạch Hãn là sẽ làm một điều gì đó để những hy sinh, cống hiến của họ mãi không bị lãng quên. 
      Chiến dịch Xuân Hè năm 1972 được Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương phê duyệt ngày 23/3/1972 trên 3 chiến trường chính là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, trong đó hướng tiến công chiến lược chủ yếu là bắc Đường 9- Quảng Trị.
      Ngày 30/3/1972, các đơn vị binh chủng hợp thành đồng loạt tiến công trên cả 3 hướng chiến lược. Riêng trên mặt trận Quảng Trị, các lực lượng tham gia gồm các sư đoàn bộ binh, phòng không, pháo binh, thiết giáp…của bộ đội chủ lực, các đơn vị quân địa phương và nhân dân tỉnh Quảng Trị, các đơn vị đảm bảo hậu cần và chiến đấu của Bộ tư lênh Trường Sơn


Những sự kiện được ghi trong Lịch sử Trường Sơn: 

        Lần đọc lại những sự kiện trong “Lịch sử Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh” tôi càng hiểu rõ thêm rằng: Không chỉ có một Tiểu đoàn 166, không phải chỉ có một Binh trạm 12 mà còn có nhiều đơn vị lớn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã được huy động phục vụ chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu. Sự mất mát, hy sinh của Bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch Quảng Trị 1972 cũng không hề nhỏ.  Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, ngay từ cuối năm 1971, đầu năm 1972 đã tích cực chuẩn bị thế trận cầu đường, vận chuyển dự trữ hàng hậu cần, đạn dược cho Chiến dịch; điều động những đơn vị mạnh, cử những cán bộ ưu tú của Bộ Tư lệnh xuống thành lập Sở chỉ huy tiền phương trực tiếp chỉ huy các đơn vị tham gia Chiến dịch.
        Ngay từ trước khi ta nổ súng tấn công Quảng Trị (30/3/1972), Bộ Tư lệnh 559 (đóng tại Km33, Đường 10) đã giao cho Cục Công Binh quy hoạch mạng đường giao thông chiến dịch, phục vụ cho việc cơ động các đơn vị chiến đấu, vận chuyển hàng hậu cần, các trang thiết bị, khí tài quân sự (xe tăng, tên lửa). Các đơn vị Công binh và Thanh niên xung phong Trường Sơn đã sửa chữa nâng cấp các tuyến vượt khẩu ở Nam Quảng Bình: Đường 10, Đường 18, Đường 16 để vận tải hàng hậu cần, trang thiết bị  quân sự sang tập kết tại khu vực Đường 9 (Mường Phìn, Sê Pôn, Mường Noòng) sẵn sàng cung ứng cho các đơn vị tham gia chiến dịch. Các tuyến đường ngang vượt khẩu trở lại: Đường 9, B70, B71, B72, B45 cũng được nâng cấp cải tạo sẵn sàng tiếp cận Quảng Trị, Thừa Thiên từ phía Tây.
      Cuối năm 1971, Công binh Trường Sơn đã mở mới Đường 14 từ căn cứ hậu cần của Bộ đội Trường Sơn (Cầu Khỉ-Làng Ho) thẳng xuống Đường 9 tại Khe Sanh (Hướng Hóa). Khi chiến dịch bắt đầu, hai Trung đoàn Công binh 217 và 229 gấp rút mở Đường 15N từ Đường 9 (Mai Lĩnh Phường) - Ba Lòng- bắc Sông Mỹ Chánh. Đây là một trục dọc song song với Quốc lộ 1 khống chế các đô thị ven biển như: Thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thành phố Huế từ phía Tây. Đường 15N là trục rất quan trọng để cơ động các đơn vị, khi tài chiến đấu, vận tải hậu cần.
       Giữa năm 1972, Trung đoàn Công binh 10 mở gấp đường từ Khâm Đức đến Phước Sơn để quân chủ lực đưa trọng pháo 130mm và xe tăng đến tác chiến ở phía Nam, chia lửa với mặt trận Quảng Trị.
       Về công tác đảm bảo hậu cần, từ cuối năm 1971, các Binh trạm phía Bắc của Tổng cục Hậu cần, Công ty 6 (Bộ GTVT), Công ty 8 của tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương vận chuyển, lập chân hàng cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn tại khu vực Đường 10, Đường 16, Đường 14. Sư đoàn 473 được Bộ Tư lệnh phân công đặc trách việc đảm bảo vật chất cho mặt trận Đường 9- Quảng Trị.
      Đến tháng 5/1972 Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã vận chuyển được gần 12.000 tấn nhu yếu phẩm và khí tài quân sự (cho khu vực Đường 9- Bắc Quảng Trị 8.200 tấn, cho Nam Quảng Trị- Thừa Thiên 3.700 tấn), đến hết tháng 6/1972, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển cho chiến trường Đường 9- Bắc Quảng Trị 20.791 tấn, cho Nam Quảng Trị- Thừa Thiên 7.391 tấn.
      Chính hệ thống đường chiến dịch liên hoàn, cơ sở vật chất được đảm bảo đầy đủ, kịp thời đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực triển khai lực lượng theo kế hoạch, giành được những thắng lợi quan trọng.
     Ngày 01/5/1972 ta đã giải phóng thị xã Đông Hà, ngày 02/5/1972 ta giải phóng thị xã Quảng Trị.
Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thành lập Sở chỉ huy Tiền phương tại Vĩnh Linh do đồng chí Chính ủy Đặng Tính và phó Chính ủy Lê Xy trực tiếp điều hành các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn phục vụ chiến dịch Quảng Trị.
      Ngoài 3 Trung đoàn công binh là: E217, E229, E10, Bộ tư lệnh đã điều động 2 Trung đoàn cao xạ 591 và 210 sang phía đông Quảng Trị bảo vệ tuyến vận chuyển của Binh trạm 12, điều Sư đoàn phòng không 377 tăng cường cho mặt trận Đường 9- bắc Quảng Trị, điều 2 Trung đoàn cao xạ khác tăng cường cho mặt trận Trị - Thiên.
     Binh trạm 12 (đồng chí Phạm Thái là Binh trạm trưởng, Ngô Quang Bình làm chính ủy) được điều chuyển từ Khe Ve về nông trường Quyết Thắng -Vĩnh Linh thay cho Binh trạm 19 (Cục Vận tải -Tổng cục Hậu lui về Đồng Hới làm nhiệm vụ trung chuyển hàng cho Binh trạm 12).
      Bắt đầu từ ngày 26 tháng 6 năm 1972, không quân Hoa Kỳ ném bom rải thảm Quảng Trị để chuẩn bị các hoạt động của bộ binh. Hội đồng Chính phủ giao toàn bộ hệ thống giao thông vận tải từ Nam Hà Tĩnh vào đến Vĩnh Linh cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất chỉ huy, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho công tác đảm bảo hậu cần của chiến dịch Quảng Trị.
     Trong chiến dịch này ngoài sự hy sinh to lớn của các lực lượng chủ lực, các lực lượng vận chuyển, phòng không của Đoàn 559 cũng đã vượt qua bao thử thách ác liệt, cũng chịu sự mất mát hy sinh không kém: Đồng chí Nguyễn Văn Tốn- Phó chủ nhiệm Cục Hậu cần hy sinh khi đi kiểm tra đơn vị vận chuyển; đồng chí Lê văn Lẫm, Trung đoàn trưởng pháo cao xạ 591 hy sinh khi đang chỉ huy chiến đấu và rất nhiều cán bộ chiến sĩ khác đã để lại máu xương mình trên đất Quảng Trị…
 
Và câu chuyện của chính chúng tôi -Tiểu đoàn ca nô 166.
 
       Thời gian tôi làm Chính trị viên Tiểu đoàn 166, Binh trạm 12 chỉ có gần 5 tháng, thật ngắn ngủi so với 43 năm cuộc đời quân ngũ của tôi, nhưng đó là thời gian để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm nhất, còn nhiều điều khiến tôi vẫn khắc khoải cho đến tận bây giờ. Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày tháng vận chuyển hàng hậu cần và đạn dược tiếp tế cho Thành Cổ trên dòng sông Thạch Hãn dưới bom đạn và thủy lôi của địch.
       Tôi ở Tiểu đoàn xe 52, Binh trạm 14 một thời gian dài, đầu năm 1972 được điều động vào Sư đoàn 472, chưa kip nóng chỗ lại về Cơ quan Bộ Tư Lệnh Trường Sơn.      
        Trước tình hình các mũi vận chuyển truyền thống của Binh trạm 12 bằng xe ô tô bị chặn đánh quyết liệt, không thể tiến sâu hơn qua vĩ tuyến 17 để tiếp cận các đơn vị thuộc B5 và thị xã Quảng Trị. Tôi được Chính ủy Đặng Tính cử xuống địa bàn Binh trạm 12 để nghiên cứu về đường sá, kho bãi, luồng lạch...về báo cáo.
       Binh trạm 12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Sở Chỉ huy Tiền phương có nhiệm vụ tiếp nhận hàng hậu cần, đạn dược từ Binh trạm 19 tại khu vực Vĩnh Linh, cung ứng cho các đơn vị chiến đấu ở thị xã Quảng Trị và phía Đông Quảng Trị (Mặt trận B5).
Khi nắm chắc được thực trạng tình hình, Bộ Tư lệnh Tiền phương quyết định cho Binh trạm 12 thay đổi phương thức vận chuyển từ bằng ô tô là chính chuyển thành vận chuyển bằng đường thủy là chính.
      Để đảm bảo các cung đoạn vận chuyển, liên hệ bến bãi, ám hiệu với các đơn vị nhận hàng. Bộ Tư lệnh Tiền phương cử một Tổ công tác do tôi chỉ huy đi khảo sát từ bắc sông Bến Hải lần theo Trúc Khê, Dốc Miếu, Quán Ngang, Mai Xá... sau đó dọc sông Vĩnh Định đến cụm Hậu cần B5 ở thôn Phù Liêu... nắm tình hình về báo cáo.
      Tháng 6/1972, sau khi nghe Tổ công tác báo cáo, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định thành lập Tiểu đoàn ca nô 166 trực thuộc Binh trạm 12. Đồng thời, tôi được điều động về nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn166.
      Ngày 28/6/1972, với sự yểm trợ tối đa của không quân và Hạm đội Mỹ, các lực lượng ngụy quân đã vượt sông Mỹ Chánh bắt đầu chiến dịch Lam Sơn 72 nhằm tái chiếm thị xã Quảng Trị. Chiến sự ác liệt nhất xảy ra trên một diện tích rộng vài cây số vuông trong khu vực Thành cổ Quảng Trị. Số bom đạn Mỹ Ngụy rải xuống khu vực này có sức công phá tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Nhật Bản năm 1945.
      Lực lượng phòng thủ trong Thị xã Quảng Trị và Thành Cổ gồm có Trung đoàn 48, Trung đoàn 95, Trung đoàn Triệu Hải, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Trị...Để các lực lượng chiến đấu ở khu vực Quảng Trị, nhất là các đơn vị phòng thủ trong Thành Cổ có đủ đạn dược, thuốc men, lương thực thực phẩm chiến đấu, bám trụ dưới bom đạn khốc liệt của kẻ địch trong 81 ngày đêm từ ngày 26/6/1972 đến rạng sáng ngày 16/9/1972, phải kể đến các lực lượng vận tải tiếp tế hậu cần, trong đó Tiểu đoàn 166 vận tải đường thủy- Binh trạm 12 là đơn vị chủ lực.
      Chỉ huy sở Tiểu đoàn 166 đóng tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, gần cửa sông Thạch Hãn. Biên chế tiểu đoàn có 6 đại đội: 3 đại đội vận chuyển bằng thuyền máy: Đạị đội 7 (Đoàn Hồng Hà chuyển sang), Đại đội 8 (từ Đường 12 xuống), thành lập thêm Đại đội 9;  1 đại đội công binh rà phá bom mìn ; 2 đại đội thanh niên xung phong để nạo vét luồng lạch.
Đồng chí Lê Hoan là Tiểu đoàn trưởng, tôi làm Chính trị viên. Hàng đêm thuyền của Tiểu đoàn 166 chở nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược từ Hồ Xá đến các đơn vị chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị và chở thương bệnh binh theo hướng ngược lại. Tiểu đoàn 166 phụ trách hai hướng vận tải chính: Tuyến ven biển và tuyến dọc sông. Chỉ huy chúng tôi chia nhau phụ trách từng tuyến.
Tuyến ven biển, do Đại đội 7 đảm nhận, Tiểu đoàn trưởng Lê Hoan chỉ huy. Những chiếc thuyền máy từ Vĩnh Thái men theo mép sóng, tránh bị máy bay, tàu chiến địch phát hiện, vận chuyển hàng vào Gia Đẳng, Mỹ Thủy giao cho hậu cần Mặt trận B5. Tuyến ven biển bước đầu vận chuyển có hiệu quả.
      Tuyến đường sông do Đại đội 8, Đại đội 9 đảm nhận là tuyến chủ yếu tiếp viện cho các lực lượng chiến đấu tại thị xã Quảng Trị và Thành cổ do tôi chỉ huy. Tuyến sông gồm 2 cung đoạn: Cung 1 từ Hồ xá theo sông Sa Lung, Bến Hải, Thạch Hãn tập kết tại Mai Xá. Từ Mai Xá lại có 2 hướng vận chuyển tiếp: Hướng 1 từ Mai Xá, ngược sông Thạch Hãn lên giao cho các đơn vị chiến đấu ở thị xã Quảng Trị và Thành cổ, nhận thương binh chở về hậu cứ; hướng 2 từ Mai Xá đi theo sông Vĩnh Định chở hàng vào căn cứ hậu cần của B5 ở Phù Liêu, Tài Lương, chi viện cho các đơn vị chủ lực ở phía đông Quảng Trị.
      Chúng tôi đến nay vẫn không thể nào quên sự vui mừng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 khi nhận được nguồn gạo, đạn dược của chúng tôi chuyển tới và giải phóng được số thương binh bị dồn ứ chưa kịp chuyển về phía sau.
        Bao nhiêu bất trắc luôn rình rập những chiếc thuyền máy nhỏ bé mò mẫm trong đêm tối: Luồng lạch quanh co, rong rêu quấn vào chân vịt làm chết máy, mắc cạn.... Mỗi đêm, thuyền chúng tôi đi được một chuyến. Phát hiện con đường tiếp tế cho Thành Cổ, địch tăng cường đánh phá ngăn chặn bằng mọi thủ đoạn: Máy bay ném bom, pháo từ Hạm đội 7 bắn vào, thả thủy lôi ngăn cản. Rất nhiều thuyền máy của D166 bị chìm do trúng bom đạn địch, nhiều chiến sĩ bị thương, bị hy sinh.
          Đêm ngày 21/7/1972 chiếc thuyền máy do tôi chỉ huy va phải thủy lôi làm nổ tung thuyền: Lái trưởng và 3 thủy thủ hy sinh, tôi và những người còn lại đều bị thương nặng, bất tỉnh giữa dòng nước lạnh, may nhờ đồng đội và nhân dân dân xã Triệu Thuận (Triệu Phong) cứu chữa và đưa về hậu cứ, tôi mới thoát chết. Cũng đêm hôm đó, một thuyền khác của đại đội 9 bị pháo hạm bắn trúng, tất cả cán bộ chiến sĩ trên thuyền đều hy sinh.
 



Các CCB Trường Sơn thả hoa trên dòng Thạch Hãn
 
        Giữa tháng 8, địch tăng cường đánh phá khốc liệt Thành Cổ, tuyến chi viện của Tiểu đoàn 166 chúng tôi cũng bị đánh chặn dữ dội. Cao điểm vào ngày 23 đến 25 /8, đêm nào cũng có thuyền bị đánh chìm, hàng chục cán bộ chiến sĩ hy sinh...Một số anh em trong đơn vị hoang mang, thoái thác nhiệm vụ. Nhưng tôi cùng Ban chỉ huy tiểu đoàn đã động viên, khích lệ, xốc lại tinh thần; những chiếc thuyền máy lại đêm đêm ngược dòng Thạch Hãn lên tiếp tế cho Thành Cổ.
      Trung đoàn 48 và các lực lượng bám trụ 81 ngày đêm, đã rút khỏi Thành Cổ vào đêm ngày 15/9/1972 hoàn thành sứ mạng lịch sử được giao. Chúng tôi dừng chiến dịch vận chuyển hàng vào Thành Cổ và chuyển hướng chi viện cho các đơn vị chiến đấu ngăn chặn địch lấn chiếm lên phía Tây và vượt qua sông lên Nhan Biều, Ái Tử...
       Hơn bốn mươi năm đã qua, tôi đã nhiều lần trở lại Mai Xá thăm lại và tri ân những người dân đã một thời cưu mang che chở chúng tôi, cùng chúng tôi hứng chịu những trận B52 hủy diệt xóm làng ngày ấy. Tôi vô cùng hãnh diện vì bên bến thuyền ở Mai Xá đã có một tấm bia Di tích có ghi những đóng góp của Bộ đội Trường Sơn, trong đó có Tiểu đoàn 166 chúng tôi.
         Tôi cũng đã nhiều lần vào thăm Di tích Thành Cổ, sau những hụt hẫng lần đầu tiên, tôi đã đề đạt với Hội Trường Sơn Việt Nam làm văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị và Bảo tàng Quảng Trị bổ sung những tư liệu về sự đóng góp của Bộ đội Trường Sơn trong mùa hè đỏ lửa 1972.
        Với bài viết này, một lẫn nữa tôi đã thực hiện lời hứa của mình với những Liệt sĩ của Tiểu đoàn Ca nô 166, với những Liệt sĩ của Bộ đội Trường Sơn rằng: Lịch sử sẽ không quên những công lao và sự hy sinh của Họ.
                                                                                                                                                                                                  
Hoàng Anh Tuấn

tin tức liên quan