Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa chống quân Hán
Nguồn:Báo Điện tử VietnamPlus
Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh.
Mẹ hai Bà là bà Man Thiện, người làng Nam Nguyễn, Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội. Chồng mất sớm, bà Man Thiện một mình nuôi dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị giỏi võ, có tinh thần yêu nước, có chí lớn.
Trưng Trắc là vợ của Thi Sách, con trai Lạc tướng Châu Diên. Các Lạc tướng Mê Linh và Chu Diên có ý chống lại sự cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Định. Định bèn bắt giết Thi Sách để trấn áp tinh thần người Việt.
Tháng 2/40, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh chống lại quân Hán. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.
Ngày 30/2/41, nhà Hán thấy bà xưng vương dấy quân đánh lấy lại các thành.
Tháng 1 năm 42, tướng Mã Viện nhà Hán tiến đánh Hai Bà. Năm 43, Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán và thua nhiều trận lớn ở vùng Lãng Bạc (Tiên Sơn-Bắc Ninh), Cẩm Khê (Ba Vì-Hà Nội) nên đã gieo mình xuống Hát Giang tử tiết vào ngày 6/2/43.
Người dân đã dựng đền thờ Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, nay ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.
Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưng ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh, ngoại thành Hà Nội - quê hương của Hai Bà.
Bộ Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1971), khi phân tích của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có nhận xét: "Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà là kết tinh của quá trình đấu tranh, khi âm thầm, khi công khai của nhân dân Việt Nam. Đấy là một phong trào nổi dậy của toàn dân vừa quy tụ vào cuộc khởi nghĩa ở Hát Môn do Hai Bà Trưng đề xướng, vừa tỏa rộng trên toàn miền Âu Lạc cũ. Khởi nghĩa đã thắng lợi vì đó là một phong trào có tính chất quần chúng rộng rãi chứ không phải là một hành động tự phát của một tù trưởng, một bộ lạc riêng lẻ".
Cuộc khởi nghĩa năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo quả là bằng chứng hùng hồn của tinh thần yêu nước, yêu tự do cũng như khí phách "tấn công cả trời" của tổ tiên ta thời đó, ngoài ra nó còn định ra một loại hình chiến tranh trước đây chưa hề có mà sau này dân tộc ta thường phải sử dụng: chiến tranh phải giữ dân tộc.
Khi ấy cả nước đang dưới ách thống trị của giặc Hán, từng huyện đều có quân thù, mà quân thù đang trong thế cường thịnh. Nổi dậy chống lại cả một ngoại tộc đô hộ có dư hơn hai trăm năm kinh nghiệm cai trị là một việc làm thật sự phi thường. Lại không chỉ giám nổi dậy mà còn nổi dậy đánh thắng, quét sạch chúng ra ngoài bờ cõi thì quả là vĩ đại.
Làm được như vậy tất phải là phong trào của quần chúng, của toàn dân, trong đó có các vai trò của các tướng lĩnh.
Về tướng lĩnh của Hai Bà, chính sử Việt Nam như Toàn thư, Cương mục chỉ ghi tên có một người là Đô Dương. Sử Trung Quốc như Hậu Hán thư cũng chỉ ghi có Đô Dương.
Riêng Thủy kinh chú chép thêm Chu Bá. Cả sử Việt lẫn sử Trung Quốc đều không có viết gì về lai lịch hai nhân vật này.
Như chúng ta đều rõ, cuộc khởi nghĩa cũng như cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo có tính chất toàn dân, chắc chắn là có nhiều anh hùng nghĩa sĩ ở hai miền đất nước đã quy tụ dưới ngọn cờ đại nghĩa của Hai Bà.
Có điều là sử sách bác học xuất hiện quá muộn nên không ghi chép được nhiều. Ngay sự nghiệp cứu nước vĩ đại của Hai Bà mà Toàn thư cũng chỉ ghi được có vài dòng sơ lược.