Một số thông tin về đoạn cuối đường Hồ Chí Minh ở Bình Phước
I- ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN Ở BÌNH PHƯỚC
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có những đóng góp hết sức to lớn vào sự thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bình Phước là vùng đất có nhiều điểm đoạn cuối đường Hồ Chí Minh. Nghiên cứu về đường Trường Sơn, chúng ta thấy rằng vẫn còn nhiều thông tin chưa được biết đến về con đường này ở Bình Phước.
Ai cũng biết đường Hồ Chí Minh là con đường vận tải nhân lực, vật lực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ. Không chỉ có vậy, đây còn là một trong những con đường đưa các đoàn công tác miền Nam ra miền Bắc làm việc, nghỉ dưỡng và trị bệnh. Đặc biệt, từ năm 1973, từ đoạn cuối đường Hồ Chí Minh ở Lộc Ninh, nhiều tấn mủ cao su đã sơ chế được vận chuyển ra Bắc để cung cấp nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của các nhà máy, trong đó chủ yếu là sản xuất săm lốp ôtô. Ngược lại, nhiều sản phẩm công nghiệp nặng do miền Bắc chế tạo cũng được đưa vào Lộc Ninh để phục vụ sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các loại máy sửa chữa công nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy chế biến mủ của Công ty cao su Lộc Ninh. Hiện nay, tại Nhà máy chế biến cao su Lộc Ninh vẫn còn một số máy móc sản xuất năm 1974 còn được sử dụng.
Cũng từ Bình Phước, năm 1974 theo con đường Trường Sơn, nhiều cây gỗ quý, ngà voi được người dân Bình Phước trân trọng gửi ra miền Bắc để xây dựng lăng Bác, thể hiện tấm lòng của người dân ở Bình Phước đối với Bác Hồ kính yêu.
II- MỘT SỐ ĐIỂM DI TÍCH CẦN LÀM RÕ THÔNG TIN
1-Điểm tập kết cuối cùng của tuyến xăng dầu Trường Sơn.
Ở Bình Phước hiện nay có nhiều điểm di tích đoạn cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều điểm di tích có dựng bia ghi dấu di tích đoạn cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nhưng thông tin ghi nội dung còn chung chung, chưa thật cụ thể, rõ ràng.
Điểm di tích tại ngã ba Lộc Tấn: Từ năm 1974, khi đường ống xăng dầu được xây dựng và đưa đến Bình Phước, việc cung cấp xăng dầu cho các phương tiện phục vụ chiến đấu trên chiến trường trở nên thuận lợi và kịp thời hơn. Xăng dầu sau khi được vận chuyển về dự trữ tại 2 tổng kho VK98 và VK99, Phòng Xăng xe của Cục Hậu cần sẽ vận chuyển ra ngã ba Lộc Tấn để cấp phát cho các đơn vị sử dụng, trong đó có cả việc cấp phát cho các đơn vị hành chính của huyện Lộc Ninh trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
2-Điểm cuối của Đường Trường Sơn xây dựng cơ bản 1973-1975
Tại điểm di tích ngã tư Chơn Thành (bia dựng trước UBND thị trấn Chơn Thành): Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 5-2-1973, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho bộ đội Trường Sơn nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông chiến lược Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) thành con đường quốc lộ xuyên Bắc - Nam để phục vụ cho nhu cầu quân sự và dân sinh. Lúc này, do con đường từ Buôn Ma Thuột về Đồng Xoài vẫn còn chịu sự chiếm đóng của ngụy quyền Sài Gòn nên việc nối đường Trường Sơn theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương được thực hiện theo phương án nối theo đường ĐT741 từ Bù Gia Mập qua Phước Long về đến Chơn Thành. Do đó, điểm di tích này được xem là điểm cuối cùng của đoạn cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
3-Điểm tập kết quân lực và phương tiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh
Các điểm di tích đường Hồ Chí Minh tại Đồng Xoài: Đây là một trong những điểm đoạn cuối đường Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trước diễn biến mau lẹ của chiến trường, ngày 26-3-1975, Sư đoàn ôtô 571 được lệnh cơ động 1.000 xe cơ giới từ Quảng Trị vào tập kết tại Đồng Xoài, vận chuyển Quân đoàn 1 tập trung tại Đồng Xoài trước ngày 25-4-1975 để tham gia chiến dịch. Với sự nỗ lực cao, ngày 19-4-1975, Sư đoàn ôtô 571 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiếp đó, sau ngày 22-4-1975, hơn 9.000 tấn đạn dược và chiến lợi phẩm được Sư đoàn ôtô 571 vận chuyển và tập kết tại Đồng Xoài, Xuân Lộc để cung cấp cho chiến trường.
Các địa điểm liên quan đến các sự kiện tại Đồng Xoài hiện nay chưa được xác định. Tuy nhiên, do đặc thù nhiều sự kiện cùng diễn ra với hình thức đa dạng (là nơi tập kết nhân lực, vật lực, khí tài quân sự...), chắc chắn sẽ có nhiều điểm để phân bố, tập kết. Do đó sẽ có nhiều điểm ghi dấu các sự kiện về đoạn cuối đường Hồ Chí Minh ở Đồng Xoài. Cần phải xác định và xây dựng một bia chung để ghi dấu ở khu vực này.
4-Các Di tích khác
Ngoài ra, đoạn cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ở Bình Phước còn nhiều địa điểm khác, như: Bãi khách đầu cầu trên khu vực cầu bắc qua sông Đắk Quýt nối huyện Bù Đốp với huyện Bù Gia Mập, điểm trạm sửa chữa tại Bù Đốp, điểm trạm thông tin ở Bù Đăng, các điểm căn cứ quân y ở Lộc Ninh... Tất cả cho thấy mật độ dày đặc về những điểm đoạn cuối đường Hồ Chí Minh ở Bình Phước. Năm 1975 Sở Chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn đóng tại Lộc Ninh. “Có thể coi đó là cột mốc cuối cùng của đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trong chiến tranh”
Năm 1997, Binh đoàn 12 đã xây dựng một số bia ghi dấu ở nhiều địa điểm. Tuy nhiên, nội dung còn chung chung và đơn giản làm cho người dân chưa hiểu nhiều về những điểm di tích đó.
Ban Truyền thống lịch sử
tổng hợp theo Báo Bình Phước