Năm 1989, Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc cùng với các bài đăng trên một số tờ báo lớn công bố một số vấn đề mới trong Di chúccủa Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỳ 1: Quá trình công bố Tài liệu 'tuyệt đối bí mật'
Sau gần 20 năm Người đi xa, cuộc chiến tranh ác liệt, lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc cũng đã kết thúc hơn 10 năm; đồng chí Vũ Kỳ - người giúp việc tận tuỵ và trung thành trên cương vị thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945-1969), đã nhận rõ trách nhiệm với Người, với đất nước, đã âm thầm viết cuốn Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc, với sự cộng tác tâm huyết của đồng chí Thế Kỷ, một sĩ quan quân đội chuyên nghiên cứu lịch sử chiến tranh của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.
Giữa năm 1989, khi bản thảo cuốn sách hoàn thành, đồng chí Vũ Kỳ tin tưởng gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Sự thật để tiến hành biên tập, xuất bản. Đồng chí Hoàng Tùng khi đó vừa được Trung ương điều động về làm Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật - vốn là người chỉ đạo công tác tư tưởng nhiều năm, và với sự sắc sảo vốn có của nhà báo lão thành, nhận ra đây là những vấn đề rất nhạy cảm và hệ trọng cho nên đã đọc sửa chữa rất kỹ. Bản thảo lúc đầu có tiêu đề là Bác Hồ dặn lại hoặc Tôi để sẵn mấy lời nàyđã được đồng chí Hoàng Tùng đặt lại thành tên sách rất hay như ngày nay chúng ta biết là Bác Hồ viết Di chúc.
Bác Hồ bên chiếc máy đánh chữ. Ảnh tư liệu
Sau đó, cuốn Bác Hồ viết Di chúc của Vũ Kỳ do Thế Kỷ ghi đã được Nhà xuất bản Sự thật in cùng một lúc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và phát hành rộng rãi trong cả nước nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969 - 1989). Cũng thời gian này, đồng chí Vũ Kỳ viết một số bài báo liên quan đến việc Bác Hồ viết Di chúc.
Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc cùng với các bài đăng trên một số tờ báo lớn công bố một số vấn đề mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây ra sự xúc động lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Thông qua cuốn sách Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc, chúng ta biết được quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc.
Công việc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu vào trung tuần tháng 5-1965, khi mà đồng bào và chiến sĩ trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Người. Người đã chọn một ngày đẹp trời trong dịp kỷ niệm ngày sinh, khi sức khỏe còn rất tốt và trí tuệ minh mẫn để viết những lời dặn lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Từ ngày 10 đến 14-5-1965, mỗi ngày Người dành khoảng 1 tiếng để viết và hoàn thành bản Di chúc gồm 3 trang, do Người tự đánh máy, đề ngày 15-5-1965. Năm 1966, Người bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Năm 1967, Người xem lại nhưng không sửa gì. Năm 1968, Người viết thêm 6 trang gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Và có điều, rất ít người biết được bản Di chúc sẽ đi vào lịch sử ấy, trong đó bản viết ngày 10-5-1969 lại được viết ở mặt sau một tờ bản tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam.