TỪ ĐỈNH ĐÈO 1001 ĐẾN NGẦM AKY XUNG KÍCH CỨU NGUY
Cùng với 601 cán bộ đội viên khác, tôi, Hồ Bá Thâm, với tư cách là một đảng viên, Tiểu đội trưởng từ Đại đội 302 thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An đóng ở Nghĩa Đàn (từ tháng 5/1965), vừa xung phong và cũng vừa được điều vào Đội TNXP Nghệ An tập trung thuộc Đoàn 559 công tác từ tháng 8/1965. Trung đội tôi thuộc Đại đội 168, ở Trạm 2. đèo 1001 và sau đó tháng 12/1965 trở sang phía Tây Quảng Bình mở đường 20- Quyết Thắng. Và mùa mưa năm 1966 được đều đến ngầm Aky khói lửa làm nhiệm vụ “xung kích cứu nguy”, rồi sau là Kà Roòng… đã để lại nhiều kỷ niệm đặc biệt khó quên và luôn thổn thức trong tôi.
Vượt qua thử thách đầu tiên: vác gạo vượt đỉnh đèo 1001-“Em nho nhỏ, hồn to hơn núi!”
Sau hai tháng (7-1965) trở thành đội viên thanh niên xung phong (Tổng đội TNXP Nghệ An), và làm đường ở Nghĩa Đàn, chúng tôi được đi vào tuyến lửa. Ai cũng náo nức, xôn xao, ai đi, ai ở ? Tổng đội TNXP Nghệ An đã chọn những thanh niên tình nguyện thành lập đủ 3 đại đội toàn là nam giới, một đại đội khoảng 200 người. Đó là đại đội 164, 166, 168. Sau một thời gian hành quân, khoảng tháng 8-1965, chúng tôi có mặt ở làng Ho và cũng là Trạm 1 trên tuyến đường giao liên và vận tải vào phía Tây sông Bến Hải, vòng sang đất bạn Lào. Từ Trạm 1, sau khi nghĩ ngơi được nghe phổ biến tình hình, nhiệm vụ. Chính tại đây, đồng chí Chu Văn Hồng, Chính trị viên Tiểu đoàn (Binh trạm) đã có bài thơ tự viết động viên anh em đội viên thật xúc động và hào hùng (sau này tôi làm thơ có phần cũng bắt nguồn từ cảm xúc này của anh Hồng).
Tiếp theo, vượt qua những chiếc cầu bắc bằng qua các cành cây lớn và băng qua các khe suối chênh vênh ngợp mắt, chúng tôi đã có mặt ở Trạm 2 và không ngờ ở đó đã có mặt các đại đội TNXP Hà Tĩnh và Quảng Bình. Các đơn vị này đa số là nữ - chúng tôi hơi ngạc nhiên và thấy thú vị, thán phục phái đẹp!. Thấy chúng tôi toàn nam họ cứ cười khúc khích… Sau khi dựng lán, ổn định nơi ăn chốn ở, nhiệm vụ của chúng tôi là vận chuyển (vác) gạo vào các tuyến trong. Nghe nói trên đường dây, nhiều chỗ bộ đội không còn gạo phải ăn măng rừng, xen đôi bữa cháo. Lúc đầu chúng tôi cho gạo vào gùi và vác. Thông thường thanh niên chúng tôi vác được khoảng 30-35kg, nữ thi ít nhất cũng 25 kg, nhưng cũng có bạn dần dần vác được 50 kg (kể cả quấn bao tượng xung quanh lưng) như cô Nguyệt, anh Khoái, anh Khương (anh Khoái sau đã hy sinh ở đường 20 vào những năm 1969--1970 trong làn bom đạn B52). Nhưng đâu phải đi đường bằng, phải lên dốc từng bậc thang một. Đúng là toát mồ hôi, sôi nước mắt. Có lúc tưởng gối bị gập lại, thế mà ai cũng cười vui. Chúng tôi phải vượt qua đèo 1001 chuyển gạo vào trạm 3 từ sáng sớm và đến 3 giờ - 4 giờ chiều mới về. Chủ yếu là cơm nắm với muối vừng, nhưng vẫn ăn khoẻ, ngủ khỏe. Quen dần, nhiều người đã vác được những gùi gạo nặng hơn. Các cô gái mới rời khỏi ghế nhà trường, gót son, tay bút, nhưng cũng quen dần với đường trơn, dốc đá, dù chân có lúc tóe máu, mồ hôi đẫm vai áo, nhưng có người lên đỉnh dốc còn đọc thơ “Em nho nhỏ, hồn to hơn núi”! Vất vả quá nhưng thật vui.
Sau đó, chúng tôi chuyển gạo bằng xe đạp Phượng Hoàng, năng suất tăng hơn. Đường dốc vực thẳm nên vận chuyển bằng xe đạp những lúc lên dốc phải thay nhau đẩy từng chiếc một, và cũng có người suýt rơi xuống vực. Chúng tôi đã từng chứng kiến có đơn vị TNXP Quảng Bình khiêng thuyền vượt đèo 1001. Một lần khi qua một đoạn cua gấp, bất ngờ thuyền lật nhào, người và thuyền rơi xuống vực nát tan. Thế nhưng họ vẫn không nản. Họ rút kinh nghiệm và tiếp tục khiêng những thuyền khác để đến sông Bến Hải chở gạo ngược lên phía Tây. Trong đoàn TNXP Nghệ An chúng tôi, một số anh em chuyển vào phía sâu hơn, trong đó những người từng sống ở vùng biển (như Trần Quang Nhật và đồng đội quê Quỳnh Long), biết chèo thuyền đã từng được cử chuyển gạo và vũ khí vượt thác gềnh ngược sông Bến Hải, rồi chuyển tiếp về phía Tây qua Lào theo tuyến Trường Sơn. Trong đó có nhiều người đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, như anh Trần Quang Nhật chẳng hạn (anh Nhật sau này bị thương khá nặng ở khu vực Tổng kho NH, đường 20).
Sau 3 tháng nhiều đơn vị và cá nhân TNXP chúng tôi được Đoàn 559 tặng Bằng khen và nhiều tặng thưởng khác vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ở Trạm 2 được 2 tháng thì có lệnh tuyển một số anh em thanh niên khỏe mạnh sang lực lượng quân đội. Thế là từ 601 cán bộ đội viên TNXP Nghệ An chúng tôi chỉ còn lại khoảng hơn 300 người và cuối tháng 12- 1965 lại được lệnh trở sang miền Tây Quảng Bình để mở đường 20. Chúng tôi hành quân và cõng nhau (các bạn nam cõng chị em phụ nữ “có lý do”) qua nhiều khe suối quanh co…
Khi chúng tôi đến Cửa rừng - Km 0 của đường 20 thì đã gặp những đơn vị TNXP, có cả nam và nữ quê ở Ninh Bình, Hà Nam… Đơn vị TNXP Nghệ An và đơn vị TNXP Quảng Bình hình thành Đội 3 (cấp tiểu đoàn) gồm 3 đại đội. Lúc này, chúng tôi thuộc con số của Công trường 20 (do ông Phan Trầm chỉ huy) và Binh trạm 14 (do Trung tá Hoàng Trá làm Binh trạm trưởng) thuộc Đoàn 559. Các đơn vị này là những người nổ phát mìn đầu tiên mở con đường 20 - Quyết thắng vào đúng đêm giao thừa Tết âm lịch 1966 ở dốc Ba Khe.
Anh Chu Văn Hồng lúc này là Chính trị viên phó của Tiểu đoàn/ Đội 3 TNXP của chúng tôi, là một trong những cán bộ chủ chốt của Tiểu đoàn/ Đội. Anh có biệt tài động viên tinh thần đội viên ngay tại mặt đường những lúc nguy nan và viết nhiều bài thơ đầy xúc cảm và hào hùng. Anh cũng là người bồi dưỡng và dẫn dắt nhiều đội viên TNXP trưởng thành. Và điều đáng mừng là sau này anh cùng chúng tôi trở ra Hà Nội, Trường Tuyên giáo TW I, cùng học lớp đào tạo cán bộ tuyên giáo, hệ đại học, do Ban Tuyên giáo TW mở.
Mở đường, phá đá, chống lầy!
Những ngày đầu mở đường ở dốc Ba Khe, Đồng Tiền…, chúng tôi chặt cây tạo nên con đường đất. Dần dần khi con đường hình thành. Nhưng cũng từ đó con đường bắt đầu bị kẻ địch nhòm ngó và chúng thả bom napan đốt cháy, khói nghi ngút đêm ngày. Có nhiều anh em bị napan đốt cháy quần áo, tóc tai loang lỗ… Chúng tôi mở đường đến đâu thì chặt cây (làm rông đanh thay đá lát đường), phòng mưa xưống xe qua không được. Nhưng vất vả nhất và khó khăn nhất là phá những vách đá để tạo nên con đường (như ở Ba Thang, Cù Con, Cù Mẹ, Khe Diêm, Cô Phông La, Kà Roòng). Tuy ở đây có sự phối hợp giữa bộ đội công binh và TNXP, song có khi có những tảng đá lăn bất ngờ cướp đi mạng sống của đồng đội thân yêu của chúng tôi. Còn trong suốt mùa mưa 1966, những chỗ chưa chuyển đá đến được, chúng tôi chặt cậy xếp thành hàng thay đá lát, “chống lầy” (danh từ này bị cánh lái xe nói lái “chọc quê” các cô gái TNXP) cho xe qua khỏi trơn lún. Con đường lúc này đã bị lộ, hiện ra như những “con rồng đất khổng lồ’ trườn qua dốc cao, vách đá, không còn ngụy trang nổi. Máy bay địch đánh hơi thấy và bắt đầu đánh phá ngăn chặn còn đường chi viện cho chiến trường miền Nam huyết mạch này. Chúng đã thả bom napan, đốt cháy cây cối dọc đường, lửa cháy âm ỉ suốt đêm ngày. Con đường lộ dần ra, dù chúng tôi cố gắng ngụy trang. Lúc này chúng tôi, có một số đơn vị vừa làm đường vừa có đơn vị thì tiếp tục vận chuyển bằng xe đạp “Phượng hoàng” chuyển lương thực thực phẩm ra phía trước. Nhiều hôm mưa, sên vắt quắn quanh chân, đường lấy trơn trượt, giầy rách, đau rát chân quá trời…
Đơn vị chuyển dần từ dốc Đồng Tiền, qua Ba Thang, rồi vào trí tại Khe Rét, Cù Mẹ - Cù Con, qua Cô Phong La (km 40-42), vuợt Kà Roòng đến Km 58, 59. Thời kỳ ở Cù Mẹ- Cù Con, tôi còn nhớ lần duy nhất được xem Đoàn Văn công Quân đội trên đường vào Nam dừng lại biểu diễn phục vụ đơn vị. Một đêm với các bài hát lãng mạn cách mạng, cho đến giờ vẫn còn nghe âm vang trong lòng!
Những tháng năm này anh em bắt đầu rốt rét rừng. Đã có một số anh anh bị sốt ác tính và than ôi đã phải nằm lại vĩnh viễn nơi này! Muỗi vắt đầy đường vẫn không chùn bước chân con gái vốn rất sợ… Những ngày này chúng tôi đã bắt đầu nếm mùi bom đạn. Hiếm lắm mới có người có lúc xao lòng, còn đa số vẫn hăng hái và lạc quan tiến tới, chẳng có thời gian đâu cho riêng tư hẹn hò, dù có lúc gặp cái liếc mắt nghiêng cả bầu trời, trái tim tuổi trẻ, như mãi còn đây!. Đúng là “Xẻ đọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”!
Aky - xung kích cứu nguy, đau thương và sức mạnh chiến thắng
Vào cuối hè thu 1966, địch bắt đầu đánh phá con đường 20 mạnh hơn liên tục ngày đếm và ngày một ác liệt hơn hòng ngăn chặn chiến dịch Đông- Xuân 1966-1967 của ta, từ chi viện của đồng bào, quân dân miền Bắc ruột thịt qua tuyến đường chiến lược này… Mùa mưa Trường Sơn đã bắt đầu. Chúng tôi không chỉ phải thắng giắc Mỹ mà còn phải thắng cả giặc trời. Đường trơn quanh hố bom nham nhở. Và hàng ngàn vạn mét khối đất từ ta luy dương cứ chảy xuống lấp mặt đường bất cứ lúc nào, nhất là đoạn đường có bom đánh nhiều… đất nhuyễn ra như cám.
Đơn vị chúng tôi lúc đó đóng quân ở Km 39. Chúng tôi nhận lệnh vừa đi chi viện cho một đơn vị bạn (E 4 công binh đang bị hy sinh nhiều người sau các trận bom địch) ở A Ky, km 59- 64. Chúng tôi được lệnh thành lập một “Trung đội Xung kích cứu nguy” lên ngầm A Ky làm nhiệm vụ đặc biệt. Chỉ đạo của trên là phảỉ chọn những người khoẻ nhầt và có những kinh nghiệm, kiên cường trong chiến đấu. Trung đội chúng tôi toàn nam, do tôi làm Trung đội trưởng, đều quê ở Nghệ An. Chúng tôi vừa lên đến vùng trọng điểm hiểm yếu A Ky thì cũng gặp các Trung đội Xung kích cứu nguy từ các đơn vị TNXP bạn hành quân đến. Họ chủ yếu là các cô gái, chàng trai Hà Nam và Ninh Bình độ tuổi chúng tôi. Lạị một bất ngờ thú vị, vui vui… mà cũng lo khi có nụ cười con gái như hoa, như vầng trăng kia trong đêm giữa bom đạn hiểm nguy.
Buổi đầu tiên ra mặt đường, chúng tôi mới thấy và thấu hiểu được sự đau thương và ác liệt ở đây, dù có nghe thông báo trước đó. Ở nơi này đã xảy ra một sự hy sinh đầy thảm khốc của một đơn vị bộ đội công binh E4 ở ngầm A Ky trong đầu mùa mưa 1966. Đơn vị E4 công binh, trên đường vào chiến trường, mở các tuyến đường phía trong, đã dừng lại làm nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường và Ngầm A Ky trong thời gian mùa mưa. Nhiều anh em bị bệnh sốt rét ác tính và gửi xương thịt lại nơi này!. Chúng tôi đã đi ngang qua nhiều nấm mồ chôn vội còn tươi mới đất và hoa rừng nhang khói nghi ngút cháy đầy cảm kích. Không những thế, không ít anh em phải đổ máu xuống con đường Ngầm đầy ác liệt đạn bom. Có lẽ vì còn thiếu kinh nghiệm nên số anh em hy sinh khá nhiều. Bom đạn khói lên còn khét lẹt, đất đá xáo trộn đầy đường, hố bom còn ngổn ngang chồng chéo miệng to nhỏ bên nhau, thịt xương của bao chiến sĩ công binh còn tung tóe khắp đường, khắp rừng, có từng đoạn ruột treo lơ lững trên cành cây cụt ngọn xé thịt toét toe như còn rỏ máu. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến cảnh khủng khiếp và tang thương rợn người này! Nhưng phải lao ngày vào khắc phục hậu quả, nên chẳng ai kịp nghĩ và sợ hãi là gì! Nhặt từng mảnh thịt xương họa hoằn còn lại của anh em đồng đội như còn nóng bỏng hơi ấm trên tay mà lòng cứ quặn thắt…Ôi tuổi thanh xuân bao chiến sĩ đã phải nằm lại nơi naỳ!
Biến đau thương thành sức mạnh. Thay nhau ngày đêm, chúng tôi ra mặt đường lấp hố bom, san nền trong tiếng cầm canh bom nổ chậm và từng loạt bom bị, bom phá của những F101 hay F 105 đi qua. Nhưng vừa làm xong một đoạn thì mưa lại tuôn từng mảnh đất đá xuống, có không ít lần, nếu không tránh nhanh, thì nó đã cuốn dập luôn cả nhiều chị em cùng bùn đất xuống vực sâu đen ngòm chờ sẵn. Ôi đá tránh… người, chứ chúng tôi không kịp tránh đá ập từng tảng lớn xuống…!
Mưa rả rích. Bao nhiêu giầy (bằng vải) cũng đều bị rách. Chúng tôi là nam giới thường phải nhường cho chị em đơn vị bạn. Nhưng rồi vẫn không kịp bổ sung. Bao nhiêu bàn chân chảy máu chống chọi lại đất đá Trường Sơn! Thương nhất là những gót chân son mềm yếu! (Nhưng cũng chính những lúc này mà những ánh mắt đen tròn yêu thương của cô gái Ninh Bình ấy còn xốn sang mãi lòng tôi hôm nay!)
Vẫn máy bay địch đêm ngày quần đảo liên tục, thả pháo sáng, thả bom bi, bom nổ chậm thỉnh thoảng lại nổ, đất đá bay vèo vèo qua tai… Chưa san xong đường thì những hố bom mới lại xuất hiện, những hố bom cực lớn đầu ngầm A Ky. Nhưng với lòng quả cảm, kiên trì, khôn khéo và với kinh nghiệm tránh bom đạn, chúng tôi, trong 3 tháng ở đây đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, hầu như không có đội viên nào phải hy sinh, tuy có bị thương phần nào và đã trả lại cho con đường sự thông suốt và ngầm A Ky lại nâng bánh cho những chuyến xe lên vào mùa khô và góp sức vào chiến thắng của chiến dịch Đông Xuân 1966-1967.
Chúng tôi lại trở về với Km 55-58… những đêm pháo sáng đầy trời, bom gào không ngớt, không ra khỏi hầm. Những đêm mưa suốt không tìm được lối về doanh trại, kêu nhau giữa rừng mịt mùng con trai con gái đắt tay nhau tìm đường về mà vẫn lạc, thật là vừa sợ vừa buồn cười!
Trong đạn bom ác liệt, các đội viên TNXP cũng như chiến sĩ bộ đội đã gắn bó đoàn kết, thương yêu nhau như anh em một nhà. Khi bạn ốm thì chăm sóc, đút cho nhau từng thìa cháo, từng viên thuốc, lúc nhớ nhà thì chọc “nét” nhau cho đỡ buồn tủi nhớ thương…
Chính tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường, sự thông minh, sáng tạo và tinh thần đồng đội ấy đã giúp chúng tôi vượt qua thử thách, tiếp tục làm nên con đường 20 huyền thoại...
HỒ BÁ THÂM
Cựu TNXP đại đội 168
(Trong sách: Hồ Bá thâm Có một trường Sơn như thế, tập thơ văn, Nxb.Thanh Niên, 2009; hoặc Ban liên lạc Hội cựu TNXP Quỳnh Lưu, Hồ Minh Đàn, Hồ Bá Thâm, Hồ Việt Bắc đồng chủ biên, Thanh niên xung phong Quỳnh Lưu làm theo lời Bác, Nxb Thanh Niên, 2015)/ Bài viết, tác giả đã biên tập lại (5/2016)