Khúc tráng ca đồi Chạ Quang.

Ngày đăng: 10:22 06/05/2016 Lượt xem: 1.196

Khúc tráng ca đồi Chạ Quang

      Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên đất Quảng Bình có nhiều con đường, nhiều địa danh còn in đậm trong ký ức của các chiến sĩ Trường sơn. Đồi Chạ Quang trên tuyến đường 12A là một trong những trọng điểm ác liệt ấy. Đồi  Chạ Quang là ngọn đồi cao sát với đường 12A, gần với cầu Chạ Quang thuộc địa phận bản Y Leng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa.

     Trong những năm tháng khói lửa ấy, đồi Chạ Quang là nơi in dấu biết bao chiến công của đại đội TNXP 759.  Nơi đây đã diễn ra sự kiện 8 TNXP của C759 Thanh Niên xung phong Quảng Bình, đã chiến đấu dũng cảm kiên cương và anh dũng hy sinh ngày 3/7/1966. Trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, Quảng Bình giữ vai trò quan trọng, là hậu phương trực tiếp của chiến trường Trị Thiên Huế nói riêng và miền Nam nói chung . Đồng thời là cầu nối với Trung và hạ Lào, Quảng Bình là nơi tập trung hàng hóa và cũng là điểm xuất phát của những tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường, là cửa ngõ của đường Hồ Chí Minh huyền thoại cả đường bộ lẫn trên biển.

      Trên tuyến đường 12A phía tây Quảng Bình, đế quốc Mỹ càng trở nên điên cuồng hơn khi phát hiện ra ở đây có tuyến đường chi viện quan trọng: đường vận tải cơ giới 12A vượt đỉnh Trường Sơn qua đèo Mụ Giạ. Đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt suốt ngày đêm dội xuống hàng vạn tấn bom đạn. Trên những cung đường đó đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm kiên cường, những chiến công oanh liệt của quân dân ta. Tuyến đường 12A là tuyến đường băng qua địa hình hiểm trở, vòng vèo qua những triền núi cao, bên dưới là suối sâu, vực thẳm, độ dốc, đồi núi lại lớn, nhưng lại giữ vị trí quan trọng trong vận tải cơ giới đi nhờ sang nước bạn Lào để đưa hàng ra tiền tuyến.

      Tháng 8-1964, đế quốc Mỹ phát hiện ra con đường vận tải chiến lược này, chúng đã cho máy bay dội bom xuống rất khốc liệt từ ngã ba Khe Ve lên đến Khe Tang, Bãi Dinh, La Trọng, Cha Lo-Cổng Trời, đèo Mụ Giạ. Mỗi trọng điểm là một trận địa kiên cường ghi dấu chiến công oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong tham gia bảo vệ tuyến đường.

       C759-Đại đội thanh niên xung phong được thành lập ngày 5-5-1965 gồm 8 tiểu đội lấy từ huyện Tuyên Hóa bổ sung cho công trường 12A (phần lớn là chị em nữ). Lúc này trên công trường 12A đã có 500 công nhân đảm nhận đoạn giao thông từ ngã ba Khe Ve lên đến Cổng Trời. C759 đảm nhiệm đoạn đường 10km từ Khe Cấy lên Bãi Dinh, mỗi cung 1km có một tiểu đội  nắm chốt giữ.

      Ngay những ngày đầu, đơn vị C759 đã phân công các tiểu đội chốt giữ từng cung đường cụ thể. Có những tổ chuyên làm làm rông đanh, tổ chặt tre nứa làm kè để giữ mép đường không bị sạt lở do bom, hoặc mưa lũ. Có tổ chuyên sửa và đắp đường. Cứ sau mỗi đợt bom dứt, các chiến sỹ C759 đã có mặt ngay mặt đường. Những chỗ bị bom lấp thành núi phải dùng mìn đánh tơi đất để san.

      Những trọng điểm đánh phá ác liệt phải chia tổ làm bất cứ ngày đêm. Nhiều tấm gương anh dũng ôm cả bom nổ chậm lăn ra khỏi mặt đường như anh Trần Đức Hè, dũng cảm lao động sáng tạo như chị Nguyễn Thị Kim Huế, chị Trần Thị Thành... Ngày 3-7-1966, địch cho nhiều tốp máy bay Mỹ thi nhau dội bom xuống cung đường khu vực núi Y Leng, nơi đây có ngọn đồi Cha Quang tại km 21đường 12A. Các tiểu đội A2, A6, A4, A7 của đơn vị C759 và các đồng chí chiến sỹ CII công binh đang chốt giữ làm đường đã bất chấp hiểm nguy, bom nổ chậm để lao ra mặt đường làm việc từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa hôm sau.

     Mỹ dội hàng loạt bom xuống ngọn đồi Cha Quang làm hàng ngàn khối đất đá đổ sập xuống mặt đường, vùi lấp cả đơn vị C759 đang bám trụ mặt đường vào lúc 22 giờ đêm 3-7-1966.

      Ngoài số 11 chiến sỹ CII công binh hy sinh và hơn 50 chiến sỹ C759 bị thương được đưa đi cấp cứu đưa ra khỏi hiện trường, còn lại 8 thi thể của các đồng chí thanh niên xung phong bị hy sinh đang nằm trong lòng khối đất đá đổ sập đó mà chưa thể lấy ra được.Tình thế cấp bách, đường tắc, khiến cho xe bị ùn lại, nếu chờ lấy thi thể đồng đội ra thì máy bay Mỹ sẽ phát hiện ra đoàn xe và tập trung đánh phá, và thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần. Cuối cùng, vì tiếng gọi của tiền tuyến, vì nhiệm vụ chung của dân tộc, máu C759 đã đổ nhưng C759 kiên quyết không để đường tắc. Nén đau thương thành hành động, đơn vị C759 đã quyết định san đường, mở lối để đoàn xe sớm đưa hàng ra tiền tuyến.

      Đêm 5-7-1966 phát lệnh thông xe, toàn đơn vị nghẹn ngào, day dứt với nỗi đau thi hài của đồng đội vẫn chưa lấy lên được. Nhưng sự hy sinh lớn lao của các đồng chí C759 thật anh hùng để đoàn xe vẫn nối tiếp vào chia lửa với chiến trường miền Nam. Sau đó đơn vị đã bắt tay vào tìm kiếm thi thể các đồng chí hy sinh, có đồng chí sau 45 ngày mới tìm thấy xác.

       Sau sự kiện lịch sử này, C759 đã lấy ngày mồng Ba tháng Bảy để gọi tên cho ngọn đồi nơi các anh chị ngã xuống, đồi Cha Quang có tên gọi mới là “Đồi Ba Bảy”.

 

                                                                                                                              Bùi Hoằng

tin tức liên quan