TÊN GỌI VÀ TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG
CÁC THỜI KỲ CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
Hiện nay, nhiều hội viên, thậm chí cả cán bộ Hội chúng ta có sự nhầm lẫn về tên gọi và hiểu chưa chính xác về tổ chức lực lượng của Bộ đội Trường Sơn các thời kỳ.
Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết “Tên gọi và tổ chức lực lượng các thời kỳ của Bộ đội Trường Sơn” của đồng chí Phạm Thành Long (trích từ cuốn “Trường Sơn và Đất nước”, xuất bản tháng 2 năm 2016).
Giai đoạn: 1959 – 1965
Tên gọi: Đoàn Công tác quân sự đặc biệt – Đoàn 559
(19/5/1959 – 2/4/1965).
- Đoàn công tác quân sự Đặc biệt thường gọi là Đoàn 559. Làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam.
- Lực lượng bao gồm Tiểu đoàn 301 và các bộ phận trực thuộc. Tổng quân số khoảng 500 cán bộ chiến sĩ, do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng.
- Tháng 7/1959 thành lập thêm Tiểu đoàn 603. Tháng 11/1960, thành lập thêm Đoàn 70 (tương đương trung đoàn thuộc Đoàn 559).
- Từ 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 96/QP, Đoàn 559 tương đương cấp Sư đoàn. Thành lập thêm Trung đoàn 71 trực thuộc Đoàn 559.
Giai đoạn 1965 – 1970
Tên gọi: Bộ Tư lệnh 559 (3/4/1965 đến 28/7/1970)
- 3/4/1965, Thường trực Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 54/QU-TW: Bộ Tư lệnh 559 và Đảng ủy 559 tương đương cấp quân khu. Tên gọi là Bộ Tư lệnh 559.
- Bộ Chính trị chỉ định: Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT là Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Bộ Tư lệnh 559. Đồng chí Thượng tá Võ Bẩm là Phó Tư lệnh. Đại tá Vũ Xuân Chiêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là Phó Chính ủy.
- Tư năm 1965, Bộ Tư lệnh 559 chính thức chuyển sang vận chuyển cơ giới là chủ yếu.
- Lực lượng Bộ Tư lệnh 559 được chia thành 3 Tuyến, mỗi Tuyến tương đương cấp Lữ đoàn, bao gồm: Tuyến 1, Tuyến 2, Tuyến 3.
- Bộ Tư lệnh 559, có quân số: 25.754 người, trong đó có 1.604 công nhân giao thông, 7.665 TNXP, số còn lại là quân nhân; có 735 xe ô tô…
- Tháng 11/1965, Trung ương điều Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ trở lại làm Bộ Trưởng Bộ GTVT. Đại tá Hoàng Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559. Đại tá Vũ Xuân Chiêm được bổ nhiệm làm Chính ủy Bộ Tư lệnh 559.
- Cuối tháng 2/1966, Bộ Tư lệnh 559 quyết định giải thể các Tuyến và chia thành 7 Binh trạm: 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 8. Tháng 8/1966, thành lập thêm Binh trạm 7.
- Từ 1/1/1967, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tổng cục Hậu cần Tiền phong được Quân ủy Trung ương chỉ định làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 thay đồng chí Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh mặt trận Trị - Thiên (B4).
- Ngày 1/5/1967, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh 559 được tuyên truyền công khai với tên gọi “Đoàn vận tải quân sự Quang Trung”. Hòm thư của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh 559 có ký hiệu con số cuối cùng là “TQ 90”.
- Tháng 7/1967, báo Trường Sơn được thành lập từ việc nâng cấp tờ tin “Hoa thắm Trường Sơn”. Cùng với đó là việc thành lập Xưởng in Trường Sơn và Liên đội Điện ảnh.
- Từ 2/9/1967, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định bố trí lực lượng thành 9 Binh trạm, mỗi Binh trạm phụ trách từ 100 -130 km, gồm: Binh trạm: 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 53 và 42. Mỗi Binh trạm có từ 1-2 Tiểu đoàn xe, 1-2 Tiểu đoàn công binh, 1-2 Tiểu đoàn cao xạ và các đại đội trực thuộc: Bộ binh, Kho, Quân y (Đội Điều trị)…
- Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 giao cho các Binh trạm là đơn vị phụ trách giúp 17 huyện của nước bạn Lào trên tuyến hành lang hoạt động tại các tỉnh Nam Lào. Mỗi Binh trạm giúp từ 1-2 huyện của Bạn.
- Tháng 8/1969, Quân ủy Trung ương quyết định giải thể Đoàn 500. Các đơn vị của Đoàn 500 được bàn giao trực thuộc Bộ Tư lệnh 559, gồm các Binh trạm: 12, 14, 9 và 27.
- 17/9/1969, Bộ Tư lệnh 559 bố trí lại lượng lượng gồm 17 Binh trạm và 5 trung đoàn cơ động (98, 10, 4, 83, 279): 4 tuyến ngang vượt khẩu, gồm các Binh trạm: 9, 12, 14, 27. Tuyến dọc có 7 Binh trạm, gồm: 31, 32, 33, 34, 35, 38, 36). 6 Binh trạm tuyến ngang: 37, 41, 42, 44, 50, 51). 4 trung đoàn cao xạ phối thuộc của Bộ, là: 284, 224, 280, 282)…
- Quân số toàn tuyến tính đến tháng 9/1969, là: 55.588 người. Tỷ lệ cán bộ chiếm 12%, tỷ lệ đảng viên 20%, tỷ lệ đoàn viên 75%.
- 14/4/1970: Thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 470, do Đại tá Lê Đình Sum, Phó Tư lệnh 559 làm Tư lệnh và đồng chí Bùi Đức Tạm, Phó Chính ủy 559 làm Chính ủy.
Giai đoạn 1970 – 1973.
Tên gọi: Bộ Tư lệnh Trường Sơn
còn gọi là Bộ đội Trường Sơn (Từ 29/7/1970 đến 23/2/1976)
- Ngày 29/7/1970, Quân ủy Trung ương quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn (QĐ số 176/QĐ-QP); Sáp nhập Đoàn 968 và Đoàn chuyên gia quân sự 565 vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn; giao Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách toàn bộ lực lượng của ta ở Nam Lào. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường.
- Lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đầu mùa khô 1970 – 1971 là: 62.992 người, gồm: Sư đoàn 470, Sư đoàn bộ binh 968, Đoàn Chuyên gia 565, Đoàn Hậu cứ 571, 30 Binh trạm, trung đoàn và tương đương là: Các Binh trạm: 9, 12, 14, 12, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 41, 42, 50, 51, 52, 53, 27 và Binh trạm 15; Các trung đoàn công binh: 4, 10, 98, 219, 83, 7, 217 (E575, 574, 551 của Sư đoàn 470); 6 trung đoàn phòng không: 591, 593, 224, 284, 282, 230, e 221 (thuộc F471) , 2 trung đoàn giao liên 572, 573; một xưởng Đại tu Q300; 3 trung đoàn đường ống xăng dầu 532, 537, 673… Cơ quan Bộ Tư lệnh có 9 Cục và các đơn vị trực thuộc: Cục Chính trị, Bộ Tham mưu, Cục Vận tải, Cục Công binh, Cục Hậu cần, Cục Phòng không, Cục Chuyên gia, Cục Sản xuất, Văn phòng Bộ Tư lệnh…
- Ngày 30/10/1970, thành lập Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn.
- Để đối phó với máy bay AC 130 của Mỹ, tháng 6/1971, Bộ Tư lệnh quyết định triển khai 3 việc lớn: Mở đường kín, đoạn đầu tiên từ Km 54 đường 20 và từ Km 6 đường 18 đến kho K4 Binh trạm 17; Mở tuyến đường Trường Sơn Đông dài 150 km từ Km37 đường 16 (Cầu Khỉ) vượt qua điểm cao 1100 vào Khe Sanh, thẳng xuống A Lưới, nối dường B45 và rải đá các tuyến vượt khẩu.
- Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê chuẩn phương án tổ chức mới theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn: Thành lập thêm 3 Bộ Tư lệnh khu vực là 473, 472 và 471. Trước đó đã thành lập 2 Bộ Tư lệnh khu vực là: 470 và 571 (Hậu cứ) cùng với 2 Sư đoàn: 968 và Sư đoàn phòng không 377.
- Cũng thời gian này, Bộ Tư lệnh cho các Sư đoàn 470 và 471 được thành lập Đội Tuyền truyền văn hóa văn nghệ để phục vụ các đơn vị của sư đoàn.
- Bộ Quốc phòng bổ sung 3.768 xe ô tô, nâng tổng số ô tô đến thời điểm này của Bộ Tư lệnh Trường Sơn là 5.766 chiếc; bổ sung thêm 641 xe ben, máy công cụ cho công binh; 728 khẩu pháo, 7.301 máy điện thoại, 173 máy tải ba, 745 tổng đài, 1.111 máy bộ đàm 2W đến 15W; trên 1000 súng các loại cho bộ binh. Tổng quân số toàn tuyến là 92.000 người.
- Tháng 10/1971, Bộ Chính trị quyết định điều Đại tá Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn thay đồng chí Vũ Xuân Chiêm về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
- Tháng 3/1972, Trung đoàn 593 của Bộ Tư lệnh 471 đã bắn rơi tại chỗ chiếc AC 130 đầu tiên ở Nam Lào, khiến nhiều ngày máy bay AC130 không dám hoạt động ở khu vực này.
Bộ Tư lệnh Trường Sơn giai đoạn 1973 – 1975
- Sau Hiệp định Pari, ngày 1/3/1973, Bộ Tư lệnh quyết định triển khai xây dựng tuyến đường ống và tuyến thông tin tải ba phía Đông song song với tuyến phía Tây.
- Ngày 3/4/1973, trên đường đi kiểm tra Sư đoàn 968 chốt ở Pắc Xoòng (Lào), đồng chí Chính ủy Đặng Tính cùng 5 đồng chí đi cùng đã hy sinh vì trúng mìn chống tăng của địch.
- 5/4/1973, Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn đón và đưa Quốc trưởng Campuchia và bà Hoàng Mô Ních vượt Trường Sơn về thăm vùng giải phóng Campuchia an toàn tốt đẹp.
- 1/5/1973, Quân ủy Trung ương quyết định cử đồng chí Hoàng Thế Thiện, Phó Chính ủy giữ chức vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn thay thế đồng chí Đặng Tính hy sinh.
- 11/5/1973, Quân ủy Trung ương phê chuẩn việc thành lập 1 Sư đoàn xe ô tô (571) và 1 sư đoàn công binh (473) theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đây là 2 Sư đoàn binh chủng đầu tiên của quân đội ta.
- Tháng 6/1973, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh toàn chiến trường tổ chức bốc mộc liệt sĩ hy sinh trên Trường Sơn đưa về Quảng trị để chuẩn bị xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
- Từ ngày 26/11/1973, toàn tuyến có 6.000 ô tô trực tiếp vận tải chi viện cho các hướng chiến trường.
- Tháng 4/1974, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn được thăng quân hàm từ Đại tá lên Trung tướng.
- Tháng 4/1974, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn đề nghị Quân ủy Trung ương phê chuẩn điều chỉnh về tổ chức: Thành lập Sư đoàn ô tô 471; chuyển các sư đoàn khu vực 470, 472 thành các Sư đoàn công binh 470 và 472; thành lập Sư đoàn công binh 565; thành lập thêm 6 trung đoàn công binh trực thuộc và tăng cường quân số cho một số trung đoàn khác.
- Lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn giai đoạn này gồm 8 Sư đoàn: 470, 471, 472, 473, 571, 968, 565, 377 và Đoàn Chuyên gia Quân sự (tương đương Sư đoàn) với tổng số 42 trung đoàn, cùng 21 trung đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh (12 trung đoàn phòng không và tên lửa, 2 trung đoàn thông tin, 3 trung đoàn đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn giao liên cơ giới 572, 573…); quân số 100.000 người và hơn 1 vạn TNXP.
- 30/12/1974, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968 về nước chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên; chuyển Sư đoàn công binh 470 thành Bộ Tư lệnh Tiền phương.
- 15/1/1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Tây Nguyên.
- Ngày 24/2/1975, Bộ Tư lệnh tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tại xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
- Từ ngày 26/2/1975, Sư đoàn 571 cơ động Sư đoàn 341, Quân khu 4 vào bổ sung cho Quân đoàn 4 ở Đông Nam Bộ. Tiếp đó là Sư đoàn 471 cơ động Sư đoàn 320 theo đường 14 xuống giải phóng Buôn Hồ và truy kích địch về Đạt Lý, đồng thời cơ động Sư đoàn 10 vào vị trí chuẩn bị tấn công Đức Lập…
- Bộ Chính trị điều Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn về làm Chính ủy Quân đoàn 4. Đồng chí Phó Chính ủy Lê Xy giữ chức Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
- Bộ Tư lệnh huy động toàn bộ lực lượng công binh, ô tô tham gia bảo đảm cầu đường trên Quốc lộ 1 vừa giải phóng và tham gia cơ động các quân đoàn chủ lực giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975.
- Ngày 23/2/1976, Bộ Tư lệnh Trường Sơn mở Đại hội Mừng công lần thứ 5 tại Đồng Đế, Nha Trang, đồng thời tổng kết 16 năm xây dựng và trưởng thành của Bộ đội Trường Sơn.
Đại hội đã khép lại những trang sử rất đỗi huy hoàng của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
Kết thúc chiến tranh, Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng. Binh đoàn 12 – Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn được thành lập ngày 22/10/1977, trực thuộc Bộ Quốc phòng là đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
Phạm Thành Long (biên soạn).