Báo Quân khu 7 giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Thị Phương Liên, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 04:16 30/08/2021 Lượt xem: 425

Thứ năm, 27/05/2021, 14:13 (GMT+7)
1291 lượt xem
 
  


THẦM LẶNG SAU CUỘC CHIẾN

       (QK7 Online) - Trong Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, tác giả Nguyễn Phương Liên được định danh là một nhà thơ, một hồn thơ. Và 10 năm qua cô đã cho ra đời 3 tập thơ: Sen đồng nội 1 (Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn 2011), Sen đồng nội 2 (NXB Hội Nhà văn 2013), Trăng Trường Sơn (NXB Hội Nhà văn 2015). Tập truyện ký “Thầm lặng sau cuộc chiến” là tập văn xuôi đầu tay gồm 18 truyện ngắn và bút ký viết nên niềm xúc cảm của một người lính trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà thơ không thể diễn tả hết. 
 
Bìa truyện ký Thầm lặng sau cuộc chiến của nữ sĩ Phương Liên. 
       Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 5/1971, có một người con gái tuổi vừa tròn 18 mới học xong phổ thông từ giã làng quê bên dòng sông quan họ thuộc huyện Quế Võ - Bắc Ninh xung phong đi bộ đội, hòa vào dòng người ra trận mang theo lý tưởng độc lập, thống nhất, giải phóng quê hương của thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chẳng ai bắt phụ nữ đến những nơi chiến tranh ác liệt, nhưng tình nước, tình nhà thúc giục, cô Nguyễn Phương Liên vượt qua gian khổ hy sinh, mưa bom bão đạn trở thành người lính kiên trung làm nhiệm vụ vận chuyển, bảo vệ đường ống xăng dầu cho đến ngày toàn thắng.  
       Ẩn sau gần 200 trang viết là hình ảnh cô gái đẹp người, đẹp nết sinh ra, lớn lên trên quê hương Kinh Bắc, được nuôi dưỡng tắm gội trong không gian ở một miền trầm tích văn hóa với những làn điệu dân ca sâu lắng. Cốt cách của người quan họ với lối ứng xử nền nã, ý nhị, chu đáo như thấm đượm trong từng câu thoại, từng cốt truyện với đồng đội giữa chiến trường ác liệt. Sự hy sinh cao cả, tình đồng đội thiêng liêng thấm qua từng nhân vật nữ mà chính tác giả là nguyên mẫu. Tập truyện mở đầu bằng ngày trở về của nữ bộ đội Trường Sơn khi cuộc chiến sắp kết thúc, “Cô mường tượng hai bên đường là cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay đang vào mùa gặt. Cô mỉm cười nhớ về miền quê quan họ thân thương, nhớ hội chùa làng, nhớ con sông với những chuyến đò ngang, nhớ rặng tre trưa hè thả bóng mát, nhớ canh hát thâu đêm để rồi... giã bạn “người ở đừng về” (Chiếc khăn tay). 

 
 
Nữ sĩ Phương Liên. 
       Khi ở chiến trường mong ngày chiến thắng, nhưng vừa trở về thì đã nhớ Trường Sơn, ký ức theo cô suốt năm tháng của đời mình. Để rồi sống giữa đất nước thanh bình, hoài niệm về Trường Sơn luôn trỗi dậy không bao giờ nguôi quên. Đó là những “Mùa mưa Trường Sơn kéo dài như vô tận, mưa cả ngày, cả đêm, tiếng thác đổ ầm ầm, cả tháng không thấy mặt trời... Mùa mưa rừng đêm nào bộ đội cũng tranh thủ đốt lửa hơ quần áo cho nhau, lại phải lo che đậy cho kín kẻo ánh sáng lọt ra ngoài, canh chừng lũ giặc trời. Chỉ cần một tia sáng phát ra cũng đủ để chúng quần nát khu vực đóng quân” (Mùa mưa Trường Sơn). Để trong gian nan ấy những nét đẹp của người con gái Kinh Bắc, đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt ngời sáng. Lúc giúp đồng đội nam hơ quần áo, sơ ý làm cháy gấu quần, “Lan đã thức cả đêm cắt một nửa gấu quần mới của mình chắp nối sang chỗ gấu quần bị cháy. Bàn tay khéo léo khâu vá từng đường kim mũi chỉ; để quân phục của đồng đội khó có thể phát hiện ra gấu quần bị chắp nối” và những đường kim mũi chỉ dệt thành một tình yêu đẹp (Mùa mưa Trường Sơn). Trang viết gợi cho người đọc xúc động trước hình ảnh những người mẹ “thức thâu đêm vá áo” đã từng làm nên “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 
       Mưa, củi ướt, cơm bữa sống bữa khê, “không quần” phải trùm chăn đợi quần áo khô, những trận mưa bom B52 dội vào hầm trú ẩn... Gian khổ là vậy, tiếng cười, tiếng hát vẫn không ngớt. Hiền, chàng trai mặc chiếc quần vá gấu đã nằm lại đại ngàn Trường Sơn mang theo “Tình yêu đầu đời nảy sinh từ tình yêu cách mạng cao cả”, tình yêu đó neo đậu trong tim người ở lại. Để hôm nay giữa đời thường, “Đi giữa làng quê ngập tràn ánh trăng, Lan như thấy trong trăng có mưa, có tiếng cười giòn tan của đồng đội mình. Có cả máu hòa trong nước mắt, niềm vui xen lẫn nỗi đau, có ánh nhìn sâu thẳm của Hiền, cả những đêm hành quân ướt đầm vai áo, những trận B52 ngột thở tới bây giờ”. Ai cũng có thể nhận ra tác giả đã hóa thân vào các nhân vật làm sống lại Trường Sơn một thời con gái. Các nhân vật nữ trong từng truyện ngắn mang vẻ đẹp của người phụ nữ Kinh Bắc: ý nhị, nền nã, khéo léo, nặng nghĩa, nặng tình với đức hy sinh cao cả vì gia đình, cộng đồng, quê hương đất nước. Giữa đại ngàn Trường Sơn, vẻ đẹp ấy như mạch nguồn chảy trong Thùy (Chiếc khăn tay) lấy chiếc khăn tay băng vết thương cho đồng đội làm nên một tình yêu trong sáng. Đó là Hồng (Ngày trở về) sống giữa những ngày thanh bình, đất nước đã thống nhất mà “Lúc này quá khứ ác liệt như sống lại trong cô. Trận bom đêm ấy như còn khói thuốc đâu đó, tiếng nổ long trời lở đất, trong không gian náo động trong đêm. Những tia chớp nhằng nhịt như xé tan bóng tối, núi rừng gầm lên như thú dữ... Cô nhớ lại một dòng nước đỏ ngầu bởi những bộ quân phục rách lỗ chỗ đẫm máu đồng đội trong trận đánh bom vào đơn vị đêm đó. Không ai nói với ai, vừa giặt, nước mắt họ cứ chảy theo dòng nước loang máu đỏ”. Để rồi sau 40 năm gặp lại đồng đội được cô băng vết thương trong trận bom oanh tạc, đầu đã hai thứ tóc “Cô nhìn anh không nói lời nào. Cô đưa tay lên nắm lấy cánh tay chỉ là chiếc ống tay áo không, nước mắt cô tự nhiên trào ra”... 
       Chiến tranh là mất mát, đau thương, là nỗi đau của Phượng (Trái tim người đàn bà) - người vợ liệt sĩ, chỉ sau thời gian ngắn ở bên chồng, người đàn bà chung thủy, rồi anh vào chiến trường mãi mãi không về, để lại cho cô giọt máu vào đêm cuối cùng trước lúc đi xa, vừa chịu nỗi đau mất chồng, vừa gánh bao điều tiếng, một mình lặng lẽ nuôi con nên người. Một nữ thanh niên xung phong trở về với đứa trẻ trên tay, nhận con của đồng đội đã hy sinh là con của mình, chịu điều tiếng “không chồng mà chửa”, giấu nỗi niềm sống trong cảnh neo đơn, nghèo khó...
      Trở về, những người lính đối mặt với khó khăn, nỗi lo cơm áo, nhưng những hành trang luôn là điểm tựa để các cựu chiến binh vượt qua gian khó tiếp tục cống hiến cho quê hương như đã từng chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến ác liệt. Những bút ký, tản văn về quê mới Lâm Hà, về những cựu chiến binh đang ra sức làm cho cuộc sống đổi thay từng ngày được cô khắc họa bằng tình cảm đồng đội thiêng liêng. Họ là tấm gương sáng giữa đời thường, dấn thân vào cuộc khai hoang mở đất; đó là nhà thơ Phú Đại Tiềm mang trong mình vết thương chiến tranh vẫn không cam chịu đói nghèo (ký Người lính với thơ), là nhà thơ Nguyễn Gia Tình, Nguyễn Đăng Chấn “xây nên phố thị giữa miền hoang sơ” (Nơi ấy Tân Hà), là niềm hân hoan khi mồ hôi đổ xuống làm nên một Lâm Hà thay da đổi thịt hôm nay (Tản văn Nỗi nhớ Lâm Hà)... Sau cuộc chiến, những người cựu chiến binh trong đó có tác giả thầm lặng sống với ký ức với hoài niệm về một thời hào hùng, nhưng không lặng thầm trước cuộc sống bộn bề. Tác phẩm cho người đọc hiểu hơn giá trị của độc lập, thống nhất, thêm trân trọng hòa bình.
 QUỲNH UYỂN
 
tin tức liên quan