Di tích D67, đầu não của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Ngày đăng: 10:04 15/04/2015 Lượt xem: 694

Di tích D67, đầu não của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

    TP - Nhiều nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh quân đội đã có mặt tại Hội thảo “Vai trò của cơ quan tổng hành dinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975” để ôn lại, phân tích sâu hơn về những quyết định lịch sử mà nơi xuất phát chính là cơ quan tổng hành dinh D67…

 

Nhà D67, nơi đây Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

   Bây giờ khu Tổng hành dinh còn lại trong Hoàng Thành Thăng Long nhìn khá khiêm tốn, kiểu kiến trúc của khu nhà rất dễ lẫn vào những dãy nhà màu vàng khu vực Điện Kính Thiên. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn thấy miệng hầm ngầm nằm ngay ở cửa ra vào căn nhà sâu hun hút, nhiều nhân chứng lịch sử đã không ngăn được xúc động. Người đặt bàn tay nhăn nheo vào tay vịn bằng gỗ đã cũ kỹ, người trầm ngâm bên những chiếc bàn gỗ nhuốm màu thời gian trong phòng họp dưới hầm.

    Theo Đại tá Đỗ Đức Tính, cán bộ Bộ Tổng tham mưu, từ tháng 10/1954, khi bộ đội ta tiếp quản Thủ đô, khu vực Thành cổ Hà Nội trở thành trụ sở chính của Bộ Quốc phòng. Đây là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương - Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan Tổng cục.

   Đại bản doanh được chia làm 3 khu A, B, C trong đó khu A là quan trọng nhất. Khu A được giới hạn bởi đường Phan Đình Phùng, đường Nguyễn Tri Phương, đường Hoàng Diệu và Đoan Môn. Đóng vai trò hạt nhân trong khu A là Nhà con Rồng trên nền Điện Kính Thiên xưa và Nhà sở chỉ huy (nhà D67), hầm ngầm D67.

    Đại tá Nguyễn Thành Hữu, nguyên cán bộ Bộ Tổng tham mưu cho biết, nhà D67 được xem là trung tâm của Tổng hành dinh, cơ quan đầu não diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đã đưa ra nhiều quyết định lịch sử có tính chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

     Tại nhà làm việc, hầm chỉ huy tác chiến lúc này vừa đảm bảo chỉ huy chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào miền Bắc, vừa phục vụ cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các chiến trường miền Nam, Lào, Chiến dịch đường 9-Khe Sanh 1968, ra quyết định mở chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971.

    Đặc biệt, vào thời điểm Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch phòng không Hà Nội năm 1972 và nhất là trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường xuyên có mặt tại Tổng hành dinh, chủ trì các cuộc giao ban. Nhiều lần đồng chí Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh đã có mặt tại Tổng hành dinh trực tiếp theo dõi tình hình chiến sự các chiến trường.

    Ngày 6/7/1972, tại Nhà làm việc Cục Tác chiến, dưới sự chủ trì của Tổng tham mưu phó Phùng Thế Tài, Hội nghị chuyên đề đánh B52 được tiến hành. Tại hầm chỉ huy tác chiến đêm ngày 18/12/1972 thực sự đã diễn ra cuộc đấu trí giữa Bộ thống soái của quân đội ta với Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong những giờ phút quyết định ấy, từ hầm chỉ huy tác chiến, mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được phát ra cho các đơn vị tên lửa, phòng không bắn cháy B52 trên bầu trời Hà Nội.

   Ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 24/5/1973, tại nhà D67, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng bàn về vấn đề miền Nam. Hội nghị BCH Trung ương Đảng thông qua ngày 4/10/1973 khẳng định: Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công. Ngày 30/1/1974, tại nhà D67, Bộ Chính trị đã họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh cách mạng miền Nam.

   Nói về Tổng hành dinh và hầm chỉ huy, Thiếu tướng Ngô Kim Đồng, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc cho hay, tại nơi đây ngay cả trong những giờ phút chiến sự gay go ác liệt nhất, thông tin liên lạc vẫn được giữ vững, thông suốt cho đến các chiến trường.

    Để đảm bảo yêu cầu bí mật thông tin liên lạc cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy, chỉ đạo chiến trường, Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc đã cho lắp đặt hệ thống khống chế điện thoại mới. Riêng trong Chiến dịch Tây Nguyên, Binh chủng thông tin liên lạc ở Tổng hành dinh đã chuyển nhận hơn 3.000 công điện góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

    Ngày 7/4/1975, tại Tổng trạm Sở chỉ huy của bộ Tổng tư lệnh, chiến sỹ báo vụ của binh chủng đã chuyển đến các Bộ Tư lệnh toàn miền Nam bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. 

Phát biểu trong buổi gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử vào sáng qua, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã lưu ý việc cần phải phân tích sâu hơn ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975, đồng thời cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị hết sức to lớn của di tích D67.

                                                                                                   TPO/ DANH BÌNH ST

tin tức liên quan