Kỷ niệm 55 năm nối thông liên lạc đoạn Nam Tây Nguyên.

Ngày đăng: 03:56 31/03/2015 Lượt xem: 782
Tháng 10 năm 2015, Tỉnh Đăk Nông sẽ tổ chức 55 năm (30/10/1960-30/10/2015) ngày  Đoàn B90 làm công tác xoi đường đoạn Nam Tây Nguyên (nay thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông), nối thông toàn tuyến hành lang thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh. ...

Hồi ức của Tướng Phùng Đình Ấm

Nguyên Đoàn phó B90

         Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Đoàn phó B90, nay đã 80 tuổi đời nhưng vẫn rất minh mẫn. Tháng 4 năm nay, tuy đang bị căn bệnh thận hành hạ từng giờ nhưng ông vẫn đi thăm lại Bia kỷ niệm giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang Bắc – Nam trong kháng chiến chống Mỹ ngày 30-10-1960, tại thôn 3 xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Gần 50 năm trước, ông là một trong những cán bộ chiến sĩ miền Nam đầu tiên tập kết, trở về Nam chiến đấu, đi theo đường Trường Sơn. Ông hồi tưởng:

    “Thi hành hiệp định Giơnevơ, chúng tôi ra miền Bắc và xây dựng XHCN. Trong khi đó bọn Mỹ-Diệm ngang nhiên phá hoại hiệp định, tàn sát khủng bố nhân dân, trả thù người kháng chiến. Chúng đã gây biết bao đau thương trên khắp miền Nam. Lòng chúng tôi như lửa đốt và chỉ mong ước có đôi cánh để bay thẳng vào Nam chiến đấu. Rồi hạnh phúc như vỡ òa khi chúng tôi nhận lệnh về Nam…”

 

Bia kỷ niệm tại Cây số 4, Đường 14, đoạn Đắk Song, Gia Nghĩa

 

Liệt Sĩ Đầu Tiên

            Đoàn B90 được thành lập ngày 25-5-1959, có nhiệm vụ dựa vào cơ sở ở Nam Tây Nguyên để mở đường, bắt liên lạc với Xứ ủy và lực lượng vũ trang Nam bộ, nối liền hành lang xuyên suốt Bắc - Nam trên dẫy Trường Sơn vốn bị “đứt đoạn” từ Nam Tây Nguyên. Đoàn B90 có 25 cán bộ chiến sĩ.

           Đoàn 559 thành lập xong, Quân ủy TƯ quyết tổ chức một đoàn độc lập, đặc trách gây dựng cơ sở, nhanh chóng mở con đường ở cuối dãy núi Trường Sơn, xuyên qua “vùng trắng” chưa có cơ sở cách mạng, nối liền đường Trường Sơn với Tây Nguyên và Đông Nam bộ, để sự chi viện của TƯ về tận chiến trường Nam bộ. Biết rằng vào “vùng trắng” cực kỳ nguy hiểm nên ngoài các tiêu chuẩn về đức và tài, những người được tuyển chọn còn phải có một tiêu chuẩn đặc biệt: “không có gia đình và người yêu ở miền Bắc”. Mục đích là để giữ tuyệt đối bí mật, không ai “vương vấn” hậu phương để gánh trách nhiệm cực ky quan trọng. Đoàn công tác đặc biệt ấy lấy phiên hiệu là B90.

         Trong đoàn, tôi quý nhất là thượng sĩ y tá Trần Văn Thời, trẻ nhất đoàn. Vì anh em thương nhau nên Thời thổ lộ lằng đã có người yêu trong thời gian đóng quân ở xứ Thanh. Hai người đã hẹn ước sẽ yêu nhau trọn đời và chuẩn bị cưới nhau thì Thời nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Sau nhiều đêm dằn vặt, Thời  gạt nước mắt nói dối người yêu để giữ bí mật theo chủ trương của Đảng.

           Kể với tôi chuyện tình yêu và người vợ sắp cưới của mình, Thời như nghẹn ngào chực khóc dù trước mặt nàng, anh vẫn phải giữ vẻ bình thản, tươi cười. Anh mong đến ngày đất nước thống nhất, sẽ trở về xứ Thanh tạ tội và thú thật cùng người yêu bởi Thời ra đi là vì sứ mạng cao cả của Tổ quốc. Theo lời Thời kể, tôi mường tượng rằng người thôn nữ mà anh yêu rất đẹp, da trắng, tóc dài và chân thật vô cùng. Vậy mà trong chuyến vượt sông ĐăkR’Tih “Đồng Nai Thượng” để bắt liên lạc thông suốt đường Trường Sơn, Thời đã anh dũng hy sinh mang theo mối tình đẹp như hoa của mình. Hôm ấy, Thời xung phong cầm một đoạn dây bơi ngang để dùng chính đoạn  dây ấy làm tay vịn cho đồng đội băng sông. Đặc thù là lũ ở Trường Sơn rất phức tạp, khi bơi mực nước chỉ ngang bụng nhưng đến giữa dòng, nước có thể đột ngột dâng cao ngang... mái nhà. Thời bơi đến giữa dòng thì lũ về, tôi còn nhớ tiếng Thời hét: “Cứu em” rồi bị nước cuốn trôi mất.

           Như vậy, Trần Văn Thời chính là liệt sĩ đầu tiên Của Đoàn B90 trong sự nghiệp mở đường cuối dãy Trường Sơn. Nhớ lại vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc của Thời khi kể về người yêu, mà đến giờ, 50 năm sau, tôi còn cảm thấy đau đớn. Có lẽ bây giờ, người thôn nữ xứ Thanh năm nào đã hiểu nỗi lòng của Trần Văn Thời!

Tình nghĩa đồng bào

Tất Cả những gì thuộc về miền Bắc như bằng khen, huân huy chương, quân hàm, hình ảnh, quân phục... đều được gửi lại.Cán bộ chiến sĩ đòan B90 đội mũ rộng vành, mình khoác áo bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, chân đi dép lốp theo đúng kiểu du kích miền Nam đẻ giữ bí mật. Vũ khí trang bị cho mỗi người gồm 1 súng Colt 12, một tiểu liên giảm thanh và 2 cơ số đạn. Trang bị đi đường gồm võng kaki, tăng nóc vải nhựa che mưa, gạo, lương khô…có tổng trọng lượng 20kg. Vậy nhưng tôi vẫn “xé rào” mang theo bức ảnh Bác Hồ bằng lụa, Tập thơ Từ ấy của Tố Hữu và quyển vở học tiếng M’Nông. Trong đoàn có đồng chí Kpă Ngãi, dân tộc H’Roi đi tập kết, rất thạo tiếng M’Nông. Trên đường vượt Trường Sơn, tôi vừa đi vừa học, mỗi ngày quyết tâm học 3 từ, cho nên khi đến Nam Tây Nguyên tôi đã có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ trên với đồng bào M’Nông bản địa. Có già làng còn bảo : “Mày là con của ngừời M’Nông” nữa. Tuy nhiên, nếu không có đồng bào, có lẽ chưa hẳn Đoàn B90 đã hoàn thành nhiệm vụ. Ấy là khi đến địa phận Quảng Nam, đồng bào Cơ Tu ở làng LơPơ đã ùa ra đón bộ đội và quàng vào cổ chúng tôi những tấm Ru (thổ cẩm) mới tinh tươm ; còn khi đến làng Tăng Đam, một cậu bé đã tặng tôi một buồng chuối chín vàng để “trả ơn chú bộ đội cho cây kim vá áo” ; một ông lão tặng “bộ đội về từ đất Cụ Hồ” mấy ống nước đoác (lấy từ cây đoác) bởi vì thấy tụi bây là đồng bào vui cái bụng lắm rồi...

 

“Đi không dấu”

 

 Không biết từ đâu, do ai đặt ra, phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã trở thành luật bất thành văn mà bất cứ đoàn nào hành quân qua Trường Sơn cũng đều tuân thủ triệt để, nghiêm khắc. Ngay tại vĩ tuyến 17, các lối mòn đều có công an của ta quan sát rất kỹ và đặt nhiều ký hiệu trên đường để theo dõi kẻ thù. Thế mà Đoàn B90 vẫn lặng lẽ đi qua, các chiến sĩ giao liên đã tháo dỡ ký hiệu, mật hiệu gắn trên cây, đường rồi sắp xếp lại y như cũ... khéo đến nỗi công an giới tuyến của ta cũng không biết có cả đoàn người đi qua.

 Mấy năm tập kết ra Bắc sống trong hòa bình, một bước đi là mang dép, mang giày. Thế mà nay vượt Trường Sơn, chúng tôi phải tháo dép ra để đi chân trần. Có thể nói đây là cái khổ nhất trong trăm ngàn nỗi khổ của bộ đội Trường Sơn: chân ai nấy phồng rộp, có người bong cả mảng da gót… Khi vượt Đường 9, anh chiến sĩ đi sau cùng của đoàn kéo theo một cành cây tươi đầy lá để xóa toàn bộ dấu chân. Đến Bến Tắt (thượng nguồn sông Bến Hải), chúng tôi vượt sông trên một con đò im lặng đến nao lòng. Chỉ nghe tiếng mái dầm khua nước và hơi thở nhẹ của ông lão chèo đò. Không được phép nói chuyện, tôi lặng lẽ bắt tay ông và biết đó là sự hy sinh thầm lặng mà to lớn của nhân dân, sự hy sinh “vô danh”.

 Sau 4 tháng gian khổ xẻ dọc Trường Sơn, Đoàn B90 đã đến Tây Nguyên để cùng với Đảng bộ Đắc Lắc mở đường nối hậu phương miền Bắc đến tận chiến trường Nam bộ.

 Tròn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vừa đến địa điểm đóng quân cũ (đỉnh núi Bsa Dariel thuộc huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng ngày nay) và vui mừng nhận thấy nơi đây đã có cột bìa lịch sử, bằng đá hoa cương, khắc biểu tượng đôi tay siết chặt nhau của người du kích miền Nam và anh bộ đội vừa tập kết từ miền Bắc trở về. Bến dứơi cột bia có dòng chữ “Bia kỷ niệm giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ ngày 30-10-1960”.

 

 

                                             Thiếu tướng Phùng Đính Ấm

                                     VTT sưu tầm Theo SGGP-(15/4/2009)

   

 

tin tức liên quan