Tư liệu Ban XD 67.

Ngày đăng: 11:09 28/04/2017 Lượt xem: 3.434
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ban xây dựng 67 (23/4/1967-23/4/2017), Ban Liên lạc Ban XD 67 đã tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.  Bác Hồ Bá Thâm gửi cho Ban Biên tập bản báo cáo của Trưởng Ban LL, xin ...

NGỌN LỬA BAN XÂY DỰNG 67 ANH HÙNG BỪNG SÁNG MÃI

I- THÀNH LẬP, TỔ CHỨC  VÀ NHIỆM VỤ

Cách đây tròn 50 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 23/04/1967 Bộ Giao Thông Vận Tải ra Nghị Quyết số 159/VPBT, thành lập Ban Xây dựng 67– tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 ngày nay.

Ban Xây dựng 67 được thành lập trên cơ sở bộ khung là các cán bộ kỹ sư, kỹ thuật nghiệp vụ mà từ năm 1965 được Bộ GTVT điều vào làm công tác tham mưu cầu đường cho Tổng cục tiền phương theo nghị quyết 12 của Trung ương Đảng. Lực lượng chính của toàn Ban lúc này là: Ngoài số cán bộ có từ trước, còn lại là đông đảo các đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước và Công nhân quốc phòng ở các tỉnh miền Bắc do Bộ GTVT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và các địa phương điều vào.

Nhiệm vụ chính của Ban Xây dựng 67:

1) Khảo sát, thiết kế và thi công mở các tuyến đường mới vượt Trường Sơn, nối 2 tuyến đường chính Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn chạy dọc biên giới Việt – Lào từ Hà Tĩnh qua Quảng Bình, Quảng Trị vào Tây Nguyên và các mặt trận Đường 9 Nam Lào- Quảng Trị - Thừa Thiên.

2) Khôi phục, đảm bảo giao thông thông suốt các đường: 1A; 15; 15A, các đường ngang vượt Trường Sơn với tổng chiều dài trên 1.500 km và hàng ngàn trọng điểm là cầu, ngầm và phà vượt song phục vụ chiến đấu kịp thời cho vận chuyển các nguồn lực và khí tài cho chiến trường Miền Nam.

3) Phối hợp với các đơn vị Công binh thuộc Đoàn 559 và Quân Khu IV sẵn sàng đánh địch và chiến đầu thắng lợi.

4) Ngoài ra, Ban Xây dựng 67 còn là cơ quan tham mưu, tác chiến cầu đường cho Đoàn 559 và Tổng cục tiền phương Bộ Quốc Phòng.

Địa bàn hoạt động của Ban 67:

Đảm bảo giao thông, mở đường mới phục vụ chiến đấu từ Hà Tĩnh đến các mặt trận Bình Trị -Thiên. Cụ thể là:

- Đảm bảo giao thông thông suốt đường Đông Trường Sơn từ Tân Đức (Hà Tĩnh) đến Bến Quan (Bắc sông Bến Hải) cùng 1 số đường tránh quan trọng trên tuyến. Tổng chiều dài khoảng 500 km.

- Mở và đảm bảo giao thông các đường vượt Trường Sơn (từ Đông Trường Sơn thuộc địa phận Việt Nam sang tây Trường Sơn thuộc địa phận nước bạn Lào). Bao gồm các đường:

+ Đường 12, dài 50 km

+ Đường 20 Quyết Thắng, dài 120 km

+ Đường 10, dài 74 km

+  Đường 16, dài 64 km

+ Đường 18, dài 22 km (con đường này nối từ km 44 đường 10, lúc đầu chạy dưới lòng suối sang đường 9 Nam Lào, đến năm 1971 mới mở đường mới chạy ven theo bờ suối)

+ Các đường nhánh nối vào các mặt trận đường 9 Nam Lào và Trị Thiên. Bình quân 100 km cho mỗi mùa chiến dịch, đó là các đường A-C-K-20E và 20K.

+ Chỉ đạo và phối kết hợp các đơn vị Trung ương và địa phương bảo đảm giao thông các đường 21, đường số 8, đường 18 và đường goòng thuộc 2 tỉnh Hà tĩnh- Quảng Bình với tổng chiều dài 598 km

+ Làm mới và sửa chữa tất cả các công trình vượt sông trên tuyến (bao gồm cầu tạm, bến phà, cống và ngầm tràn)

Tổ chức đội hình chiến đấu đảm bảo giao thông của Ban XD 67:

Với chủ trương của Trung ương Đảng, tổ chức lực lượng đội hình chiến đấu đảm bảo giao thông (ĐBGT) phục vụ chiến đấu trong khu vực là hoạt động lãnh đạo song trùng giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Quốc phòng. Với  chủ trương đó, Ban XD 67 (B.67) hoạt động song trùng với bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng cục Tiến phương. Theo đó, mỗi binh trạm của đoàn 559 được bố trí 1 đồng chí phó ban B.67 làm binh trạm phó và 1 số cán bộ kỹ thuật làm tham tác chiến cầu đường cho các binh trạm. Các binh trạm bao gồm:

- Binh Trạm 14: Phụ trách đường 20 Quyết Thắng, đường 15 (từ Phà Xuân Sơn đến ngã 3 Dân Chủ) các đơn vị ĐBGT là:

+ Đội TNXP 23- Nghệ Tĩnh

+ Đội TNXP 25- Nam Hà – Thái Bình (nay là Công ty CPXDCT 525)

+ Đội TNXP 15- Thanh Hóa

+ Tiểu đoàn 3 (D3) của Đoàn 559 phụ trách phà Xuân Sơn

- Binh Trạm 12: Phụ trách đường 12 và đường 15 (từ Tân Đức đến Phà Xuân Sơn) đội hình chiến đấu gồm:

+ Đội TNXP 83- Thanh Hóa - Nghệ An

+ Đội TNXP 89- Thái Bình (sau này hợp nhất với đội TNXP 25)

+ Đội TNXP 29- Thanh Hóa

+ Đội TNXP 73- Quảng Bình

+ Tiểu đoàn 52 (D52) của Đoàn 559- phụ trách cửa khẩu, đèo Mụ Dạ

- Binh Trạm 16: Phụ trách đường 10, đường 18 và đường 15 (từ Ngã 3 Dân Chủ đến sông Bến Hải) và các đường nhánh đến mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên. Đội hình chiến đấu gồm:

+ Đội TNXP 39 - tiếp nhận từ Tổng đội TNXP Nguyễn Văn Bé – Hà Tĩnh.

+ Đội TNXP 44 - tiếp nhận từ Tổng đội TNXP Nguyễn Văn Bé – Hà Tĩnh.

+ Đội TNXP 81 – Hà Tây – Hải Dương

+ Tiểu đoàn 33 (D33 của đoàn 559) Phụ trách bến phà Long Đại và trọng điểm Cổ Kiềng – Bến Tiến

+ Các đội cầu 6, cầu 8, cầu 10 và cầu 12 (thuộc Công ty cầu 4 và đội cầu 9 của Cục quản lý đường bộ), sau này các đơn vị hợp nhất lại thành đội cầu 10 (Nay là Công ty CPXD công trình 510), chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông tất cả các công trình vượt sông, suối trong khu vực.

- Ban XD 67 thành lập các đơn vị mới, bao gồm: 

+ Đội TNXP 74, công trường 68, công trường 69, tách công trường 25 thành 2 công trường 1 và 2.

+ Thành lập 4 đội cơ giới ở 4 hướng vượt của khẩu, 1 đội sửa chữa và 1 đội vận tải

+ Thành lập 1 đội khảo sát thiết kế giao thông có trên 20 người

+ Thành lập 1 đội thông tin liên lạc có 150 người trực thuộc Phòng Kế hoạch tổng hợp của B67.

+ Thành lập 2 bệnh viện 24 và 26 ở 2 đầu Bắc- Nam của vùng hoạt động, mỗi bệnh viện có 250 giường bệnh, 1 viện điều dưỡng đặt tại Thanh Hóa.

+ Thành lập 1 Trường bổ túc nghiệp vụ (sau này gọi là Trường công nhân kỹ thuật)

+ Tổ chức 2 trạm đón tiếp quân, bao gồm: Trạm T30 đóng ở Bưởi (Hà Nội) và Trạm T50 đóng ở Quảng Bình.

+ Tiếp nhận đoàn văn công của Bộ GTVT, sau này được cũng cố và phát triển thành “Đoàn văn công tiếng hát át tiếng bom của B67”

- Mở công trình 71: Do yêu cầu vận chuyển lớn cho cả 2 mùa mưa nắng, chủ trương của Nhà nước là xây dựng cơ bản cả 4 tuyến đường ngang vượt Trường Sơn nên năm 1971 Nhà nước đã huy động thêm 16.000 nhân công lao động nghĩa vụ (gọi là dân công hỏa tuyến) để thành lập công trình 71. Quân số của B.67 lúc này là 24.000 người.

- Cơ quan B.67 là bộ phận tổng chỉ huy các lực lượng B.67, bao gồm:

Cơ quan Đảng (có đủ các ban ngành của Đảng); Cơ quan chính quyền: gồm ban lãnh đạo (1 trưởng ban và 12 phó ban) và các Phòng ban tham mưu.

- Cơ quan Công đoàn và cơ quan Đoàn thanh niên: Có đầy đủ các ủy viên thường trực, chuyên trách, thi đua. Mỗi cơ quan đều có chức năng hoạt động riêng.

Với các nhiệm vụ quan trọng đó, Ban Xây dựng 67 luôn đặt dưới sự lãnh đạo song trùng của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, đặt bên cạnh Tổng Cục tiền phương mà trực tiếp lãnh đạo là Bộ Tư lệnh 559.

Từ ngày thành lập đến ngày đất nước thống nhất, suốt 8 năm tròn sống trong khói lửa. Các cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng, dân công hỏa tuyến thuộc Ban Xây dựng 67 đã luôn dũng cảm chiến đấu, lao động, vượt qua mưa bom, bão đạn, viết nên những trang sử hào hùng, chói lọi, góp phần tích cực cho cuộc kháng chiến thần thánh, anh dũng của dân tộc, giành thống nhất đất nước bằng đại thắng mùa xuân 1975.

 

II- CỐNG HIẾN, TÔN VINH VÀ TRI ÂN

Nhân buổi gặp mặt Truyền thống trọng đại này, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại vài nét của những ngày tháng mà chúng ta và đồng đội chúng ta đã sống trong đạn lửa, vì một ngày hòa bình tươi sáng hôm nay.

- Đó là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ TNXP chống Mỹ cứu nước, các anh hùng liệt sỹ mở đường, giữ đường trên các trọng điểm của Đường 20 Quyết Thắng: Dốc Đồng Tiền; km12; ngầm Khe Tang - km14; cua chữ A – Km79; ngầm Ta Lê – km 82; ngầm Cà Roòng – Km54; ngầm AKy – km60; vách đá km68-km76; đỉnh đèo Phu La Nhich – km 82+700 của đường 20 Quyết Thắng. Chỉ tính riêng trên cua Chữ A do đại đội 5 thuộc đội TNXP 25 phụ trách, trong năm 1968, máy bay B52 địch đã bắn phá 969 trận. Có ngày cao điểm chúng đã rải thảm 23 lần với trên 1.000 tấn bom và có đến trên 2.000 trận đánh bom bằng máy bay phản lực bổ nhào và tọa độ vào ban đêm. Mặc dù địch ngày đêm đánh phá ác liệt nhưng Đội TNXP 25 nói chung và C5 (tên gọi đại đội 5) nói riêng đã luôn tỏ rõ bản lĩnh kiên cường dũng cảm. Chỉ tính riêng cua Chữ A đã có đến 52 chiến sỹ TNXP C5 hy sinh, nhưng tinh thần các chiến sỹ C5 và toàn Đội TNXP 25 cũng như toàn công trường 20 Quyết Thắng của Ban Xây dựng 67 không hề nao núng. Ngày đêm, các cán bộ chiến sỹ luôn bám cầu, bám đường, giữ vững tuyến đường thông suốt cho xe ta ra trận. Đường 20 Quyết Thắng đã xứng đáng với lời biểu dương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí độc lập – tự do của cán bộ và chiến sỹ TNXP làm nên”.

- Đó là các trọng điểm: Bãi Tranh- km14; vách núi Long Đại-km 25-km27; ngã 3 Chà Là-km72 của đường 10; cầu cáp Rào Reng-km21 (đường 18). Các trọng điểm: Bãi Dinh; Cha Lo; Mụ Dạ (đường 12); ngầm Thác Oan (đường 16). Các trọng điểm trên đường 15 như: ngầm Katang, đèo Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, phà Dài, ngầm Bùng, ngầm thác Cóc, … Có thể nói, ở đâu, trên mỗi mét đường, trên mỗi trọng điểm, trên mỗi công trình vượt sông, trên mỗi tuyết đường Trường Sơn do Ban Xây dựng 67 phụ trách đều có bàn tay các cán bộ chiến sỹ Ban Xây dựng 67 đảm nhiệm. Đặc biệt, hàng ngàn trọng điểm là công trình vượt song đều được đội Cầu 10 (nay là công ty CP XDCT 510) đảm nhiệm. Ban ngày địch phá, ban đêm những người thợ cầu lại khôi phục, sửa chữa cho xe ta qua.

Theo số liệu thống kê: Chỉ tính riêng trong 2 năm 1967-1967 địch đã bắn phá vào các trận địa, công trường của B.67 đến 20.000 trận với gần 300.000 quả bom phá, chưa kể hàng chục vạn quả bom bi và đạn pháo từ ngoài biển bắn vào. Báo cáo tổng kết năm 1968 của Ban xây dựng.67 đã từng ghi: “Theo thống kê chưa đầy đủ, từ ngày 01/01 đến ngày 30/10/1968 địch đã đánh vào cầu đường Ban Xây dựng 67 tổng số 11.860 trận, với 194.095 quả bom phá. Bình quân mỗi cây số đường phải chịu 311 quả bom; mỗi chiến sỹ giao thông Ban Xây dựng 67 phải hứng chịu 43 quả bom phá (chưa kể hàng ngàn quả bom bi và đạn pháo của địch”.

Trong hồi ức “Đường xuyên Trường Sơn” Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên là Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh 559 đã viết: “Ở hướng đường 20, các trọng điểm ATP (gọi tắt là Cua Chữ A- ngầm Ta lê – đèo Phu La Nhích) suốt 1 tuần lễ không khác gì sa mạc lửa: cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích hứng chịu gần 5 vạn quả bom – thử hỏi có đường nào, ngầm gì tồn tại được bởi sức công phá của lượng nổ khổng lồ đó”.

Chúng ta mãi không quên hình ảnh 8 chiến sỹ TNXP (4 nam, 4 nữ) thuộc đội 163 Ban Xây dựng 67 vào chiều 14/11/1972 tại km 16 đường 20 Quyết Thắng, trong khi lánh bom địch, chờ đảm bảo giao thông thì bị 1 tảng đá nặng hàng ngàn tấn sập chắn lấp cửa hang. Mặc dù các lực lượng công binh và chiến sỹ Ban Xây dựng 67 đã tìm mọi cách phá cửa hang để cứu chữa, song do tảng đá quá lớn lại trong điều kiện địch đánh ác liệt không ngớt ngày đêm nên 8 chiến sỹ đã phải chịu hy sinh - mãi sau 24 năm, tháng 3/1996 sau 2 tháng ròng rã 1 trung đội công binh với trên 80 kg bộc phá mới phá được cửa hang, tìm lại được 8 bộ hài cốt liệt sỹ và đưa về mai tang tại ngĩa trang Thọ Lộc – Quảng Bình.

8 chiến sỹ TNXP này (có danh sách kèm theo) đều quê ở huyện Hoàng Hóa - Thanh Hóa. Tám chiến sỹ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” vào năm 2000.

Trong bối cảnh chiến tranh ác liệc đó, nhiều chiến sỹ TNXP, công nhân quốc phòng đã lao động, chiến đấu kiên cường anh dũng, lập nên thành tích đặc biệt xuất sắc. Tiêu biểu là các chiến sỹ:

+ Anh hùng lực lượng vũ trang: Liệt sỹ Nguyễn Thị Nhạ thuộc đội TNXP 25, hy sinh năm 1968 tại đèo Pulinhich, đường 20.

+ Anh hùng lực lượng vũ trang: Liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu, hy sinh năm 1968 tại cua Chữ A đường 20.

+ Anh hùng lực lượng vũ trang: Liệt sỹ Vũ Tiến Đề, hy sinh năm 1968 tại cua Chữ A đường 20.

Các anh hùng liệt sỹ lực lượng vũ trang nên trên đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng vào năm 2000.

+ Anh hùng lao động Đinh Thị Thu Hiệp, hiện đang sống tại huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình – người nữ chỉ huy Đại đội thuộc Tổng đội TNXP Nguyễn Văn Bé mà Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tăng cường cho Ban Xây dựng 67. Trong suốt 5 năm (từ 1968-1972), chị đã lãnh đạo đơn vị đảm bảo giao thông thông suốt tại đèo Đá Đẽo – một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch.

+ Đặc biệt, là Hội viên của chúng ta hôm nay, cùng gặp mặt, giao lưu với chúng ta có anh hùng lao động Nguyễn Phong Lưu – người anh cả của Hội. Trong suốt thời gian chiến tranh ác liệt (1968-1972) đã luôn cùng người bạn đồng hành thân thương là chiếc máy ủi C100, bám chắc các trọng điểm của đường 20 – đặc biệt là cua Chữ A. Anh đã cùng đồng đội san lấp hố bom, giành giật từng mét đường với địch; đảm bảo giao thông thông suốt. Anh cùng chị Đinh Thị Thu Hiệp đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thay mặt Đảng và Nhà nước ký lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào ngày 07/6/1972.

Cùng với thành tích đặc biệt xuất sắc, có 2 tập thể đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động” và 1 tập thể đã được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Đó là:

+ Tập thể đội TNXP 25 – nay là Công ty Cổ phần XDCT 525. Trong suốt thời gian chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965-1972) đã luôn có mặt trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, cùng lực lượng công binh của Bộ Tư lệnh 559 thực hiện thành công khẩu hiệu “chọc thủng Trường Sơn đi cứu nước”, mở đường và giữ đường thắng lợi tuyến 20, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” vào ngày 07/06/1972.

+ Tập thể cán bộ công nhân đội cầu 10 (nay là Công ty cổ phần XDCT 510) nguyên là các đơn vị làm cầu ở Khu 4 sáp nhập lại. Cùng với lực lượng làm cầu tăng cường từ ngoài Bắc chuyển vào thành đội cầu 10 thuộc Ban Xây dựng 67, đã luôn có mặt trên các công trình vượt sông của tất cả các tuyết đường Ban Xây dựng 67 phụ trách, với các phương tiện vượt sông như dầm thép, dầm cầu gỗ, dây cáp, ngầm, phà, tận dụng các vật liệu tại chỗ, đã lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” vào ngày 07/06/1972.

+ Tập thể TNXP đại đội 5 (C5) thuộc đội TNXP 25. Với thành tích đặc biệt xuất sắc như đã nêu trên, đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” vào tháng 8/2010.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Địch phá, ta sửa ta đi” và “Địch phá ta cứ đi”, tập thể Ban Xây dựng 67 đã lập được nhiều chiến công, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý: Huân chương độc lập hạng 3, hạng 2 và hạng nhất; Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam tặng lá cờ thêu dòng chữ: “Thanh niên anh dũng tiến lên, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, được Bác Hồ tặng thưởng 1 vật kỷ niệm là chiếc đài rađio, được Bác Tôn tặng nhiều lẵng hoa và nhiều cờ thưởng luân lưu khác của Nhà nước (hiện đang được lưu giữ tại phòng truyền thống Tổng công ty).

Để ghi nhận những đóng góp quan trọng với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 11/06/1999, bằng Quyết định số 203/KT/CTN, Chủ tịch nước đã ký phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho tập thể cán bộ công nhân viên Ban Xây dựng 67 – nay là Tổng Công ty XDCTGT 5.

Ngoài thành tích trong học tập, chiến đấu và lao động sáng tạo, Ban Xây dựng 67 còn là một trường đào đạo những con người gương mẫu sống, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Nhiều đồng chí cán bộ sau này trưởng thành, đã trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu là các anh:

+ Tô Huy Rứa – nguyên là cán bộ đoàn văn công Tiếng hát át tiếng bom B67, sau này là ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng.

+ Lê Ngọc Hoàn – nguyên là đội trưởng đội TNXP 39, Phó ban chỉ huy công trường 10, trưởng phòng Kỹ thuật Ban xây dựng 67, trung đoàn trưởng Trung đoàn 67 (đơn vị 9457 Bộ tư lệnh 559) sau này là Bộ trưởng Bộ GTVT.

+ Đỗ Văn Bát – nguyên Trưởng ban Xây dựng 67 năm 1973, sau này là Phó chủ nhiệm ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước, Thứ trưởng Bộ xây dựng

+ Lưu Minh Hiệu – nguyên  là Trưởng phòng K ỹ thuật công trường 10 Ban Xây dựng 67, sau này là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

+ Phạm Duy Anh – nguyên là trưởng phòng Tài vụ Đội cầu 10 B67, sau này Thứ trưởng Bộ GTVT

+ Nguyễn Hải Thoại – nguyên là Trưởng phòng Kỹ thuật Ban xây dựng 67, sau này là Tổng giám đốc – anh hùng lao động thời đổi mới – Tổng công ty Thăng Long.

+ Bùi Đức Nhuận – nguyên là Đội phó kỹ thuật Đội cầu 10 Ban xây dựng 67, sau này là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng hải Việt Nam.

+ Các anh Đỗ Bá Hội, Phạm Tuân nguyên là cán bộ Kỹ thuật- Kế hoạch Ban xây dựng 67 sau này là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty XDCTGT 5 (thời kỳ 1992-2004).

Vì tuổi cao nên các anh hiện nay đều đã nghỉ hưu.

Trong suốt 8 năm ròng rã sống, chiến đấu và lao động trên dãy Trường Sơn, các cán bộ, chiến sỹ Ban Xây dựng 67 đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ. Rất nhiều chiến sỹ đã vĩnh viễn ra đi hoặc bỏ lại một phần xương thịt trên đại ngàn Trường Sơn. Đảng – Nhà nước – nhân dân – và đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ, công nhân lao động Ban Xây dựng 67 năm xưa – Tổng Công ty XDCTGT 5 hôm nay mãi mãi ghi ơn công tích của 1.185 liệt sỹ của Ban Xây dựng 67. Hài cốt của các anh chị sau ngày đất nước thống nhất đã được quy tập lại tại 3 nghĩa trang ven đường Trường Sơn. Đó là:

+ Nghĩa trang đường 10 thuộc huyện Vạn Ninh – Quảng Bình gồm 300 liệt sỹ.

+ Nghĩa trang Thọ Lộc thuộc huyện Quảng Trạch – Quảng Bình gồm 561 liệt sỹ.

+ Nghĩa trang Tân Ấp thuộc huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình gồm 324 liệt sỹ.

(không kể có 30 mộ liệt sỹ vô danh)

Ngoài 1.185 liệt sỹ và 30 liệt sỹ vô danh, Ban Xây dựng 67 còn có trên 3.200 là thương binh và hàng ngàn anh chị em là bệnh binh và chứng tích chiến tranh mà không thống kê hết được.

Cũng trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta hãy tĩnh lặng tri ân, tưởng nhớ đến các bác nguyên là các thủ trưởng, các lãnh đạo Ban Xây dựng 67 và Tổng Công ty XDCT GT 5 qua các thời kỳ, do tuổi cao sức yếu nên đã lần lượt ra đi. Đó là:

 - Bác Phan Trầm – người thủ trưởng đầu tiên của Ban Xây dựng 67 – giai đoạn 1967 – 1972.

 - Bác Lê Như Cảnh – Trưởng Ban Xây dựng 67 giai đoạn từ cuối năm 1973 – 1975.

 - Bác Hoàng Đạc –Bí thư Đảng ủy Ban Xây dựng 67 suốt từ 1967 – 1982.

 - Các bác Lam Chi, Nguyễn Văn Xây, Đặng Thanh Cao, Hoàng Ngọc Phiên – Phó Ban Xây dựng 67 suốt các thời kỳ.

 -Bác Lê Luyện – Tổng Giám đốc xí nghiệp Liên hợp Công trình III (1972-1982); Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp XDGT khu vực V (11/1982-1988).

 - Bác Nguyễn Xo – Tổng Giám đốc Liên hiệp các XN XDGT khu vực V (1988-1991) và sau này là Tổng Giám đốc Khu Quản lý Đường bộ V.

-Bác Lê Hữu Tuyến – Nguyên là Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Công trình III. (các đơn vị được mang tên: Xi nghiệp Liên hợp công trình 3; Liên hiệp các xí nghiệp XDGT khu vực V và nay là Tổng công ty XDCTGT 5 là các đơn vị kế tiếp truyền thống Ban Xây dựng 67 kể từ sau ngày 22/01/1975).

- Ngoài ra có nhiều các bác, các anh nguyên là ủy viên thường vụ, ủy viên BCH Đảng bộ, BCH Công đoàn, BCH Đoàn Thanh niên Ban Xây dựng 67 – Tổng Công ty XDCTGT 5 qua các thời kỳ cũng do tuổi cao và sức khỏe yếu mà đã lần lượt ra đi.

 

II- PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG TRONG THỜI KỲ MỚI

Sau khi cùng các đơn vị Công binh Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ mở đường Trường Sơn phục vụ chiến đấu, các đơn vị thuộc Ban Xây dựng 67 lại được trở về với Bộ GTVT và về các địa phương để tiếp tục sự nghiệp GTVT, Bộ GTVT đã ra các quyết định chuyển giao nhiệm vụ nối tiếp của Ban XD 67 như sau:

- Quyết định số 164-QĐ/TCCB ngày 22/01/1975 thành lập XNLH CT III trên cơ sở chuyển giao toàn bộ lực lượng Ban Xây dựng 67 sang làm công tác xây dựng cơ bản tại khu vực miền Trung.

- Quyết định số 1716-QĐ/TCCB ngày 03/11/1982 sáp nhập XNLH CT III với Khu Quản lý đường bộ khu V thành Liên Hiệp các XN XDGT khu vực V (gọi tắt là Liên hiệp V). Nhiệm vụ: xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ khu vực miền Trung và Tây nguyên.

- Quyết định số 018-QĐ/TCCB-LĐ ngày 03/01/1992 thành lập Tổng Công ty XDCT GT 5 bằng cách tách 3 công ty xây dựng cầu thuộc Liên hiệp V (bao gồm Công ty 508, Công ty 510 và Công ty 525) ra khỏi Liên hiệp các XN XDGT5 để thành Tổng Công ty XDCT 5.

- Quyết định 4893-QĐ/TCB-LĐ ngày 27/11/1995 thành lập lại Tổng công ty theo quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Tổng công ty XDCTGT5 là đơn vị đủ mạnh, có Hội đồng quản trị, có Ban kiểm soát và các đơn vị xây dựng cơ bản thành viên. Lúc này, ngoài lực lượng chính là 3 công ty cầu, có thêm 2 đơn vị mới được thành lập là công ty 507 và công ty 512, Tổng công ty 5 tiếp nhận thêm các đơn vị XDCB đường từ Khu quản lý đường bộ 5 sang, gồm các công ty 503, 504, 505, 506 và thành lập thêm Công ty Tư vấn thiết kế 533.

-Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 Thủ tướng chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty XDCT GT5. Theo đó, tên đầy đủ của Tổng Công ty từ đó đến nay là: Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5- CTCP.

Từ ngày có Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến 31/12/2015 vốn của Nhà nước tại Tổng Công ty XDCTGT5-CTCPchiếm 63,18%. Từ 01/01/2016 đến nay vốn Nhà nước tại Tổng Công ty XDCTGT 5-CTCP chỉ còn 40%. Theo đó Tổng công ty phải tự chủ vốn, không bị Nhà nước chi phối, và hiện nay Tổng Công ty XDCTGT 5-CTCP là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty quản lý vốn Nhà nước chứ không còn trực thuộc Bộ GTVT như trước đây nữa.

Kể từ ngày 15/08/1995 - ngày mà Bộ GTVT có quyết định số 9320QĐ/TCCB-LĐ giao cho Tổng CT XDCTGT5 là đơn vị thừa kế, tiếp nối truyền thống anh hùng Ban Xây dựng 67 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Tổng công ty XDCTGT5 (gọi tắt là Tổng Công ty) đã liên tục phấn đấu vươn lên, xây dựng Tổng công ty ngày càng lớn mạnh.

Từ buổi đầu mới thành lập gồm 3 công ty (năm 1992), với sản lượng chưa tới 100 tỷ đồng/năm, đến năm 2016 toàn Tổng công ty đã có 34 thành viên với tổng sản lượng lên đến trên 6.000 tỷ đồng. Từ chỗ Tổng công ty chỉ xây dựng được những tuyến đường cấp 3 đồng bằng, vượt sông bằng những chiếc cầu với dầm thép, dầm bê tông cốt thép giản đơn, Tổng công ty đã vươn lên làm những đường cấp cao, đường cao tốc, với những chiếc cầu vượt nhịp lớn bằng đúc hẫng cân bằng đối xứng như cầu Xuân Sơn trên đường Hồ Chí Minh (2001); cầu Bình Triệu II (2002); cầu Bình Đại tại Tp Hội An (2014-2015) với nhịp đúc hẫng bê tông cốt thép dài mỗi nhịp 150m, rộng 21,5m, đạt kỷ lục dài và rộng nhất Việt Nam.

Cũng từ ngày đón nhận quyết định của Bộ GTVT giao Tổng công ty 5 thừa kế Ban Xây dựng 67, Tổng công ty đã nhiều lần đầu tư tân tạo 3 nghĩa trang Ban Xây dựng 67 với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Hàng năm, Tổng công ty đều cử các đoàn đi thắp nhang viếng các hương hồn liệt sỹ vào các ngày 23/4;27/7 và dịp đón tết nguyên đán. Năm 2013, Tổng công ty còn lập được 1 phòng thờ ở văn phòng làm việc Tổng công ty để bảo tồn các di vật truyền thống và nhang khói thường xuyên cho hương hồn các liệt sỹ.

Thực hiện “uống nước nhớ nguồn” những năm qua Tổng Công ty đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng hỗ trợ các gia đình là chiến sỹ TNXP thuộc Ban Xây dựng 67 gặp nhiều khó khăn và đầu tư nhiều tỷ đồng giúp đồng bào bị thiên tai bão lụt.

Nhiều công ty thành viên trong Tổng công ty như Công ty 510, Công ty 525, công ty 515, công ty 577, Công ty 545, công ty 512, công ty 501, công ty 565 v.v…hàng năm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, 3 – nhiều cờ thưởng luân lưu, bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ GTVT và Chủ tịch UBND các tỉnh khắp toàn quốc.

Tập thể Tổng Công ty đã được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhì (năm 2000); Huân chương độc lập hạng nhất (2008).

Nhiều cá nhân đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý. Nổi bật nhất, trong hội nghị điển hình tiên tiến của Tổng Công ty ngày 22/08/2010, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cho đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Thân Đức Nam. Đó là niêm vinh dự, tự hào của đ/c Thân Đức Nam (nói riêng) và của Tổng công ty (nói chung). Kế sau đó đồng chí Nam đã được tín nhiệm đề bạt nhận nhiệm vụ mới: Phó Chánh văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Thể theo nguyện vọng của tuyệt đại anh chị em là cán bộ hưu trí, cán bộ nghỉ theo chế độ và cán bộ đã từng công tác ở Ban Xây dựng 67-Cienco5 qua các thời kỳ. Ngày 23/04/2011, sau khi xin ý kiến của lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tổng công ty, được Tổng Công ty đồng thuận và nhất trí cao. Ban Liên lạc Ban Xây dựng 67 - Tổng Công ty XDCTGT5 phía Nam (B.67-Cienco5 phía Nam) được thành lập: cuộc họp đông đảo hội viên lần thứ nhất (23/4//2011) đã nhất trí bầu ra một Ban liên lạc gồm 9 đồng chí (trong đó có 1 trưởng ban, 1 phó ban, 1 thư ký, 1 ủy viên thường trực và có 1 kế toán kiêm thủ quỹ được giám đốc công ty ĐTXD 577 ra quyết định biệt phái kiêm nhiệm giúp đỡ ban liên lạc).

Từ buổi đầu mới thành lập Hội B.67-Cienco5 khu vực phía Nam mới có 56 hội viên, đến nay đã có đến 88 hội viên. Đáng chú ý là năm 2013 có 11đ/c thuộc đội TNXP 237 nguyên trước đây thuộc Tổng đội TNXP No34 Thanh Hóa điều chuyển 7 đại đội về B67, chốt giữ trên tuyến đường 16. Trước đây đội TNXP 237 đã lập được bia kỷ niệm khắc tên 76 liệt sỹ của N237 tại ngã ba Dân chủ thuộc huyện Hương Hóa, Quảng Trị và đã bàn giao cho địa phương.

Hiện này Hội Ban xây dựng 67-Cienco5 khu vực phía Nam có 6 chi hội trực thuộc. Mỗi chi hội đều có 1 đồng chí là ủy viên Ban liên lạc kiêm chi hội trưởng.

Cũng trong phiên họp mặt đầu tiên, chúng ta đã dự thảo và thống nhất quy chế hoạt động của Ban Liên lạc, bao gồm chế độ chi tiêu tài chính, thăm hỏi, hiếu hỷ, mừng thọ các hội viên có tuổi 70, 75, 80, 85, 90 v.v… và hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 hay địp Tết nguyên đán Hội đều có quà thăm hỏi các gia đình và cá nhân là thương binh, liệt sỹ, chất độc da cam và chúc thọ các cụ là “Tứ thân phụ mẫu” của các hội viên có tuổi từ 90 trở lên.

Những năm qua chúng ta đã trao tặng khánh mừng thọ cho 36 cụ có tuổi tròn 70 và 1 cụ có tuổi tròn 80 với kinh phí là 16.300.000đ; mừng 5 cụ là tứ thân phụ mẫu có tuổi trên 90 là 1.000.000đ. mừng thọ 9 cụ tuổi 75 với số tiền 2.700.000 đồng; thực hiện thăm hỏi (gồm ốm, nằm viện, viếng tang lễ) và hiếu hỷ 83 lần với tổng số tiền là 49.700.000đ. Tổng cộng là 74.200.000đồng.

Số kinh phí trên tuy không lớn nhưng đã thể hiện sự quan tâm đồng bộ của Ban Liên lạc đối với các hội viên. Ngoài ra, hàng năm Ban Liên lạc còn cử đại diện đi thăm viếng các nghĩa trang Trường Sơn của Ban xây dựng 67 và các hoạt động về nguồn của Tổng công ty và các đơn vị khác nữa.

Về hoạt động của Ban liên lạc Ban xây dựng 67 toàn quốc:

Qua khảo sát mới đây và thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước hiện nay còn khoảng 40 ngàn chiến sỹ TNXP B67 đang còn sống và sinh hoạt ở các địa phương, tiêu biểu là:

-         TP Hải Phòng có 7.000 người.

-         Thái Bình: 5.000 người.

-         Thanh Hóa: 6.000 người.

-         Nghệ An: 4.700 người.

-         Hà Nam: 3.000 người.

-         Quảng Bình: 10.000 người.

-         Và 1 số địa phương khác chưa khảo sát được.

Ngoài ra còn nhiều người sau ngày giải phóng miền Nam vào miền Nam công tác hoặc theo gia đình vào cư trú ở các tỉnh – thành phố từ Quảng Trị trở vào. Các chiến sỹ TNXP của B67, sau này dù đứng trên cương vị nào, ở đâu đều phát huy vai trò của người chiến sỹ TNXP chống Mỹ cứu nước. Hoạt động của TNXP Ban 67 toàn quốc sau này sẽ có Ban Liên lạc B.67-Cienco5 toàn quốc chỉ đạo và báo cáo cụ thể. Từ ngày 09/4/2016 đến nay Ban Liên lạc Ban67-Cienco5 toàn quốc đã được thành lập do đống chí Nguyễn Bá Thơm làm Trưởng ban và đã bắt đầu bước vào hoạt động có hiệu quả….

Nhìn lại 50 năm từ ngày thành lập Ban Xây dựng 67, và 25 năm thành lập Tổng công ty XDCT GT5, chúng ta c&oacut

tin tức liên quan