“Phụ nữ là số một”. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:21 16/10/2021 Lượt xem: 334
 
--------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhân ngày phụ nữ Việt-Nam 20-10
 
PHỤ NỮ LÀ SỐ MỘT
Hoàng Văn Kính
 
       Sau khi bài viết “ Nói nhỏ với các bà, các chị nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3” được Báo điện tử HVHNT Trường Sơn đăng tải vào ngày 7/3/2021, tác giả bài viết nhận được nhiều phản hồi. Nhưng phải dằn lòng chờ đến hôm nay, một ngày trọng đại mới có dịp chia sẻ, dãi bầy.
       Về bài viết ấy, các phu quân thì vỗ đùi ủng hộ hết lời: Phải nói thẳng như thế cho các bà ấy biết để còn cầu thị. Ông viết thế còn nương tay đấy, lẽ ra phải bổ mạnh nữa vào cho sáng mắt ra, chỉ thích tinh tướng. Mình nói thẳng, nói thật việc gì ở cuối bài viết ông phải ngỏ lời xin lỗi, rồi họ lại vênh mặt lên… Còn các bà, các chị thì lên tiếng phản đối rầm rầm, đòi sự công bằng. Họ thừa nhận những gì đã nêu trong bài viết ít nhiều đều đúng. Tuy nhiên đòi hỏi phải có cái nhìn khách quan hơn để phần nào giải tỏa nỗi oan ức phải mang tiếng xấu là kẻ chuyên gây sự: Tại sao chúng tôi phải biến mình thành sư tử Hà Đông?. Tại sao chúng tôi lắm điều. Tại sao... Các ông cứ ngoan ngoãn, hiền lành làm tròn phận sự người chồng, người cha xem có cho kẹo chúng tôi cũng chẳng thèm đụng vào cái lông mũi cho… bẩn tay.
       Sợ quá. Mặc dù ở phần cuối bài viết “ Nói nhỏ…” tác giả cũng đã thừa nhận phần nào lỗi lầm, khuyết điểm của đấng mày râu để dẫn đến cơ sự ấy và ngỏ lời xin lỗi, nhưng xem ra chỉ ngần ấy thôi chưa đủ làm vui lòng người giữ lửa.
       Trước khi gửi Ban biên tập bài viết này, tôi có tham khảo mấy lão làng trong hội CCB, nhìn chung họ lạnh nhạt, cho rằng tôi nhát gan, họ mới hắng giọng mà đã… vãi ra quần. Ngay cái tít “ Phụ nữ là số 1” cũng gây nhiều tranh cãi: Ông đưa họ lên hàng số 1 thế anh em mình là số mấy. Loạn hết rồi, thời buổi nào mà cột phụ lại thành cột chính. Viết thế để họ vênh mặt lên, còn coi anh em mình ra cái đếch gì nữa. Tôi phải nhún nhường thanh minh: Các bà, các chị vất vả hầu hạ chồng con cả năm, có hạ mình thì cũng đã sao.
       Nhân dịp ngày trọng đại này, trước hết xin kính chúc các bà, các chị, các em luôn khỏe, trẻ và đẹp, làm thật tốt vai trò người giữ lửa trong gia đình và sau nữa cũng có đôi lời gọi là… gì cũng được để các bà các chị khỏi ấm ức.
       Bên cạnh người giữ lửa, các đấng phu quân luôn được khảng định vị thế người trụ cột trong gia đình. Đã là trụ cột thì đích thị phải là cột cái, cột lim, cột bê tông đàng hoàng. Trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Ấy vậy mà không ít gã đã trở thành cây cột mục hủy hoại cả ngôi nhà hạnh phúc mà người giữ lửa ngày đêm vun đắp.
       Có 4 điều mà khi tâm sự, chia sẻ bà nào, chị nào cũng lên án mạnh mẽ:
Thứ nhất: Điều mà các bà, các chị sợ nhất và cũng ghét nhất ở đàn ông là thói nghiện ngập: rượu chè, hút sách các kiểu, cờ bạc các kiểu…Bập vào những thứ ấy là thành kẻ bạc nhược, bê tha, bệ rạc, thành kẻ ăn tàn, phá hại.
Để thỏa mãn tất cả những “ đám mê” đó, đòi hỏi trong túi phải rủng rỉnh tiền và khi túi đã rỗng thì họ trở thành kẻ bất lương. Không ăn cắp được của thiên hạ thì về móc túi vợ, vơ vét đồ đạc trong nhà mang bán. Không lừa được thiên hạ thì về lừa anh em, họ hàng, vợ con mình. Nghiện ngập biến họ thành những con quỷ khát máu, bất chấp tất cả luân thường đạo lí để thỏa mãn cơn nghiện.
       Tôi bảo đảm rằng không người vợ nào có đủ sự nhẫn nhịn trước một trụ cột mục ruỗng như vậy và không sớm thì chầy cái tổ ấm ấy cũng sẽ đổ vỡ. Vớ phải một đức lang quân như thế là điều bất hạnh với các bà, các chị.
Thứ hai: Thật ra cái cách ví von “ trụ cột” là nhằm vừa để tôn vinh vừa để khảng định vị thế của người đàn ông trong gia đình nếu họ thực sự làm tròn bổn phận của người chồng, người cha. Chẳng ai dám cạnh tranh cái vị trí độc tôn ấy cả. Ý thức được điều ấy thì cùng với người giữ lửa cái trụ cột kia sẽ góp phần xây nên một ngồi nhà vững chắc, một tổ ấm hạnh phúc, mãn nguyện.
       Nhưng rất tiếc sự đời đâu phải thế, nhiều đấng phu quân lại ngộ nhận cái danh xưng ấy là tối thượng. Nghĩ cái gì, làm cái gì, nói điều gì đều là phán quyết của thánh, mọi người đều phải răm rắp tuân theo, không ai được quyền cãi lại. Họ tự cho mình cái quyền được xả ra những lời nhục mạ, phùng mang trợn mắt, thượng cẳng chân hạ cẳng tay chẳng cần biết đấy là người đầu ấp má kề cùng song hành trong suốt cuộc đời mình. Một khi đã hành xử bằng thói vũ phu thì khác gì dội gáo nước lạnh vào ngọn lửa.
       Trịch thượng, bảo thủ, chuyên quyền, độc đoán là những tính cách rất xấu của người đàn ông. Cái vú thì bé tẹo mà cứ muốn lấp miệng người khác. Thấy các bà, các chị nín nhịn lại tưởng họ sợ, đến một giới hạn nào đó con giun xéo lắm cũng phải vùng lên. Cái giỏ mà không có hom thì giá trị của nó cũng chỉ để đựng rác.
Thứ ba: Người ta hay ngụy biện: có yêu thì mới ghen, lấy đó như một chân lí cho cách hành xử thô bạo của mình. Nhưng ghen là biểu hiện của lối tư duy cực đoan, biểu hiện của sự bất lực, nó hạ thấp giá trị của đức ông chồng, chạm đến giới hạn lòng tự trọng của người phụ nữ và dĩ nhiên sau đó là sự phản ứng tiêu cực.
Một khi đã nổi cơn ghen thì thành kẻ mù quáng, suy diễn đủ thứ và không còn đủ sự tỉnh táo để phân biệt đúng sai, phải trái. Cảm giác bất an, bị cắm sừng đã biến họ thành kẻ đê tiện luôn ngờ vực, rình mò, theo dõi. Tất cả việc làm của chị nhà đều bị đưa vào tầm ngắm, suy luận thành chuyện mờ ám. Tích tiểu thành đại, tình cảm vợ chồng lạnh nhạt dần và đổ vỡ.
       Chẳng có người vợ nào lại chịu được thói ghen tuông mù quáng của chồng cả ( nhất là người phụ nữ có lòng tự trọng ) thế là cả hai đều có những lời lẽ xúc phạm lẫn nhau. Mày tao, đồ nọ đồ kia trở thành ngôn ngữ đối thoại giữa hai người. Vớ phải những ông chồng như thế đến bụt cũng không thể nín
nhịn, huống hồ là người giữ lửa.
Thứ tư: Vợ là một nửa của đời mình, cùng đồng hành đến lúc răng long, đầu bạc. Con cái rồi cũng sẽ lấy vợ gả chồng, con đàn cháu đống, có cuộc sống gia đình riêng, chỉ còn ông bà tắt lửa tối đèn luôn bên nhau, dắt tay nhau đi đến cuối hành trình cuộc đời. Có câu: Con chăm cha không bằng bà chăm ông, đấy vừa là tình cảm, vừa là ân nghĩa. Bởi vậy luôn ở bên nhau quan tâm, chăm sóc, chia sẻ là biểu hiện của tình yêu lúc xế chiều.
       Thường các đấng phu quân hay mắc phải một quan niệm sai lầm cho rằng phục vụ, hầu hạ chồng con là bổn phận, trách nhiệm của vợ. Từ bữa ăn đến sinh hoạt hàng ngày có điều gì không vừa ý là cấm cẳn kêu ca, phàn nàn, đòi hỏi. Vợ thì bận bịu, luôn chân luôn tay túi bụi suốt ngày, trong đó các ông sức dài vai rộng lại suốt ngày lượn lờ bạn bè, chè thuốc, cắm mặt vào cái Iphone, không rời mắt khỏi cái tivi lại còn đòi hỏi được hầu.


Tranh vui minh họa
 
       Đúng là nghịch cảnh, một sự bất công. Đều là phận người, không ai là thánh cả. Những va chạm là một phần trong quan hệ vợ chồng, trong cuộc sống gia đình.
       Tình yêu thường được nhân lên theo thời gian, trẻ có thứ tình lãng mạn của trẻ, già có thứ tình mặn mà của già nhưng giả xử vì một lí do nào đó mà tình yêu giữa hai người bị phôi phai đi thì vẫn còn cái nghĩa đủ để nuôi dưỡng lòng bao dung, vị tha trong mỗi chúng ta.
       Nếu cánh đàn ông chúng mình bớt bảo thủ, bớt sỹ diện hão, bớt nóng nầy, biết kiểm soát cái “tôi”, biết chung tay xây dựng gia đình thì các bà, các chị không phải là người cố chấp. Tôi tin là như vậy. Một điều nhịn bằng chín điều lành. Như thế chắc chắn chúng ta sẽ được các bà, các chị hết lòng cung phụng, chiều chuộng.
       Sau khi đọc xong cái bản thảo này, lão hàng xóm nhìn tôi bảo: Nói số 1 là thể hiện sự tôn trọng, ghi nhận và yêu thương. Chỉ sợ các bà, các chị lai hiểu lầm đấy là vị trí cột cái thì rắc rối to đấy.
- Mình là đàn ông, là đấng trượng phu – Tôi bảo - đừng quá ích kỉ. Số 2 cũng tốt, có sao đâu, miễn các bà, các chị vui là chúng mình sướng rồi. Muốn gì chả được. Nên nhớ: hôm nay là ngày Phụ nữ Việt-nam, chỉ việc có một ngày trọng đại này cũng đủ nói lên sự trân trọng, lòng biết ơn của mỗi chúng ta với các bà các chi, các em. Có phải không các bác.
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
tin tức liên quan