DI TÍCH NGẦM PHÀ - NGẦM BẠC

Ngày đăng: 06:20 13/07/2023 Lượt xem: 156
DI TÍCH NGẦM  PHÀ - NGẦM BẠC
 

1. Tên Di tích:  Phà - ngầm Bạc

2. Địa điểm: Tại bản Talangmay, (bản Bạc cũ) huyện Ka Lưm tỉnh Sê Kông

3.Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm Di tích.

      Khu vực ngầm phà Bạc là trọng điểm trọng yếu về giao thông, gian khổ vì thiếu đói, trọng điểm của bệnh tật.
Sông Bạc là tên của Bộ đội Trường Sơn quen gọi đoạn sông Sê Kông chạy qua bản Bạc nay là bản Talangmay.
      Đoàn 559, lật cánh sang Tây Trường Sơn ngày 14-6-1961, phương thức vận chuyển chủ yếu là gùi, thồ, do lực lượng mỏng và chưa có đường gùi thồ nên ban đầu chỉ giao hàng cho Quân khu V tại La Hạp. Việc vận chuyển qua sông Bạc vào Tà Xẻng (Khu vực ngã ba Biên giới, mật danh là S9) rất khó khăn. Tận dụng sông Sê Kông, Trung đoàn 71 thả hàng trôi theo sông rồi đón vớt lên tại Păc Ca don. Tháng 10 năm 1963, thực hiện nhiệm vụ cung ứng hậu cần cho bạn Lào, Trung đoàn 71 điều động một Tiểu đoàn mở đường gùi thồ từ Ba Tôi đến Bạc rồi vào giao cho Bạn tại Nậm Hiên.
      Việc thả trôi hàng trên sông Sê Kông bị thất thóat quá nhiều do các bao hàng va phải đá ngầm nứt vỡ. Được sự đồng ý của Chỉ huy 559, Trung đoàn 70 tổ chức Tiểu đoàn 161 (Tiểu đoàn trưởng là Đại úy Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Long là Chính trị viên) vận chuyển bằng thuyền trên sông Bạc vào Pac Ca Don. Để có thuyền vận chuyển, Trung đoàn tổ chức một xưởng đóng thuyền gỗ ngay bờ sông Bạc, với các thợ tuyển chọn từ miền Bắc vào. Xưởng trưởng là Thượng úy Huỳnh Cao Sơn.
Lòng sông Bạc hẹp, chảy xiết, nhiều ghềnh thác. Theo yêu cầu của Chỉ huy Đoàn 559, Trung đoàn 98 cử Tiểu đội công binh biệt phái sang Trung đoàn 71 làm nhiệm vụ phá thác, cải tạo lòng sông để thuyền qua được. Tiểu đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đoạn sông đã đảm bảo cho thuyền tải trọng nhỏ lưu thông. Chỉ huy đơn vị phá thác là Hoàng Văn Nghiên được phong Anh hùng lực lượng vũ trang.
       Do yêu cầu của chiến trường ngày càng cao, việc gùi thồ không thể đáp ứng được. Bộ Quốc phàng chủ trương tăng cường thêm lực lượng mở đường cơ giới vào sâu đến Hạ Lào rồi vào Tây Nguyên.
Trung đoàn công binh 98 khởi công đoạn Bản Đông đi Bạc vào ngày 9-8-1964. Tháng 12-1964, Trung đoàn 98 đã mở thông vào đến Bạc (chậm 3 tháng so với kế hoạch).
       Khi thông đường, đồng chí Nguyễn Văn Nhạn – Cục Phó Cục Công binh đã dẫn đầu 7 chiếc xe Gaz chở đầy hàng chạy từ miền Bắc vào Bản Đông rồi chạy theo đường mới mở vào đến sông Bạc. Nhân dân hai bên đường (hầu hết là người Lào Thơng) lần đầu tiên thấy xe ô tô, họ hết sức ngạc nhiên rủ nhau ra xem.
      Ngày 15-10-1964, Đại đội 4 của Đoàn xe 245 (Đại đội trưởng là là Vũ Hữu Doãn, Chính trị viên là Vũ Mỹ Thụ), biên chế 36 xe Gaz xuất phát từ Thường Tín (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) chất đầy hàng, chạy qua hàng nghìn cây số, trong đó có hàng trăm cây chạy trên Đường Tây Trường Sơn vào đến bản Bạc vào cuối năm 1965. Sự kiện phương tiện cơ giới vào đến sông Bạc đánh dấu một giai đoạn vận chuyển mới.
        Tuy nhiên, đường mới mở còn rất xấu, ô tô chở hàng vào đến Bạc rất khó khăn. Hình thức gùi thồ vẫn được áp dụng song song. Các đơn vị hành quân vào Tây Nguyên qua phà Bạc vẫn do Tuyến 1 (sau này là Binh trạm 35) phụ trách. Việc đảm bảo lương thực cho hàng ngàn bộ đội hành quân trên Tuyến và 800 bộ đội của 559 ở khu vực Hạ Lào trở thành vấn đề nóng bỏng. Mùa mưa năm 1965, gạo chỉ đủ nấu cháo cho người ốm, bộ đội phải ăn củ chối, măng rừng trừ bữa.  Chỉ huy Trung đoàn 70 kết hợp với Đoàn Giúp bạn 763 đã đề nghị với Tỉnh ủy tỉnh Tà Vèn Oọc vận dộng nhân dân các bản thuộc huyện Ka Lưm giúp đỡ. Mặc dù bản thân rất khó khăn, nhưng nhân dân các bộ tộc Lào trong huyện đã góp được  ba chục tấn gạo cho Trung đoàn 70 cứu đói. Tuy rất nhỏ nhưng đó là “Một miếng khi đói…”, là ân tình của nhân dân Lào đối với Bộ đội Việt Nam.
         Mùa mưa năm 1966, quản lý địa bàn Phà Bạc đi Cha Van là Binh trạm 5, ngoài việc thiếu đói, dịch bệnh sốt rét lan tràn đến mức trên một nửa quân số không ra mặt đường được. Mấy chục chiến sĩ của Binh trạm đã chết vì đói và  bệnh tật.
        Năm 1965, Trung đoàn 98 và Trung đoàn 279 mở tiếp Đường 128 vào đến Tà Xẻng (Ngã ba Biên giới). Để vượt sông Bạc, Tuyến 1 đã làm các phà bằng ghép thùng phi và tre gỗ. Khi phà Bạc trở thành mục tiêu đánh phá, chỉ huy Tuyến 1 và sau này là Binh trạm 34 (quản lý địa bàn Bắc sông Bạc), Binh trạm 35 (phụ trách địa bàn Nam sông Bạc) đã xây dựng 4 điểm vượt sông (trong đó 1 bến phà và 3 ngầm) trên đoạn sông dài khoảng 5 km. Đường chạy dọc hai bờ sông kết nối các ngầm và phà.
         Phà chỉ chạy vào mùa mưa, nước lớn, còn lại chủ yếu đi qua 3 ngầm vượt sông. Di tích khảo sát là Bến phà Bạc năm xưa.
       Phía Bắc Sông Bạc, đoạn từ Lục Tùng Bế đến Bạc là đoạn “Dốc 12 cua” thuộc quản lý của Binh trạm 34. Dốc 12 cua thường xuyên bị đánh phá, mùa mưa năm 1967, đoạn dốc này bị bom đánh sập, Đường 128 bị ách tắc. Từ cuối năm 1965, Đoàn 559 điều một Tiểu đoàn của Trung đoàn 98 làm đường tránh Lục Tùng Bế và “Dốc 12 cua”, nhưng thời điểm này đường tránh vẫn còn hẹp và dốc. Mỗi đêm chỉ có khoảng 10 xe vượt được phà Bạc. Các Binh trạm 35, 37, 44 ở phía trong thiếu hàng để vận chuyển.
Mùa khô năm 1964-1965 Binh trạm 35 đã tổ chức đưa đón các đơn vị bộ đội hành quân vào chiến trường qua phà Bạc vào Tây Nguyên với đơn vị vị cấp Trung đoàn như Trung đoàn 95, 18, 101 của Sư đoàn 325 B và sau đó là các Trung đoàn 66, 42 của Sư đoàn 320.
        Từ năm 1972-1973, Đường ống xăng dầu được kéo dài từ bản Đông (kho K7) đi theo Đường 22, Đường 128 và Đường 24 vào Bạc rồi kéo dài đến Ngã ba biên giới vào Công Tum nhập với hành Đông tại Plei Khốc.
Trên Đường 128, điểm vượt sông Bạc luôn là một điểm trọng yếu về giao thông, khó khăn về cung ứng lương thực, địa bàn trọng điểm về bệnh tật.
        Khu vực Nam sông Bạc (nay thuộc địa bàn bản Talangmay) là Chỉ huy sở Tiền phương của BTL 559 và Tuyến 3 (1965-1966), Chỉ huy sở của Binh trạm 5 (1966), Binh trạm 35 (1967-1971)

         Năm 1965, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được Bộ Chính Trị điều động về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Hai Trung đoàn 70 và 71 giải thể để thành lập 3 Tuyến: Tuyến 1, Tuyến 2 và Tuyến 3.
Tuyến 3 là tuyến sâu nhất về phía Nam, phụ trách cung vận chuyển và hành quân từ Bạc vào Tè Xẻng (Ngã ba biên giới) và Tuyến Đường ngang B46. Lực lượng gồm Trung đoàn 98, các lực lượng vận chuyển, giao liên… Tuyến Trưởng Tuyến 3 là Nguyễn An. Sở chỉ huy của Tuyến 3 đóng tại bản Bạc.
        Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559 đóng tại Hóa Tiến, Minh Hóa, Quảng Bình. Tuy nhiên cơ quan Tham mưu và Chính trị được lệnh vào đóng tại Sở Chỉ huy Tuyến 3 ở Nam sông Bạc để trực tiếp chỉ huy các lực lượng của Tuyến 3 hoạt động.
Binh trạm 35 có Chỉ huy sở đóng tại phía nam sông Bạc, phụ trách 120 km Đường 128 từ Bạc đến Pac Ca Don.

            Khu vực Phà Bạc là trọng điểm đánh phá

        Tháng 3-1968, địch tập trung đánh phá Đèo Long ở phía Nam phà Bạc. Binh trạm 35 phải tổ chức chiến dịch “Giải phóng Đèo Long”. Binh trạm tập trung mở đường tránh mới giải tỏa được nút thắt Đèo Long.
Để phân tán sự đánh phá của địch Công binh  hai Binh trạm 34 và 35 đã xây dựng thêm các bến vượt sông Bạc cả về phía đông và tây bến vượt chính. Hầu hết các bến vượt sử dụng phà về mùa mưa và ngầm về mùa khô.
       Khu vực vượt sông Bạc của Đường 128 bị máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt. rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh trên đoạn sông này. Để đánh máy bay, bảo vệ trọng điểm, các đơn vị súng máy 12.7 li, pháo 37 ly của Tiểu đoàn 6 cao xạ tổ chức hợp đồng tác chiến bắn máy bay, bảo vệ phà Bạc. Tiểu đoàn 6 được phong danh hiệu Anh hùng ngày 31/12/1973.
                 
                                                                           Vũ Trình Tường

tin tức liên quan