Tiểu sử và tóm tắt thành tích Anh hùng LLVTND Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng 559

Ngày đăng: 09:40 10/05/2017 Lượt xem: 3.784
Ngày 19/5/2017, Binh đoàn 12 sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cố Thiếu tướng Võ Bẩm, Đoàn trưởng 559 và cố Đại tá Lê Xy, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn...

 

TIỂU SỬ VÀ THÀNH TÍCH TÓM TẮT

CỦA THIẾU TƯỚNG VÕ BẨM

ANH HÙNG LLVTND, NGUYÊN ĐOÀN TRƯỞNG ĐOÀN 559

               

 

Lời Ban biên tập:  Vừa qua, Chủ tịch Nước đã Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Cố Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 559, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 và Cố Đại tá Lê Xy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ngày 19/5/2017, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 đồng chí nguyên lãnh đạo Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tiểu sử và thành tích tóm tắt của 2 đồng chí với các hội viên và bạn đọc cả nước.

Thiếu tướng Võ Bẩm (1915-2008), quê tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí tham gia cách mạng từ rất sớm trong đội Thiếu niên xã làm nhiệm vụ rải truyền đơn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 8 năm 1934 và hoạt động tại địa phương.

      Năm 1935, đồng chí được bầu làm Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đầu năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án đưa đi ''an trí'' lần lượt tại nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột rồi cuối cùng đưa về Ba Tơ. Phong trào đấu tranh của những người tù cách mạng phát triển hết sức mạnh mẽ, có ảnh hưởng đến nhân dân các vùng xung quanh và cả dưới xuôi. Trước tình hình đó, thực dân Pháp đưa đồng chí về quản thúc tại xã nhà. Trở về quê, đồng chí không ngừng gây dựng cơ sở tại địa phương, đến tháng 3/1945 tham gia tổ chức Việt Minh là Thư ký Việt Minh xã, Thư ký Việt Minh Tổng rồi Ủy viên huyện Kim Tài tỉnh Quảng Ngãi.     

        Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, núp bóng quân Đồng minh, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 10 năm 1945, đồng chí nhập ngũ, là Chính trị viên khu Nam tỉnh Bình Định, Đảng ủy viên Tiểu đoàn Cao Thắng. Năm 1946, đồng chí là Chính trị viên Trung đoàn 79, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn (Trung đoàn ủy), Quân khu Ủy viên.        

       Năm 1948, đồng chí là Phân khu trưởng kiêm Chính ủy Phân khu phụ trách Ủy ban hành chính kháng chiến Phân khu Tây Nguyên, Bí thư Phân khu ủy, Bí thư Ban cán sự tỉnh Kom Tum. Năm 1949, đồng chí được cử đi học văn hóa rồi sau đó là Trưởng đoàn nhận viện trợ của Khu 5 vượt biển sang Trung quốc (năm 1950) tham gia Ban cán sự nước ngoài của Trung ương trên cương vị Ủy viên. Từ năm 1951 đến năm 1952, đồng chí học tại Trường Mác Lê-nin ở Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc. Về nước, cuối năm 1953, đồng chí là Trưởng ban Tác huấn Bộ Tư lệnh Liên khu 5.

      Tháng 4/1954, đồng chí là Chính ủy Trung đoàn 803 trực thuộc Khu 5, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí tập kết ra Bắc. Tháng 4/1957, đồng chí là Cục phó Cục quản lý Giáo dục Bộ Tổng tham mưu. Năm 1958, đồng chí được cử làm Cục phó Cục Nông trường Quân đội. 

       Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí, khi đó mang quân hàm Thượng tá, thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” – Đoàn 559 để nhanh chóng đưa cán bộ, bộ đội và các thứ cần thiết như vũ khí, đạn dược, thuốc men vào miền Nam theo kế hoạch của Bộ Chính trị. Nhiệm vụ của đoàn là chuyển người và đưa hàng đến bờ bắc sông Bến Hải.

      Lúc đầu, biên chế của Đoàn chỉ có Ban Chỉ huy Đoàn Vận tải 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí... tất cả gồm 500 người, đồng chí là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự. Đầu tháng 6/1959, đồng chí trực tiếp vào Hồ Xá – Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp bàn cụ thể việc mở đường vào Nam với đại diện Khu 5 và Trị - Thiên. Cuộc họp quyết định đề đạt lên Bộ Chính trị cho Đoàn chuyển hàng vào sâu hơn nữa - qua sông Bến Hải. Ý kiến này sau đó đã được chấp thuận. Đoàn công tác tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do đồng chí trực tiếp chỉ huy. Sau khi khảo sát xong, việc vận chuyển vũ khí được tiến hành gấp rút. 20 tấn vũ khí là chiến lợi phẩm trong kháng chiến chống Pháp được bao gói cẩn thận, bí mật chuyển tới khu tập kết của Đoàn tại khu rừng già gần Khe Hó. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm cán bộ, chiến sĩ băng rừng lội suối, đã đưa chuyến hàng đầu tiên vào đến Tà Riệp - bắc A Lưới an toàn, và được bàn giao cho Khu 5.

     Ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Tổng Quân ủy, với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại; vận chuyển và đảm bảo hậu cần cho Đoàn chuyên gia 959 giúp bạn ở mặt trận Hạ Lào. Đồng chí Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn.         

      Đến cuối năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Đoàn, Đoàn trưởng Võ Bẩm, đã chỉ huy bộ đội Đoàn 559 mang vác chuyển cho Khu 5 và Trị - Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, hàng ngàn quân cụ thiết yếu; đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường.

       Từ khi được chi viện, quân dân Khu 5 đã đánh thắng nhiều trận giòn giã. Kẻ thù liên tiếp mở những trận đánh phá con đường vận chuyển mới hình thành. Chúng mở hai đợt chiến dịch “Hoành Sơn” nhằm chia cắt, xóa sổ tuyến giao liên chiến lược. Trước tình thế nghiêm trọng này, không thể vận chuyển trên tuyến đường cũ, Chỉ huy Đoàn 559 quyết định mở tuyến đường mới. Nhiều đoàn được cử đi khảo sát soi đường ở tuyến đông Trường Sơn nhưng không có kết quả. Với cương vị là Đoàn trưởng, Võ Bẩm đã cùng cán bộ, chiến sỹ trong đoàn nghiên cứu giải quyết tình thế khó khăn này.

      Tháng 8/1960, Đoàn trưởng Võ Bẩm vào làng Mít trực tiếp chỉ đạo tổ chức lực lượng khảo sát đường mới dọc tuyến biên giới Việt – Lào, vừa tìm đường mới vừa gây dựng cơ sở, vừa cố gắng khôi phục lại đường cũ và áp dụng những hình thức chiến thuật vận chuyển mới. Ngay sau khi Đường Trường Sơn đi vào hoạt động ổn định, đồng chí cùng đoàn mở một tuyến đường chi viện trên biển cho miền Nam. Kế hoạch này nhanh chóng được Bộ Chính trị thông qua và giao cho đồng chí tuyển chọn những cán bộ chiến sĩ Khu 5 tập kết thành lập đơn vị, ngụy trang là "đoàn đánh cá". Đến đầu nǎm 1960, "tập đoàn đánh cá" này bắt đầu đánh cá để thǎm dò ở vùng biển cửa sông Gianh. Đây là tiền thân của những đoàn tàu không số, của Đường Hồ Chí Minh trên biển. 

      Đến tháng 3/1961, tổ khảo sát mới bắt được liên lạc với đại diện Liên khu ủy Khu 5 ở vùng Chun trên dãy Trường Sơn để cùng phối hợp làm nhiệm vụ. Đến đầu tháng 5/1961, một tuyến đường giao liên hành quân mới được hình thành ở phía Tây Trường Sơn bên lãnh thổ Lào là vùng đất mà lâu nay ta giúp Lào xây dựng cơ sở, bắt đầu từ Vít Thù Lù (cao điểm 592), chạy ngang qua động Vàng Vàng, vượt biên giới sang bản Tà Ha (cao điểm 1034) thuộc đất bạn, vượt sông Sê Pôn (tại khu vực bản Keng) qua Sa Đi, Mường Noòng vào tới La Hạp. Nhờ có tuyến đường mới này, việc chi viện miền Nam có điều kiện để mở rộng quy mô, đồng thời phòng tránh được sự phá hoại của địch, pháo lớn bắt đầu được đưa vào chiến trường.   

       Ngoài tuyến đường tây Trường Sơn đặc biệt quan trọng này, từ thế độc tuyến, Đoàn 559, dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm còn mở thêm một số tuyến đường mới như một số đoạn của tuyến giao liên tây Trường Sơn phát triển thành đường 16 - một tuyến trục ngang; đường 129 dài gần 200km, từ Lằng Khằng (đường số 12) băng qua nhiều cánh rừng, sông suối như sông Sê Băng Hiêng, Sê Băng Phai... vào đến Pác Pha Năng, nối thông với đường 9 ở Mường Phìn, Lào.

       Những năm sau này, nhiều tuyến đường khác còn được mở hoặc sửa chữa, nâng cấp. Từ đơn thuần là đường gùi, thồ nội địa và dọc biên giới, Đoàn đã được trang bị 6 xe Gát 69, 2 xe Gát 51, 16 xe Gát 63 và hơn 600 xe đạp thồ... Lực lượng vận chuyển không chỉ phòng tránh địch đánh phá, mà còn được trang bị vũ khí để “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Đồng thời, từ chỗ phải “giấu dân”, Đoàn đã tiến tới tranh thủ và gây dựng cơ sở trong nhân dân. Đặc biệt, ta còn dùng cả máy bay vận chuyển vũ khí đến sân bay Tà Khống (cách Sê Pôn khoảng 5km), hoặc thả dù gạo xuống đường 129 mới mở.    

        Trước sự phát triển nhanh chóng của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt: hàng trăm lượt máy bay B52, hàng ngàn lượt máy bay phản lực ném bom, rải chất độc hóa học đã được huy động. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tăng cường tổ chức và nhiệm vụ của Đoàn 559 tương đương cấp Quân khu. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được điều vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559; đồng chí Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh. Bộ Chính trị quyết định mở đường 20 Quyết Thắng, xuất phát từ Phong Nha (Quảng Bình) vượt qua dốc U Bò, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phù La Nhích sang đến Lùm Bùm (tây Trường Sơn, thuộc địa phận nước bạn Lào). Phó Tư lệnh Võ Bẩm đã trực tiếp trình bày phương án chọn tuyến cũng như giải pháp thi công với đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Bí thư Thứ nhất nhất trí cao. 

       Sau sự kiện mở đường 20 Quyết Thắng, năm 1966,  đồng chí Võ Bẩm được lệnh rút ra Hà Nội để chữa bệnh vì những năm tháng lăn lộn trên đường Trường Sơn đã khiến sức khỏe đồng chí suy giảm. Sau khi chữa bệnh, đồng chí được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Chính ủy Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung - Hạ Lào, sau đó làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục (11/1967), Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tổng tham mưu, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu (1969), Trưởng ban căn cứ Bộ quốc phòng. Tháng 8/1971, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra quân đội, sau đó được Nhà nước cho nghỉ hưu.

       Với những thành tích của đồng chí trong quá trình công tác, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Thượng tá (năm 1958), Đại tá (năm 1967), Thiếu tướng (năm 1974) và được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; hai Huân chương Quân công hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

      Tháng 4 năm 2017, đồng chí được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

 

 

 


tin tức liên quan