Trọng điểm Văng Mu

Ngày đăng: 10:17 15/06/2023 Lượt xem: 105
TRỌNG ĐỂM ĐÈO VĂNG MỦ  
 
1. Tên gọi: Trọng điểm đèo Văng Mủ.
2. Địa điểm: Đèo Văng Mủ nằm trên Đường 128, bản Văng Mủ, huyện Sê Pôn, Savannakhet
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm di tích.
        Đèo Văng Mủ là trọng điểm giao thông, trọng điểm đánh phá trên Đường 128. Đỉnh Đèo Văng Mủ tại Km164, Đường 128A, cách ngã ba Na Bo (Km176) về phía bắc 12 km. (Ghi chú: Lý trình Đường 128 lấy theo thống kê của Cục Công binh 1973- Km 0 tại Mụ Giạ).
       Trên Đường 128 từ Lằng khằng vào Na Bo thì Văng Mủ là một trong những “cổ họng” ách yếu nhất cần vượt qua để xuống Đường 9.
         Đèo Văng Mủ dài 3 km, có địa hình phức tạp một bên là vực sâu, một bên là vách núi đất nhưng dốc ngược. Chỉ cần một quả bom đánh trúng đường, hoặc ta luy dương là đường lập tức bị tắc, rất khó khắc phục: Đất trên ta luy dương sụt xuống lấp đường hoặc cả đoạn mặt đường trôi xuống vực rất khó khăn để khôi phục lại được.
Bắt đầu từ năm 1965, không quân Mỹ mở rộng đánh phá Đường Trường Sơn, nhất là đoạn từ Mụ Giạ vào Đường 9, Ngầm Thà Khống. Ngày 14 / 01/1966, địch ném bom Văng Mủ, đường bị tắc. Lực lượng công binh phải căng mình ra khắc phục. Mãi đến ngày 24/01 mới mở thông đường trở lại. Ngày 18-2-1966, các trọng điểm  trên Đường 128 từ Xóm Péng đến Văng Mủ hứng chịu 195 trận oanh tạc. Từ tháng 9/1969 đến tháng 3/1970 đoạn đèo Văng Mủ thành một trọng điểm ác liệt nổi tiếng trên tuyến vận tải chiến lược. Có lần chúng tập trung đánh phá hàng tháng liên tục. Có ngày, lượng đất đá sụt xuống lấp mặt đường hơn 100 m3.
        Bảo vệ Đèo Văng Mủ là Tiểu đoàn 10 cao xạ. Đơn vị đã chiến đấu quả cảm, bảo vệ các đơn vị công binh và xe vận tải qua. Cuối tháng 3/1967, Bộ Tư lệnh giao cho Chỉ huy Binh trạm 32 tổ chức thí điểm “trận chiến” hiệp đồng binh chủng tại Cốc Mạc (nằm ở phía bắc Văng Mủ). Trận chiến Cốc Mạc là sự hiệp đồng giữa các đơn vị công binh, xe vận tải, pháo cao xạ, các trọng điểm trước và sau Cốc Mạc. Trọng điểm Văng Mủ tham gia vào sự hiệp đồng tác chiến đó.
       Trận chiến Cốc Mạc đã kết thúc thắng lợi, mở ra một bước chuyển biến tích cực, đưa tư thế của Bộ đội Trường Sơn trực diện chiến đấu với địch, từ “tránh địch mà đi” đến “đánh địch mà đi”.
Quản lý và bảo vệ đoạn Đường 128 từ Lùm Bùm qua Văng Mủ vào Na Hi sau năm 1967 là Binh trạm 32. Binh trạm bố trí tại đây Đại đội 2 công binh, thuộc Tiểu đoàn Công binh 31 để bảo vệ và sửa chữa đường. Đại đội 2 do Nguyễn Văn Tửu chỉ huy, chính trị viên Nguyễn Dân.
       Nguyễn Văn Tửu thường xuyên có mặt trên trọng điểm, ngay lúc máy bay địch đang bắn phá để kịp thời chỉ huy đơn vị khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông không bị tắc quá giờ quy định. Nhiều lần bom nổ gần, đồng chí Tửu bị ngất đi. Khi được anh em cứu, tỉnh dậy đồng chí lại tiếp tục chỉ huy anh em làm nhiệm vụ. Có lần máy bay địch đến bắn phá, đồng chí Tửu đã cầm đuốc chạy sang hướng khác xa đường để lừa địch, thu hút hỏa lực máy bay bắn về phía mình. Nhờ đó đoàn xe 200 chiếc đang vượt trọng điểm được an toàn. Đồng chí Nguyễn Văn Tửu là một cán bộ luôn có quyết tâm chiến đấu cao, dù khó khăn nguy hiểm thế nào cũng kiên quyết chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại đội được mệnh danh là “Chốt thép trên đèo Văng Mủ”.
        Ngày 03/6/1976, Nguyễn Văn Tửu được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
         Để tránh trọng điểm Văng Mủ, Tiểu đoàn 31 đã tìm và làm đường vòng tránh về phía đông đèo cũ.
        Binh trạm 32 đạt được danh hiệu “Binh trạm vạn tấn” cũng nhờ công đóng góp không nhỏ của các lực lượng công binh đảm bảo giao thông, lực lượng pháo cao xạ bắn máy bay bảo vệ các đoàn xe qua đèo Văng Mủ.

                                                          Vũ Trình Tường

tin tức liên quan