NHỮNG CÁI TẾT ĐÁNG NHỚ Ở TRƯƠNG SƠN
Trong những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn, Tết là cao điểm của mùa khô, là thời gian thuận lợi tổ chức các chiến dịch vận chuyển và xây dựng cầu đường. Vì vậy, các đơn vị tranh thủ từng giờ từng phút cho nhiệm vụ, bộ đội ăn Tết ngay trên các cung đường. Nhân Tết Quý Mão - 2023, Ban Biên tập xin thống kê một số sự kiện đáng nhớ diễn ra trong ngày Tết ở Trường Sơn:
1- Tiểu đoàn 603, tổ chức xuất quân vào Giao thừa năm Canh Tý - 1960.
Tiểu đoàn 603 (biệt danh “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” được thành lập cuối năm 1959, trực thuộc Đoàn 559 có nhiệm vụ vận chuyển vật chất, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam theo đường ven biển.
Sau một thời gian chuẩn bị, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, đêm 27-01-1960 (Giao thừa năm Canh Tý) chiếc thuyền do Nguyễn Bất là Thuyền trưởng (Thuyền phó Trần Mức, các thuyền viên: Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn, Huỳnh Ba, Nguyễn Nữ) chở theo 5 tấn vũ khí, thuốc men vào giao cho Liên khu V tại bãi biển hẻo lánh dưới chân đèo Hải Vân đã xuất phát. Những ngày sau đó, không nhận được tin tức gì. Một sự im lặng căng thẳng, rợn người. Liên khu V báo ra là họ chờ ở địa điểm đã hẹn hơn mười ngày mà không thấy thuyền đâu. Vậy là đã có chuyện xảy ra với thuyền của Nguyễn Bất.
Chuyến đi đầu tiên không thành công. Sau đó, Quân ủy Trung ương quyết định cho giải thể Tiểu đoàn 603. Nhiệm vụ vận tải vào Nam bằng đường biển sẽ giao lại cho Cục Hải Quân. Hầu hết nhân sự của Tiểu đoàn 603 chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường trên dãy Trường Sơn.
Số phận của chiếc thuyền vượt biển vào Nam chỉ được làm rõ sau khi Nguyễn Bất vượt ngục ở Đã Nẵng và nhờ tổ chức đưa ra Bắc. Anh kể rằng: Sau khi thuyền rời cảng Thanh Khê trong đêm, đến ngày hôm sau thì gió lớn nổi lên. Sóng mỗi ngày một lớn, chiếc thuyền thì nhỏ bé như chiếc lá tre dồi dập giữa mịt mù biển cả. Sức người không chống chọi được với sóng dữ. Tệ hại hơn là cả hai bánh lái bị gãy, cả sáu người sức kiệt, thuyền bị trôi giạt vào gần đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Phát hiện có tàu tầu tiễu của địch tới, Nguyễn Bất quyết định cùng anh em thả “hàng” xuống biển, phi tang chứng cứ. Tất cả bị bắt và tách riêng tững người để tra khảo và giam giữ. Mãi sau khi Hiệp định Pari được ký, họ mới được trao trả.
2- Phát lệnh khởi công xây dựng Đường 20 vào 17 giờ, mùng Một Tết Bính Ngọ - 1966
Thực hiện chủ trương mở một tuyến vượt khẩu thứ hai sang Lào, Bộ Tư lệnh 559 đã cho Công binh khảo sát tìm các phương án tuyến từ Phong Nha vượt đỉnh U Bò sang Lào nhập vào Đường 128 tại Lùm Bùm.
Đúng 17 giờ ngày 21-01-1966 (mùng Một Tết Bính Ngọ), tại chân dốc Đồng Tiền, Phó Tư lệnh Nguyễn Tường Lân ra lệnh nổ loạt loạt mìn mở đầu chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường Thắng lợi”. Cùng thời điểm đó, tại dốc Ba Thang, Lum Bùm, Ka Tốc… cũng đồng loạt thi công. Một “đại công trường” dài 123 km đêm ngày vang tiếng mìn phá đá, tiếng xẻng, cuốc thi công. Những chàng trai, cô gái lứa tuổi 20, mặt bám bụi, áo quần đẫm mồ hôi, nhưng nụ cười, giọng hát vẫn vang khắp núi đồi.
Ngày 14-4-1966, hai mũi thi công gặp nhau ở sông Ta Lê, khai thông tuyến đường vượt khẩu, vắt ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tuy nhiên, việc hoàn thiện để đảm bảo các điều kiện cho xe chạy vẫn phải tiếp tục. Ngày 05-5-1966, một đoàn xe 15 chiếc của Binh trạm 14 chở gạo đã xuất phát từ Phong Nha để thử nghiệm kỹ thuật tuyến đường mới mở. Đoàn phải dừng lại ở vài điểm đường còn xấu chờ công binh nâng cấp mới đi qua.
Ngày 31-5-1966, Đường 20 mới thực sự thông xe toàn tuyến, mở đầu một giai đoạn vận chuyển cơ giới mới của bộ đội Trường Sơn. Tuyến đường đã phá thể độc đạo của Đường 12, rút ngắn đáng kể cự ly vận chuyển xuống Đường 9, chạy được cả trong mùa mưa, phân tán sự đánh phá ngăn chặn của không quân Mỹ.
3- Tết Bính Ngọ, Trung đoàn Công binh 98 mở Đường 49 thần tốc
Cuối năm 1965, đầu năm 1966, Đoàn 559 cung ứng hậu cần và vũ khí đạt kết quả thấp. Các đơn vị của Khu V và Tây Nguyên lâm vào tình thế rất nghiêm trọng. Chỉ huy các chiến trường báo cáo ra Bộ Quốc phòng tình hình cực kỳ khó khăn do hậu cần cung ứng không kịp thời. Để giảm bớt khó khăn cho Tây Nguyên, Tổng cục Hậu cần giao nhiệm vụ và “tài lực” cho “ông chủ” Đức Phương để thu gom lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc men. Lượng hàng đã thu mua được khá lớn chứa trong các kho. Nhưng đường C4 chỉ là tuyến gùi thồ, không thể đưa cấp tốc số hàng ấy về Phi Hà để chuyển về Tây Nguyên được.
Khu V và Tây Nguyên cần được cứu khẩn cấp. Bộ Tư lệnh 559 đã hội ý và truyền đạt mệnh lệnh cấp trên cho Chỉ huy Trung đoàn 98. Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp đang chuẩn bị cho đơn vị ăn Tết sau chiến dịch mở Đường 128 khắc nghiệt vừa kết thúc, cán bộ Cơ yếu đưa ông một bức điện của Tư lệnh Hoàng Văn Thái. Nét mặt căng thẳng, ông thầm nghĩ: “Lại mất Tết rồi”.
Ông lập tức triệu tập họp Ban Chỉ huy, thông báo nhiệm vụ đột xuất do Bộ Tư lệnh giao: “Mở một tuyến đường dài trên 200 km trong thời gian 4 tháng”. Cùng thời điểm Phó Tư lệnh Nguyễn Tường Lân phát lệnh khởi công Đường 20, Trung đoàn 98 bắt đầu hành quân gấp xuống rải quân dọc Đường C4 từ Phi Hà đến Xiêm Pạng. Ba Tiểu đoàn phân đoạn thi công, lán làm tạm cuốn theo theo tốc độ thi công.
Được sự hỗ trợ của “ông chủ”, bộ đội E98 với danh nghĩa là các “cu li” làm thuê đã tích cực thi công mở đường. Dưới áp lực về tiến độ, bộ đội thay nhau thi công suốt ngày đêm, nên khuôn mặt mọi người phờ phạc, hốc hác. Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp cũng lăn lộn trên tuyến đường, thậm chí mỗi ngày ông chỉ ngủ được ba, bốn tiếng đồng hồ.
Với sự quyết liệt như vậy, chỉ sau 38 ngày đêm, Trung đoàn 98 đã thi công xong 204 km từ Phi Hà đến Xiêm Pạng. Một kết quả diệu kỳ như trong cổ tích.
Khi tin "thông đường" báo về Bộ Tư lệnh, Tư lệnh gọi cơ quan Chính trị viết quyết định tặng cho Trung đoàn 98 cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và danh hiệu “Trung đoàn mở đường thần tốc”.
Sau khi đường C4 được nâng cấp xong, được đặt tên là Đường 49. Chiến dịch đưa hàng từ các kho của “ông Chủ” về Tây Nguyên bắt đầu.
4-Giao thừa năm Kỷ Dậu (16-2-1969) dòng xăng dầu lần đầu tiên vượt đèo Mụ Giạ vào đến kho Na Tông
Vận tải bằng ô tô ở Trường Sơn với quy mô lớn thì xăng dầu- “thức ăn” của vận tải cơ giới- trở thành vấn đề bức bách hàng đầu. Từ khi Mỹ “ném bom hạn chế” từ vĩ tuyến 20, đánh phá giao thông, kho tàng, thả thủy lôi đường thủy… với mật độ cao gấp bội, thì hầu như xăng không thể vào được Tuyến 559. Tiền phương Tổng cục Hậu cần đã bằng mọi biện pháp như kiệu xăng qua trọng điểm, gúi xăng xuyên rừng, làm đường ống, thiếu ống thì làm bằng ống lồ ô, vần xăng dọc suối vượt trọng điểm…Nhưng tất cả các biện pháp đó hiệu quả đều rất thấp và tốn xương máu. Đã có lúc Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên phải điện về Bộ “Nếu không chuyển xăng và gạo vào, có nguy cơ hàng vạn bộ đội và Thanh niên xung phong bị đói”.
Từ mùa Mưa năm 1968, Chủ Nhiệm Đinh Đức Thiện đã thông báo cho Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên khả năng đưa đường ống vào 559. Với phương thức này có thể giải quyết được vấn đề xăng dầu cho vận tải cơ giới lớn. Đường ống không chỉ giải quyết vấn đề vận chuyển xăng dầu, mà nó còn là một binh chủng kỹ thuật đặc thù, bởi vậy, từ khi có mặt trên tuyến Trường Sơn.
Với tất cả sự quyết tâm cao độ, vượt qua mọi ác liệt, gian khổ hy sinh, Giao thừa tết Kỷ Dậu (16 tháng 2 năm 1969), xăng đã theo tuyến tránh bí mật, vượt đỉnh Trường Sơn, đến kho Na Tông trên đất bạn Lào, kịp thời phục vụ Tổng công kích của Đoàn 559. Nhận được tin này, cả Bộ Tư lệnh như vỡ òa. Phó Tư lệnh Nguyễn Lang có mặt tại kho Na Tông khi xăng ào ào chảy vào các bể chứa, đã thốt lên: “Thật là kỳ diệu! Dòng xăng ngầm vượt núi”.
5- Ngày mùng 5 Tết Canh Thìn, bắt đầu chiến dịch Tổng Công kích vận chuyển đợt 2
Phát huy thắng lợi toàn diện của Tổng Công kích đợt 1 (bắt đầu ngày 15 tháng 1 năm 1970), Bộ Tư lệnh 559 đã quyết tâm mở chiến dịch Tổng Công kích đợt 2 và phát động phong trào “Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vượt Binh trạm vạn tấn”.
Ngày 16 tháng 2 năm 1970, là ngày mùng 5 Tết Canh Thìn, Chiến dịch Tổng công kích đợt 2 bắt đầu. Toàn tuyến 559 đồng loạt xuất kích trên nhiều hướng với chính diện khoảng 150 km, chiều sâu khoảng 1.000km.
Phát hiện hoạt động quy mô lớn của ta, địch mở ngay một tam giác lửa Seng Phan - ATP - Vang Mu nhằm “thít cổ họng” ở phía bắc Đường 9, đồng thời mở thêm trọng điểm Đèo 900 và Pha Bang Nưa trên Đường 18 ở phía đông. Mỗi ngày địch huy động gần 700 lần/chiếc máy bay, ném hàng vạn quả bom vào các trọng điểm. Nhưng bằng sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng, toàn tuyến vẫn giữ được quy mô, nhịp độ vượt khẩu, vượt Đường 9, vượt La Hạp, vượt Bạc, vượt Chà Vằn vào các chiến trường.
Chiến dịch Tổng công kích đợt 2 đã kết thúc thắng lợi.
Hàng vạn tấn lương thực, vũ khi đã vận chuyển vượt Đường 9 vào phía Nam.
Vũ Trình Tường (Trưởng Ban Lịch sử, Truyền thống)