MẸ BỈM SỮA
Truyện ngắn
Hoàng Văn Kính
Chẳng biết kiếp trước tôi với cái Phương có duyên nợ gì với nhau mà sang đến kiếp này hai đứa cứ như hình với bóng mặc dù tính cách khác hẳn nhau. Tôi thuộc tuýp người sống khép kín, ít nói theo quan niệm của các cụ: “ Một điều nhịn bằng chín điều lành ”. Còn nó tính tình thì nóng nẩy, lúc nào cũng xồn xồn. Mẹ tôi bảo: giá chúng mày là một cặp uyên ương, hai tính cách ấy bù trừ cho nhau thì chắc gia đình hạnh phúc lắm đây.
Hai đứa thân nhau. Cùng ngồi ghế Trung học phổ thông, cùng vào Đại học Sư phạm, sau tốt nghiệp cùng thấp thỏm hóng việc. Trong lúc dịch dã đang hoành hành thế này kiếm được một chân hợp với sở trường, sở đoản xem chừng chẳng dễ chút nào.
Một hôm tôi vô tình đọc được mẩu tin trên báo Phụ nữ, Trung tâm Chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19 đang cần tình nguyện viên, tôi alo cho Phương:
- Tao với mày đăng kí tình nguyện làm mẹ bỉm sưa đi.
- Mày điên à. Chồng con chưa có, đẻ đái thì chưa, kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh bằng không, chăm cái thân mình còn chả xong đòi đi chăm trẻ. Dở hơi.
- Thì cứ đi, trước lạ sau quen. Chẳng có gì là không thể cả.
- Trông trẻ sơ sinh, mày tưởng đơn giản như đi trà sữa à.
- Trước lạ sau quen, cứ ru rú ở nhà thì điên thật đấy. Mày có đi không, sáng mai ở nhà tao qua đón, không là tao té một mình.
- Ừ thì đi. Nhưng phải báo cáo lãnh đạo đã chứ.
- Thôi cứ lẳng lặng mà đi, sợ u tao không cho.
- Không được, dấn thân vào chỗ nguy hiểm lỡ xẩy ra chuyện gì thì sao.
Cái Phương nói chắc như đinh đóng cột: Mày yên tâm, miễn tao với mày cùng đồng tâm, còn chuyện ấy tao sẽ bảo bà già sang thuyết phục u mày.
Sáng hôm sau hai mẹ con Phương sang, hai đứa lên gác tìm chỗ ngồi hóng để hai bà to nhỏ ở phòng khách. Mẹ Phương động viên:
- Có gì mà chị phải suy nghĩ đắn đo, Thanh niên sức dài vai rộng chẳng lẽ suốt ngày cứ ngồi nhà ôm cái điện thoại à, chìm đắm vào đấy rồi bị tâm thần lúc nào không hay. Chúng nó tự nguyện đi chống dịch đấy là việc tốt, việc nên làm mình phải khuyến khích chứ.
- Chị chỉ lo… - Giọng mẹ buồn buồn - Nhà có hai đứa con, thằng anh đi trực trong bệnh viện dã chiến hai tháng nay rồi chưa thấy mặt mũi đâu cả…
- Thôi chị đừng khóc nữa, hàng vạn y bác sỹ, cán bộ nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch chứ có phải mình nó đâu. Mình là cha, là mẹ thấy con cái tình nguyên phục vụ người bệnh phải vui lên chứ. Em nói thực với chị nhé chúng nó biết nghĩ, tự nguyện làm những việc có ích như thế là cái phúc của chị em mình đấy. Ối đứa bằng tuổi ấy chỉ biết ăn tàn phá hại, làm khổ bố mẹ, có mà xách dép chạy dài.
Mẹ gọi hai chúng tôi xuống cùng ngồi, hai bà hỏi tỷ mỷ vào đấy làm việc gì, công việc ra sao, cách phòng lây nhiễm như thế nào, có khó khăn và thuận lợi gì… Sau khi được nghe trình bầy tường tận mọi việc, lúc ấy mẹ mới yên tâm, những vẫn còn băn khoăn:
- Con cái chưa có, lấy đâu ra kinh nghiệm mà trông với nom. Chúng mày tưởng trông trẻ, nhất là trẻ sơ sinh dễ lắm à.
Cái Phương nhanh nhẩu: Bác cứ yên tâm, thể nào trung tâm chẳng bồi dưỡng kiên thức, mà không thì vừa làm vừa học cũng được chứ sao. Ngày xưa có ai dậy đâu mà các bà vẫn sinh con đẻ cái nuôi chúng con thành người thế này. Hai bà ngắm kĩ con gái xem, chúng con hơi thông minh đấy. Sau này lấy chồng sinh con tự tay làm tất cả, các bà chỉ việc ngồi rung đùi bế cháu thôi.
- Chỉ thế là giỏi.
Sáng hôm sau, chị Giám đốc Trung tâm niềm nở tiếp chúng tôi. Sau khi tìm hiểu về gia cảnh chị nói: Trung tâm mới thành lập, đang thiếu nhân sự được các em tự nguyện đến trợ giúp thì quý quá. Đây là trung tâm thiện nguyện của thành phố, được thành lập trên tinh thần tự nguyên, từ Giám đốc đến nhân viên đều không có lương, chỉ được hưởng tiền trợ cấp để bảo đảm ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
- Vâng chúng em đến đây hoàn toàn tự nguyện, không đòi hỏi gì đâu chị ạ.
- Vào làm việc rồi các em sẽ thấy, toàn các bé có hoàn cảnh đặc biệt rất đáng thương.
- Mồ côi à chị.
- Cũng có bé mồ côi cả cha và mẹ đều đã qua đời vì Covid, có bé phải cách li vì cả gia đình bị F0, phần lớn các bé phải cách li mẹ ngay sau khi sinh mẹ một nơi, con một nơi có trường hợp cả tháng hai mẹ con chưa được gặp nhau.
Nghe chị Giám đốc nói đến đấy, cái Phương sụt sùi lấy khăn xoa chấm vào hai khóe mắt: Tội quá chị nhỉ.
- Vất vả đấy. Việc của các em là mỗi đứa trông 6 trẻ làm theo ca. Phải quán xuyến mọi việc từ cho ăn, cho ngủ, thay bỉm, tắm rửa vệ sinh, kiểm tra thân nhiệt. Phát hiện được bất thường thì phải kịp thời báo ngay.
- Chị nói em lo quá, chúng em chưa có kinh nghiệm gì liệu có làm được không ạ.
- À chuyện ấy không phải lo, Trung tâm sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng kĩ năng chắm sóc trẻ sơ sinh. Trong 3 ngày các em sẽ lĩnh hội được tất cả các kiến thức cơ bản của một bà mẹ mới sinh con.
Sau này qua tìm hiểu chúng tôi mới biết: Chị Giám đốc là bác sỹ chuyên khoa sản, đã có gia đình, chồng chị là một bác sỹ giỏi có học hàm, học vị. Anh cũng đang phụ trách một bộ phận tại một bệnh viện dã chiến của thành phố, anh chị đã có một cháu trai gửi cho ông bà nội trông. Trung tâm Chăm sóc này là sáng kiến của hai anh chị và được thành phố cấp phép.
Ba ngày tập huấn, chỉ một ngày học lí thuyết còn lại học thực hành. Lí thuyết thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hành mới thấy lúng túng. Lúc đầu cứ lóng nga lóng ngóng, có 4 cái làm tôi sợ nhất: bé thì bé tẹo, lúc bế giữ sao để bé khỏi lọt cánh tay; lúc tắm phải làm sao để nước khỏi lọt vào tai, vào mũi bé; lúc cho bé bú bình phải làm sao để bé không bị sặc và nếu chẳng may xẩy ra những tình huống sặc sữa, nôn trớ thì phải xử lí như thế nào và cách nắm bắt nhu cầu của trẻ qua tiếng khóc.
Chỉ có thế thôi cùng với việc thay bỉm, nựng cho bé ngủ mà phải làm đi làm lại cả chục lần mới gọi là tạm được. Phương bảo: Mày ạ, trông thì tưởng đơn giản nhưng có làm mới biết không hề đơn giản tý nào, nó đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỷ mỷ, nhẹ nhàng và trên tất cả phải có một trái tim nồng ấm của người làm mẹ. Nhưng tao tin hai đứa mình sẽ làm được.
Tôi được làm mẹ của 4 bé trai và 2 bé gái. Bé gái nhỏ nhất 2,5kg, bé phải cách li mẹ ngay sau sinh. Bé trai to nhất 3,3kg, cháu sinh được 5 ngày phải đi cách li vì mẹ dính F0, cháu cũng là trường hợp được ở với mẹ nhiều thời gian nhất. 6 đứa trẻ, đứa nào cũng rất đáng yêu, đặt trong nôi loáng thoáng như nhau, cách để nhận biết dễ nhât là nhìn vào đầu tóc: đưa ít tóc, đứa tóc đen nhánh, đứa thì trọc lốc. Chúng chỉ ngọ nguậy khi đói hoặc ướt bỉm.
Ảnh minh họa
Nhìn các thiên thần bé bỏng, trong lòng tôi trào dâng cảm xúc khó tả. Giấy phút ấy tôi chợt nghĩ đến những bà mẹ sinh con ra mà không được ở gần con, thậm chí chưa một lần được nhìn mặt con, lòng đau thắt lại. Tôi tự dặn mình phải yêu thương, chăm sóc thật tốt để phần nào bù đắp những thiệt thòi cho các bé, để các con thật khỏe mạnh đến ngày trao các bé vào vòng tay yêu thương của gia đình.
Những đêm đầu tiên tôi khá sốc vì công việc vất vả hơn những gì mường tượng trước đó. Bận nhất là khi cả 6 đứa cùng ngọ nguậy. Mỗi đứa một nết, đứa thì gào thật to, mấy chục ml sữa nhoắng cái là hết rồi quay lăn ra ngủ. Đứa chỉ ọ ẹ, cũng bằng ấy sữa nhưng phải vỗ về, nựng mãi mới hết. Có những đêm các con “ khó ở “ chỉ mấy chục ml thôi mà phải đánh vật cả tiếng đồng hồ, quay đi quẩn lại liếc nhìn đồng hồ đã 3 giờ sáng, cơn buồn ngủ níu lấy chân tay, kéo mi mắt sập xuống. Cũng có khi phải bế nựng cùng lúc hai đứa nhưng cũng chỉ chốc lát thôi rồi phải đặt xuống, không thành thói quen lúc nào cũng đòi bế trên tay thì… chết.
Tuy không phải mặc bộ đồ bảo hộ, nhưng khi vào ca trực, tiếp xúc với các con chúng tôi đều phải xát khuẩn, đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn. Trời nóng, nhiều khi mồ hôi chảy ướt cả đầu tóc, quần áo, bức bối, ngột ngạt nhưng với các con thì mọi cử chỉ đều phải nhẹ nhàng, âu yếm. Có bé ra đời bằng chỉ định phẫu thuật, mẹ bé bị bệnh nặng, không nhanh thì không kịp cứu cả con, bố và cả gia đình đều bị F0 phải cách li điều trị tại các trung tâm. Mỗi lần ôm bé vào lòng, ánh mắt thơ ngây hé mở của bé nhìn vào mắt tôi như một sự nứu kéo, gửi gắm tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc các bé.
Tôi với cái Phương cùng ca trực nhưng ở hai khu vực khác nhau, chỉ được gặp nhau qua Ai-phôn. Nó khoe:
- Mày ạ, chỉ các bé mới rèn được cho tao đức tính tỷ mỷ, dịu dàng, kiên nhẫn. Mà có lẽ chỉ ở đây tao mới nhận ra trong con người mình cũng còn có cả những đức tính ấy nữa. Thế mà mẹ tao cứ hay mắng:
Con gái con đứa chân tay thì vụng về, làm cái gì cũng ẩu đoảng như thế chẳng biết sau này chăm bẵm con thế nào. Không chịu khó học hỏi, thay đổi thì sớm muộn gì chồng nó đuổi ra khỏi nhà.
- Ừ, sau đợt này á các con nó rèn cho trở nên dịu dàng, nữ tính ối thằng tít mắt, xếp hàng, xách dép chạy theo.
- Tao cũng tự thấy thế. Được sống gần các con, được chắm sóc yêu chiều, vỗ về chúng nó làm cho mình trưởng thành hơn.
Khi mới tiếp nhận các con, nhìn khuôn mặt đứa nào cũng non nớt dại dại, nhưng chỉ sau vài tuần nom nét mặt đứa nào cũng hồng hào, từ ánh mắt đến cử chỉ chân tay đều linh hoạt hơn. Đấy là niềm an ủi, động viên lớn nhất với các bà mẹ bỉm sữa.
Ở nhà với bố mẹ chỉ ăn, chơi với ngủ chưa bao giờ phải thức trắng đêm như vậy. Bây giờ thì ăn cũng vội, bữa cơm phải thấp thỏm đứng lên ngồi xuống vài lần, đi vệ sinh cũng vội, làm cái gì cũng phải khẩn trương, gọi điện thoại cũng thì thào nhỏ nhẹ. Để chống chọi lại sự hành hạ của những cơn buồn ngủ tôi phải tìm đến cà phê, rồi vỗ nước lạnh vào mặt, nhiều lúc phải bẹo vào đúi cho thật đau.
Mẹ gọi điện hỏi: Thế tới đây giỗ bố, con có xin về được không.
- Anh con có về không mẹ.
- Nó trực ở đấy thì về làm sao được.
- Con cũng không về được đâu mẹ ạ. Mẹ cứ làm giỗ cho bố thật chu đáo nhưng đừng bầy vẽ gì cả. Đang dịch dã, ai ở đâu ở yên đó nên mẹ chỉ điện thông báo để cô với chú biết thôi, tụ tập là vi phạm quy định đấy. Chúng con tuy không về được nhưng lúc nào cũng nhớ bố mẹ, mẹ phải ăn uống thật đầy đủ để còn chống con Covid đấy mẹ ạ.
- Bao giờ con về.
- Chưa biết được mẹ ạ. Cứ khi nào hết dịch, không còn những bé phải xa mẹ, xa gia đình vì Covid thì con về. Đừng buồn mẹ nhé, con yêu mẹ. Mẹ không nói gì. Tôi nghe rõ tiếng sụt sùi và những giọt nước mắt của mẹ lăn trên mặt chiếc Ai-phon tôi đang cầm trên tay. Thương mẹ quá.
Tranh thủ chợp mắt, lúc đang mơ màng thì bỗng nghe tiếng bé ọ ẹ rồi khóc ré lên, tôi vội chạy lại thủ thỉ:
- Ôi sao thế con, vừa ăn được một lúc mà lại đói hay khó chịu ở cái mông xinh xinh. Để mẹ xem xem nào. Ôi một bỉm đầy, chả trách khó ngủ là phải - Lấy giấy ướt lau chùi sạch sẽ cho bé, thay bỉm mới, quấn chăn, đưa bé trở lại nôi lúc ấy bé mới yên giấc cho đến sáng.
Phương alo hỏi: Các thiên thần ở chỗ mày thế nào.
- Ăn nó, ngủ kĩ như cún con no sữa ý.
- Chỗ tao đêm qua có bé bị ốm, quấy khóc tao phải thức ôm, vừa vỗ về, vừa lượn suốt đêm. Mắt díp lại, mỏi hết cả tay, chân chỉ muốn khuỵu xuống.
- Bé ốm có nặng không.
- May quá chỉ bị viêm phế quản nhẹ, được chích thuốc kịp thời, từ sáng đến giờ ổn rồi.
- Mày cũng tranh thủ nghỉ ngơi, lấy lại sức, cuộc chiến còn lâu dài đấy.
Làm nhiều thành quen, mọi thao tác diễn ra thuần thục, đúng quy trình, tôi như một người mẹ thực thụ mặc dù chưa một lần sinh nở. Niềm vui nhất của những bà mẹ bỉm sữa là mỗi ngày lại thấy các con thay đổi, cứng cáp, khỏe mạnh hơn và chứng kiến hạnh phúc xum vầy của các gia đình, người thân đến đón con. Đấy mới là phần thưởng cao quý nhất dành cho những bà mẹ bỉm sữa chúng tôi.
Cầu mong cho các con luôn được bình yên. Cầu mong cho dịch dã sớm qua để những trẻ sơ sinh mãi mãi được nằm trong vòng tây ôm ấp của mẹ.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN