Một cuộc hồi sinh vĩ đại - Bùi Hoằng

Ngày đăng: 08:57 30/08/2016 Lượt xem: 504

Kỷ niệm CM tháng 8 và Quốc khánh 2/9  

 

                               Một cuộc hồi sinh vĩ đại

 

      Cách đây 71 năm, chỉ trong một thời gian ngắn cuối tháng 8 năm 1945, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vùng lên làm một cuộc Tổng khởi nghĩa giành lại độc lập cho dân tộc. Cách mạng Tháng 8/1945 chính là một cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết đoàn kết tạo thành sức mạnh tổng hợp. Đoàn kết đã trở thành sức mạnh của dân tộc ta, đã được đúc kết trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta. Đoàn kết đã trở thành một giá trị tiêu biểu mang đậm nét văn hoá và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên để có được sự đoàn kết đó không phải tự nhiên mà có, mặc dù điều đó đã trở thành qui luật lịch sử. Nhìn lại qúa trình lịch sử thì chúng ta thấy dù bất cứ triều đại nào nếu như có sự đoàn kết nhất trí để tạo thành một khối vững chắc, thì khi ấy đất nước mới thái bình thịnh trị, xã hội ấy mới có thể phát triển, nhân dân mới được hưởng cuộc sống ấm no,hạnh phúc và đất nước khi đó mới được yên bình. Từ giữa thế kỷ 19 nước ta đã rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Điều đó chỉ ra rằng khối đoàn kết của dân tộc đã bị xói mòn nghiêm trọng. Triều đình nhà nước phong kiến lúc bấy giờ thối nát, nội bộ năm bè, bảy mảng, trên dưới nghi kị lẫn nhau. Trong suốt gần một thế kỷ đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã thi hành chính sách cai trị rất thâm độc. Chúng núp dưới chiêu bài “khai hoá văn minh” để thực thi chính sách “chia để trị” rất thâm độc. Chúng khoét sâu và làm cho những mâu thuẫn nội bộ trong lòng dân tộc không thể nào khắc phục được mà ngày càng bị lún sâu vào thế bị phá vỡ. Ngay từ những thời kỳ ấy một số các lãnh tụ của phong trào yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…cũng đã nhận ra rằng, chừng nào chưa khôi phục lại được khối đoàn kết của cả dân tộc thì chưa thể thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Chính vì vậy mà các cụ luôn kêu gọi lòng “Ái quốc” và sự “Đồng tâm” của mọi người và của cả dân tộc.

                                     Nghìn muôn ức triệu người chung góp,

                                     Gây dựng nên cơ nghiệp nước nhà…

                                      …………………………………..

                                     Đồng tâm như thế mới là đồng tâm!

 

     Lời kêu gọi “Đồng tâm “ của Phan Bội Châu và các vị  yêu nước thời ấy đã góp phần thức tỉnh ý thức dân tộc và lòng yêu nước của nhiều tầng lớp người Việt Nam thời đó. Song lời kêu gọi dù thống thiết đến đâu mà thiếu cơ sở lý luận, thiếu những phương tiện, biện pháp cụ thể thì khối đại đoàn kết dân tộc cũng không thể trở thành hiện thực được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam cho tới trước khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924 người từ Liên Xô về Quảng Châu ( Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh Niên), quy tụ những thanh niên trí thức yêu nước ưu tú mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo họ thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp Dựng Đảng - cứu nước vĩ đại. Ngay từ những bài học đầu tiên, Người đã chỉ ra rằng: “Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một, hai người”( Đường Kách Mệnh). Trong suốt những năm đó dưới ảnh hưởng của thanh niên, phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đã phát triển rất sôi nổi, đòi hỏi phải thành lập Đảng Cộng sản để đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Nhưng rất tiếc là vào chính thời điểm này, lực lượng yêu nước và cách mạng lại bị phân liệt sâu sắc. Bên cạnh Việt Nam Quốc Dân Đảng (thành lập năm 1927), từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ở Việt Nam ba tổ chức cộng sản. Các tổ chức này cùng tích cực vận động quần chúng công nông, nhưng lại không trách khỏi công kích nhau. Đây chính là tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng, cản đường phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam. Đúng lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kịp thời xuất hiện, với uy tín và tài năng của mình đã đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản và lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Điểm thứ nhất trong “Năm điểm lớn” được Nguyễn Ái Quốc đưa ra coi như nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào Cộng Sản Việt Nam là: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm Cộng Sản Đông Dương”. Sự ra đời của Đảng với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo và cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng và cho cuộc hồi sinh của dân tộc. Ngay sau khi Đảng ra đời, một cao trào cách mạng sôi nổi đã diễn ra trong phạm vi cả nước với đỉnh cao là hàng chục cuộc biểu tình ở Nghệ An và Hà Tĩnh dẫn đến sự ra đời của các làng đỏ- Xô Viết. Trong cao trào cách mạng này “công nông đã bắt ta nhau giữa trận tiền”, liên minh cách mạng công – nông, yếu tố nền tảng của đại đoàn kết dân tộc đã hình thành trên thực tế. Tuy vậy, chỉ riêng yếu tố hạt nhân và yếu tố nền tảng thì vẫn chưa đủ để tạo ra và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.                Trong thời kỳ 1936 – 1939, trong điều kiện trong nước và thế giới có nhiều biến đổi quan trọng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đổi mới mạnh mẽ công tác vận động và tổ chức quần chúng. Một cao trào đấu tranh mạnh mẽ lại dâng trào khắp cả nước, lôi cuốn không chỉ hàng triệu quần chúng nông dân, công nhân mà cả những tầng lớp yêu nước khác như Trí thức, Tiểu thương, Tiểu chủ, Địa chủ, Thân hào và Tư sản dân tộc.v.v.     Đến thời kỳ này khối đoàn kết dân tộc được mở rộng và củng cố thêm một bước. Lần đầu tiên Đảng Cộng Sản Đông Dương đã chủ động bắt tay liên minh với một tổ chức yêu nước, tiến bộ khác.     Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ (3/9/1939) đã làm cho tình hình quốc tế và trong nước chuyển biến mãnh mẽ. Hội nghị BCH Trung ương của Đảng họp từ ngày 10 đến 19/5/1941 đã mở ra con đường đấu tranh mới để đem đến thắng lợi cho cuộc đấu tranh yêu nước, hội nghị đã khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong gia đoạn hiện tại là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, do vậy trong lúc này quyền lợi của bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”.

       Một trong những quyết định quan trọng có liên quan đến củng cố khối đoàn kết dân tộc, chuẩn bị để tạo ra sức mạnh đứng lên tự giải phóng dân tộc là phải thành lập Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh. Hội nghị Trung ương 8 và sự ra đời của mặt trận Việt Minh là một bước ngoặt quan trọng trong đường lối của Đảng, từ khi Mặt trận Việt Minh ra đời đã trở thành hạt nhân qui tụ sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Lực lượng đứng dưới cờ của Mặt trận Việt minh ngày càng được phát triển không ngừng và càng được mở rộng. Tình hình đó đã có lợi cho Cách mạng. Giữa lúc đó thì ngày 13/8/1945 có tin Nhật Hoàng đã chấp nhận đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ngay đêm đó Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 15/8 tin Nhật đầu hàng được công bố, từ Tân Trào từ nhiều ngày trước đó Bác Hồ dù vẫn đang bị ốm, nhưng Người đã hối thúc triệu tập Quốc dân Đại hội. Theo chỉ thị ngày 16/8, Hội nghị Quốc dân chính thức được khai mạc tại Đình Tân Trào. Hội nghị đã tượng trưng cho ý chí và khối đoàn kết của toàn dân tộc, thông qua đó đã đề nghị Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh.

     Đã 71 năm trôi qua nhưng Cách mạng Tháng 8/1945  và ngày Quốc khánh 2/9, vẫn được xem như một sự kiện diệu kỳ nhất trong lịch sử dân tộc và là biểu trưng cho kết quả của khối đoàn kết toàn dân tộc, là hội tụ của nguồn sinh lực, dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngọn cờ ấy đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ Cách mạng tháng 8/45, chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc và hiện nay đã đang đưa con thuyền của dân tộc ta vượt đại dương ra biển lớn.

 

Bùi Hoằng

 

_________________

Bùi Văn Hoằng

Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hoá

Email: hoang1592@gmail.com

 

 

 

                                               

tin tức liên quan