Những chiến thuyền vượt thác.

Ngày đăng: 12:03 24/02/2017 Lượt xem: 619

C 225 NGÀY ẤY- NHỮNG CHIẾN THUYỀN VƯỢT THÁC.

                                                            Tác giả:   Trần Quang Nhật

                                                     (Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

       Tháng 8/1965, tạm biệt C302 TNXP từ quê hương Nghệ An thân yêu, chúng tôi đi nhận nhiệm vụ mới ở tiền phương tuyến lửa phía Đông tỉnh Quảng Bình. Sau một thời gian, từ C168, một số anh em chúng tôi được chuyển về C 225 và nhận nhiệm vụ mới.

        Tiếu đội chúng tôi được nhận 3 con thuyền ba ván, loại thuyền mà thường thấy của TNXP Quảng Bình khiêng từ sông Nhật Lệ vào. Khiêng qua bao dốc bao đèo lại qua vực sâu, vực thẳm thẳm trên đỉnh đèo 1001 ngút ngàn mà sau này mỗi khi nghĩ lại cứ ngỡ là huyền thoại. Đã có những hi sinh đầy thương tâm không phải vì bom đạn mà vì cò đường mòn giao liên quá hẹp, nhiều đoạn gấp khúc khuya tay, không ít trường hợp khi khiêng thuyền sẩy chân là cà người và thuyền rơi xuống vực tan nát! Sau này Binh trạm tổ chức cưa ván và đóng thuyền tại bến nên việc sử dụng thuyền trở nên suôn sẻ. Một số thợ đóng thuyền lấy từ TNXP Nghệ An có 2 đồng chí ở Vinh và Nghi Hải tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

       Thế là chưa đầy 2 tháng, 25 ngày kể từ khi gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (15/5/1965), chúng tôi đã trải quả đại đội 302- 168- 225 (đó là chưa kể sau này còn trải qua nhiều đơn vị nữa). Thế nên nhiều đồng chí tuy cùng phiên hiệu đơn vị mà cũng không kịp biết nhau. Như trường hợp động chí Dư Đức Thiện - đại đội phó 168 khi chúng tôi gặp nhau ở Vinh trong lễ gặp gỡ cựu đồng đội Trường Sơn còn hỏi: đồng chí Trần Quang Nhật cán bộ A của C168 sao mình không biết nhỉ? Chuyện đó cũng chẳng sao, 50 năm rồi còn gì!

       Những đồng chí đồng đội cũ mà tôi không bao giờ quên được và các đồng chí đồng đội này cũng không quên được nhau. Đó là những chiến sỹ cùng nhau chuyển hàng trên sống Sê Băng Hiêng đầy gian khổ mà nhiều kỷ niệm sâu đậm… (một trường hợp khác biệt, hiếm hoi khác chuyển hàng trên bộ).

      Trong bài thơ” Những con đường đồng đội tôi yêu”, trong đó có mấy câu tôi viết:

Hồi ở Cù Bai ta vận chuyển bằng thuyền

Thác Đá đầu nguồn mây giăng gió lượn

Cây lim chắn dòng, nước reo cuồn cuộn

Tay đưa chèo tay gạt lá lao nhanh!

     Đó là công việc của Tiểu đội “đặc nhiệm” mà chiến sĩ được tuyển chọn từ đội viên có quê gần biển, thạo nghề sông nước. Quỳnh Lưu lúc ấy có các đồng chí: Nguyễn Hồng Luy, Nguyễn Văn Thuyên, đồng chí Tuyến, Ngọ Công Điểm, và tôi là A trưởng. Diễn Châu, Nghi Lộc có  đồng chí Du,  Tuyên, Xoan, Thụ, Thạch, Hoan, Phác, Đức, Đô, Xu (đc Phác làm A phó).

       Thời gian làm nhiệm vụ này tuy ngắn, từ tháng 7-1965 đến tháng 10-1965, nhưng với tôi và nhiều anh em khác cảm thấy khá dài, mà lại đầy ắp những kỷ niệm buồn vui mà chưa có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự. Nhưng đến nay nhiều đồng chí đã mất như đc Luy,  Tuyến, Phác, Thuyên…

       Bài viết này như một nén hương tâm linh tưởng nhớ những đồng đội đã khuất và cũng lời tâm sự với đồng đội trong những ngày tháng binh lửa trên sống nước và núi đèo dãy trường Sơn thân yêu của chúng ta. Chuyện vận chuyển hay làm đường bộ thì đã nói nhiều, chuyện vận chuyển hàng trên đường sông đường suối thì còn ít kể…

       Chuyện là….

      C 225 đóng ở gần thị trấn Cù Bai giáp biên giới nước Lào, trong một rừng nứa rậm rạp. Cho nên thực phẩm chuyên dùng của đơn vị là măng chua, măng luộc xào nấu với thịt hộp.

       C 225 đa phần là người Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Chỉ có 1 tiểu đội duy nhất có 2 nữ đội viên tên là Hoài và Thu, tên đẹp người cũng đẹp nên đến bữa ăn anh em nào cũng xung phong đi lấy cơm để nhìn hai o…cho sướng mắt. Vì 3 đơn vị TNXP Nghệ An toàn nam giời nên rất mến mộ  đội viên nữ…

        C bộ ngoài đồng chí đại đội trưởng Diện, đại đội phó Hán, kiêm chính trị viên còn có cán bộ thông kê Nguyễn Hồng Nhu rất điển trai.

       Quên gì thì quên nhưng tôi không thể nào quên hôm thuyền xuất phát, khi đồng chí Thủ trưởng ra tận bến căn dặn:

       Đây là chuyến đi đầu tiên mang tính thử nghiệm, làm quen với hiện trường Tiểu đội đồng chí cần một chiếc để rút kinh nghiệm, trọng tải cho phép một tấn. Đi xuôi về ngược. Sông có 2 thác, một thác Gổ một thác Đá. Thác Đá rất nguy hiểm không được coi thường. Sông chảy giữa hai nước Việt – Lào. Đã có nội quy chung, các đồng chí không được tùy tiện ghé thuyền vào bờ hái hoa quả. Tuy đồng bào Lào đã sơ tán hết nhưng còn bộ đội biên phòng của họ, phải có sự cho phép của bạn. Chúc các đồng chí mã đáo thành công!

        Chúng tôi đáp lại bằng một tràng vỗ tay thật giòn và bằng ánh mắt đầy tin tưởng!

       Tôi cố gắng lắng nghe và nhập tâm những lời Thủ trưởng căn dặn, còn anh em tuy không nói ra nhưng nhìn trên khuôn mặt đầy hoan hỉ phấn chấn khí thế oai hùng lạc quan, tin cậy. Là dân biển lại được phân công đi thuyền thì không vui gì bằng, cứ ngỡ như di du lịch vậy. ..

          Đoạn sông nơi xuất phát trong xanh nhìn rõ từng hòn đá dưới đáy, dòng chảy hiền hóa, có những dải mây trắng bồng bềnh như dải lụa, phong cảnh hữu tình. Anh em mang theo cả đàn sáo và sổ ghi nhật ký. Tôi còn nhớ có anh em nói tếu:”Tưởng thế nào chứ còn dễ hơn bóp vú vợ!”. Tôi chưa có vợ nên không biết khó dễ thế nào mà tự mỉm cười một mình!

          Thuyền nhè nhẹ tiến lên theo nhịp chèo, tôi cảm thấy tự tin hơn lúc nào hết, xuôi dòng nên chỉ cần cầm lái chuẩn là được. Nếu cứ thuận buồm xuôi gió như thế này thì quả là công việc trời cho, nó bù cho những ngày bầm vai, ê cổ. Qua rồi những ngày vác mấy chục cân gạo, trì trà trì trật đẩy chiếc xe thồ trên dốc đứt cả hơi, khi lên dốc mắm môi mắm lợi (lưỡi) mà tỳ, có khi xe vật đè lên người. Còn việc này thì chỉ cần một người cầm chèo đưa đẩy anh em đàn sáo hát vui như hội. Nhưng rồi cũng chẳng được lâu…, chuyện gì đã xảy ra sau phút giây êm đềm thơ mộng ấy?.

       Tự nhiên tôi cảm thấy mái chèo hụt hẩng. Đến khúc sông, mái “cậy”, nước chảy vùn lên, trước mặt là một khóm cây lớn chắn giữa dòng. Quá bất ngờ, tôi lái thuyền né sang một bên, không cho quẹt vào bụi cây, nếu quệt vào thuyền sẽ quay ngang và lật úp. Tốc độ thuyền lao như tên, anh em ngơ ngác, mọi niềm vui gác lại, trang nhật ký viết dở vùi vào trong bao hàng. Thác Đá hiện lên với hai chữ viết bằng sơn trắng và chiếc sọ người báo hiệu nguy hiểm. Cửa thác chỉ đủ một chiếc thuyền chui qua, độ lệch khá cao và ở thế cua gấp khủya tay, nước đổ ào ào tung bọt trắng xóa. Không đủ thời gian trao đổi với anh em, tôi luống cuống đưa mái “bát” hướng mũi thuyền vào cửa, con thuyền lao xuống và bị dòng nước nuốt chửng dìm con thuyền xuống nước thật sâu đến một đoạn khá xa. Nước êm dần, chúng tôi hoảng loạn trồi lên lội xuôi vào bờ, còn con thuyền và sáu bao gạo nằm lại đáy sông. Thế là đồ đoàn mang theo đều trôi mất, may anh em bơi lội giỏi nên không ai việc gì.

        Sau sự cố tôi bàng hoàng nhìn ngược lên dòng thác, bao nhiều câu hỏi đặt ra, giải pháp nào đề đưa thuyền vượt thác an toàn, những thuyền đã đi rồi, họ đi bằng cách nào và khi trở về họ qua thác ra sao?v,v…

       Anh em nằm xoài trên những hòn đá cuội, có lẽ họ đang thất vọng về tôi. Tuy đi biển nhiều, sóng to gió lớn nhưng chưa bao giờ gặp tình huống như thế. Sông thác là một chuyện mới lạ, tôi cũng không hơn gì anh em. Tuy vậy, anh em cũng không tỏ ra bi quan trách cứ mà động viên nhau hăng hái lặn lội đưa thuyền và một số hàng vào bờ. Một cân gạo đưa được vào đây là qua bao nhiều mồ hôi, có khi cả xương máu, vô cùng quý giá. Song mọi việc diễn ra không đơn giản, nước chảy xiết, không cho chúng tôi tiếp cận mục tiêu. Mấy đồng chí dài hơi bám đươc vào thuyền nhưng rồi cũng phải bơi vào bờ. Cái mệt và cái đói đã xuất hiện, loay hoay cả tiếng đồng hồ cũng không làm gì được, chảng lẽ về báo cáo với Ban chỉ huy, thì còn mặt mũi nào nữa, hổ danh trai xứ Nghệ quá! Chưa tìm được lối thoát thì may có một ông già bản xuất hiện. Ông đến tự lúc nào, đã quan sát chúng tôi làm…, rồi nhẹ nhàng chỉ bảo: Bộ đội không làm được mô để trai bản làm cho, họ bơi lội giỏi lắm!

       Như người đuối nước vớ được cọc, tôi và hai đồng chí nữa đi theo ông cụ. Bản ở cách đó khoàng nửa tiếng đồng hồ, dân sơ tán hết chỉ còn tổ bảo vệ. Ông cụ hú vài tiếng thì bỗng có 6 thanh niên lực lưỡng, da đen mốc, trông có vẻ bặm trợn xuất hiện. Họ nói với nhau bằng tiếng bản nên chúng tôi chẳng hiểu gì! Trên đường xuống bến, một thanh niên nói với tôi bằng tiếng Kinh khá rành rỏi: Bộ đội đi chuyến đầu chưa biêt cách làm đó thôi, để rồi tôi bảo cho, tôi có kinh nghiệm mà…

          Thế rồi 6 thanh niên bơi lội giỏi đơn giản nhẹ nhàng, họ đã đưa 6 bao gạo vào bờ, rồi tập trung lặn đưa con thuyền vào nốt. Bí quyết lăn của trai bản đến giờ tôi vẫn chưa hiểu được. Làm thế nào để tránh được dòng nước chảy xiết, còn kinh nghiệm cho thuyền vượt thác thì cũng đơn giản. Dùng bạt bịt kín gian hàng, không cho nước tran vào, nước vào lại tràn ra, khi qua thác ưu tiên cho mũi cao hơn lái, thuyền như một chiếc phao không bị dìm xuống đáy. Còn khi đưa thuyền lên thác trở về đã có sẵn mấy sợi dây song bắc từ đầu thác đến cuối thác, người kéo người đẩy khoảng nửa tiếng là qua được.

         Trở lại sự cố vừa rồi. May mấy bao gạo được thắt rất chặt trong bao tải bằng bạt tốt, nên gạo không bị ngấm nước, thế là chúng tôi lại tổ chức hành trình. Tạm biệt và cảm ơn ông cụ và trai bản chúng tôi lên đường. Đói thì có gạo, khát thì có nước sông, anh em phân chấn trở lại. Được đoạn nước chảy hiền hòa, chúng tôi ngồi trên thuyền thở dài nhẹ nhõm…

       Và  rồi hộp chờ đợi…Thác Gỗ xuất hiện một cây lim to chừng vài người ôm không xuể, chắn ngang giữa dòng nước, nước chảy lên cuồn cuộn…Rút kinh nghiệm, chúng tôi trùm bạt kín thuyền, cho thuyền vào gần bờ tránh dòng nước dữ, thuyền nhẹ nhàng lươt qua, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đoạn sông tiếp theo không còn thác ghềnh nguy hiểm nhưng nước lại cạn dần, cạn dần, chúng tôi phải xuống đẩy bộ, có đoạn phải tăng bo, vác gạo lên bờ, đẩy thuyền đến chỗ nước sâu rồi lên vác gạo xuống. Một chuyến có vài ba lần như thế. Sau này chuyến đi chỉ có 4 người thì càng vất vả hơn. Gian nan nối tiếp gian nan, chúng tôi đã vượt qua.

        Lại nói, qua dòng sông cạn, thuyền đi vào thác Mới, thác này do đoàn địa chất mới tìm ra, dòng sông sâu nhưng dễ bị lạc, thuyền phải len lỏi trong rừng, thật tinh mắt mới dễ nhận thấy dấu hiệu chỉ đường. Đoạn  đường này có quân thổ phỉ hoạt động…

          Xa kia, Trạm nhận hàng là một đại đội thanh niên xung phong, đa số là nữ, tiếng các o ríu ra ríu rít như chim, tiếng nói lời chào nhau trìu mến và có vẻ họ rất thích chúng tôi, trai xứ Nghệ này! Chúng tôi đường dù đã mệt nhưng cũng cùng nhau xúm lại nâng từng bao gạo lên vai mấy o và còn cố tình chạm vào nhau để tìm hơi ấm… Có lẽ đây la những giây phút thư giãn thú vị trong một chuyến đi gian nan vất vả.

        Khi xuôi nước thì vậy, còn ngược thì sao? Nhiều lúc chúng tôi phải đẩy thuyền 5-6 cây số đường sông trong cảnh trời nắng như thiêu như đốt. Phải nói nắng ở đây cực kỳ gây gắt. Nóng quá, khô cả người, thỉnh thoảngchúng tôi phải lặn xuống sông cho ướt hết quần ao, nhưng một tiếng sau lại là đã khô khốc, vì thế nên da dẻ chúng tôi đen nhẽm chẵng khác gì trai bản.

        Còn có những hôm trên đường về lại gặp nước lũ đành phải để thuyền cột vào những cành cây to, đến khi nước rút đến lấy thuyền thì thuyền đã treo lơ lửng trên cao. Vui nhất là hôm giao hàng giao luôn cả thuyền được đi bộ về đơn vị lúc này mới thấy đi bộ sướng làm sao!

        Trong vất vả, gian nan không phải không có niềm vui nho nhỏ. Khi đến đoạn sông quẩn tha hồ bắt cá, có con nặng 4- 5 cân, hoặc ghé sang bờ biên giới Lào, tha hồ chuối chín cây, bưởi chín vàng rụng đầy gốc…

         Trên đường đi, có đoạn sông êm ả, kín đáo có mấy o thanh niên xung phong bạn đang tắm…chỉ dấu kín nửa người dưới nước còn phần trên lồ lộ ngọc ngà… nhưng các o chẳng tỏ ra ngượng ngùng bối rối mà còn gọi chúng tôi xuống tắm cùng cho vui. Rồi những câu hò nổi lên: “Thuyền than người cũng như than, thấy anh vất vả cơ hàn em thương” (các o hò cạnh câu: thuyền than mà đậu bến than, bởi ngày ấy chúng tôi cũng đen như than). Ngược lại với sự táo tợn của mấy o, chúng tôi bối rối, cuống cuồng đầy thuyến đi thật nhanh để dấu cái cơ bắp đang cương cứng. Còn sau này khi qua đây không gặp mấy o thì chúng tôi cũng ghé vào hái mấy nải chuối, mấy trái bười vàng hươm…

          Đơn vị C225 hoạt động gần như trong bí mật. Nhiều hàng hóa bao chỉ kẹp chì rất kín đáo, chúng tôi không biết đó là cái gì. Ngoài mấy đồng chí C bộ và vài o cấp dưỡng, chúng tôi không biết thêm ai, và cũng bởi đi làm từ sáng sớm tối mới về. Cán bộ A trưởng lên báo cáo kết quả hoạt động trong ngày rồi về tranh thủ ngủ mấy tiếng. Hình như tiểu đội nào biết tiểu đội ấy, nên khi có lệnh trở về đơn vị cũ chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng như khi đến…

          Những ngày ở C 225 chỉ là một dấu son nhỏ trong giai đoạn mà chúng tôi hoạt động thời chống Mỹ cứu nước trên tuyến đường Trường Sơn, nhất là ở đường 20 QT đấy khó khăn ác liệt với nhiều kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên mà thời C225 lại là những kỷ niệm khác biệt khó phai mờ…

         Cù Bai, nỗi nhớ Sê Băng Hiêng thao thức, cứ bồn chồn…Một thời những chiến thuyền vượt thác…!

 

                                                                                          Quỳnh Long, tháng 12/2016

                                                                                                            TQN

.

tin tức liên quan