DI TÍCH NGÃ BA SÊ SỤ- PHI HÀ

Ngày đăng: 06:30 13/07/2023 Lượt xem: 132
DI TÍCH NGÃ BA  SÊ SỤ- PHI HÀ
 
  1. Tên Di tích: Ngã ba Sê Sụ (hoặc ngã ba Phi hà)   
  2. Địa điểm Di tích: Khu vực bản Xổm bun , huyện  Xaysetha, tỉnh At ta pư
       Sê Sụ, Phi Hà là một địa bàn rộng lớn, là đầu mối giao thông có vị trí chiến lược rất quan trọng tại khu vực ngã ba biên giới nằm ở cuối Đường Trường Sơn trên đất Nam Lào.
        Nhiều tuyến đường của đường Trường Sơn chạy qua Sê Sụ: Đường 24 (đường kín), đường 128, đường 16, đường 49A, 49B, đường sông Sê Công - Sê Sụ… Năm 1966, Đường 128 đã mở qua Sê Sụ, năm 1972 Đường kín 24 mở qua Sê Sụ vào Việt Nam…
      Ngã ba Sê Sụ (hay ngã ba Phi Hà) là giao của Đường 128 (đoạn Chà Văn - Ngã ba Biên giới) với điểm xuất phát của Đường 49 từ Phi Hà - Ta Ngâu - Siem Pạng - Stung Treng (Campuchia).
        Ban đầu Đường 49 là đường C4, phục vụ gùi thồ từ nguồn hàng do “ông chủ” Đức Phương thu mua từ Campuchia về Sê Sụ rồi chuyển về Tây Nguyên. Vào đầu năm 1966, lượng hàng thu mua được khá lớn chứa trong các kho kho vực Siêm Pạng, K20. Trong khi đó các đơn vị bộ đội ở Tây Nguyên thiếu đói. Do đường C4 chỉ gùi thồ, lượng hàng vận chuyển được quá nhỏ so với yêu cầu. Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh 559 điều Trung đoàn 98 công binh về cấp tốc mở đường C4 thành đường ô tô. Trung đoàn 98 đã thi công suốt ngày đêm, ăn nghỉ ngay trên mặt đường. Công trình bắt đầu thi công 21-01-1966, sau 38 ngày đêm, ngày 04-3-1966 Trung đoàn đã khai thông được 204 km từ Phi Hà đến Siêm Pạng. Tư lệnh Hoàng Văn Thái đã trực tiếp đến động viên và tặng Trung đoàn lá cờ “Mở đường thần tốc”.
       Khu vực Sê Sụ có một thung lũng khá bằng phẳng, phần lớn là những ngọn đồi rất thấp, chân dãy núi Phi Hà ở phía Nam. Những khu rừng nguyên sinh cổ thụ đan xen với những khu rừng cây thân nhỏ. Tại đây rất thuận tiện cho việc xây dựng nhà. Việc mở đường qua khu vực Sê Sụ cũng khá thuận lợi, vì địa hình khá bằng phẳng, ít sông suối lớn…
         Sê Sụ trở thành một đầu mối dự trữ chiến lược, điều tiết hậu cần đi Nam Lào, Tây Nguyên và xuống Capuchia để từ đây đi Nam Bộ của Việt Nam.
       Sê Sụ là nơi quy tụ 2 nguồn hàng chính: Từ miền Bắc Việt Nam được vận chuyển theo đường 128 A, đường 129, đường 23, 22, 24…vào và  nguồn hàng khai thác từ Stung treng (bắc Campuchia) được vận chuyển theo đường 49A, 49B… Hai nguồn hàng này được cung ứng cho Tây Nguyên và Nam Bộ (tùy theo từng thời kỳ).
        Đường ống xăng dầu nhánh Tây được Trung đoàn 532 xây dựng từ năm 1972-1974 đã vào đến Sê Sụ rồi vào Việt Nam nhập với nhành Đông tại Plei Khốc rồi cùng phát triển vào đến điểm cuối tại Bù Gia Mập.
       Thấy được vị trí quan trọng của khu vực ngã ba biên giới và Sê Sụ, từ năm 1966 đến 1968 Mỹ, ngụy Sài Gòn tập trung không quân đánh phá rất ác liệt. Khu vực Sê Sụ và các khu vực phụ cận như: Phi Hà, Tà Xẻng, Dốc Trực, Lâm Phu…liên tục bị đánh phá. Tháng 3 năm 1969, địch đổ quân xuống khu vực Sê Sụ, Phi Hà nhằm ngăn chặn tuyến vận chuyển chi viện Trường Sơn nhưng đã bị đánh bại.
      Tại Sê Sụ, trước năm 1967 thuộc quản lý của Tuyến 3, từ 1967-1970 là địa bàn hoạt động của Binh trạm 6 sau đổi tên thành Binh trạm 37. Tại đây có kho hậu cần lớn – Kho K4, nằm ở tây - bắc Sê Sụ.
     Trước năm 1970, vào mùa mưa việc vận chuyển hậu cần từ phía Bắc vào gặp khó khăn. Hàng hậu cần khai thác từ Campuchia từ Kho K4 được vận chuyển ngược ra Chà Vằn, đi đường B46 cho Binh trạm 44 để chuyển vào Tây Nguyên (qua Kon Tum).
       Từ năm 1970 đến 1975, việc khai thác nguồn hậu cần từ Campuchia gặp khó khăn, nguồn hậu cần lại từ kho K4 được chở xuôi xuống Phi Hà theo đường 49 vào Strung Treng sau đó theo Đường 19 vào Tây Nguyên.
      Năm 1966, Sê Sụ là Chỉ huy sở của Binh trạm 6, Binh trạm 37 từ khi thành lập đến năm 1970 đều nằm ở Sê Sụ. 
Tháng 6-1970, Bộ Tư lệnh Khu vực 470 được thành lập đã đặt Sở Chỉ huy tại Sê Sụ. Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Khu vực 470 là xây dựng căn cứ chiến lược tại khu vực ngã ba biên giới, trực tiếp vận chuyển hậu cần phục vụ chiến trường Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và chiến trường B2 (Nam Bộ). Đồng chí Lê Đình Sum, Phó Tư lệnh 559 làm Tư lệnh 470,  đồng chí Bùi Đức Tạm - Phó Chính ủy 559 làm Chính ủy 470. Bộ Tư lệnh Khu vực 470 kiêm chức năng Bộ Tư lệnh Tiền phương của 559.
       Từ đầu tháng 11 năm 1974, Chỉ huy sở của Sư đoàn ô tô 471 Trường Sơn được đặt tại Sê Sụ. Sư đoàn bộ và toàn bộ lực lượng hơn 2.600 xe của Sư đoàn (gồm các Trung đoàn: 17, 32, 33 và 536 cùng các Tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn) đều đóng quân tại các cánh rừng xung quanh Sê Sụ. Các lực lượng thông tin (tổng đài 8000), Kho K4 Trường Sơn, xăng dầu, các đơn vị công binh, cao xạ bảo vệ Sê Sụ và ngầm Sê Sụ… cũng đều đứng chân tại khu vực Sê Sụ. Tại đây Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã xây dựng một kho chiến lược lớn (Kho K4) để trung chuyển hậu cần cho các chiến trường. Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471 quản lý, chỉ huy các lực lượng của Trường Sơn làm nhiệm vụ tại khu vực Sê Sụ.
       Từ cuối năm 1974, ở Sê Sụ người và xe hoạt động tấp nập suốt ngày đêm. Hàng ngàn xe của Sư đoàn ô tô 571 lấy hàng từ Đông Hà (Quảng Trị) vào trả hàng tại Kho Sê Sụ. Hàng ngàn xe của Sư đoàn 471 nhận hàng từ kho Sê Sụ đi thẳng vào giao cho chiến trường Nam Bộ (B2). Nhiều người ví Sê Sụ “sầm uất, tấp nập” như một thị trấn – thị trấn quân sự.
      Ngày 31/12/1975, bầu trời ngầm Sê Sụ bị phá nát bởi tiếng gầm rú của một tốp máy bay A37 của không quân ngụy Sài Gòn. Chúng lượn vòng rồi cắt bom. Các đơn vị cao xạ của ta bắn trả mãnh liệt. Lúc này xe vận chuyển của Sư đoàn 471 và bộ đội công binh đang hoạt động ở khu vực ngầm. Những loạt bom không rơi trúng ngầm và không gây thiệt hại gì cho  ta.
      Ngày 14/3/1975, 3 chiếc A37 của ngụy Sài Gòn đã phát hiện đội hình vận chuyển của Tiểu đoàn 62 và 68 của Sư đoàn 471. Hai tiểu đoàn này đang trên đường vận chuyển lương thực cứu đói cho nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận. Đoàn xe vừa rời Sê Sụ đi về phía Đèo 88 thì bị bắn phá. Khu vực này khá trống trải. Tiểu đoàn 62 bị máy bay địch đánh trúng đội hình. 5 xe bị bắn cháy, 20 xe khác bị hư hỏng. 5 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn hy sinh, trong đó có đồng chí Tuấn, Tiểu đoàn trưởng. Đây là tổn thất đầu tiên của Sư đoàn 471 kể từ sau Hiệp định Pari.
       Sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiếp quản Thị xã Buôn Ma Thuột và lập Sở Chỉ huy Tiền phương tại đây. 2 ngày sau, nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, ngày 12/3/1975, Sư đoàn 471 rời căn cứ Sê Sụ vào đóng quân tại căn cứ Sư đoàn 23 ngụy tại đường Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột).
      Sau hơn 4 tháng đứng chân hoạt động tại Sê Sụ, Sư đoàn 471 đã vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược, vừa tham gia trực tiếp phục vụ Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau đó các lực lượng của Sư đoàn tiếp tục cơ động các lực lượng của Sư đoàn bộ binh 968 và các lực lượng chủ lực của Tây Nguyên giải phóng các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

 
  Vũ Trình Tường
 
 

tin tức liên quan