Anh bạn Trường Sơn của tôi ở Sài Gòn - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 09:36 26/08/2021 Lượt xem: 245
ANH BẠN TRƯỜNG SƠN CỦA TÔI Ở SÀI GÒN
                 Phạm Thành Long
  • Anh có 11 gian nhà cho thuê. 3 tháng thực hiện giãn cách, anh quyết định giảm 50% tiền cho thuê nhà và 3 tháng qua cũng chưa một lần đến thu tiền nhà…


Nguyễn Chí Công (áo trắng) đưng bên trái tác giả. Ảnh chụp ngày gặp mặt tại TP. Ninh Bình, 25/4/2021.

 
 
        Tôi và Nguyễn Chí Công vào Trường Sơn từ năm 1970 và cùng ở Binh trạm Bộ 35. Tôi và Chí Công quen nhau từ ngày ấy. Nguyễn Chí Công làm công vụ cho Binh trạm trưởng Hồ Quang Trung. Còn tôi, là nhân viên Tuyên huấn Binh trạm. Tháng 7 năm 1971, Binh trạm trưởng Hồ Quang Trung được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh khu vực 471 (Sư đoàn 471). Từ căn cứ Binh trạm 35 ở bắc Bạc, Chí Công theo Phó Tư lệnh Hồ Quang Trung vào khu vực bản Hạt Vi, huyện San Xây, tỉnh Tà Ven Oọc, (Nam sông Bạc, Lào) – nơi Sư đoàn đóng đại bản doanh.
        Đầu mùa khô 1971-1972, Sở Chỉ huy Sư đoàn chuyển ra Phù Trường – Keng Nhang (bắc Bạc – huyện Viêng thoong, tỉnh Saravan, Lào). Tháng 4/1972, tôi được điều về Ban Tuyên huấn Sư phụ trách Bản tin của Sư đoàn. Giữa tháng 5 năm 1972, Phó Tư lệnh Hồ Quang Trung có quyết định về Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm Cục phó Cục Hậu cần. Nguyễn Chí Công không theo Phó Tư lệnh Hồ Quang Trung ra Cục Hậu cần Trường Sơn. Anh ở lại Sư đoàn và được điều về Ban Tuyên huấn, cùng tổ tuyên truyền với tôi. (Chí Công có năng khiếu hội họa, nên đầu năm 1973 được Ban Tuyên huấn cử ra Phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Trường Sơn học lớp hội họa và kỹ thuật in lưới).
         Tôi và Nguyễn Chí Công gắn bó với nhau từ đấy cho tới đầu tháng 2/1976 thì chúng tôi chia tay. Từ căn cứ Đồng Đế, Nha Trang, tôi rời Ban Tuyên huấn vào điều trị bệnh tại Viện Quân y 175, Sài Gòn. Giữa tháng 2 năm ấy tôi cùng 120 thương bệnh binh nặng được chuyển ra Bắc điều trị trên chuyến bay C130. Ra viện, giữa tháng 4 năm 1976, tôi được điều về Ban Tuyên huấn, Cục Sản xuất vật liệu, Tổng cục Xây dựng kinh tế. Còn Nguyễn Chí Công theo Sư đoàn lên Gia Nghĩa, Đắc Lắc làm kinh tế nông lâm nghiệp (tháng 6 năm 1976). Năm 1984, Nguyễn Chí Công xin chuyển ngành về làm cán bộ Công ty may Việt Thắng. 2 năm sau, anh lại chuyển công tác về Công ty Thương nghiệp Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, là cửa hàng phó rồi cửa hàng trưởng. 11 năm sau anh chuyển sang làm việc tại Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential. Năm 2012, anh cầm sổ hưu sau 11 năm làm việc tại đây. 42 năm công tác, Nguyễn Chí Công có 16 năm khoác áo lính Sư đoàn 471 Trường Sơn.
       Ba của Nguyễn Chí Công là Nguyễn Văn Kính. Quê gốc của ông ở xã Hải Long, Hải Hậu, Nam Định. Năm 1942, ông vào Sài Gòn. Ông hoạt động bí mật ở nội thành. Đầu năm năm mươi ông bị lộ và bị địch bắt… Má của Công người Gò Vấp, Sài Gòn. Nguyễn Chí Công và hai người chị gái sinh ra tại Sài Gòn. Khi ba ra tù thì Chí Công mới biết nói. Năm 1954, ba mẹ và gia đình anh tập kết ra Bắc. Năm ấy Chí Công mới 2 tuổi. Năm 1974, khi Nguyễn Chí Công còn ở chiến trường thì ba anh ở ngoài quê đã mất vì trọng bệnh. Sau giải phóng, anh lần tìm về quê má và đi tìm những đồng đội cùng hoạt động với ba mẹ mình. Ông Chủ tịch Quận 10 sau giải phóng là người cùng hoạt động nội thành với ba anh. Ông Chủ tịch quận đã cấp giấy tờ mời má anh và gia đình trở lại Sài Gòn. Chính quyền cách mạng còn cấp cho má anh ngôi nhà số 7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ngôi nhà này khá rộng. Anh em cùng đơn vị với Công vào công tác ở Sài Gòn vẫn thường nghỉ tại ngôi nhà của má anh…
      Năm 1999, Nguyễn Chí Công đã mua một mảnh đất 200 m2 gần với nhà của má anh (ở số 860/114 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh). Khi công tác tại Công ty Thương nghiệp Quận 10, anh được cơ quan phân cho một gian nhà 25 mét vuông tại 479 Lê Hồng Phong, quận 10. Còn mảnh đất 200m2 anh đã đầu tư xây dựng 11 gian nhà cấp 4 để cho thuê (mỗi gian 12 m2 và 6 m2 gác xép, có bếp và khu vệ sinh khép kín). Nhờ 11 gian nhà cho thuê này, anh đã có tiền cho con trai và con gái đi học đại học tại Cuba. (Hiện cháu trai đã tốt nghiệp về nước từ năm 2016 và đang làm việc tại Công ty XNK Thái Bình. Cháu gái đang học năm cuối đại học quản trị kinh doanh Lahavana).
      Lâu nay, những người thuê nhà của anh là sinh viên và người lao động ngoại tỉnh làm việc tại Thành phố. Chia sẻ khó khăn với người thuê nhà trong tình hình phải giãn cách vì dịch Covid-19, 3 tháng nay, Nguyễn Chí Công quyết định giảm 50% tiền nhà cho người thuê. Cũng vì phải giãn cách xã hội, từ tháng 6 tới nay anh cũng chưa một lần xuống thu tiền nhà…
      Nguyễn Chí Công hiền lành, chân thật và sống giản dị. Gần 40 năm sống giữa đô thị Sài Gòn, nhưng trong anh vẫn giữ phẩm chất lính Trường Sơn – sống giản dị, tận nghĩa và nhiệt tình với đồng đội. Thời gian qua, anh rất tích cực tham gia các hoạt động của Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 471 TP.Hồ Chí Minh và Miền Đông Nam Bộ. Ngày 24 và 25 tháng 4 năm 2021, Nguyễn Chí Công cùng một số bạn trong Ban Liên lạc bay từ Thành phố ra Ninh Bình dự kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 471 do Ban Liên lạc Sư đoàn 471 Ninh Bình tổ chức. Sư đoàn 471 có 3 thời kỳ: Thời kỳ Bộ Tư lệnh Khu vực, thời kỳ Sư đoàn ô tô vận tải và thời kỳ Sư đoàn làm kinh tế lâm nghiệp tại Tây Nguyên. Hôm ấy các cựu lính Sư đoàn đã có buổi giao lưu rất cảm động. Nguyễn Chí Công đã có một sáng kiến bất ngờ. Anh cầm micro hô hào mời các anh chị em từng công tác tại Ban Tuyên huấn Sư đoàn các thời kỳ lên sân khấu chụp một bức ảnh kỷ niệm. 14 anh chị em đã có mặt trong bức ảnh hôm ấy. Tôi chỉ ở Ban Tuyên huấn Sư đoàn 2 thời kỳ, còn Nguyễn Chí Công và Trần Thắng (cơ công), Hữu Lộc (điện ảnh) ở suốt 3 thời kỳ. 10 người còn lại là những anh chị em công tác tại Ban Tuyên huấn thời kỳ Sư đoàn làm kinh tế nông lâm nghiệp. Bức ảnh ấy thật quý.
       Gần 6 năm cùng “nếm mật nằm gai” ở Trường Sơn, tôi và Nguyễn Chí Công có biết bao kỷ niệm. Những ngày đói của mùa mưa năm 1971; những trận chịu đựng B52; biết bao lần đào hầm làm nhà; những chuyến đi công tác cùng nhau; những ngày chúng tôi miệt mài cùng nhau in ấn Bản tin, in khẩu hiệu và tranh cổ động…Hễ cứ có dịp gặp nhau lúc nào thì ký ức trong chúng tôi lại tuôn trào. Cuối năm 2020, Nguyễn Chí Công gửi Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 mang ra cho tôi chiếc máy ảnh Kiep cũ của Sư đoàn. Ở Trường Sơn, tôi đã hướng dẫn Nguyễn Chí Công biết chụp ảnh, in phóng ảnh từ chiếc máy Kiep này. Chiếc ống kính của chiếc máy Kiep còn được chúng tôi sử dụng làm ống kính máy phóng ảnh tự chế ở Trường Sơn. (Thời kỳ Sư đoàn làm kinh tế nông lâm nghiệp ở Tây Nguyễn Chí Công tiếp tục sử dụng chiếc máy Kiep này trong nhiều năm). Cũng từ chiếc máy Kiep này, tôi và Chí Công đã ghi lại nhiều hình ảnh hoạt động và chiến đấu của các đơn vị trong Sư đoàn. Hơn 50 bức ảnh tư liệu được in trong cuốn Lịch sử Sư đoàn 471 Anh hùng phần lớn được chụp từ chiếc máy Kiep này… Tôi đã bàn giao chiếc máy ảnh Kiep này cho Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh lưu giữ làm hiện vật chiến tranh của Trường Sơn.
     Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Trung tá, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Lưu Ngọc Tiêu có cô con gái xinh xắn vẫn thường từ Sài Gòn lên thăm bố. Chàng trung úy trợ lý Tuyên huấn trắng trẻo, khá đẹp trai và ít nói Nguyễn Chí Công đã bị cô con gái Chủ nhiệm Chính trị hớp hồn. Tình yêu của họ thật đẹp. Tháng 10 năm 1983, Nguyễn Chí Công và Lưu Thị Thanh Nga đã kết hôn… Thanh Nga cũng đã nghỉ hưu được mấy năm nay, nhưng chị vẫn nhận làm thêm công việc ở cơ quan cũ – Chi nhánh Ngân hàng ViettinBank Quận 10. Nghỉ hưu, Nguyễn Chí Công không làm thêm việc gì. Anh có thú mê câu cá. Mấy năm trước, có hôm anh ngồi lỳ câu cá suốt cả ngày, mặc cái nắng Sài Gòn hắt lên từ mặt nước bỏng rát. Vì thế, bây giờ nhìn anh rất khác. Anh có màu da của các ngư dân miền biển chứ không còn trắng trẻo như những ngày ở Trường Sơn. Năm 2015, vợ chồng tôi và vợ chồng Phạm Sinh có ghé thăm vợ chồng Chí Công. Hôm ấy anh tặng chúng tôi mấy con cá thát lát to bự - “chiến công” đi câu ngày hôm qua của anh. Sau này, tôi nhiều lần khuyên anh bỏ thú vui câu cá đi. “Câu cá là sát sinh, không tốt đâu. Hãy ngồi cầm cọ mà vẽ tranh ấy. Cậu có năng khiếu vẽ tranh, đừng bỏ phí”…  Không bỏ ngay được thú vui, anh vẫn đi câu nhưng ít hơn trước rất nhiều. Thỉnh thoảng anh đã cầm cọ vẽ tranh để tìm lại cảm giác ngày xưa vẽ tranh cổ động và in khẩu hiệu ở Trường Sơn… Nhiều bức tranh anh vẽ khá đẹp. Có tác phẩm mới, anh vẫn đưa lên facebook để khoe với bạn bè, đồng đội…  
     Từ năm 2016, hai vợ chồng anh sống bình yên và hạnh phúc tại ngôi nhà mới xây tại 338/148 đường Chiến lược, Phường Bình Trị Đông A, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.  
  

tin tức liên quan