“Người đầu tiên giác ngộ cách mạng cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên” – TG: Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 04:39 28/02/2023 Lượt xem: 280
 

NGƯỜI ĐẦU TIÊN GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG
CHO TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN
 
       Sau khi cao trào cách mạng 1930 -1931, mà đỉnh cao là Xô viết NghệTĩnh bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, phong trào cách mạng ở Quảng Bình những năm 1932-1935 gặp muôn vàn khó khăn. Một số chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, bị giết và tù đày. Sau khi được thả ra, họ lại tiếp tục về các làng quê “giữ lửa” và “gom lửa”. Một trong những người đó là đồng chí Nguyễn Văn Huyên, người trực tiếp giáo dục, giác ngộ, vận động Nguyễn Hữu Vũ, nay là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đi theo cách mạng.
       Năm 1933, sau khi được giặc Pháp thả, đồng chí Nguyễn Văn Huyên cùng 5 đồng chí: Nguyễn Kim Tiều, Phạm Quang Vĩ, Nguyễn Ngọc Trản, Lê Nguyên Phong và Trần Tình thành lập chi bộ Đảng làng Lũ Phong, là chi bộ đầu tiên của huyện Quảng Trạch do đồng chí Nguyễn Văn Tiều làm bí thư. Từ 6 hạt nhân đảng viên cộng sản đầu tiên, họ đã bí mật tỏa đi các làng khác phát động phong trào, thành lập các chi bộ đảng như Lộc Điền – Hậu Lộc, Thổ Ngọa, Trung Thôn, Trung Thuần. Ở làng Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn ngày nay), năm 1935, đồng chí Nguyễn Văn Huyên lấy tên là Tế, đến chợ Sải mở “quán” thợ may để dễ bề hoạt động cách mạng.
Gần chợ Sải, có một cậu bé tên là Nguyễn Hữu Vũ, con ông Nguyễn Hữu Khoán và bà Đặng Thị Cấp thường đến quán chơi. Năm 1933, cha mất sớm, khi Vũ vừa tròn mười tuổi. Năm mười hai tuổi, mỗi lần ra bến tắm hay làm xong việc nhà, cậu bé thường lân la đến quán anh Tế xin các sót chỉ làm bánh xe lăn đi lăn lại giữa nền nhà. Thấy cậu bé chơi vui, anh Tế chẳng rầy la mà còn giúp cậu lấy que xỏ qua lỗ sót chỉ kẹp vào giữa cành tre chẻ đôi đẩy đi đẩy lại như xe cút kít. Một lần thấy cậu chơi trò đẩy xe, anh Tế nói “đây là cái máy cày ở Liên Xô”. Rồi anh đã vẽ ra một tương lai tươi sáng khi đất nước ta giành được độc lập xây dựng chủ nghĩa cộng sản như ở Liên Xô. Ở đó có ông Lê Nin lãnh đạo. Không có người bóc lột người, không có lao động khổ sai, mọi người đều bình đẳng bác ái.
      Có lần anh Tế hỏi: “Hàng ngày thấy Tây đoan vào làng hay vào chợ đánh đập người mình nấu rượu và bán rượu em có tức không?” Không ngần ngại, cậu trả lời: “Có chứ. Em căm lắm mà không biết làm gì! Hôm nọ em thấy bà con mình rượt đuổi nện cho chúng một trận nên thân. Thật đáng kiếp!”. Mỗi hôm, một chuyện, rất nhẹ nhàng. Những câu chuyện của anh Tế tưởng như ngẫu nhiên, vô tình đã hướng cậu đến với những vấn đề rất đổi thiêng liêng. Đó là tình nhân ái, tình người, dân tộc, đất nước, rồi giai cấp. Sau này Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nói: “Anh Tế là người đầu tiên thắp sáng ngọn lửa cách mạng trong tôi”.
       Vào thời kỳ phong trào bình dân ở Pháp phát triển mạnh, Đảng ta chủ trương vận động quần chúng đấu tranh công khai đòi hòa bình, dân chủ, dân sinh. Lúc này anh Nguyễn Hữu Vũ đang học ở trường Tiểu học Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn). Anh Tế giao cho anh Vũ vận động người của Đảng vào Nghị viện Dân biểu Trung Kỳ. Anh Tế còn đưa anh Vũ về làng Lộc Điền, một địa phương có phong trào cách mạng sôi nổi nhất huyện Quảng Trạch lúc đó để học tập kinh nghiệm. Phong trào ở Lộc Điền do anh Tú phụ trách. Anh Tế kèm cặp cả hai anh em để trở thành cán bộ cốt cán nhưng không may anh Tú bị bệnh qua đời, từ đó anh tập trung bồi dưỡng anh Vũ.
       Năm 1937, anh Vũ đổi tên thành Nguyễn Văn Đồng và chính thức tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1938, qua giới thiệu của anh Nguyễn Văn Huyên, anh Nguyễn Văn Đồng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lúc mới tròn 15 tuổi. Nhà đồng chí Nguyễn Văn Đồng và đồng chí Vũ Huệ (Cả Huệ) là hai cơ sở đón các phái viên Xứ ủy Trung Kỳ về công tác tại làng Trung Thôn. Nhà hai đồng chí cũng là nơi họp bàn giải quyết công việc của chi bộ làng Trung Thôn (mật danh là chi bộ Bình).
       Tháng 5 năm 1942, dưới sự chứng kiến của đồng chí Bùi Công Lập – đặc phái viên Xứ ủy Trung Kỳ, Phủ ủy Quảng Trạch được thành lập tại cây đa làng Thổ Ngọa, thuộc chi bộ Thổ Ngọa (mật danh là chi bộ Thiên). Phủ ủy gồm có 6 người: Tế, Huệ, Thiên, Sự, Long, Đồng do đồng chí Tế làm Bí thư và đồng chí Đồng làm Phó bí thư, phụ trách văn kiện và tờ báo có tên là “Hồng Lạc”. “Hồng Lạc” in bằng đông sương hết sức thô sơ, là tờ báo chung của cả tỉnh, mỗi tháng ra một số. Tòa soạn nằm ở nhà đồng chí Nguyễn Văn Đồng hay nhà đồng chí Vũ Văn Giáo. Mỗi lần in xong, đem xuống giấu dưới hầm bí mật đào giữa bụi tre. Không đầy một năm sau Phủ ủy Quảng Trạch và các cơ sở Đảng ở Quảng Bình có báo “Cờ giải phóng” – tiếng nói của Trung ương Đảng nên “Hồng Lạc” dừng in.
       Đến năm 1942, cả tỉnh Quảng Bình có 9 chi bộ thì riêng huyện Quảng Trạch có 4 chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, các cán bộ tiếp tục được phân công đi gây dựng cơ sở trong huyện. Các đồng chí Trần Văn Sớ, Nguyễn Ngọc Trản, Hoàng Dần về nhà ông Nguyễn Ngạn (thường gọi là Tuần Ngạn) trưởng tộc họ Nguyễn ở Ba Cồn ( làng Nội Hà), vùng công giáo toàn tòng “làm thợ mộc” để xây dựng chi bộ Hà Châu, chi bộ đầu tiên ở xã Quảng Minh (nay thuộc thị xã Ba Đồn). Đồng chí Nguyễn Ngọc Trản trực tiếp làm bí thư chi bộ. Ba con trai ông Tuần Ngạn đều là đảng viên của chi bộ và đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng chí Cả Huệ lên phía Tây Quảng Trạch thành lập Chi bộ ghép Ngoạ Cương – Thanh Thuỷ (nay thuộc huyện Tuyên Hóa). Đồng chí Cả Huệ đề xuất với đồng chí Lê An, Cao Văn Toàn, Trần Diên trong chi bộ lấy chùa Ngọa Cương làm nơi sinh hoạt. Sau này vùng đất này trở thành chiến khu phía Tây của tỉnh Quảng Bình.
       Đầu năm 1944, chi bộ bị lộ do một đồng chí bị bắt không chịu nổi đòn tra tấn của địch đã khai ra. Các đồng chí chưa bị lộ như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Đồng cùng một số đồng chí khác trong Phủ ủy Quảng Trạch phải trốn sang Thái Lan tránh địch ruồng bố vây ráp. Khi giặc Nhật kéo vào Đông Dương, hai người lại về nước nắm lại các cơ sở cũ trong tỉnh chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Họ là những người đứng đầu trong chính quyền tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Trạch trong những ngày cách mạng Tháng Tám.
       Sau này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một cán cao cấp của Đảng, Nhà nước, từng đảm đương một số vị trí trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô, và nhất là vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn huyền thoại với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Suốt đời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn không bao giờ quên công lao của đồng chí Nguyễn Văn Huyên, người đã dìu dắt ông trưởng thành. Trong sổ tang của đồng chí Nguyễn Văn Huyên, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: Suốt đời coi đồng chí Nguyễn Văn Huyên là một người anh trai Cả của mình.

Trong ảnh: Tác giả Hoàng Minh Đức đứng bên bia ghi di tích lịch sử
nhà của đồng chí Nguyễn Văn Huyên ở chợ Sải, làng Trung Thôn, xã Quảng Trung
được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
 
Hoàng Minh Đức,
Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại: 0379872648.
 
tin tức liên quan