Lê Văn Tám có thật hay không ?
Ngày đăng:
03:56 08/10/2018
Lượt xem:
7.908
LÊ VĂN TÁM CÓ THẬT HAY KHÔNG?
Phạm Thành Long
Lê Văn Tám từ lâu đã trở thành nhân vật thiếu niên bất tử trong lịch sử và trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam. Tên tuổi và chiến công của Lê Văn Tám – „Chú bé đuốc sống“ đã được ghi rõ trong cuốn „Lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong“ và „Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh“ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xuất bản ...
Từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, đã có những lời đồn đại nghi vấn về hai nhân vật thiếu nhi: Lê Văn Tám và Vừ A Dính.
Năm 1977, khi tôi về công tác tại báo Thiếu niên Tiền phong đã nghe về sự đồn đại này rồi. Đầu năm 1999, tôi đề suất việc thành lập Quỹ học bổng dành cho học sinh miền núi và dân tộc mang tên Vừ A Dính. Ngay lập tức đã nhận được sự phản ứng của một vài cán bộ Đoàn lão thành. Các anh ấy cho rằng „Vừ A Dính“ chỉ là nhân vật văn học của nhà văn Tô Hoài? Việc lấy tên Vừ A Dính đặt cho tên Quỹ học bổng cần phải cân nhắc. Tôi kiên quyết bảo vệ chủ trương này vì Lịch sử Đội, Lịch sử Đoàn đều đã khẳng định tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Vừ A Dính và Lê Văn Tám. Trên thực tế đã có hàng ngàn Liên đội, Chi đội trong cả nước được mang tên Vừ A Dính, Lê Văn Tám.
Theo gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Mỹ Hoa (sau này là Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính), tôi đã cử phóng viên lên Pú Nhung, Tuần Giáo, Điện Biên để „điều tra“ về thân thế sự nghiệp và quê hương, gia đình Vừ A Dính. Kết quả là Vừ A Dính là nhân vật có thật. Chiến công anh dũng của Vừ A Dính là có thật. Mộ anh đang được đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tuần Giáo... Thế là tôi quyết định trực tiếp lên Tuần Giáo, Pú Nhung. Sau chuyến đi này, tôi đã viết tóm tắt thân thế, gia đình và chiến công của Vừ A Dính, in 5000 cuốn... Vừ A Dính sinh năm 1934 tại bản Đề Chia, xã Pú Nhung, Tuần Giáo, Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước và cách mạng. Cha anh là cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt giam và hy sinh tại nhà tù Sơn La. Mẹ anh là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, liên lạc cho Việt Minh. Bà bị giặc Pháp bắt cùng 2 người con trong một trận càn vào bản Đề Chia. Sau đó bà và cả người chị và em của Vừ A Dính đều bị giặc Pháp giết hại khi phát hiện bà đã nhiều lần lấy cắp đạn chuyển cho Vừ A Dính tiếp tế cho bộ đội huyện Tuần Giáo. Vừ A Dính trở thành liên lạc cho đơn vị bộ đội huyện Tuần Giáo. Một lần đi liên lạc, Vừ A Dính đã bị địch bắt. Chúng tra tấn Vừ A Dính giã man, đánh gãy chân của Vừ A Dính bắt phải khai ra chỗ ở của bộ đội Tuần Giáo. Biết không thể sống được, Vừ A Dính lừa địch cáng minh đi chỉ chỗ ở của Việt Minh. Biết bị lừa, giặc Pháp đã treo Vừ A Dính lên một gốc đào cổ thụ ở bản Đề Chia (cũ) rồi bắn chết anh. Vừ A Dính hy sinh anh dũng ngày 15-6-1949 khi ở tuổi 15...
Báo Thiếu niên Tiền phong đã đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Vừ A Dính. (Chủ tịch Nước đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Vừ A Dính năm 2001).
Vậy còn Lê Văn Tám thì sao?
Năm 1987, Báo Thiếu niên Tiền phong đề xuất và được Ban Bí thư ủy quyền làm thủ tục đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho 3 thiếu niên: Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa. Trung ương Đoàn và Báo TNTP đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng rất trọng thể cho 3 thiếu niên Anh hùng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh...
Sau sự kiện 3 thiếu niên được phong Anh hùng, trong một lần chúng tôi lên làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng nói: „... Báo Thiếu niên Tiền phong nên tiếp tục làm thủ tục đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho Lê Văn Tám và một số thiếu niên anh hùng khác nhé...“
Năm 1989, báo TNTP phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Đại tướng Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã tới dự Lễ tổng kết và trao giải cho các cháu thiếu nhi cả nước. Biết Đại tướng Mai Chí Thọ hoạt động cách mạng tại Miền Nam từ trước cách mạng Tháng Tám, chúng tôi tranh thủ hỏi ông về Lê Văn Tám. Đại tướng đã kể:
Một lần trên đường đi công tác, dừng chân nghỉ lại, trong lúc nói chuyện, tình cờ tôi đã được một đồng chí là cán bộ an ninh kể từng là đồng đội của Lê Văn Tám. Anh và Lê Văn Tám cùng hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn... Vì nhiệm vụ, chúng tôi phải gấp gáp lên đường. Hoàn cảnh công tác bí mật ngày ấy khiến tôi không có điều kiện hỏi kỹ thêm về Lê Văn Tám. Sau này, tôi có tìm lại đồng chí cán bộ an ninh đồng đội của Lê Văn Tám. Nhưng đáng tiếc là đồng chí ấy đã hy sinh. Thế là đầu mối và chuyện về cuộc đời Lê Văn Tám đã không được biết thêm... Tôi khẳng định: Lê Văn Tám là chiến sĩ nhỏ hoạt động nội thành và hành động tẩm xăng đốt kho xăng của địch ở Nhà Bè là có thật... Đại tướng Mai Chí Thọ khẳng định với chúng tôi như vậy.
Sau này, tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, ngày ấy các chiến sĩ hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn đã giác ngộ nhiều em bé nghèo khổ làm nghề bán báo, đánh giày trên các đường phố. Các em đa phần là những chú bé không gia đình lưu lạc về Thành phố kiếm sống. Lê Văn Tám là một trong số những chú bé ấy... Hành động hy sinh dũng cảm đốt kho xăng của giặc Pháp ở Nhà Bè của Lê Văn Tám đã được lịch sử ghi nhận là kết quả của việc giác ngộ tình thần yêu nước, được hướng dẫn hoạt động trong một tổ chức bí mật dưới sự chỉ huy của các chiến sĩ hoạt động nội thành... Trong lịch sử chỉ ghi tóm tắt: Lê Văn Tám là một thiếu niên sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bàn Cờ, nay thuộc Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Cha anh là người hoạt động yêu nước thời kỳ năm 1940. Cả gia đình vào chiến khu, sau vì hoàn cảnh đã trở lại vùng địch tạm chiếm... Vì không xác định được người thân và địa chỉ cụ thể hiện nay của Lê Văn Tám nên chúng tôi không thể hoàn tất hồ sơ đề nghị phong Anh hùng cho Liệt sĩ thiếu niên Lê Văn Tám được.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trường hợp cậu bé biệt động tên Quang cũng có một hoàn cảnh tương tự. Quang là một chú bé theo gia đình từ Lào về nước. Chú được giác ngộ và trở thành một chiến sĩ biệt động nhỏ tuổi và vô cùng gan dạ. Quang bị bắt và bị giặc tra tấn giã man bắt khai ra „các cộng sự Việt cộng của mình“. Song em đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nhiều đồng đội cùng bị bắt với mình. Phải mất nhiều năm, các đồng chí biệt động Sài Gòn mới làm được thủ tục cộng nhận liệt sĩ cho Quang vì ngày ấy, vì điều kiện hoạt động bí mật, không ai quan tâm đến gốc tích của một cậu bé bụi đời như em...
Thế đấy, chiến tranh đã tạo nên những „góc khuất“, những „mảng tối“ của nhiều số phận mà chúng ta không dễ gì làm sáng tỏ được. Trường hợp Lê Văn Tám, tôi và các anh lãnh đạo Báo TNTP và Trung ương Đoàn còn mắc nợ lời nhắn nhủ và mong đợi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng có một điều mà Đại tướng Mai Chí Thọ đã khẳng định với chúng tôi là: „Lê Văn Tám hoạt động và hy sinh là có thật“. Điều này phản bác lại lời Cố Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho rằng nhân vật Lê Văn Tám là „tác phẩm“ của công tác tuyên truyền!!!???
tin tức liên quan