"Cầu tầu Đồ Sơn". TG: Hoàng Kiền
CẦU TÀU ĐỒ SƠN
Bài viết nhân kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Hoàng Kiền
Bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng - Km số o Đường Hồ Chí Minh trên biển
I. TRUNG ĐOÀN CÔNG BINH 83 ( Nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) XÂY DỰNG CẦU TÀU ĐỒ SƠN
Nhắc tới con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta không thể không nhắc đến bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) bởi đây là điểm xuất phát của hàng trăm lượt chuyến tàu vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chiến sĩ công binh Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) thật vinh dự khi được thực hiện nhiệm vụ xây dựng cầu tàu ấy.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, để chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Đoàn vận tải quân sự 559 được thành lập. Tháng 7 năm 1960, Tiểu đoàn 603 vận tải biển chi viện cho Miền Nam trực thuộc Đoàn 559 được thành lập. Tiểu đoàn chọn cảng cá Thanh Khê bên bờ sông Gianh - Quảng Bình làm nơi đóng quân với danh nghĩa “Tập đoàn đánh cá Miền Nam”. Đơn vị khẩn trương xây dựng doanh trại và chuẩn bị thuyền buồm, ngư cụ. Đêm 27 tháng 1 năm 1960 (đêm 30 tết Canh Tý) con thuyền chở chuyến vũ khí đầu tiên của Tiểu đoàn 603 rời cảnh Gianh giao hàng cho Liên khu 5 với hơn 5 tấn vũ khí đạn và thuốc men. Do sóng gió lớn, thuyền gãy bánh lái, trôi vào Cù Lao Xanh (Quảng Ngãi). Vũ khí phải thả xuống biển, cả 6 thuỷ thủ bị địch bắt tra tấn dã man, tù đày nhưng một mực không khai, giữ bí mật cho phương thức vận tải đường biển. Trước tình hình đó, tháng 4 năm 1960, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Tiểu đoàn 603. Nhiệm vụ chi viện bằng đường biển được Bộ giao cho Bộ đội Hải quân.
Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 (tức Đoàn 125 sau này), làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển
Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên xuất phát tại Đồ Sơn (Hải Phòng), chở theo 30 tấn vũ khí đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn sau 5 ngày hành trình. Tiếp đó, bốn tàu gỗ chở 111 tấn vũ khí vào Nam Bộ. Đây là thắng lợi rất ý nghĩa khi mà lực lượng vũ trang ở vùng đất cực nam Nam Bộ đang phát triển, rất cần súng đạn.
Qua bốn chuyến chở vũ khí vào Cà Mau thắng lợi, Quân ủy Trung ương nhận định: Ta có thể mở con đường vận chuyển trên biển lâu dài, vì vậy phải có những phương tiện tốt hơn, đi trong mọi thời tiết; không chỉ tăng số lượng các chuyến đi, mà phải tăng chất lượng, hiệu quả của mỗi chuyến. Chủ trương của Quân ủy Trung ương là cần nhanh chóng có phương tiện tàu sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn trang bị cho Đoàn 759. Bộ Quốc phòng đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng), thuộc Bộ Giao thông đảm nhiệm đóng tàu sắt.
Bến tàu không số K15 Đồ Sơn, Hải Phòng
Có tàu lớn, cần có cầu tàu để vào lấy hàng. Quân ủy Trung ương quyết định khẩn trương xây dựng một cầu tàu ở Đồ Sơn, Hải Phòng (có kí hiệu K15) bảo đảm cho Đoàn 759 hoạt động. Nhiệm vụ này Bộ Quốc phòng giao cho Trung đoàn 83 thuộc Cục Công binh thực hiện .
Tháng 2/1963, Trung đoàn 83 nhận nhiệm vụ xây dựng cầu tàu K15 ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Ngày 15/2 năm ấy, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 đã hành quân xuống Đồ Sơn chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Chiều ngày 2/3/1963, tại khu điều dưỡng Đồ Sơn, Bộ Tổng tham mưu họp với Trung đoàn trưởng Lê Văn Xương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Hoàng Duy và một số cán bộ khác để giao nhiệm vụ. Yêu cầu của trên đặt ra là: Cầu tàu K15 phải được thi công tốc độ nhanh, đảm bảo kỹ thuật và giữ bí mật tuyệt đối.
Cầu tàu K15 nằm ở chân ngọn núi chót cùng của bán đảo Đồ Sơn, gần thung lũng Xanh, đối diện với bãi tắm khu III. Vị trí cầu tàu ở chỗ khuất gió, kín đáo, ba chiều là núi, chỉ một hướng duy nhất có thể ra biển.
Theo thiết kế, cầu tàu hình chữ T, dài 60 mét, rộng 6 mét, chịu tải 10 tấn, kết cấu cọc bằng bê tông, ghép khung dầm. Với Tiểu đoàn 3-đơn vị chỉ quen làm cầu đường thì đây là lần đầu đảm nhận xây dựng cầu tàu bên bờ biển, là một khó khăn rất lớn. Trong số cán bộ kỹ thuật, ngoài Tiểu đoàn trưởng Hoàng Duy đang học Đại học Bách khoa, số còn lại có trình độ trung cấp.
Tiểu đoàn được tổ chức làm 3 bộ phận. Một đại đội sản xuất cấu kiện bê tông. Một đại đội vận chuyển vật liệu đến chân công trình. Một đại đội làm nhiệm vụ bắc cầu tàu. Việc bắc cầu tàu do đồng chí Đinh Đới, Đại đội trưởng và đồng chí Đinh Ngọc Tĩnh, Đại đội phó phụ trách.
Ngày 15/4/1963, Tiểu đoàn 3 khởi công đóng cọc. Đầu tiên, đơn vị sử dụng vồ ĐB.45. Nhưng vì kết cấu địa chất nơi đây là cát pha đá nên dùng vồ ĐB.45 không hợp bởi sức đập quá nhẹ. Đơn vị chuyển sang dùng búa máy C.222 và C.254 có sức nén từ 2 đến 2,5 tấn. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đã không quản ngại vất vả phân chia ca kíp, lao động suốt ngày đêm với mong muốn hoàn thành công trình sớm nhất để anh em miền Nam có vũ khí chiến đấu.
Đến ngày 15/5/1963, khi chiếc ô tô thử tải đầu tiên đi vào cầu tàu an toàn thì cũng là lúc một chiếc tàu của Đoàn 759 cập vào ăn hàng. Xây dựng thành công cầu tàu K15, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 ghi vào trang sử của đơn vị thêm một chiến công.
Làm xong cầu tàu K15 Đồ Sơn, Tiểu đoàn 3 được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai; nhiều cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng.
II. DI TÍCH LỊCH SỬ BẾN K 15 ĐỒ SƠN.
Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những con tàu “Không số” là kỳ tích huyền thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam”.
Với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 - Quân chủng Hải quân, năm 1993 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trung đoàn, tôi cùng tập thể lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn đã tổ chức cuộc gặp mặt trao đổi với các thế hệ cán bộ chỉ huy Trung đoàn tham gia xây dựng Cầu tàu Đồ Sơn, ki lô mét 0 - Đường Hồ Chí Minh trên biển do Trung đoàn Công binh 83 xây dựng. Một đoàn cán bộ trung đoàn cả cũ và mới ra thăm lại cầu tàu Đồ Sơn, chụp ảnh những cọc bê tông còn lại. Sau đó đã có công văn và làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, đề nghị xây dựng khu Di tích lịch sử cầu tàu Đồ Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên biển, từ đó dự án được triển khai xây dựng và đã hoàn thành như hiện nay.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm tốt vai trò tiếp viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp công, góp sức, cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong những năm tháng đầy khó khăn gian khổ nguy hiểm hy sinh, các con tàu không số đã chuyển vào Nam hàng nghìn tấn vũ khí, hàng trăm cán bộ cập các bến đã chuẩn bị trong đó điểm tận cùng là tỉnh Cà Mau. Vượt qua những thử thách ác liệt, gian nan, đấu trí, đấu lực căng thẳng với địch và sóng gió biển khơi, các chiến sĩ Hải quân đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc ngay từ thời kỳ đầu tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam, góp phần rất quan trọng tăng cường nhanh chóng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng. Công việc vận chuyển vũ khí và đưa người vào chiến trường Nam Bộ tuy số lượng chưa nhiều, nhưng bảo đảm kịp thời trong giai đoạn cấp bách ấy có ý nghĩa rất lớn. Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại, năm 1963 đoàn cán bộ Quân khu 3 gần 200 người vào tăng cường cho Quân khu 9, từ Đại uý trở lên đi đường biển trên tàu không số, bảy ngày là đến nơi, từ thượng uý trở xuống đi theo đường Trường Sơn, bảy tháng mới đến Cà Mau. Sự chi viện bằng đường biển do Hải quân thực hiện đã góp phần quan trọng giúp quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển lực lượng vũ trang, tạo được thế mới, lực mới, đánh thắng địch nhiều trận, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Thành công của những chuyến chi viện vũ khí, thuốc men, cán bộ đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã,… Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển, đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.
Đánh giá về tuyến đường chiến lược này các nghiên cứu đã nêu ra tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc mở tuyến đường vận tải trên biển đúng thời cơ; quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc; phương pháp vận chuyển “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới. Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời và hoạt động vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ đã xuất phát từ nhiều bến đi và cập nhiều bến đến; hướng tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế; địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc, chúng ta đã biết dựa vào khả năng to lớn của Nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, từng bước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. Nó làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, quy mô, sự dũng cảm và tính sáng tạo vô song của con đường, những con tàu và những con người tham gia tuyến đường. Có thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù; nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lòng quả cảm, trí thông minh và quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam”.
Khu tượng đài “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, sẽ là sự nhắc nhở đối với các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải sống như thế nào để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha ông ngày xưa, đặc biệt là sự hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc mà tiêu biểu là các chiến sĩ trên những con tàu không số huyền thoại.”
Ngày 23 tháng 10 năm 2021
Hoàng Kiền - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 Hải quân