GIỮ HỒN VĂN HÓA CỦA MỘT LÀNG QUÊ LÊN PHỐ LÊN PHƯỜNG

Ngày đăng: 04:47 18/08/2020 Lượt xem: 621
GIỮ HỒN VĂN HÓA CỦA MỘT LÀNG QUÊ LÊN PHỐ LÊN PHƯỜNG
          Nhân dịp kỷ niệm 75 năm cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945-2020) ghi đôi nét về Phú Thượng quê tôi đã được công nhận Phường văn hóa của quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
          Phú Thượng ở hữu ngạn sông Hồng, giàu truyền thống cách mạng, trước năm 1945 được TW Đảng chọn là “An toàn khu”, nhiều đ/c lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã hoạt động ở đây như đ/c Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ... Hồ Chủ tịch từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã dừng chân nghỉ lại Phú Thượng từ chiều ngày 23/8 đến ngày 25/8/1945.
          Quê tôi có đình, chùa, nhà văn chỉ, tờ vũ, một làng quê thuần nông thanh bình, có lũy tre bao bọc, những lại không có trường học, mà trường học lại học nhờ ở Văn Chỉ làng, học ở điếm, ở đền đến hết lớp 2. Con em ở làng xã muốn đi học tiếp phải xuống Nhật Tân, lên Vẽ, vào Yên Thái (chợ Bưởi) mới hết cấp 2. Còn học cấp 3 vào Chu Văn An (Trường Bưởi), trường Xuân Đỉnh... Sau 1954 hòa bình lập lại quê hương xây dựng trường học cấp 1, cấp 2, cũng bằng tranh tre, lứa, lá. Nhiều lớp bình dân học vụ được mở ở thôn xóm. Trong những năm tháng chống Mỹ, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, lớp lớp thanh niên, trung niên lên đường theo tiếng gọi của Đảng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
          Từ sau năm 1980 đến nay trường học quê tôi thay đổi quá nhiều, trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường dạy nghề rất đỗi khang trang, bề thế, “trường ra trường, lớp ra lớp”. tất cả các nhà trường đều được công nhận là trường chuẩn quốc gia.
          Nhà văn hóa của Phường, nhà sinh hoạt các khu dân cư là nơi sinh hoạt cộng đồng, thường xuyên diễn ra các cuộc thi đấu thể thao, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, là địa điểm luyện tập dưỡng sinh của người cao tuổi, tập yoga của thanh thiếu niên... cũng chính nơi đây là nơi tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thủ đô và địa phương phong trào văn hóa văn nghệ của nhân dân diễn ra rất sôi nổi, hào hứng thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. 
          Đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, hằng năm đều tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân, nơi tôn vinh những thành tích học tập, lao động xuất sắc của địa phương. Đình làng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa của Thành phố.
          Họa sĩ Bùi Trang Chước người con Phú Thượng đã được đặt tên phố Bùi Trang Chước, ghi nhận công lao sáng tác Quốc huy cho đất nước.
          Đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, hầu hết đã rải nhựa, bê tông, nhà cao tầng san sát, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
          Phú Thượng đã được công nhận danh hiệu Làng nghề Truyền thống Xôi Phú Thượng, đặc sản đất Hà Thành, nét văn hóa ẩm thực rất đáng ghi nhận. 
          Tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, tuy đã lên phố lên phường gần 1/4 thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của làng quê thuần nông năm xưa. Nhớ đến cây gạo lịch sử đầu mối giao thông của TW Đảng - Nhà truyền thống cách mạng của bà Hai Vẽ. Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Dù là dân thành thị nhưng tình làng, nghĩa xóm, sớm lửa tối đèn có nhau, thương yêu nhau, những tình cảm ấy thật đáng trân trọng và quý mến biết nhường nào. Cuộc sống được như ngày nay lại càng nhớ đến công lao của thế hệ cha ông, các bậc tiền bối đã đổ mồ hôi, nước mắt, cả máu xương để giành được độc lập, tự do. Bưng bát cơm thơm lại nhớ đến người trồng lúa. Giữ nét văn hóa của làng quê là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người. Mong rằng danh hiệu phường văn hóa mãi mãi tỏa sáng trên quê hương Phú Thượng có cầu Nhật Tân soi bóng sông Hồng.
             Bài và ảnh: Đặng Sơn cơ quan TW Hội.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA PHƯỜNG PHÚ THƯỢNG:



























 

tin tức liên quan