Nghệ thuật sử dụng lực lượng tiến công, yếu tố quyết định thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh 1975

Ngày đăng: 03:15 05/04/2015 Lượt xem: 853
BTV trang TT Trường Sơn giới thiệu cùng bạn đọc bài viết tham gia hội thảo khoa học về 40 năm chiến dịch Hồ Chí minh toàn thắng 30/4/1975 của một sỹ quan trẻ tham gia viết bài hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đát ...

Nghệ thuật Sử dụng lực lượng tiến công yếu tố quyết định thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh 1975

Lê Văn Quân - Giảng viên Khoa Lịch sử Đảng, Trường Đại học Chính Trị, Bắc Ninh 

 

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Đại thắng mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Hơn bốn nghìn năm lịch sử dân tộc ta, đây là chiến thắng oanh liệt nhất, vĩ đại nhất, có tầm quan trọng quốc tế lớn lao và có tính thới đại sâu sắc.

 

Ảnh tư liệu - minh họa

 

Từ thực tiễn thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng 8- 1945, của cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 và của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; Đại thắng mùa xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chứng minh sự phát triển  nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong lịch sử nghệ thuật quân sự đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta; khẳng định tính hơn hẳn của nghệ thuật quân sự Việt Nam đối với nghệ thuật quân sự của bất cứ tên Đế quốc nào xâm lược nước ta. Trong đó phải nói đến nghệ thuật về: Sử dụng lực lượng tiến công trong chiến dịch.

Có thể nói nghệ thuật chỉ đạo trong chiến tranh là nghệ thuật tạo ra sức mạnh lớn nhất để chiến thắng quân địch. Sức mạnh đó phải là sức mạnh tổng hợp mà biểu hiện tập trung, có tính chất đặc trưng trong sức mạnh quân sự bao gồm nhiều yếu tố, xét cả về phía ta và phía địch, xét cả về lưc lượng, hình thái và thế trận bố trí lực lượng; sức mạnh đó phải được lãnh đạo và chỉ huy khéo léo, biết sử dụng tập trung đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời cơ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã vận dụng dược đầy đủ các yếu tố khi sử dụng lực lượng đó là:

Một là: Khéo sử dụng lực lượng để luôn đánh địch trên thế mạnh, tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch trong chiến đấu.

 Quy luật trong chiến tranh là “mạnh được yếu thua”. Khoa học và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của ta là khoa học và nghệ thuật tạo lên sức mạnh hơn địch để thắng địch. Sức mạnh chiến đấu là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố: lực lượng, thế trận, thời cơ, cơ động, cách đánh, tinh thần. Nó cũng chính là sự kết hợp các điều kiện khách quan với sự chỉ đạo chủ quan trong đấu tranh vũ trang.

Vấn đề là phải biết tổ chức, bố trí, phân phối và sử dụng lưc lượng đúng lúc, đúng chỗ, dùng thời cơ bảo đảm thực hiện được các yêu cầu tập trung, chuyển hướng một cách linh hoạt, cơ động, kịp thời để đủ sức bao vây chặt, tiến công kiên quyết, liên tục, tiêu diệt gọn từng cụm (đơn vị) địch, làm chủ chiến trường, bắt tù binh, thu vũ khí, thực hiện đến mức cao nhất yêu cầu, đánh tiêu diệt.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tập trung lực lượng ưu thế trên khu vực (hướng) quyết định, trong thời cơ quyết định để giành thắng lợi.

Tập trung ưu thế về bộ binh, pháo binh, lực lượng và phương tiện phòng và đánh máy bay, xe tăng- thiết giáp địch.

Đối với các binh đoàn chủ lực, đã sử dụng lực lượng toàn diện, đồng bộ cả bộ binh và pháo binh, xe tăng- thiết giáp, pháo cao xạ, tập trung các phương tiện chiến đấu, phương tiện chỉ huy và phương tiện bảo đảm, tập trung cả về số lượng và chất lượng.

 

Ảnh tư liệu - minh họa

 

Sử dụng phương tiện hậu cần nhất là lực lượng vận tải đã tập trung được theo yêu cầu nhiệm vụ trên chiến dịch, chính nhờ biết sử dụng tập trung lực lượng vận tải cơ giới mà việc cơ động bộ đội với quy mô quân đoàn cùng với đầy đủ binh khí kỹ thuật thần tốc vào chiến trường cũng như việc vận chuyển ồ ạt và nhanh chóng một khối lượng vật chất kỹ thuật chưa từng có, đáp ứng yêu cầu của Tổng tiến công xuân 1975 nói chung và bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng.

Sử dụng lực lượng tiến công đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên ưu thế, bằng nghệ thuật chỉ huy tài giỏi của Bộ chỉ huy chiến dịch, ta đã biến Sức mạnh lực lượng một thành mười, hoàn toàn áp đảo quân địch. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, nhất là lúc đầu, đứng trên toàn cục mà xét thì lực lượng ta không ưu thế hơn địch là bao. Riêng về binh khí kỹ thuật, thì nhiều mặt ta còn kém địch. Không phải khi nào ta cũng có ưu thế lực lượng, nhưng ta vẫn đánh thắng địch vì ta biết sử dung lực lượng hết sức linh hoạt. Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ lực lượng, thế trận, khả năng cơ động cao, ta đã khéo kết hợp các yếu tố của sức mạnh chiến đấu, nên với mức độ ưu thế lực lượng khác nhau, ta đã thực hiện được yêu cầu đánh địch trên thế mạnh, tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch ngay từ đầu chiến dịch.

Xin nêu một ví dụ: Các quân đoàn tiến công trên hướng đông, đã tập trung 5/6 lực lượng của mình trên chính diện khoảng 30 kilômét, với ưu thế 2/1 tạo nên sức mạnh áp đảo kẻ địch để nhanh chóng đập tan tập đoàn phòng ngự có tổ chức của địch ở phía đông sông Đồng Nai; tổ chức những lực lượng đột kích thọc sâu mạnh vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Xe tăng, thiết giáp được sử dụng tập trung, pháo binh, pháo cao xạ được tổ chức thành từng cụm lớn. Cách sử dụng lực lượng đó đã hình thành một tập đoàn tiến công rất mạnh, đạt được tốc độ tiến công cao, đánh địch với ưu thế về lực lượng và hoàn thành được nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất.

Hai là: Chiến dịch Hồ Chí Minh sử dụng lực lượng với việc vận dụng nhiều cách đánh linh hoạt.

Khi đã có ưu thế lực lượng và thời cơ thuận lợi thì quyết định giành thắng lợi là có cách đánh hay. Đánh hay là đánh hiểm, đánh bất ngờ, đánh bằng mọi phương thức, mang lại hiệu suất chiến đấu cao, hiệu quả chiến dịch quan trọng, hiệu lực chiến lược lớn.

Mùa xuân năm 1975, ta tiến hành ba chiến dịch, chiến lược. Với mỗi chiến dịch, ta vận dụng cách đánh khác nhau sát hợp với tình hình chiến trường và cục diện lúc đó.

Chiến dịch Tây Nguyên, ta đánh địch đang ổn định, ta đã nghi binh lừa địch theo tính toán của ta, tạo bất ngờ đánh chiếm thị xã, đánh vào đầu lão của chi huy địch để phá thế phòng ngự, tiếp đó đánh địch phản kích, đánh địch rút chạy để tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự, nhanh chóng giải phóng địa bàn.

 

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ta đánh địch khi chúng đang thực hành co cụm chiến lược; ta thực hiện chia cắt, bao vây tiêu diệt bộ phận quan trọng của địch ở ngoài, nhanh chóng cơ động lực lượng hình thành thế bao vây chia cắt, tạo thế và điều kiện tiến tới đánh chiếm trọng điểm là thành phố, căn cứ lớn, hoàn thành việc tiêu diệt lớn quân địch, giải phóng địa bàn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh ta đánh địch có phòng ngự, nhưng trong thế chúng đang tan vỡ về chiến lược. Ta đột phá tuyến phòng ngự từ xa, kết hợp vu hồi, hình thành thế trận bao vây, chia cắt, trọng điểm là thủ đô của chính phú VNCH, rồi kết hợp đột phá tiêu diệt quân địch phòng ngự với thọc sâu, lấy thọc sâu là chính, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, then chốt để dứt điểm toàn bộ, ví dụ:

Hướng Bắc: Quân đoàn 1, nhiệm vụ là bao vây tiêu diệt đối phương ở Phỳ Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam cộng hòa (QLVNCH) rút về nội đô và vô hiệu hóa đơn vị này; tấn công đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh; tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập.

Hướng Đông Nam:  Quân đoàn 2, được phối thuộc Sư đoàn 3 từ Quân khu 5, được giao nhiệm vụ tiến công với chiều sâu nhiệm vụ từ 68 đến 70 km. Nhiệm vụ ban đầu của Quân đoàn là đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, cảng và bến phà Cát Lái, chi khu Đức Trạch, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, Quận 9 và Quận 4 Sài Gòn. Tổ chức lực lượng thọc sâu đánh chiếm Quận 1 và Quận 3, hợp điểm tại Dinh Độc Lập.

Hướng Tây Bắc:  Quân đoàn 3, khác với Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 phải tấn công trên một chính diện hẹp từ 7 đến 10 km nhưng có chiều sâu nhiệm vụ lên đến 100 km. Nhiệm vụ của Quân đoàn trong giai đoạn 1 là sử dụng Sư đoàn 316 cùng binh chủng phối thuộc chặn đánh Sư đoàn 25 QLVNCH tại Dầu, Tràng Bảng cắt đường 1B, bao vây, chia cắt không cho QLVNCH điều các đơn vị ở Tây Bắc lui về Đồng Dù, Củ Chi. Trong giai đoạn 2, Quân đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất, các quận Tân Bình, quận Phú Nhuận đưa một bộ phận lực lượng thọc sâu, hợp điểm với các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập.

Hướng Đông : Quân đoàn 4, nhiệm vụ của Quân đoàn là đánh chiếm khu vực Biên Hòa – Hố Nai (gồm cả sở chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa và sân bay Biên Hòa), tiến về Sài Gòn chiếm các Quận 1, 2, 3, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH, Bộ Quốc phòng VNCH, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, Đài phát thanh Sài Gòn

Ba là: Thực hiện ý định tích cực chia cắt chiến lược, chiến dịch trên phạm vi lớn và nhỏ, cắt đường bộ, đường sông, khống chế hải cảng, sân bay, đường biển, đường không, hình thành thế bao vây là đỉnh cao nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Ảnh tư liệu - minh họa

 

Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta đã sử dụng môt lực lượng tương đối lớn để cắt giao thông, chặn đường rút lui, hình thành thế bao vây chia cắt cả về chiến dịch và chiến lược rồi mới mở cuộc tiến công chính. Giải phóng Tây Nguyên và phát triển xuống đồng bằng Khu 5, ta đã thực hiện chia cắt lớn về chiến lược. Trong chiến dịch Huế, Đà nẵng cũng như trong chiến dịch Hồ Chí Minh, việc đánh chiếm, phong tỏa các cảng Tân Mỹ, Thuận An, Sơn Trà, sông Lòng Tàu, việc khống chế các sân bay, bến cảng của địch, việc cắt các đường giao thông huyết mạch như đường số 1 và đường số 4 đã chia cắt địch thành từng bộ phận làm cho chúng hết đường tăng viện, rút chạy, ý chí giảm sút đã góp phần quan trọng vào việc triệt để tiêu diệt quân địch.

Sau các chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, quân ta tiến công mãnh liệt dồn dập quân địch, không cho chúng kịp hồi phục. Các quân đoàn đã vận dụng linh hoạt sáng tạo cách đánh địch trong hành tiến, đánh địch với thời gian chuẩn bị gấp trong quá trình vừa hành quân vừa chiến đấu. Nắm vững yêu cầu đó, ngay trong hành tiến, các quân đoàn đã hình thành các đội hình chiến đấu. Ý định sử dụng lực lượng, cách đánh, đánh chiếm các mục tiêu, mục tiêu cuối cùng. Cách đánh trong hành tiến phổ biến là nhanh chóng hình thành thế bao vây, đưa lực lượng mạnh vào những địa điểm dự kiến địch có thể rút chạy, đột phá bằng nhiều mũi vào cụm phòng ngự của địch, kết hợp đột phá vòng ngoài với thọc sâu vào trung tâm phòng ngự của địch.

Bốn là: Sử dụng lực lượng tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh của các binh chủng, quân chủng trong tác chiến hiệp đồng tạo nên sức đột kích mạnh, hoả lực áp đảo tốc độ cao nhanh chóng tiêu diệt địch.

Thực tiễn các chiến dịch tiến công trong Xuân 1975 chứng minh rằng sức mạnh tác chiến của các binh đoàn chiến lược chỉ có thể được phát huy cao độ trong cách đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đánh hiệp đồng binh chủng, quân chủng là xu thế tất yếu, là quy luật phát triển khách quan về cách đánh của quân đội ta trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Không biết sử dụng và phát huy hết sức mạnh của binh khí kỹ thuật hiện đại có trong tay là tự mình tước bỏ bớt sức mạnh của mình.Với cách đánh này, chúng ta đã đưa khả năng đánh tiêu diệt lên trình độ cao, tiêu diệt từng sư đoàn, quân đoàn địch, đập vỡ từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ chiến lược của địch.

Tăng - thiết giáp phát huy sức mạnh đột kích vừa làm nhiệm vụ trinh sát, vừa dẫn đầu lực lượng thọc sâu nhanh chóng đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, đập tan hệ thống phòng ngự của địch, truy kích đánh địch rút chạy.

Pháo cao xạ đánh máy bay, đánh địch trên mặt đất, đánh xe thiết giáp, đánh tàu thuyền địch, bảo vệ đội hình tiến quân của các binh đoàn.

Đặc công luồn sâu đánh địch trong căn cứ, trong thành phố, thị xã, đánh hiệp đồng với các binh chủng khác, chiếm giữ đầu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thọc sâu.

Công binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường và bảo đảm công trình chiến đấu, tạo điều kiện cho các quân đoàn, binh chủng tiến quân thần tốc.

Thông tin sử dụng nhiều phương tiện, hình thành mạng lưới thông tin nhiều cấp, nhiều hướng, từ cấp chiến đấu đến cấp chiến dịch, chiến lược, phục vụ tốt chỉ huy tác chiến.

Vận tải đảm nhiệm một khối lượng vận chuyển ở các cấp, bảo đảm tốt việc cơ động bộ đội và vũ khí, khí tài cho tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Không quân phục vụ đắc lực việc vận chuyển phục vụ chỉ huy và đặc biệt đã đánh một trận xuất sắc vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Hải quân tham gia đánh địch trên đất liền, tổ chức bộ đội đánh chiếm các đảo, tuần tiễu bảo vệ hải phận, chống xâm nhập và làm công tác vận chuyển.

Năm là: Sử dụng lực lượng tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nắm vững thời cơ, phát huy sức mạnh của các quân, binh chủng, tổ chức đồng bộ cân đối giữa các binh chủng, giữa chiến đấu và bảo đảm, lấy vũ khí của địch, đánh địch có ý nghĩa rất quan trọng.

Nói chung sử dụng quân chủng, binh chủng là phải tập trung, nhưng trong hoàn cảnh nhất định, khi có thời cơ địch rối loạn, ta cần đanh nhanh, bất ngờ vào nơi hiểm yếu thì lực lượng nhỏ cũng có thể gây tác động lớn như trận địa pháo Nhơn trạch đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hoà … máy bay oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc Lập… Trong các trận này, ta tiêu diệt địch một bộ phận địch không lớn, nhưng tạo ra một sự uy hiếp rất lớn, làm địch mất tinh thần, ý trí chống cự suy sụp, đây là những trận then chốt có tầm quan trọng về chiến dịch.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh các sư đoàn, quân đoàn bộ binh đã được cơ giới hoá toàn bộ hay từng phần, nâng cao được tốc độ tiến công, có khả năng hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng kỹ thuật và phát huy được sức đột kích mạnh, sử dụng hoả lực tầm xa, các phương tiện, chỉ huy, thông tin, trinh sát, bảo đảm Công binh phối hợp với đặc công, biệt động thành bảo đảm cho năm hướng tiến công tác chiến hiệp đồng binh chủng ăn khớp nhịp nhàng chưa từng có.

Tổng tiến công Mùa xuân 1975 cũng như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, việc lấy vũ khí của địch đánh địch đã góp phần tích cực giải quyết những khó khăn về bảo đảm hậu cần kỹ thuật rất lớn của binh chủng, quân chủng, nhất là khi cơ động và phát triển tiến công nhanh. Ví dụ: Số lương đạn lấy của địch mà Quân đoàn 2 đem vào chiến dịch Hồ Chí Minh chiếm tới 71% tổng số lượng mang theo. Sau chiến dịch Tây Nguyên, có đơn vị pháo thuộc Quân đoàn 3 được trang bị hoàn toàn các loại pháo tốt thu được của địch. Đại đội 33 thiết giáp miền Đông Nam Bộ trang bị hoàn toàn xe tăng - thiết giáp thu được của địch.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự phát triển cao của chiến tranh nhân dân, đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó không thể thiếu được nghệ thuật sử dụng lực lượng tiến công - một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của chiến dịch. Những phát triển sáng tạo và độc đáo của nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học kinh nghiệm quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.

 

Quốc Lập ST & giới thiệu

 

 

tin tức liên quan