Lực lượng Bộ đội Trường Sơn tham gia Đại thắng Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng:
09:33 27/04/2020
Lượt xem:
2.904
LỰC LƯỢNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
TRONG ĐẠI THẮNG XUÂN 1975 VÀ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH
Như chúng ta đã biết, từ 17 giờ ngày 26/4/1975, trận tổng công kích vào Sài Gòn - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Quân đội ta đã dũng mãnh tấn công Sài Gòn từ 5 hướng. Tham gia Chiến dịch lịch sử này có Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn). Lực lượng gồm 17 sư đoàn chủ lực (F320B, F390, F367 phòng không, F325, F304, F673 phòng không, F3, F316, F320A, F10, F6, F7, F341, F5, F9, F8, F Phước Long mới thành lập) cùng 24 trung đoàn, 6 lữ đoàn binh chủng và một số tiểu đoàn binh chủng trực thuộc các cánh quân. Tổng lực lượng là 190.627 người.
Trong khi đó quân ngụy Sài Gòn ở dinh lũy cuối cùng ở Sài Gòn, lực lượng có 245.000 quân, với 406 khẩu pháo, 624 xe tăng, xe bọc thép, 800 máy bay các loại, 852 tàu, thuyền chiến đấu. (Lực lượng ở khu vực Cần Thơ, địch có 175.000 quân với 493 xe tăng, xe bọc thép; 366 pháo, 409 máy bay, 579 tàu thuyền).
Bộ đội Trường Sơn đã huy động lực lượng bao gồm:
-Sư đoàn ô tô 571 cơ động Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, với hơn 1.800 chiến xa. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh xe của Sư đoàn 571 cơ động lực lượng bộ binh của Quân đoàn 2 đi sau xe tăng, xe thiết giáp tấn công theo hướng Quốc lộ 1 – xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn qua cầu Thị Nghè chọc thẳng và Dinh Độc Lập.
-Sư đoàn ô tô 471 với hơn 1.600 xe được huy động cơ động Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên vào tham gia chiến dịch. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 471 cơ động lực lượng của Quân đoàn 1 tiến đánh theo hai trục: trục thứ nhất từ Tân Uyên đánh vào thành phố. Trục thứ hai: Đánh chiến Bến Cát, vượt cầu sông Bé tiến vào nội đô Sài Gòn. Cơ động Quân đoàn 3 tiến đánh Đồng dù, Củ Chi, Hóc Môn và nhanh chóng làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất.
- Sư đoàn phòng không 377 Trường Sơn có nhiệm vụ bảo vệ đội hình tấn công của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3. Hai trung đoàn 528 và 527 trưc thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn được lệnh bảo vệ Cam Ranh và Nha Trang, bảo vệ cánh quân Duyên Hải.
-Sư đoàn quân tình nguyện 968 được Bộ phân công đánh nghi binh đánh địch ở Kon Tum. Buôn Ma Thuột được giải phóng, Sư đoàn 968 được xe của Sư đoàn 471 cơ động đánh địch tháo chạy trên đường số 7 và thẳng xuống giải phóng Tuy Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa…
- Sư đoàn công binh 470 Trường Sơn sau khi tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột đã được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông từ Buôn Ma Thuột đến Đồng Xoài bảo đảm cầu đường cho cơ động các quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh khí kỹ thuật vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
- Sư đoàn công binh 472 Trường Sơn bảo đảm giao thông từ Kon Tum đến Buôn Ma Thuột, trên đường 19, từ Playcu đi Qui Nhơn, Quốc lộ 1 từ Nha Trang đến Phan Rang, bảo đảm cơ động cho cánh quân của Quân đoàn 2.
- Sư đoàn công binh 473 Trường Sơn được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông quốc lộ 19 và quốc lộ 21, phục vụ chiến dịch.
- Trung đoàn cầu 99 cùng với lực lượng của các Sư đoàn công binh Trường Sơn đã làm mới 96 cầu với chiều dài 3.300 mét, sửa chữa hàng trăm cây cầu bị địch phá hỏng, bảo đảm cầu đường thông suốt trên quốc lộ 1, quốc lộ 14, 19, 21.
- 2 Trung đoàn giao liên cơ giới 572 và 573 được phân công chở quân chủ lực tăng cường cho các hướng chiến dịch.
- Trung đoàn kho 541 Trường Sơn được phân công tiếp quản nhiều kho tàng của địch ở Huế, Đà Năng và Nha Trang…
- Bộ đội Đường ống Xăng dầu Trường Sơn tổ chức 8 điểm cấp phát tại tuyến Đông Trường Sơn; 6 điểm cấp phát xăng dầu ở Tây Trường Sơn và 7 điểm cấp phát xăng dầu từ ngã ba biên giới vào Nam Bộ trong suốt thời gian trước và trong Chiến dich. Các điểm cấp phát bảo đảm khoảng cách từ 100 đến 140 km có một điểm cấp phát xăng dầu.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Xăng dầu Trường Sơn đã cấp 4.100 tấn xăng dầu cho hàng ngàn xe cơ giới các loại, bảo đảm mọi lực lượng tham gia Chiến dịch có đầy đủ xăng dầu tham gia chiến đấu.
Phạm Thành Long
(Theo Lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn)
tin tức liên quan