Trần Hưng Đạo và truyền thuyết được Thần cho mượn thuyền quyết chiến giặc Nguyên
Trần Hưng Đạo và truyền thuyết được Thần cho mượn thuyền quyết chiến giặc Nguyên
Nguồn:Báo Điện tử Tri Thức Trẻ
Tương truyền, có 1 vị thần đã tự hiển linh kỳ lạ và giúp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cho mượn chiến thuyền để đánh giặc. Đó là câu chuyện vừa hư vừa thực trong dân gian
Ảnh minh họa
Sự tích về vị thần nhiều lần giúp nước
Kiếp Bạc là một trong những địa danh nổi tiếng ở nước ta gắn liền với người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Vào thời Trần, Kiếp Bạc thuộc hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương).
Từ Vạn Kiếp có nhiều đường thủy bộ lên núi, xuống vùng đồng bằng, đi ra biển…, tất cả tạo thành một cảnh quan hùng vĩ, một vị trí quân sự quan trọng và chứa đựng trong nó nhiều truyền thuyết ly kỳ.
Dưới chân núi Ngũ Nhạc, sát với núi Phượng Hoàng có một ngôi đền tương truyền được xây dựng từ lâu đời, đến triều Lý và triều Trần được mở rộng quy mô lớn hơn; đền thờ một vị thần hiệu là Phi Bồng đại tướng quân, nhân dân thì tôn gọi là "đức Thánh Yên Mô" (nay thuộc thôn Yên Mô, xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, Hải Dương).
Tại đến có tấm bia 4 mặt có tên là Thần tích bi ký (bia ghi thần tích) dựng năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937) nói về sự tích của Ngài.
Theo đó, xưa kia Yên Mô là một trang ấp, tại đây có gia đình ông Chu Thức và vợ là Hoàng Thị Ba, hiệu Diệu La vốn là người lương thiện, hay làm việc phúc, chăm chỉ nghề cầy cấy nên ai cũng quý mến.
Thế nhưng họ có một nỗi buồn bởi ông bà tuổi đã già mà vẫn chưa có con nối dõi; họ thành tâm làm lễ cầu phúc sinh con trai, lại ra sức cứu giúp người nghèo và thường hay đi lễ chùa.
Một hôm ông bà đến chùa Trường Liêu lễ bái rồi ngủ, đến nửa đêm mộng thấy sứ giả cho biết Ngọc Hoàng giáng sẽ cho một ngôi sao xuống đầu thai làm con, sau lại cứu nước giúp dân.
Đúng một năm sau, vào giờ ngọ ngày 5 tháng 5 năm Ngọ thì sinh ra một cậu bé khôi ngô khác thường. Khi sinh thấy trời đất mờ mịt, hương thơm tỏa khắp, trên trời như có ba tiếng sấm; hai vợ chồng mừng rỡ đặt tên con là Chu Hiệu, tự là Phúc Uy.
Được cha mẹ quan tâm, giáo dục từ nhỏ nên Phúc Uy "ngày ngày thường trong phòng đọc văn thư, tối đến luyện binh thư võ lược, cung tên không gì là không biết". Năm 15 tuổi thì cha mẹ lần lượt qua đời, Phúc Uy "lúc nào cũng đèn hương, một lòng kính hiếu, làng xóm biết điều này ai cũng phục và cảm động".
Năm Nhâm Tuất (542), khi nghe tin Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, Chu Phúc Uy tập hợp được hơn 10 người tài giỏi đi theo phò giúp, được Lý Bí phong làm Nha tướng.
Sau khi đánh đuổi giặc Lương, giành lại nền độc lập, năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế (sử quen gọi là Lý Nam Đế); vua đã phong cho Chu Phúc Uy là Uy Vũ Đại tướng quân, lệnh cho trấn giữ Hải Dương.
Tại đây ông quan tâm đến dân chúng, khuyến khích họ chăm nghề trồng cấy, ban tiền bạc để mua, ruộng đất dùng vào việc công…, ai ai cũng đội ơn đức.
Theo chính sử, vào tháng 6 năm Ất Sửu (545) vua Lương sai Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem một lực lượng lớn binh mã sang xâm lược nước ta, mặc dù tổ chức chặn đánh quyết liệt nhưng vì thế giặc quá mạnh nên quân ta dần dần bị đẩy lui, nhiều thành lũy rơi vào tay giặc.
Còn thần tích chép rằng, lúc giặc kéo sang, Lý Nam Đế gọi Chu Phúc Uy về trấn giữ Bắc Đạo, ông cầm quân đánh giặc ở sông Thiên Đức nhưng bị thương đành phải thu quân rút về Việt Yên rồi hóa ở đó vào ngày 11 tháng 8.
Người dân trang Yên Mô là nơi Chu Phúc Uy đặt hành doanh khi trấn trị ở Hải Dương, nghe tin buồn đã cùng nhau lập đền thờ ông.
Đền thờ Phi Bồng đại tướng quân ở Chí Linh - Hải Dương.
Tấm bia Thần tích bi ký có đoạn viết rằng: "Đến triều Lý, khi vua Thái Tông về chùa Cổ Pháp, qua sông Thiên Đức thường mơ mộng thấy có người nói rằng:
- Thiên hạ gặp loạn, gia đình ta là nhà trung hiếu, tính danh nổi tiếng, sáng tựa nhật nguyệt trên trời.
Khi đến nơi thì không thấy hình bóng ai cả. Vua bèn qua sông về quê cũ của cha mẹ thần, tô tượng để thờ phụng và sai mệnh quan viết biển ngạch ban phong, cho tiền lập miếu thờ, phong là Thượng đẳng thần. Trang Yên Mô là ấp thang mộc, được miễn sưu dịch và phong là Hiệu Phi Thiên Bồng.
Đến khi đánh giặc Chiêm, Thái Tông đến Thiên Đức bỗng có tiếng sấm lớn, mây lành che phủ thuyền rồng, giúp cho quân đội nhà vua.
Tương truyền, một ngày vượt qua bao bãi biển to nhỏ tiến thẳng đến đồn quân Chiêm. Vua Chiêm nghênh chiến, bỗng thấy xuất hiện vị Thần tướng xông thẳng vào trước vua Chiêm hô một tiếng to như sấm:
- Ta là Thiên thần Hiệu Phi Thiên Bồng phụng sắc của Ngọc Hoàng trợ giúp thánh quân.
Nói xong, bèn bầy binh tả hữu, thăng thiên nhập địa, biến tướng hiện hình, hô gió gọi mưa, xuống nước, lên núi, xuất thần nhập thánh, biến hóa vô cùng. Giặc Chiêm nghe thấy tiếng tựa như sấm tất cả đều kinh hãi, hồn siêu phách lạc, quay giáo mà chạy.
Quân ta không mệt mỏi mà dẹp yên quân giặc, bắt được vua Chiêm rồi rút quân về. Triều đình ban sắc đổi Yên Mô là Phấn Lôi để tỏ lòng nhớ đến công lao hiển hách của thần vậy.
Sau này đến triều Trần có loạn, Hưng Đạo Vương cầu đảo ở miếu nên đã hiển ứng ở bến sông Bạch Đằng. Bởi vậy trải qua các triều thần đều có sắc phong tặng thần".
Đến đời Hậu Lê, ngoài phong hiệu là Hiển ứng Uy linh Hiệu Phi Thiên Bồng Đại tướng quân Thượng đẳng Linh Phúc thần Đại vương đã có từ trước, triều đình đã ban sắc phong cho Ngài là "Hùng Chấn Uy linh Tôn nghiêm Chính thuận Thánh văn Thần vũ, cứu nước giúp dân, khí thiêng sông núi, thông linh khắp chốn, phù giúp trung hưng, tặng là Hiệu Phi Thiên Bồng chi thần linh thần".
Thần tướng hiển linh cho danh tướng mượn thuyền
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, khi nghe tin vua Nguyên ra lệnh cho Thái tử Thoát Hoan chuẩn bị dẫn 50 vạn quân xâm lược nước ta, tháng 8 năm Giáp Thân (1284) triều đình sai Trần Hưng Đạo "điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác".
Ngày 26 tháng 12 năm đó, quân Nguyên bắt đầu tấn công đánh chiếm các cửa ải ở biên giới, quân ta chống không nổi phải lui về giữ Vạn Kiếp.
Tại đây Trần Hưng Đạo tích cực rèn luyện quân sĩ, cho xây dựng phòng tuyến chống giặc, đóng thuyền bè, rèn đúc thêm vũ khí…
Tháng giêng năm Ất Dậu (1285) Trần Hưng Đạo đã tập hợp 20 vạn quân ở Vạn Kiếp, nhưng một vấn đề đáng lo nhất là còn thiếu rất nhiều chiến thuyền để cấp do thủy quân trong khi việc đóng thêm không kịp, khi đó theo tin báo về, cánh quân tiên phong của giặc Nguyên đã sắp đánh vào Vạn Kiếp.
Danh tướng Trần Hưng Đạo. Hình minh họa. Nguồn: http://gate.vn.
Một hôm, khi đêm đã về khuya, vị Quốc công Tiết chế vẫn thức để suy nghĩ về phương kế đánh giặc, rồi sau mệt quá thiếp đi trên bàn làm việc lúc nào không hay. Trong giấc mơ, ông thấy có một vị thần tướng mạo khác thường, mắt sáng như sao, mặc áo bào đỏ tiến tới và nói:
- Tôi là Phi Bồng đại tướng quân, biết tướng quân hiện nay không có đủ thuyền cho đội thủy quân bày trận chống giặc nên đến giúp. Sáng mai tướng quân cho người đến bến Lục Đầu, tôi sẽ cấp đủ số thuyền mà tướng quân cần.
Nói xong vị thần biến mất. Trần Hưng Đạo giật mình tỉnh giấc mới hay đó là một giấc mơ nhưng hình dáng và lời nói của vị thần đó vẫn còn nhớ rõ. Ông liền ra sân vái thiên địa và cầu xin thần linh hộ quốc, phù giúp việc chống giặc, sau đó vào trướng nằm nghỉ.
Sáng sớm hôm sau, khi mới thức dậy Trần Hưng Đạo thấy một viên tùy tướng vào báo:
- Bẩm Quốc công, quân lính đi tuần thấy chuyện vô cùng kỳ lạ. Đêm qua không rõ thuyền ở đâu kéo về đậu kín cả bến sông.
Hưng Đạo Vương vội đến xem xét, ông tin rằng vị thần trong giấc mộng đã giúp mình số thuyền này nên thầm cảm tạ rồi giao cho binh tướng dưới quyền phân chia, sắp xếp thuyền cho đội thủy quân để bày trận chống giặc.
Câu chuyện thực hư thế nào chúng ta đều biết rõ nhưng có một sự thực rằng vào tháng 5 năm đó (1285) quân ta đã đánh tan đạo quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tại đây.
Sau khi quét sạch giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, đất nước trở lại thái bình, Trần Hưng Đạo ra lệnh cho đoàn chiến thuyền kéo về đậu ở bến Lục Đầu. Tiếp đó ông sắm sửa lễ vật, trước ba quân tướng sĩ làm lễ khấn tạ rằng:
- Nhờ Phi Bồng tướng quân cho mượn thuyền chống giặc. Nay giặc đã tan, Trần Quốc Tuấn tôi xin hoàn trả lại ngài.
Đêm hôm đó trời bỗng nổi cơn mưa gió, sóng nước cuộn dâng, đoàn thuyền tự nhiên biến mất. Sáng hôm sau trên dãy núi Phượng Hoàng xuất hiện hai vệt đường. Ngày nay, khi đến thăm khu di tích lịch sử đền Kiếp Bạc, nếu đi từ hướng Đông Nam, nhìn về phía bên tay phải, du khách sẽ gặp một dãy núi chạy dài.
Trên sườn núi có 2 vệt màu xanh lam chạy dọc theo dãy núi, tương truyền rằng đó chính là đường kéo thuyền, một đường Phi Bồng đại tướng quân kéo thuyền xuống giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc, còn đường kia là đường Ngài kéo thuyền về.
Tài liệu tham khảo:
1. Các vị thần thời bà Triệu và Lý Nam Đế (Vũ Thanh Sơn) – NXB Quân đội nhân dân, 2010
2. Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê)- NXB Văn hóa thông tin, 2006
3. Đền Kiếp Bạc: Sự tích, truyền thuyết, giai thoại (Phạm Hồng sưu tầm)- Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn)- NXB Giáo dục, 1998.
5. Việt sử, những câu chuyện lạ kỳ (Lê Thái Dũng) - NXB Văn hóa thông tin, 2013