TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC TRƯỜNG SƠN TRONG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO 1971

Ngày đăng: 10:31 01/08/2023 Lượt xem: 170
TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC TRƯỜNG SƠN
TRONG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO 1971

Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 21/03/2021 21:01
 
Để thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, giành thế chủ động trên chiến trường, sau khi buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, Mỹ và quân đội Sài Gòn tập trung lực lượng không quân đánh phá hành lang vận chuyển chiến lược của ta.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là một trong những sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược, không chỉ trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn trong việc thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, mà còn đập tan mưu đồ nhằm ngăn chặn, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của đối phương, góp phần to lớn vào thắng lợi quan trọng này.
Để thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, giành thế chủ động trên chiến trường, sau khi buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, Mỹ và quân đội Sài Gòn tập trung lực lượng không quân đánh phá hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Đầu năm 1971, Mỹ chủ trương tiến hành cuộc phiêu lưu quân sự mới bằng cách huy động cao nhất lực lượng  quân đội Sài Gòn, có sự chi viện hỏa lực của Mỹ, mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, tiến công vào khu vực Đường 9 - Nam Lào, nơi chúng cho là “yết hầu” trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, hòng cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta.
Sớm dự báo, nhận định đúng âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ thị phải bảo đảm cho nhiệm vụ vận tải thông suốt chi viện cho miền Nam và phục vụ chiến dịch đánh lại âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ. Từ giữa năm 1970, ta đã tiến hành các công tác chuẩn bị cho chiến dịch, trong đó nhiệm vụ vận tải chiến lược Trường Sơn được tiến hành hết sức khẩn trương và gấp rút. Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo củng cố lực lượng vận tải chiến lược của Đoàn 559, bổ sung thêm lực lượng Sư đoàn 968 và Đoàn chuyên gia Quân sự 565 ở Hạ Lào thành đơn vị tương đương cấp quân khu.
Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Đoàn 559 mở thêm Đường 10, củng cố Đường 16B, chuẩn bị khai thông Đường 16D, củng cố tuyến đường B70. Đến tháng 9 năm 1970, Bộ tiếp tục hướng dẫn Đoàn 559 và các mặt trận B4, B5 chuẩn bị thêm một bước cụ thể tại chiến trường. Tháng 10 năm 1970, thành lập Binh đoàn B70, bố trí ở Nam Quân khu 4 sẵn sàng phối hợp với lực lượng tại chỗ để đối phó với mọi tình huống xảy ra, bảo đảm cho công tác vận tải thông suốt. Đến cuối năm 1970, công tác mở đường cơ bản đã hoàn tất, tạo nên mạng cơ giới ngắn nhất từ miền Bắc vào Đường 9, bảo đảm khối lượng chi viện cho các chiến trường ngày càng lớn.
Cùng với củng cố hệ thống đường, 05 binh trạm: 27, 9, 32, 33, 41 của tuyến vận tải chiến lược 559 đã triển khai các lực lượng binh chủng chiến đấu và bảo đảm hậu cần trên khu vực, bao gồm hệ thống kho vật chất kỹ thuật, nhiên liệu; cơ sở điều trị, trạm giao liên cơ giới và bộ; mạng thông tin chỉ huy; lực lượng tác chiến phòng không; lực lượng xe ô tô vận tải; các sư đoàn bộ binh 304, 324, 2, Trung đoàn cao xạ 241, Trung đoàn Công binh 7,… đã bố trí trận địa chiến đấu. Kế cận chiến trường phía Tây - Bắc là địa bàn hoạt động của các binh trạm 12, 14, 31 của Đoàn 559; phía Đông Bắc là địa bàn hoạt động của các binh trạm 25, 26, 16, 17 Cục Vận tải, các cơ sở kho tàng điều trị, sửa chữa của các cục nghiệp vụ; hai Binh trạm đường ống 169, 171 thường xuyên có lượng xăng dầu nối từ hậu phương vào Đường 9 trực tiếp bảo đảm một khối lượng lớn xăng cho chiến dịch.
Để bảo đảm thực hiện tốt cho nhiệm vụ vận tải chiến lược Đường 9 - Nam Lào, ta đã chủ động điều chỉnh lực lượng xây dựng thế trận tác chiến chiến dịch; thống nhất với các quân binh chủng: Phòng không- không quân, pháo binh, công binh, Sư đoàn 308, 304, 324 về kế hoạch hiệp đồng tác chiến; đồng thời, thành lập tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách hướng phối hợp chiến dịch ở phía Tây Trung - Hạ Lào cùng với các đơn vị bạn tiêu diệt, chặn đứng quân đội phái hữu Lào và quân Thái Lan nếu chúng đánh xuống Mường Phìn để cùng với quân đội Sài Gòn chiếm khu vực Tha Mé - Sê Pôn hòng cắt ngang trung tâm tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Theo đó, cán bộ chủ trì các Binh trạm 27, 9, 41, 34, 32, 31, 14, 12 được quán triệt phải duy trì mạnh mẽ vận chuyển chiến lược, sẵn sàng tác chiến tại chỗ bằng mọi vũ khí hiện có, vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến; các Binh trạm 32, 33 vừa vận chuyển chiến lược, vừa vận chuyển chiến dịch và tác chiến tại chỗ; điều chỉnh các Binh trạm 9, 27, 41 sang phục vụ chiến dịch, lực lượng tại chỗ đánh địch cả trên không và mặt đất. Mỗi binh trạm tổ chức thêm 5 đại đội súng máy 12,7 ly. Các binh trạm khác tổ chức một đại đội súng máy 12,7 ly hoặc 14,5 ly tăng cường cho bộ đội cao xạ. Với thế trận phòng không liên hoàn tầng cao, tầng thấp, cùng với các đơn vị công binh, đội điều trị, ta đã lập được thế trận vừa có chiều sâu, vừa có diện rộng sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho chiến dịch.
Trước khi chiến dịch được bắt đầu, vận tải hậu cần cho chiến dịch trên các hướng đã bảo đảm 6.385 tấn gạo và đạn, đủ cho ba đến sáu vạn quân tác chiến trong thời gian bốn đến năm tháng1. Trong đó, B5 có 2.746 tấn; B70 có 45 tấn; Binh trạm 107/B4 có 235 tấn; các binh trạm: 7, 27, 32, 33, 41 có 3.751 tấn gạo và đạn2. Đoàn 559 còn dự trữ hơn 30.000 tấn3 và có thể đưa số hàng này đến các hướng chiến dịch trong khoảng thời gian hai đến ba ngày, đáp ứng nhu cầu của chiến dịch. Đầu tháng 2 năm 1971, công tác chuẩn bị của lực lượng bảo đảm cho vận tải chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Lực lượng tại chỗ của ta và bạn Lào cùng với khối chủ lực cơ động đã hình thành nên một thế trận vững chắc, có chiều sâu trên địa bàn chiến dịch, sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng tác chiến.
Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 30 tháng 01 năm 1971, Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào. Để đạt mục tiêu, Mỹ đã huy động 42 nghìn quân, trong đó 33 nghìn quân Sài Gòn, 9.000 quân Mỹ, gồm 11 trung đoàn bộ binh, trong đó có 10 trung đoàn quân đội Sài Gòn, 01 trung đoàn bộ binh Mỹ, 02 thiết giáp với 464 xe tăng và bọc thép, 16 tiểu đoàn pháo (250 khẩu); hỗ trợ cho bộ binh là 1.000 máy bay các loại4, gồm 600 máy bay lên thẳng (có 150 máy bay lên thẳng vũ trang), 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải hạng nặng C130, C123 và 50 máy bay chiến lược B-524. Với một lực lượng không quân, xe tăng đánh chiếm các điểm cao dọc theo Đường 9, Mỹ và quân đội Sài Gòn hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Bản Đông - Sê Pôn, lập thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương, đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào và bịt được “con đường sống” của ta vào chiến trường miền Nam.
Hiểu rõ ý đồ chiến lược của địch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn; bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân nước Lào và Campuchia anh em đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai”5. Quân ủy Trung ương ra chỉ thị: “Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự mới của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho chiến dịch”6. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch ở khu vực Đường 9 - Nam Lào, thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 97, với quy mô tác chiến hiệp đồng binh chủng nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của Mỹ và quân đội Sài Gòn, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận chuyển chiến lược và hậu phương của ta, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch và đánh phá “bình định” của chúng. Thực hiện ý định tác chiến trong tình thế mới, lực lượng công binh Đoàn 559 được giao nhiệm vụ củng cố các tuyến đường vận tải chiến lược, xử lý linh hoạt, khẩn trương các tình huống xảy ra, phù hợp với diễn biến chiến sự ở từng khu vực, từng thời gian, giữ cho đường thông suốt, an toàn, phục vụ liên tục và đắc lực cho vận chuyển.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào: “Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược, không những để giữ vững tuyến vận tải chiến lược mà còn nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đẩy cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang và rèn luyện bộ đội chủ lực…”8.
Quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, trên chiến trường Đường 9, việc chuẩn bị công tác bảo đảm cho chiến dịch không tách khỏi nhiệm vụ xây dựng đảm bảo giao thông, xây dựng thế trận phòng không đánh địch, bảo vệ địa bàn và vận chuyển chiến lược thường xuyên của Đoàn 559, cũng như nhiệm vụ đánh địch xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ của B5 và B4.
Với một thế trận đã được chuẩn bị sẵn sàng, bộ đội Trường Sơn cùng các lực lượng lần lượt đánh bại các cánh quân của địch, tiến tới bẽ gãy hoàn toàn cuộc hành quân với những thủ đoạn tác chiến hiện đại của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Trong chiến dịch, cùng với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, chỉ huy các đơn vị tập trung quán triệt, làm cho các lực lượng nhận thức rõ nhiệm vụ đánh bại quân địch đang tăng cường sang phía Nam Sê Pôn, động viên các đơn vị trên hướng Nam Sê Pôn nâng cao quyết tâm vừa diệt địch, vừa bảo vệ vững chắc hệ thống kho, bảo đảm thông suốt cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.
Đợt 1 chiến dịch, bộ đội Trường Sơn đã phối hợp chặt chẽ với bạn Lào và các binh đoàn chủ lực cơ động, thực hiện ý đồ tác chiến chiến dịch của Bộ, tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển chiến lược, đẩy nhanh hàng vào các điểm vượt then chốt, giữ vững thế chủ động đảm bảo vật chất cho các hướng chiến trường. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công binh ngày đêm duy tu mặt đường, củng cố cầu ngầm; các binh trạm huy động mọi khả năng và biện pháp nâng hệ số kỹ thuật, đảm bảo 80% đầu xe hoạt động; đồng thời, tổ chức đội hình vận tải tiểu đoàn tập trung, với nhiều đội mũi nhọn thực hiện vượt cung, tăng chuyến. Một số tiểu đoàn ô tô thiện chiến đã nâng cao tốc độ 50% số xe thực hiện mỗi đêm 01 chuyến, trên cung quy định hai đêm 01 chuyến và các tiểu đoàn vận tải khác đạt từ 10% - 30% số xe mỗi đêm 01 chuyến, trên cung hai đêm 01 chuyến.
Trong chiến dịch, để kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của các lực lượng, Bộ Tư lệnh đã ra thông báo hằng ngày về thành tích của các lực lượng trên toàn tuyến. Ở tuyến hậu phương các Binh trạm 25, 26 dốc sức đưa hàng tiếp cận các trọng điểm, tạo điều kiện cho các binh trạm cửa khẩu chủ động đối phó với địch, vượt cung lập chân hàng, đảm bảo sự nhịp nhàng giữa “hút” và “đẩy” trên toàn tuyến. Thực hiện vận tải bảo đảm cho toàn tuyến đủ sức đối phó với mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu chiến trường, toàn tuyến đã vận chuyển được một khối lượng lớn qua các điểm vượt then chốt. Điểm vượt Ta Lê - Đường 20 thực hiện được 6.885 tấn đạt 68%; điểm vượt Xiêng Phan - Đường 128 được 5.172 tấn đạt 108%; điểm vượt đèo 900 - Đường 18 được 1.231 tấn đạt 131%; điểm vượt Chà Lì - Đường 16 được 2.937 tấn đạt 87%; điểm vượt Đường 9 được 5.356 đạt 68%; điểm vượt La Hạp được 3.508 tấn đạt 57%; điểm vượt Bạc được 3.000 tấn đạt 71%; điểm vượt Chà Vằn được 2.530 tấn đạt 74%9.
Trong đợt 2, khi chiến dịch phản công bước vào giai đoạn quyết liệt, vận chuyển chiến lược đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ vận tải chiến lược trên tuyến chi viện chiến lược trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Các lực lượng công binh, phòng không, thông tin của ta đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nhanh chóng khắc phục hệ thống đường cơ động để bảo đảm cho lực lượng của ta cơ động và chuyển hàng phục vụ chiến dịch. Những chuyến hàng thông suốt Bắc - Nam, vận chuyển đến các chiến trường đạt 98%. Mặt trận Đường 9 - Nam Lào vận chuyển đạt 110% kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với khối lượng hàng vận chuyển đạt gần 01 vạn tấn, cao hơn chỉ tiêu dự báo ban đầu 8,6 lần xấp xỉ bằng 35% tổng khối lượng đã giao cho các chiến trường, đảm bảo thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất cho chiến dịch. Các lực lượng đã bảo đảm trên 2.000 xe pháo vượt Trường Sơn vào địa bàn chiến dịch. Bộ đội Trường Sơn bảo đảm và đưa đón được 88.000 quân vào các chiến trường (trong đó đưa 19.000 quân vào chiến trường Nam Bộ kịp thời gian chiến đấu); khôi phục được thêm 4.000km đường cũ, khắc phục, sửa chữa làm mới hàng trăm cầu, phà, ngầm; mở thêm 1.153km đường mới10, đảm bảo vững chắc cho vận chuyển chiến lược và chiến dịch.
Đánh giá về kết quả thực hiện tuyến vận tải chiến lược Đường 9 - Nam Lào, nhiệm vụ vận chuyển chiến dịch diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò vừa là lực lượng đảm bảo, vừa là lực lượng trực tiếp chiến đấu góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch. Trong suốt chiến dịch vận tải chiến lược đã cung cấp một khối lượng vật chất bằng 330%; những ngày bao vây áp sát, truy kích địch, công tác vận tải hậu cần cung cấp cho chiến dịch 4.400 tấn. Công tác vận tải hậu cần bảo đảm thường xuyên cho bộ đội trên 700g gạo/người trong những ngày bao vây áp sát; truy kích địch mặt trận đã sử dụng đến 289 tấn lương khô, bảo đảm cho bộ đội luôn được ăn no, ăn đủ để duy trì sức chiến đấu liên tục, dẻo dai trong mọi hình thức chiến thuật. Công tác vận tải cũng bảo đảm một khối lượng lớn đạn dược, chiếm 33% tổng khối lượng vật chất kỹ thuật đã sử dụng. Riêng hướng chủ yếu sử dụng đến 1.073 tấn đạn chiếm 60% khối lượng đạn dược toàn mặt trận, sử dụng đạn hỏa lực dồn dập và dày đặc trong các đợt pháo kích độc lập, hoặc chi viện cho bộ binh trong 43 ngày hết 17.494 quả, bình quân tiêu thụ đến 280 quả/khẩu (3,5 cơ số), khẩu bắn nhiều nhất đến 800 quả/khẩu (10 cơ số)11.
Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào giành thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo một bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh; trong đó, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước kịp thời giải quyết những khó khăn phục vụ cho chiến dịch và các chiến trường. Mưu đồ về việc xây dựng quân đội thiện chiến cho chính quyền Sài Gòn nhằm thay thế quân chiến đấu Mỹ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ bị phá sản.
 
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý khoa học và đào tạo, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
__________________

1 - Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam - Tập 2, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 397.
2 - Quân đội nhân dân Việt Nam - Công tác hậu cần chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tổng cục Hậu cần, 1987, tr. 20, 21.
3 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập 6: Thắng Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 254.
4 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử, Nxb QĐND, H. 2011, tr. 201, 202.
5 - Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 09 tháng 02 năm 1971.
6 - Phông QUTƯ - Chỉ thị số 09/QU-TƯ/A, ngày 9 tháng 2 năm 1971, Hồ sơ số 713, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
7 - Bộ Tư lệnh mang mật danh Mặt trận 702.
8 - Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam - Tập 2, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 66.
9 - Lịch sử Đoàn 559 Bộ độ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 440.
10 - Sđd, tr. 450
11 - Quân đội nhân dân Việt Nam, Công tác hậu cần chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tổng cục Hậu cần, 1987, tr. 44-45.
 

tin tức liên quan