Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Biểu tượng đặc biệt sinh động của tình hữu nghị 3 nước Đông Dương
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
BIỂU TƯỢNG ĐẶC BIỆT SINH ĐỘNG CỦA TÌNH HỮU NGHỊ
BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG VIỆT NAM - LÀO - CAMPUCHIA
Đại tá Nguyễn Bá Thuyết
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Phú Yên
Trong Sổ Vàng của Bộ đội Trường Sơn năm 1973, đồng chí Lê Duẩn Bí thư Thứ nhất Ban CHTW Đảng đã ghi: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường đoàn kết của ba nước Đông Dương..”. Đường Trường Sơn thực sự đã xây dựng nên những hình ảnh sinh động có giá trị nhân văn cao cả về tình đoàn kết quốc tế, ghi đậm nét những hình tượng đặc biệt về tình hữu nghị biệt giữa ba dân tộc Việt Nam – Lào -Campuchia.
Sự hình thành và phát triển của con đường Hồ Chí Minh
Để chi viện cho cách mạng miền Nam, năm 1959 Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định mở con đường Trường Sơn (Đường Hồ Chí Minh); để tạo ra mạng lưới giao thông chiến lược chạy từ miền Bắc Việt Nam chi viện cho cách mạng miền Nam, xuyên Trường Sơn vào miền Nam, qua Lào và Campuchia. Xuất phát từ, đề nghị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tháng 9/1959 Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 959 chuyên gia giúp bạn Lào. Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Trong 16 năm (1959-1975) đường Trường Sơn là con đường chi viện chủ yếu nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tìm mọi cách, tập trung mọi lực lượng, mọi cố gắng với đủ các loại phương tiện chiến tranh hiện đại liên tục đánh phá, hòng hủy diệt con đường. Tuy nhiên, lãnh đạo cách mạng của ba nước chủ trương động viên sự nổ lực cố gắng của quân và dân (Việt-Lào-Campuchia) mở thêm nhiều đường, con đường không những không bị ngăn chặn mà nở hoa, lan tỏa khắp mọi nẻo chiến trường Đông Dương. Từ tháng 4/1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều đợt hoạt động quân sự giải phóng Căm Cớt, Lắc Xao đến Mường Phìn, Sê Pôn, Bản Đông, nối đường 12 với đường 9, tạo thành hành lang rộng lớn theo chiều Đông - Tây. Toàn bộ 6 mường của Lào ở Bắc và Nam đường số 9 được giải phóng. Đến 1963, quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa Thết Lào mở Chiến dịch 128 giải phóng cao nguyên Trung Lào có biên giới chung với Việt Nam dài trên 700km. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thường xuyên phối hợp với quân khu Trung - Hạ Lào, các tỉnh Đông – Bắc Campuchia hợp đồng tác chiến bảo vệ căn cứ và mở rộng bảo vệ tuyến đường, đánh địch, không ngừng mở rộng và phát triển tuyến đường góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Việt – Lào - Campuchia.
Những biểu hiện đặc biệt sinh động về tính đoàn kết các dân tộc Việt Nam – Lào – Campuchia trên đường Hồ Chí Minh
Để có con đường dài hơn 20.000 km, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào - Campuchia đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu, của cải và hàng vạn người đã ngã xuống để xây dựng, bảo vệ và vận chuyển nhân lực, vật lực phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của ba dân tộc.
Đường Hồ Chí Minh đi qua 17 huyện của Lào và 7 tỉnh Campuchia với chiều dài hàng ngàn km. Suốt 16 năm tồn tại, đế quốc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích, trút xuống 4 triệu tấn bom, hàng vạn tấn chất độc hóa học trên các khu vực biên giới. Kẻ thù đã nhiều lần dùng sức mạnh quân sự đánh vào các trọng điểm, các vị trí nghi là lực lượng chủ chốt của ta hòng hủy diệt tuyến đường. Quy mô lớn nhất là chiến dịch Lam Sơn 719, chúng đưa 20.000 quân Ngụy, 9.000 quân Mỹ, 2.000 máy bay, không tiếc đạn bom đánh dọc Đường 9 - Nam Lào, nhưng mọi chiến đều bị ta đánh bại. Riêng năm 1969, máy bay Mỹ đã đánh phá hàng nghìn trận vào 180 bản của Lào trên 100 làng của Camphu chia, thiêu hủy hàng ngàn nóc nhà, giết hại và làm bị thương hàng vạn người, phá gần như hoàn toàn nương rẫy. Chị Bùi Thị Thúy Mão, một cựu nữ chiến sĩ công binh Trường Sơn, 70 tuổi, hiện sống ở 36 Trần Hào, thành phố Tuy Hòa nhớ lại: “Có nhiều ngày (đêm) bộ đội bám đường không ngủ. Những lúc quá mệt thiếp đi tỉnh dậy thấy cánh rừng mênh mông đã cháy rụi, trơ trụi vì bom đạn Mỹ”. Bất chấp sự hủy diệt tàn bạo và những âm mưu thâm độc của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cách mạng, nhân dân các bộ tộc Lào và Campuchia đã hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam trong việc mở đường, bảo vệ tuyến đường và vận chuyển hàng hóa. Bộ đội và du kích Lào phối hợp chặt chẽ với bộ đội Việt Nam đánh trả máy bay địch, ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm, tập kích của chúng. Nhân dân Lào và Campuchia đóng góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển lương thực, cứu thương bệnh binh, góp phần to lớn tồn tại của tuyến đường chi viện chiến lược.
Không thể kể hết những tình cảm quý báu của nhân dân Lào và Campuchia dành cho các chiến sĩ, cán bộ Việt Nam. Lịch sử Bộ đội Trường Sơn có đoạn viết: “Có thời điểm đường bị tắc, hàng ngàn người ứ lại ở các trạm giao liên. Việc đảm bảo lương thực, thực phẩm trở nên “nước sôi, lửa bỏng”. Chỉ huy đoàn 559 cùng đoàn chuyên gia 763 ở Hạ Lào trực tiếp đề xuất với Tỉnh ủy Távên Oọc của Lào vận động nhân dân địa phương giúp đỡ… Chỉ trong vòng nửa tháng, đã huy động được hơn 30 tấn lương thực, góp phần quan trọng giải quyết khó khăn cho đoàn 559”.
Trên tuyến đường Trường Sơn, việc vận chuyển còn phải dựa vào voi, trâu, bò... Bà con dân tộc Lào và Campuchia rất quý voi, coi voi là thần, là tượng trưng cho sự giàu có, danh giá, tự hào… Thế nhưng khi cách mạng cần, nhân dân các dân tộc Việt - Lào - Campuchia đều sẵn sàng hiến voi, đưa voi ra trận tuyến. Nhiều chú voi được tặng Huân chương chiến công, có chú được tặng danh hiệu anh hùng. Càng ác liệt, gian khó càng thể hiện tấm lòng chân thật, trong sáng, thủy chung, không nề vất vả, hy sinh, tuyệt đối tin tưởng vào nhau. Bà con dân tộc Lào đã nói với bộ đội Việt Nam: “Tao đói còn đi đào được củ rừng để ăn. Tụi mày làm cách mạng còn phải đi làm mãi. Củ sắn, lúa chúng tao dành cho chúng mày…”*. Nhân dân dẫu không có muối phải ăn tro từ rễ tranh đốt ra. Đến khi ta đưa muối sang, liền nhắc công ơn cụ Hồ. Có người chưa hề thấy ảnh Bác, họ hỏi: Cụ Hồ có phải như ông Voi, như ông Trời không? Những lúc giáp hạt, bị cái đói hành hạ, bà con dắt nhau đi tìm rau rừng, xuống khe bắt ốc sống cầm hơi, không hề nghĩ đến việc lấy một lưng gạo, hạt muối ở các kho lương thực, thực phẩm của các binh trạm đặt giữa rừng. Nhiều hình ảnh giúp đỡ bộ đội, nuôi dưỡng thương binh, chăm lo chôn cất liệt sĩ của đồng bào trên tuyến đường vô cùng xúc động. Tiêu biểu như hình ảnh của người mẹ Lào Kanchia đã vắt sữa của mình cứu sống thương binh người Việt Nam.
Đáp lại lòng quý mến và đùm bọc của nhân dân các đơn vị bộ đội Việt Nam đã tích cực cùng với bộ đội PaThết Lào, quân giải phóng Campuchia chiến đấu bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân, giúp đồng bào tăng gia sản xuất, cứu đói cho dân khi gặp thiên tai, địch họa. Bộ đội đường Hồ Chí Minh giúp nhân dân Lào mở các tuyến đường liên bản, liên xã, liên huyện bảo đảm liên thông, phát triển kinh tế - xã hội vùng giải phóng. Chính vì vậy, tuy phải chịu đựng hy sinh, gian khổ, nhưng nhân dân các bộ tộc Làovà Camphuchia dọc tuyến đường vẫn hết lòng yêu thương, ủng hộ quân đội cách mạng ba nước.
Trong 16 năm (1959-1975), tuyến giao thông vận tải quân sự Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển được 1.349.000 tấn hàng hóa, vũ khí; trong đó chuyển giao cho cách mạng Lào và cách mạng Campuchia hơn 583.000 tấn hàng. Riêng 4 tháng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, tuyến vận tải 559 qua đường Hồ Chí Minh đã chuyển vào miền Nam Việt Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, đưa sang Lào (1973-1975) trên 108.000 tấn hàng, sang Campuchia trên 90.000 tấn hàng*.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu, mối quan hệ thủy chung son sắt của ba dân tộc an hem Việt Nam - Lào – Campuchia trong trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quân và dân Phú Yên với Đường Hồ Chí Minh
Trong những năm chống Mỹ, hàng vạn người con của Phú Yên đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến Đường Hồ Chí Minh. Họ có mặt cả những ngày đầu mở đường, trong những năm bom đạn địch đánh phá ác liệt, anh dũng chiến đấu, hi sinh xương máu của mình trên tuyến đường Trường Sơn. Có những người trở về trên mình mang đầy thương tích, hậu quả của chất độc da cam, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn luôn sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, tập hợp nhau, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, phát huy truyền thống “Bộ đội Trường Sơn” anh hùng. Ông Nguyễn Phú Cần, sinh năm 1930, hiện sống ở xóm Chợ Xéo, xã Bình Ngọc, một trong những người có mặt từ ngày đầu mở đường Hồ Chí Minh, lăn lộn trên tuyến đường suốt hơn 10 năm, nằm trên trên giường bệnh ông vẫn nói với đồng đội: “Dù trong hoàn cảnh nào thì các đồng chí cũng phải cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, để làm gương giáo dục cho con cháu mai sau…”./.
------------------------------------------------------------------
* Tài liệu tham khảo: Lịch sử và dấu ấn Trường Sơn, Nhà xuất bản thanh niên 2018; Những câu chuyện về tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào, Nhà xuất xuất bản thông tin truyền thông 2017; 60 năm Bộ đội Trường Sơn anh hùng, Nhà xuất bản thanh niên 2019.