Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh – Con đường huyền thoại. Giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH -
CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Nhân dịp kỉ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, xin viết và giới thiệu một số nét về con đường đã đi vào lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Tôi là thầy giáo cấp 2, tháng 8/1970 lên đường nhập ngũ. Ba tháng huấn luyện đêm đêm đeo ba lô chống gậy rèn luyện leo núi để vượt Trường Sơn. Khẩu hiệu được hô vang :
Rèn chân đồng vai sắt
Xây ý chí kiên cường
Để vượt dải Trường Sơn
Vào Nam tiêu diệt Mỹ.
Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn theo đường giao liên vô cùng khó khăn, gian nan, nguy hiểm; nhưng khí thế lên đường ra trận vẫn hừng hực, thật hào hùng thôi thúc bước hành quân. Sau một tháng rưỡi trèo đèo leo núi vào đến đường 9 Nam Lào thì dừng chân bổ sung cho Bộ tư lệnh Trường Sơn, đây cũng là một một sự cố gắng lớn. Những đơn vị vào miền đông Nam Bộ phải đi mất 6 tháng vượt Trường Sơn, chưa chiến đấu cũng xứng đáng được thưởng huân chương rồi.
Chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh ác liệt, tôi có gần sáu năm ở Trường Sơn bên nước bạn Lào đến tháng 4/1976 mới về nước. Tiếp sau là hơn 5 năm tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam với cương vị Phó chủ tịch Hội, rất nhiều lần thăm lại chiến trường xưa, đọc rất nhiều tài liệu sách báo, tôi đã hiểu thêm rất nhiều về Trường Sơn huyền thoại Anh hùng để viết nên bài này.
Xin trân trọng giới thiệu trong nhiều phần vì dung lượng tới 50 trang...
PHẦN I:
CHỦ TRƯƠNG CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VÀ BÁC HỒ VỀ MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Sau cách mạng tháng 8/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Năm 1946 Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa. Để hợp pháp hoá cho sự chiếm đóng, Pháp đưa Bảo Đại lên làm quốc trưởng lập ra Quốc gia Việt Nam.
Ngày 7/5/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tạo thuận lợi cho việc ký kết hiệp định Gionevo. Việt Nam đấu tranh đòi giới tuyến tạm thời đến vĩ tuyến 16 nhưng không được Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ. Cuối cùng lấy vĩ tuyến 17 theo sông Bến Hải làm ranh giới quân sự tạm thời. ( Mỹ không tham gia và không ký vào hiệp định). Theo hiệp định Gionevo tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Khi ấy dân số miền Bắc 17 triệu người cao hơn miền Nam 3 triệu người. Kẻ địch đã lập âm mưu và cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để tạo lợi thế cho cuộc tổng tuyển cử. Ta đã đưa các sư đoàn chủ lực ra ngăn chặn quyết liệt, cuối cùng họ cùng đưa một triệu người miền Bắc Vào Nam, trong đó có 80% là đồng bào thiên chúa giáo. Lúc này miền Bắc có 16 triệu, miền Nam có 15 triệu, địch vẫn thấy bất lợi.
Năm 1955 Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Việt Nam, dưới sức ép của Mỹ, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam. Mỹ, Diệm âm mưu hất cẳng Pháp, phá hoại tổng tuyển cử, Diệm đã tổ chức cuộc bầu cử thử, kết quả Hồ Chí Minh được 80% số phiếu, Bảo Đại được 20% số phiếu. Sau đó Diệm đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, phế truất Bảo Đại. Ngày 26/12/1955 Ngô Đình Diệm lên nắm quyền tự xưng là tổng thống, đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam cộng hoà. Từ đây Diệm thực hiện âm mưu điên cuồng chống phá cách mạng Miền Nam. Ông ta tuyên bố xoá bỏ tổng tuyển cử, hô "lấp sông Bến Hải" Bắc tiến. Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam để sát hại đồng bào và chiến sĩ yêu nước. Cho đến năm 1959 toàn bộ lực lượng cán bộ cũ còn lại ở miền Nam là 50.000, chỉ sau mấy năm khủng bố của Ngô Đình Diệm chỉ còn lại 5 nghìn, cứ 10 người thì 9 người bị tiêu diệt . Ngày 29/5/1959 Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật mang số 10/59 để xét xử sát hại những người yêu nước và đồng bào miền Nam với chủ trương : "giết nhầm hơn bỏ sót". Gần hai mươi vạn đồng bào chiến sỹ Miền Nam đã bị giết hại trong những năm Ngô Định Diệm làm tổng thống Việt Nam cộng hoà.
Từ năm 1954 đến 1959 chủ trương của Đảng ta là kiên trì đấu tranh thống nhất đất nước bằng biện pháp hoà bình, thông qua tổng tuyển cử, có các văn bản chỉ đạo ban hành, thực tế trong miền Nam kẻ địch ra sức phá hoại nên cơ sở cách mạng bị thiệt rất nặng nề.
Tôi được Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại, xin cung cấp thêm tư liệu. Năm 1954 đồng chí Lê Duẩn - Bí thư trung ương cục miền Nam không đi tập kết mà ở lại Cà Mau hoạt động. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu cũng không đi tập kết mà về quê ở Vũng Liêm - Vĩnh Long ẩn náu để hoạt đông. Khi nghe tin đồng chí Lê Duẩn vẫn ở Cà Mau, đồng chí Võ Văn Kiệt quyết tâm vào Cà Mau gặp đồng chí Lê Duẩn để bàn về cách mạng Miền Nam. Nếu đi đường bộ vào sẽ bị địch bắt, Ông đã nuôi một đàn vịt lớn, mặc bộ quần áo rách, đội nón lá đánh đàn vịt lội đồng bơi sông từ Vĩnh Long vào tới Cà Mau. Hai người cán bộ cách mạng gặp nhau đều có chung nhận định là không thể chờ tổng tuyển cử được mà phải đấu tranh giành chính quyền. Đồng chí Lê Duẩn đã có báo cáo gửi ra Trung ương Đảng và Bác Hồ.
Tháng 1/1959 Nghị quyết số 15 của TW đợt 1 bàn về tiếp tục gìn giữ hoà bình hay vùng lên đấu tranh. Đây là điều day dứt của Đảng và chính phủ. Lúc này toàn phe xã hội chủ nghĩa có chủ chương là chung sống hoà bình tránh đổ máu. Việt nam là một nước XHCN không thể khác được. Sau nhiều tháng tranh luận bàn bạc, Hội nghị TW 15 lần 2 vào đầu tháng 5/1959 quyết định áp dụng hình thức kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để tự vệ, trong đó có việc xây dựng các vùng căn cứ địa ở miền Nam để chống trả các cuộc càn quét đẫm máu của Ngô Đình Diệm .
Để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cần chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam. Ngày 19/ 5/1959 đoàn công tác quân sự đặc biệt được quyết định thành lập, Thượng tá Võ Bẩm người con Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ làm đoàn trưởng.
Đồng chí Võ Bẩm đã xuống các nông trường do mình phụ trách trước để chọn người có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Trước hết phải là người miền Nam tập kết, quen địa hình rừng núi miền tây khu V. Ngoài ra còn phải bảo đảm 7 tiêu chuẩn cụ thể: Tự nguyện, Tinh thần dũng cảm, Tính kỷ luật, tự giác cao, Ý thức bảo đảm bí mật tốt, Lý lịch rõ ràng, Kiên định - Trung thành - Sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, Sức khoẻ dẻo dai.
Đơn vị đầu tiên được đồng chí Võ Bẩm chọn gồm 8 người. Cuộc họp bí mật tại khu nhà 83 đường Lý Nam Đế - Hà Nội trong một ngày tháng 5 để bàn việc triển khai kế hoạch. Từ đây đoàn 559 ra đời, tức tháng 5 năm 1959. Cũng từ đó ngày 19/5 được coi là ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn.
Đơn vị lấy tên là Đoàn 559, chọn được gần 500 cán bộ chiến sĩ thuộc sư đoàn 305 là sư đoàn từ khu 5 ra tập kết, thành lập tiểu đoàn 301 bổ sung cho đoàn 559 do Thượng ta Võ Bẩm làm đoàn trưởng.
Nhiệm vụ của đoàn ban đầu và được bổ sung trong quá trình phát triển là:
Tổ chức vận tải, chi viện chiến lược cho chiến trường Miền Nam, giúp đỡ một phần cho vùng đông bắc Campuchia, trung và hạ Lào.
Hình thành một chiến trường đánh địch, phối hợp với chiến trường cả nước.
Là một binh đoàn hậu cần chiến lược, chiến dịch, là hậu phương trực tiếp cho các chiến trường kế cận.
Đoàn kết, phối hợp với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia ở khu vực, xây dựng căn cứ địa vững chắc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hành lang chiến lược.
Ngày 17/1/ 1960 phong trào đồng khởi ở Bến Tre bùng lên, ngày 20/12/1960 mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời để động viên đoàn kết nhân dân Miền Nam vùng lên đấu tranh giải phóng miền Nam, thôi thúc sự chi viện của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa cho miền Nam ruột thịt. Nhiệm vụ của đoàn 559 được triển khai tích cực.
PHẦN II
QUI MÔ, KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHI VIỆN
I. ĐƯỜNG GIAO LIÊN
Đường giao liên được triển khai mở đầu cho đường Trường Sơn. Vạn sự khởi đầu nan.
Nguyên tắc tối cao đã được Trung ương quán triệt: " việc mở đường không được ai biết...không được để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng".
"Hàng" chủ yếu là vũ khí, mà tiêu chuẩn số 1 là không có dấu vết chế tạo tại Liên Xô, Trung Quốc, phải là súng cũ của Pháp và các nước không phải là xã hội chủ nghĩa.
Đầu tháng 6/1959 đoàn 559 khảo sát bắt đầu mở tuyến vào Nam từ Khe Hó - Vĩnh Linh hướng về Tây Nam, đặt ra 9 trạm, điểm cuối đặt trạm là Pa Lin - bắc A Lưới - Thừa Thiên, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật đoàn đặt ra khẩu hiệu có tính chất như mệnh lệnh là " ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" . Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn là những đường chưa có lối, rẽ núi, băng rừng. Phương châm là " xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà xoi, không được trùng với các lối mòn cũ. Lời của một câu hát" Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người.." là hoàn toàn đúng với sự thật của thời kỳ này.
Ngày 13 /8/ 1959 sau 8 ngày đêm chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã vào đến Tà Riệp tuyệt đối bí mật và an toàn. Sau 18 tháng, đoàn 559 đã giành được thắng lợi bước đầu quan trọng : Mở tuyến giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm ki-lo- mét trong điều kiện vô cùng khó khăn và gian khổ, địa hình hiểm trở chia cắt, kẻ địch ngăn chặn quyết liệt . Hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu được chuyển giao cho Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn hai nghìn cán bộ, chiến sỹ hành quân vào chiến trường an toàn.
Cán bộ chiến sĩ đoàn 559 đã viết nên màn dạo đầu của bản trường ca hào hùng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Đầu năm 1960, trạm 6 bị bọn thám báo bám đuôi, đành phải nổ súng, hai đồng chí chạy thoát, đồng chí Tưởng đi sau bắn yểm hộ, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bị thương sa vào tay giặc. Chúng tra tấn cực hình, anh một mực không khai, cuối cùng bị chúng thủ tiêu, đây là người liệt sĩ đầu tiên của đoàn 559.
Cũng đầu năm 1960 địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, vì anh em vận tải đã bỏ quên một bó súng ở gần Khe Sanh. Địch đã tổ chức một trận càn qui mô cấp trung đoàn. Tuy chúng không phát hiện thêm được gì, nhưng việc vận chuyển cũng phải dừng lại một thời gian.
CHUYỂN HƯỚNG SANG TÂY TRƯỜNG SƠN
Trước nguy cơ bị lộ, trong một lần đồng chí Võ Bẩm lên báo cáo với đồng chí Lê Duẩn, đồng chí gợi ý:"thử nghĩ xem có con đường nào khác có thể tránh được sự rình mò của địch không?" Thượng tá Võ Bẩm đã nghĩ đến con đường phía tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Ông dẫn đầu một bộ phận luồn rừng tìm đường sang phía tây Trường Sơn. Khoảng tháng 1/1961 ông về Hà Nội gặp đồng chí Trần Lương báo cáo chuyển hướng sang tây Trường Sơn.
Sau khi trao đổi giữa hai Đảng, hai chính phủ, được bạn đồng ý, ngày 16 - 4 - 1961 Đoàn 559 khẩn trương "lật cánh" sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào.
Tháng 5/1961 tuyến đường giao liên trên đất Lào đã khai thông dọc theo đường 9 đến mường Pha Lan dài 100 ki-lô- mét. Sau đó tiếp tục phát triển xuống phía nam dọc trung va hạ Lào. Trên tuyến đường này vừa là đường giao liên đi bộ vừa phát triển thành đường xe đạp thồ và voi thồ, ngựa thồ. Chỉ trong năm 1962 đoàn 559 đã đưa vào chiến trường 961 tấn vũ khí, 7800 tấn gạo, đưa đón 1 vạn cán bộ chiến sĩ vào ra.
Năm 1961 Bộ chính trị cử Thiếu tướng Trần Văn Quang - cục trưởng cục Tác chiến - Bộ tổng tham mưu vào Nam Bộ phụ trách quân sự toàn miền cùng 600 cán bộ khung cơ quan miền, đó cũng là lúc Liên Xô phóng tàu vũ trụ Phương đông 1 (12/4/1961) đoàn được đặt tên là "Đoàn Phương Đông", vào chiến trường theo đường Tây Trường Sơn.
Trong 14 năm, từ 1959 đến 1973, đường giao liên Trường Sơn đã hình thành và phát triển trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn, trong đó bên tây Trường Sơn là chủ yếu với chiều dài hơn 3000 ki lô mét, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn. Đã vận chuyển vào chiến trường hàng chục nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng chục nghìn tấn gạo cùng hàng quân nhu khác.
Đến 27/1/2973 hiệp định Pari được ký kết, Mỹ ngừng ném bom trên toàn chiến trường Đông Dương, đường Giao Liên cơ bản kết thúc nhiệm vụ, chuyển sang hành quân bằng cơ giới.
( còn nữa )