Sân bay dã chiến Khe Gát
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình có vị trí chiến lược trên tuyến đường Trường Sơn, là đầu mối giao thông quan trọng chi viện cho tiền tuyến, nơi tập kết lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn…
Nơi đây thường xuyên bị không quân và hải quân Mỹ đánh phá hòng cắt đứt đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Trước tình hình đó, cuối năm 1968, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng sân bay dã chiến mang mật danh B7 tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhằm tạo thế bất ngờ không đối không để bảo vệ đường Trường Sơn.
Sân bay được xây dựng trong điều kiện trinh thám ác liệt bởi các phương tiện tối tân của Mỹ như OV-10, SR-71, cây nhiệt đới….
Tiểu đoàn công binh 28 (nay là Lữ đoàn Công binh 28, Quân chủng Phòng không – Không quân) được giao nhiệm vụ này. Bên cạnh đó còn có hàng trăm Thanh niên xung phong địa phương tích cực giúp đỡ bộ đội làm đường băng, dựng lá ngụy trang, đêm đêm gánh đất, mang đồ ăn thức uống ra công trường động viên bộ đội.
Để đảm bảo bí mật nên cứ chập tối mới đào đắp, gần sáng lại ngụy trang kín đáo. Cả xe ủi, xe lu cũng được giấu kỹ trong hang đá, sau gần 8 tháng miệt mài lao động, sân bay Khe Gát hoàn thành. Đường băng dài 2,5km, rộng gần 30m, có đường dẫn máy bay vào trong hang đá trú ẩn.
Các phương tiện hạng nặng dùng trong xây dựng được tháo rời từ Hà Nội và vận chuyển vào hết sức bí mật. Thời gian làm việc được triển khai thường từ lúc mờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.
Ngoài thời gian đó, các phương tiện được đưa vào giấu trong các hang đá. Hiện trường sân bay làm đến đâu được ngụy trang kín đến đó nhằm tránh do thám. Sân bay được thi công trong vòng 7 tháng của năm 1969 trong điều kiện thiếu thốn về lương thực, sốt rét, muỗi vắt, nắng nung cháy bỏng và mưa rừng.
Chiến công của Không quân tiêm kích bom
Những ngày đầu tháng 4/1972, do thất bại trên các chiến trường miền Nam, Mỹ tập trung đánh phá ác liệt các tỉnh Khu 4 như Quảng Bình, Quảng Trị nhằm phá các tuyến đường giao thông, hòng chặn đường tiếp tế của ta.
Hải quân Mỹ liên tục cho tàu khu trục vào gần bờ pháo kích các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông ven biển từ Quảng Bình đến Hải Phòng, khống chế và uy hiếp các hoạt động trên biển và ven biển của ta như cửa Gianh, cửa Lý Hòa, Đèo Ngang, cửa Nhật Lệ.
Để khai thông đường vận chuyển trên biển và hạn chế hậu quả do các đợt pháo kích của địch từ tàu địch, Bộ Tổng tư lệnh chủ trương tăng cường các lực lượng của hải quân, pháo bờ biển, đặc công đánh định. Trong đó, chỉ thị cho Binh chủng Không quân nghiên cứu, chuẩn bị phương án sử dụng máy bay tập kích vào đội hình tàu chiến địch.
Phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B tập sa bàn đánh tàu chiến Mỹ - Ảnh Tư liệu.
Trung đoàn Không quân 923 được trang bị máy bay MiG-17 nhận nhiệm vụ này. Cuối năm 1971, trung đoàn chọn 10 phi công ưu tú tổ chức huấn luyện bay và đánh các mục tiêu trên biển. Bộ Quốc phòng Cuba cử cán bộ kỹ thuật không quân sang giúp ta huấn luyện kỹ thuật đánh tàu chiến địch.
Nội dung huấn luyện chủ yếu là luyện tập phương pháp ném bom "thia lia". Để thực hiện phương pháp ném bom này phi công phải thuần thục kỹ thuật bay độ cao cực thấp trên biển, xác định thời điểm cắt bom để khi chạm nước, bom nảy lên và lao vào tàu địch.
Đến tháng 3/1972, Trung đoàn 923 đã có 6 phi công thành thục động tác bay thấp trên biển và nắm được kỹ thuật ném bom tàu chiến.
Ngày 18/4/1972, Đoàn Không quân Yên Thế được lệnh bí mật đưa máy bay vào Khe Gát. Hai chiếc MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) lái, đưa từ sân bay Kép về Gia Lâm, rồi từ đó vào Vinh và bí mật hạ cánh xuống sân bay Khe Gát trong đêm.
Trung đoàn trưởng Lưu Huy Chao cùng một số sĩ quan cũng có mặt ở Đồng Hới để trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Chiều ngày 19/4/1972, Trạm rađa 403 phía Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) cảnh báo tín hiệu về một nhóm tàu chiến của Hạm đội 7 xuất hiện cách cửa biển Nhật Lệ chưa đến 18km trong tình trạng kịch chiến.
Nhóm tàu địch gồm tuần dương hạm US Oklahoma City, hai khu trục là USS Higbee và USS Lloyd Thomat, ngoài ra còn có tàu hộ tống tên lửa USS Sterett chuyên pháo kích bắn phá dọc bờ biển.
Đúng 16 giờ 5 phút, biên đội MiG-17 từ Khe Gát nhằm hướng biển xuất kích. Phát hiện được mục tiêu, lúc 16 giờ 13 phút, phi công số 1 Lê Xuân Dị nhanh chóng công kích tuần dương hạm Oklahoma đi đầu. Khi khoảng cách còn 750m, anh lao xuống cắt bom rồi vọt lên.
Trước khi trở về đất liền, anh thấy rõ cột khúi đen bao trùm tàu địch. Không để cho địch trở tay, phi công số 2 Nguyễn Văn Bảy khẩn trương cắt bom vào chiếc tàu khu trục Hegbee. Ánh chớp bùng lên, chiếc tàu gần như tê liệt.
Sơ độ trận đánh tàu chiến Mỹ của biên đội MiG-17 ngày 19/4/1972 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân - Ảnh BTLSQSVN.
Nhiệm vụ thực hiện trong vòng 17 phút, với đòn tiến công bí mật, bất ngờ, chính xác và hiệu quả. Lần đầu tiên không quân Việt Nam sử dụng máy bay tiêm kích đánh tàu khu trục hạm của Mỹ trên biển Đông.
Hai phi công với 4 quả bom loại 250kg đã làm một tuần dương hạm và một khu trục bị hỏng nặng, địch buộc phải rút về căn cứ Rubic ở Philippin để sửa chữa. Trận đánh khiến Hạm đội 7 không vào gần bờ biển của ta khi đó trong nhiều tháng.
Sân bay dã chiến Khe Gát có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Đây là sân bay chỉ có một biên đội, một lần xuất kích đánh một trận duy nhất và thành công. Đây là một chiến công xuất sắc của Bộ đội Không quân Việt Nam, trở thành huyền thoại trong lịch sử chống Mỹ cứu nước.
Trận đánh thắng tàu khu trục Mỹ trên biển Quảng Bình đã mở ra khả năng chiến đấu mới của Không quân ta và là tiền đề quan trọng để quân đội ta xây dựng lực lượng không quân tiêm kích đánh bom sau này.
Sân bay Khe Gát nay không còn nguyên trạng, nhưng với sự kiện độc đáo, sân bay được xem là một di tích lịch sử đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh ngày nay có một đoạn đi dọc qua sân bay Khe Gát - trở thành một điểm du lịch khá hấp dẫn trong tuyến du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình.
VTT sưu tầm