Xuân Bính Ngọ, mở đường thần tốc.

Ngày đăng: 04:19 22/02/2018 Lượt xem: 878
     XUÂN BÍNH NGỌ (1966), TRUNG ĐOÀN 98 MỞ ĐƯỜNG THẦN TỐC.

Theo Hoàng Ngọc Châu (Sách KSTK đường Trường Sơn-Chuyện bây giờ mới kể)

      Ngày mồng 1 Tết Bính Ngọ, tức ngày 21/1/1966 Trung đoàn 98 đang đóng quân tại ngã ba Đông Dương đón Xuân, thì nhận được điện khẩn của Bộ Tư lệnh, yêu cầu Trung đoàn 98 chuyển sang thi công đường 49, điểm đầu từ ngã ba Phi Hà qua các địa danh Chín Suối, bãi đá Lâm Phu, Lanh Tanh, đèo 200, qua sông Nậm Kông, vượt suối Tà Ngâu nối sang đất bạn Cam Pu Chia, điểm cuối đến Siêm Pạng (Căm Pu Chia). Bức điện có ghi toạ độ cho từng địa danh, chiều dài ước tính khoảng 200 ki lô mét, thời gian thi công không được quá 4 tháng. Đồng thời tổ khảo sát cũng nhận được lệnh phải nhanh chóng khảo sát thiết kế để phục vụ cho Trung đoàn 98 thi công. Bộ Tư lệnh chỉ thị rõ phải liên hệ với đồng chí Nguyễn Đức Phương, mật danh “Ông Chủ” tại K20 Xiêm Pạng, triển khai ngay nhiệm vụ và báo cáo kết quả về Đoàn.
      Ngày mồng 2 Tết, các tiểu đoàn được bố trí từ ngoài vào theo thứ tự Tiểu đoàn 1, 2 rồi đến Tiểu đoàn 3. Bộ phận khảo sát cũng chia làm 3 tổ, khảo sát đến đâu giao cho đơn vị thi công đến đó.
     Tuyến đi trên cao nguyên, địa hình không khó khăn lắm. Đoạn Phi Hà đến Tà Ngâu dài khoảng 120 ki lô mét được che phủ dưới rừng cây cà bông tương đối kín. Các điểm khó khăn là khu vực Chín Suối địa chất yếu, nền đường nhiều chỗ bị lầy, bãi đá Lâm Phu dài 2 ki lô mét sát bờ sông Sê Sụ, 5 ki lô mét đèo 200 trống trải, địa chất đất lẫn đá tương đối cứng. Ngoài ra, còn phải kể đến việc phải tìm cách đối phó che mắt được địch đang hoạt động trong khu vực triển tuyến, vì không xa, địch còn chốt tại Mường Mày.
      Đoạn Tà Ngâu đến K20 dài gần 100 ki lô mét đường đi giữa rừng khộp dễ thi công. K20, suối Xa Mông nằm trên đất Cam Pu Chia là bí danh kho của “ Ông Chủ “. Hàng hoá chở bằng thuyền máy đầy ắp, tấp nập cập bến, nhập kho khẩn trương. K20 là một khu kho lớn chứa hàng vạn tấn hàng chưa được chuyển đi. Gạo, thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm được phân khu vực xếp sắp trật tự, ngăn nắp, gọn gàng.
     Đây là lý do cần có con đường 49A nối đến Phi Hà để chuyển hàng hoá về Tây Nguyên.
    Khảo sát đi trước kết hợp bước thị sát và định tuyến, giao tuyến khảo sát tài liệu thiết kế trực tiếp cho các phân đội. Đội hình thi công theo phương thức vừa nhảy cóc, vừa cuốn chiếu trong từng phân đội.
     Con đường được thi công như thực hiện một chiến dịch. Trung đoàn là một tuyến chiến dịch, tiểu đoàn phụ trách một địa đoạn, mỗi đại đội một phân đoạn. Tác nghiệp thi công trong hành tiến.
     Được “ Ông Chủ “ cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, chiến sỹ công binh mang bí danh “Cu li” hăng hái làm việc. Các cán bộ, chiến sỹ khảo sát rất vất vả khẩn trương mới kịp phục vụ các phân đội thi công. Ngoài mặt đường làm lấn sáng lấn tối, đêm về lên tài liệu tính toán khối lượng. Nguyễn Xuân Quang, Cao Trung các cán bộ khảo sát có kinh nghiệm, ngược xuôi chỉnh lý các đoạn chưa hợp lý, nhằm giảm khối lượng nhanh chóng hoàn thành con đường. Đặc biệt là đoạn đèo 200, anh em phải tốn nhiều công sức mới khắc phục được độ dốc và bán kính đường cong.
      Qua 38 ngày đêm liên tục lao động, ngày 4/3/1966 con đường dài 244 ki lô mét đã hoàn thành. Tranh thủ 2 tháng mùa khô còn lại, xe nối đuôi nhau vào K20 chở hàng vạn tấn hàng tồn đọng chuyển về hướng chiến trường Tây Nguyên.
     Với thành tích này, Trung đoàn 98 được nhận tấm huân  chương Quân công Hạng 3, Đoàn 559 tặng lá cờ “ Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đặc biệt Tư lệnh Đoàn 559 Hoàng Văn Thái đã trực tiếp đến thăm và trao tặng Trung đoàn 98 lá cờ “ Mở đường Thần tốc “.
      Trung đoàn 98 vinh dự được mang tên “Trung đoàn mở đường thần tốc “ từ đó.
     Tiếp đó Trung đoàn 98 khảo sát đường 49B song song với 49A, cách nhau khoảng 2 đến 3 kilô mét thành trục đôi. Trung đoàn 98 thi công đoạn này rất nhanh gọn. Hàng hoá khai thác ngược từ Căm Pu Chia ra chi viện một phần cho chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, một phần cho Nam Lào, một phần dự trữ cho các lực lượng Đoàn 559 ở phía Nam khi cầu đường phía ngoài ách tắc, hàng từ phía Bắc không vận chuyển vào được.
     Đường 49A, 49B được khảo sát và thi công kéo dài qua Stung Treng, Kra Chiê trở thành một tuyến vận tải hai chiều rất lợi hại sử dụng trong nhiều năm. Hàng hoá khai thác ngược từ Căm Pu Chia ra, vận chuyển sang chiến trường Nam Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ.

                                                                                                                                                    HNC
tin tức liên quan