NHỚ LẠI NGÀY ĐẦU
MÁC DÂY TRẦN Ở TRƯỜNG SƠN
Tác giả Trần Hữu Đạo trong buổi gặp mặt ngành Thông tin Trường Sơn. 04/2016
Vào cuối năm 1966, đầu năm 1967, ở miền Nam quân và dân ta liên tiếp mở các cuộc tiến công đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ-Ngụy. Yêu cầu chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường ngày càng lớn. Lúc này, tuyến đường Trường Sơn đã lật cánh sang phía Tây trên đất bạn Lào. Để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tư lênh 559 đã xác định phương thức vận tải bằng cơ giới là chính, chiến đấu vận tải quân sự binh chủng hợp thành bắt đầu được hình thành.
Nhưng tổ chức thực hiện trên toàn tuyến gặp không ít khó khăn, hiệu quả vận chuyển thấp, ta phải chịu nhiều tổn thất về xe, hàng và người. Một trong những nguyên nhân được Bộ Tư lệnh xác định là do trên tuyến chưa tổ chức được mạng thông tin liên lạc phục vụ đáp ứng yêu cầu chỉ huy trực tiếp hàng ngày. Khi này, phương tiện thông tin bảo đảm chỉ huy từ Bộ Tư lệnh đến các đơn vị trực thuộc duy nhất là vô tuyến điện báo mã dịch. Năm tình hình và xử lý đều bằng điện báo theo hẹn giờ, vừa chậm vừa ít thông tin cần thiết.
Để khắc phục sớm tồn tại trên, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Thông tin Trường Sơn phải nhanh chóng tổ chức mắc đường dây trần tải ba trên tuyến để liên lạc trực tiếp hàng ngày với các đơn vị. Ngay trong mùa khô có đường dây liên lạc đến Binh trạm 1 và Binh trạm 2, đó là hai đơn vị tiếp giáp nhận hàng của hai cửa khẩu trọng yếu qua Đường 12 và Đường 20 cùng các kho chiến lược từ Đường 9 trở ra.
Do sớm nắm bắt được quyết tâm của Bộ Tư lệnh, tháng 4/1966, Phòng Thông tin Bộ Tham mưu 559 đã tổ chức một tổ 5 người đi khảo sát thực địa, tìm hướng mắc dây đến hai Binh trạm. Tôi được giao làm tổ trưởng, anh em đã liên tục trong 15 ngày vai khoắc ba lô, chân trần luồn rừng, lội suối, bơi qua sông, leo đèo, vượt qua những đỉnh núi tai mèo sắc nhọn, qua những vùng trọng điểm máy bay địch đánh phá ác liệt. Đi đến bản nào, trời tối thì nghỉ lại, ngủ trong nhà dân. Đồng bào Lào thiếu ăn, thiếu mặc, sống sơ tán trong các nhà tạm bợ, nhưng ai cũng sẵn sàng giúp đỡ bộ đội Việt Nam. Có nhiều đoạn địa hình phức tạp, chúng tôi được Trưởng bản cử người dẫn đường giúp. Cuối cùng, tổ đã xác định được tuyến mắc dây và tham mưu tư vấn với trên về quyết tâm ở Trường Sơn có thể mắc dây trần tải ba được.
Cuối tháng 10/1966 cán bộ nhân viên khảo sát thiết kế và vật tư trang bị đồng bộ trên 30 tấn hàng được Cục Thông tin liên lạc- Bộ Quốc phòng giải quyết đã tập kết ở khu vực đầu đường 20 (Quảng Binhf0. Đường khô, vật tư theo xe nhập tuyến được rải đến các điểm trên truck đường 128 có người chờ tiếp nhận. Người hành quân bộ theo đường giao liên qua đèo Mụ Giạ-050 vào Lùm Bùm gần Binh Trạm 1.
Quân đến nơi, sau một ngày triển khai khảo sát thiết kế ngay. Ba ngày đầu suôn sẻ, thì đến ngày thứ tư, một tốp máy bay địch đến bỏ bom tọa độ gần nơi anh em ngủ đêm. Đồng chí Nho đang ngủ trên võng bị một mảnh bom trúng bụng, máu chảy đầm đìa, ruột lòi ra đau đớn. Anh em đã kịp thời băng bó và thay nhau cáng đưa nhanh về bệnh xá Binh trạm để cứu chữa. Song vì đường rừng, trong đếm tối khó đi, bệnh xá lại ở xa nên giữa đường Nho đã tắt thở. Một mất mát đau thương của đơn vị trong những ngày ra quân, nhưng không làm ai nhụt chí. Anh em động viên nhau phải làm việc thật tốt để trả thù cho đống chí mình.
Ngày 26/12/1966 khi tiếng gà rừng gáy sớm, cả đại đội (Đại đội dây trần đầu tiên của tuyên) đã dậy chuẩn bị cho ngày đầu mắc dây. Trời sáng rõ, dưới tán rừng đại ngàn Trường Sơn, trước hàng ngũ chỉnh tề, đồng chí Nguyễn Văn Vỵ, chính trị viên nhắc nhở: “ Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, hôm nay chúng ta được lệnh thi công, các đồng chí phải quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”. Tất cả nhất loạt hưởng ứng : “Quyết tâm, quyết tâm !”
Mỗi người một việc đồng loạt hành động, người phát tuyến chặt cây, người trồng cột. Trên mũ tai bèo mỗi người đều có khẩu hiệu bướm: "Vì miền Nam quyết tâm hoàn thành đường dây vượt kế hoạch”
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên rất quan tâm đến việc triển khai đường dây, kết hợp chuyến đi kiểm tra Binh trạm 1, trưa ngày 25/01/1967 Tư lệnh và cản bộ cùng đi đã đến hiện trường chúng tôi đang thi công thăm và động viên bộ đội. Tư lệnh nói đại ý : “Việc mắc đường dây trần tải ba của các đồng chí rất cần thiết cho chỉ huy của Bộ TL, thông dây sớm sẽ góp phần đưa được nhiều hàng, nhiều quân vào chiến trường trong mùa khô này. Tôi tin tưởng và chờ đợi chiến công của các đồng chí”.
Như được tiếp nhận nguồn sinh lực mới, cả đại đọi ai cũng lao động hết mình để sớm thông dây. Sau hơn một tháng thi công, vào lúc 10 giờ ngày 22/2/1967 đoạn dây trần đầu tiên trên tuyến Trường Sơn từ Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh đến Binh trạm 1 dài 40 km với 2 sợi dây đồng và 1 sợi dây sắt đã hoàn thành. Tôi ở giữa tuyến dây qua điện thoại báo cáo về phòng Thông tin, sau đó Tổng đài liên tục tiếp chuyển các cuộc đàm thoại giữa Thủ trưởng Bộ Tư lệnh với chỉ huy Binh trạm 1 và giữa trực ban Bộ TL với trực ban Binh trạm kéo dài cho đến chiều tối.
Do có đường dây liên lạc trực tiếp nên trong buổi giao ban sáng 23/2/1967 ơ Sở Chỉ huy do Tư lệnh chủ trì, tình hình hoạt động của Binh trạm 1 trong ngày và đêm hôm trước về tác chiến phòng không, bảo đảm cầu đường, các đoàn xe vận chuyển, quân ra, quân vào các trạm giao liên và các nhiệm vụ liên quan khác đều được trực ban báo cáo đầy đủ. Điều quan tâm nhất là số lượng xe chở hàng qua trọng điểm Cốc Mạc-Văng Mu vào kho Đường 9 trong đêm được trực ban vận chuyển báo cáo cụ thể đến từng đầu xe. Việc gay cấn từ lâu nay bước đầu đã được tháo gỡ, làm cho cuộc giao ban của Bộ TL sôi nổi hẳn hơn mọi lần trước đó.
Từ thành công ở hướng Binh trạm 2, ngày 25/2/1967 Bộ Tham mưu giao nhiệm vụ cho Đại đội 2 (Đại đội dây trần thứ 2) và một trung đội của Đại đội 1 khẩn trương thi công tiếp đường dây trần đến Binh trạm 2 để kịp thời phục vụ hai tháng mùa khô còn lại.
Thời điểm này đang giữa mùa khô ở Lào, tuyến mắc dây qua địa hình những quả đồi bát úp rậm rạp tre, vầu, le, nứa. Cột mắc dây phải đi chặt xa hàng cây số vác về. Thi công cuốn chiếu nên cứ khoảng ba bốn ngày lại phải chuyển chỗ ở, anh em phải thường xuyên đề phòng với các loại máy bay cường kích đich đánh phá. Hàng ngày bộ đội dậy sớm lót dạ lương khô, ăn trưa tại hiện trường, tối về ăn xong thu lá khô làm đệm rải tăng võng lên nằm ngủ. Mùa khô ở Tây Trường sơn cực nhất là thiếu nước sinh hoạt, có khi cả tuần lễ mới được tắm một lần, có lúc phải chia nhau từng ngụm nước uống. Bù lại là cơ động, ngủ nghỉ dễ dàng. Gian khó là vậy nhưng không ai kêu ca, nản chí. Khi căng, kéo dây hò nhau vang dậy cả núi rừng.
Điều ước đợi đã đến, 16 giờ ngày 19/3/1967 đoạn dài 80 km từ Bộ TL đến Binh trạm 2 ở Nam Đường 9 đã thông. Chiến sĩ gái tổng đài 3000 (tại Bộ TL) đã mời Chính ủy Vũ Xuân Chiêm nói chuyện với Chính ủy Binh trạm Đặng Ba. Kế đó Bộ Tư lệnh, trực ban làm việc với Binh trạm liên tục cho đến nửa đêm.
Cùng trong thời gian mắc dây, bốn đầu tải ba loại một đường TCT (2TCT1+2CTT2) của Hungari viện trợ nhận được từ Cục Thông tin Bọi QP cấp đã chuyển đến Bộ Tư lệnh và hai Binh trạm (đây là loại tải ba dã chiến công suất nhỏ, ở thời điểm đó là trang bị quý hiếm). Thông dây, nhân viên kỹ thuật đã lắp máy hoạt động tạo ra mỗi hướng Binh trạm về Bộ TL có hai kênh đàm thoại trực tiếp tiếng to, rõ không nhiễu và giữ được bí mật.
Gặp mặt ngành Thông tin Trường Sơn năm 2016
Sau 8 năm tuyên chi viện chiến lược hoạt động (1959-1967) ngoài đường ô tô, đường giao liên, nay đã xuất hiện một loại đường mới: “Đường dây trần tải ba” dùng để bảo đẩm thông tin liên lạc chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh với các đơn vị trực thuộc, trước mắt là Binh trạm 1 và 2.
Tại Sở chỉ huy Bộ TL, khi chưa có đường tải ba người trực rất ít. Nay Tư lệnh yêu cầu đầu mỗi cơ quan binh chủng đều có trực ban. Bộ Tư lệnh và cơ quan Tham mưu các cấp cùng tham gia nắm tình hình, xử lý công việc kịp thời mọi nơi, mọi lúc liên tục 24/24 giờ trong ngày.
Binh trạm 1 và 2 được đảm nhận vị trí yết hầu và then chốt của tuyến. Ở đây vận hành tốt có tác dụng quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ cả tuyến. Thông tin đã lấy đường dây tải ba làm chủ yếu, kết hợp với đa phương tiện như sóng ngắn, sóng cực ngắn, dây bọc của Binh trạm phục vụ chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh, đồng thời bảo đảm chỉ huy chiến đấu các binh chủng hợp thành của pháo cao xạ, công binh và xe vận tải trên các cung vận chuyển, các trọng điểm…Thông tin thực sự đã góp phần vào hoàn thành kế hoạch vận chuyển các tháng đầu năm và phục vụ thực hiện đợt: “Tổng công kích, tăng đầu xe, chạy vượt cung, tăng chuyến, hoàn thành dứt điểm kế hoạch chi viện tháng 4 và kết thúc thắng lợi giòn giã kế hoạch chi viện cho các chiến trường mùa khô năm 1966-1967.
Trang thiết bị kỹ thuật thông tin liên lạc của Quân đội ta ở thập kỷ 60 của thế kỷ 20 còn rất lạc hậu, muốn liên lạc thoại trực tiếp với nhau ở cự lý từ 30 km trở lên phải dùng đường dây trần. Khi bàn mắc dây trần ở Trường Sơn phục vụ cho nhiệm vụ, có ý kiến cho rằng không đủ sức mắc và không đủ sức giữ. Nhưng với quyết tâm của Bộ Tư lệnh, được sự giúp đỡ tận tình của Cục Thông tin của Bộ QP, Thông tin Trường Sơn đã dũng cảm, lao động sáng tạo, đã triển khai xây dựng đường dây, phục vụ hiệu quả bắt đầu từ mùa khô 1966-1967.
Từ thành công trên Bộ Tư lệnh đã xây dựng quyết tâm đề nghị Bộ Quốc phòng giao cho Thông tin Trường Sơn nhanh chóng tổ chức mạng dây trần tải ba quy mô rộng khắp và hiệu quả trên cả Đông và Tây Trường Sơn vào các năm sau.
Thông tin Trường Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước trưởng thành góp phần xứng đáng vào chiến công chung chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam qua từng giai đoạn và đến ngày toàn thắng.
Băc Ninh, ngày 18/02/2017
Đại tá :Trần Hữu Đạo
Điện thoại 0912.172.257