“Cho ngày mai bình yên” - Truyện phòng chống covid-19 của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 11:56 26/10/2021 Lượt xem: 392
CHO NGÀY MAI BÌNH YÊN
Hoàng Văn Kính
 

(Tranh minh họa)
 
       Cả tuần nay trời nóng như rang, cái mảnh bom còn găm trên đầu tôi lại sinh chuyện, đau như búa bổ, ăn ngủ không được phải nằm bẹp ở tầng trên, cơm nước vợ con phục vụ tận miệng. Hai hôm nay nhờ có mưa, không khí dịu hẳn xuống, thấy người khỏe ra, các cháu động viên bố xuống ăn cơm cùng cả nhà cho vui. Nhìn mâm cơm có đĩa cá trắm kho tôi thắc mắc: Nhà mình hôm nay đến phiên đi chợ đâu mà mà có nồi cá kho ngon thế. Con dâu bảo:
-Mẹ bồi dưỡng, món ăn bố thích nhất đấy.
       Vừa gắp miếng cá to vào bát cho tôi, bà xã phân trần: Cá với rau tươi bên chú Hải mang sang cho đấy. Đêm nay chú phải đi trực, sáng mai ông tranh thủ chốc lát sang chơi cảm ơn rồi hỏi thăm xem cái vết thương bị tai nạn trong lúc trực đã đỡ chưa. Khổ thế, làm phúc phải tội, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng mà cũng chẳng yên.
- Mẹ ơi thế cái đứa tông xe vào người chú ấy gây tai nạn đã bị bắt chưa ạ.
- Công an đã triết xuất camera, đang truy tìm tung tích. Chắc sớm muộn gì cũng bắt được thôi. Đúng là một lũ phá hoại, cái loại ấy cứ phải phạt cho thật nặng, tống cổ vào lò cho nó biết thế nào là lễ độ.
       Sang thăm, hai anh em ngồi nói chuyện, ông Hải kể: Thấy ở trên này thực hiện dãn cách nghiêm ngặt sợ con cháu thiếu ăn, ở quê bà ngoại sốt ruột giục ông cậu gửi xe lên cho cả đống đồ: gạo, các loại rau củ, cá, chuối xanh, khoai lang, khoai tây… đổ ra cả một góc nhà. Vợ em bảo bọn trẻ: Lúc này nhà nào cũng khó khăn, thiếu thôn, có tiền chưa chắc đã mua được thực phẩm, các con chia ra mang biếu hàng xóm mỗi nhà một túi, gọi là của ít lòng nhiều, những lúc khốn khó này mới cần đến nhau chứ bình thường đèn nhà ai nhà ấy rạng có mang sang họ cũng chẳng lấy.
- Thế chú vẫn đi trực chốt đấy à – Tôi hỏi – Cái vết thương trên tay đã khỏi hẳn chưa, đưa tôi xem nào – Một vệt sẹo dài đang lên da non trên cánh tay - Sao lại để xẩy ra nông nỗi này, vốn là lính Đặc công sao chú không táng cho nó một trận.
- Nói thật với bác, cái loại hạng lông, hạng ruồi ấy không đáng một cái búng của em, đụng vào chỉ tổ bẩn tay bẩn chân. Chuyện là thế này: Giữa trưa, em đang kiểm tra giấy tờ xe thì có một thằng lao lên định thông chốt, em chặn lại chưa kịp kiểm tra giấy tờ thì nó bất ngờ rú ga chiếc xe lao thẳng vào người, may mà em kịp né sang một bên thế là bị trượt chân ngã. Mà dại gì đụng vào cái loại ấy, có thằng nó dở trò chỉ để quay clip tung lên mạng rồi lũ phản động bám lấy lu loa lên: Cán bộ trực chốt đánh dân là phiền toái lắm, cứ để cho các cơ quan chức năng xử lí.
- Còn có chuyện thế cơ à.
- Vâng bọn lưu manh, phản động, phá hoại chúng không từ một thủ đoạn đê hèn, bẩn thỉu nào cả, mình không cảnh giác là mắc mưu chúng ngay.
       Vợ chú Hải bê khay trà vào: Nhà em cũng đỡ rồi bác ạ, cũng may chỉ bị rạn xương thôi, mọi người bảo nghỉ thêm tuần nữa, nhưng thấy không đủ người trực nên anh cứ đòi đi, chẳng ai cản được cả.
       Ông Hải dãi bầy: Mỗi ca trực bình thường chỉ có ba người, mình nghỉ ngày nào thì anh em khác lại phải gồng mình thay thế, với lại cũng ổn rồi, em đi trực lại cũng đã được gần một tuần.
- Bác ơi, dầu dãi hơn hai tháng nay rồi – Bà Hồng kể: Gọi là ca trực 8 tiếng nhưng có ngày nào được 8 tiếng đâu. Tranh thủ về nhà, tắm rửa xong, và vội lưng cơm rồi lại tất tả đi. Có hôm nửa đêm đang ngủ, có điện thoại lại vội vội, vàng vàng cầm cái đèn pin đi ngay.
- Người ít, những lúc có nhiều việc, có sự cố thì phải xúm tay vào cùng giải quyết chứ - Ông Hải nói chen vào - Từ ngày dịch bùng phát chi hội Cựu chiến binh xung phong đứng ra làm nòng cốt ở các chốt trực, mỗi ngày ba ca, bắc ghế, che ô, căng dây trực ở cả bốn cái ngã ba vào ngõ ngách còn tuyến đường trục do Công an và các lực lượng chuyên môn đảm nhiệm. Mình còn may mắn được ăn cơm nhà chứ như các chiến sỹ Công an, Bộ đội mấy tháng trời không được về. Nhớ vợ con chỉ tranh thủ lúc nghỉ mới a-lô về, đau đớn hơn khi có chiến sỹ nhận tin người thân bị mất vì Covid mà không về được. Cuộc chiến này có quá nhiều mất mát, họ chỉ còn biết nén đau thường cùng đồng đội tiến lên phía trước.
- Tiếc qúa, không bị ốm nặng tôi cũng đăng kí làm một chân trực. Mình lớn tuổi rồi, không còn sức khỏe đi tuần tra, đi hỗ trợ các gia đình thì tham gia trực. Mỗi người một chân một tay, cả xã hội cùng đồng lòng thì sớm muộn gì cũng chiến thắng được cái nạn dịch này.
- Đấy mấy chục hội viên chi hội CCB của tổ dân phố mình các ông, các bà đều tham gia hết. Hôm họp chi hội để quán triệt nhiệm vụ, có cụ tuổi đã cao không được phân công đi trực, thế là dỗi:
- Tôi trên 40 năm đi lính, hết Pháp, Mỹ rồi đến Tầu chẳng sợ thằng đếch nào cả, thế mà bây giờ cả nước đang ra quân chống dịch, các đồng chí không cho tôi tham gia là không được đâu – Thế là đành phải ghi tên cụ. Có bà nhà neo người, sợ tham gia rồi ở nhà không có ai trông cháu, bà dứt khoat không nghe: Các đồng chí cứ để tôi tham gia, việc gia đình tôi, tôi khắc lo được. Đấy bác xem anh em mình đúng là cựu nhưng không già, có hoạn nạn như thế này mới hiểu hết được tấm lòng của dân với đất nước.
       Trong tổ dân phố có hai trường hợp FO, nên bị khoanh là vùng đỏ, việc dãn cách xã hội được tiến hành rất nghiêm ngặt, thực hiện quy định: Ai ở đâu, ở yên đó. Là tổ dân phố có đông dân cư nhất của phường, tất cả các ngõ ngách đều bị lập chốt phong tỏa: Nội bất xuất ngoại bất nhập. Bình thường mỗi chốt có ba CCB trực, những lúc giờ cao điểm được tăng cường thêm hai đồng chí Công an chính quy. Cứ 8 tiếng thay phiên một ca trực, anh em CCB trực phải mang mặc quân phục chỉnh tề, chân đi giầy, đầu đội mũ có gắn sao. Lúc đầu cũng có người phản ứng nhưng rồi tất cả đều thống nhất với lí lẽ: Phải mang mặc như thế để thể hiện sự nghiêm túc trong thực thi công vụ đồng thời cũng để mọi người nhìn đó mà nghiêm chỉnh chấp hành các quy định.
- Một cuộc chiến thật sự. Có khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh hay không một phần quan trọng cũng nhờ vào lực lượng trực chốt. Thế ăn uống thì sao.
- À, cơm nhà ai người ấy ăn. Ngoài ra còn có chế độ ăn nhẹ giữa mỗi ca trực ngay tại chốt do chi hội phụ nữ đảm nhiệm, kinh phí lấy từ sự hỗ trợ, đóng góp ủng hộ của các ban ngành đoàn thể, các mạnh thường quân, gọi là ăn nhẹ nhưng cũng đàng hoàng lắm. Thực ra thì uống nhiều chứ ăn được mấy. Đấy bác xem trời nóng như đổ lửa, chỉ ngồi chơi không cũng còn há mồm ra thở huống hồ mặt mũi lúc nào cũng phải bịt kín khẩu trang, kính chống giọt bắn. Có việc phải vào sâu trong các ngõ ngách bắt buộc phải trùm lên người bộ bảo hộ kín mít từ đầu xuống chân, có muốn đi vệ sinh cũng phải cố mà nhịn, phải xong việc mới được cởi lúc ấy quần áo ướt sũng mồ hôi, thở không ra hơi, nói không thành tiếng. Ấy là chưa kể hầu như ngày nào cũng gặp những thằng bố láo, cà khịa để thông chốt.
- Sao lại có những đứa khốn nạn thể nhỉ, đúng là cái đồ vô học, vô giáo dục.
- Vô học, vô giáo dục cũng có; bằng nọ cấp kia - đại học tiến sỹ cũng có; quan chức ông nọ bà kia cũng có, những kẻ luôn vỗ ngực là văn nghệ sỹ, người nổi tiếng, doanh nhân cũng có, đủ cả chó mèo, cứt đái chẳng thiếu thành phần nào, càng những đứa có chút máu mặt lại hay cậy càng, cậy vây làm càn. Nhiều khi bực lắm nhưng vì nhiệm vụ mà phải kìm nén chứ nói thực với bác ra ngoài đời chắc chắn không ăn mấy cái bạt tai cũng phải vài cú thụi. Có trường hợp thế này mới điên tiết chứ: Đang giờ cao điểm, người xe lưu thông nhiều có lão trung niên mặt mày ba trợn, ba trạo không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang phóng xe. Khi bị chặn lại nó nhảy xuống chỉ tay vào mặt anh Công an:
-Tránh ra cho bố mầy đi, mày là cái thá gì mà ngăn được tao.
       Anh công an từ tốn: Tôi đang làm nhiệm vụ, đề nghị anh cho kiểm tra giấy tờ.
- Giấy tờ của tao do tỉnh cấp, tao chỉ trình với tỉnh thôi. Mày là đồ tép riu, cẩn thận mất sao gạch đấy.
- Anh đã mắc các lỗi: Không có các loại giấy tờ đi đường theo quy định; ra đường không đeo khẩu trang; trong hơi thở có nồng độ cồn còn chống người thi hành công vụ. Đề nghị anh vào bàn làm việc kí biên bản, nộp phạt.
- Tao không vào, tao không nộp đấy chúng mày làm đ…gì được tao.
       Thấy căng thẳng, tôi chạy lại: Đề nghị bình tĩnh, anh đã sai rồi phải kí biên bản nộp phạt là đúng lại còn quát tháo, dọa nạt ai.
- Tiên sư thằng già, việc của mày đâu mà chõ mõm vào, muốn chết à – Nói rồi nó lao đến, giang tay định đánh vào mặt tôi. Rất nhanh anh Công an túm lấy cổ áo quật ngã xuống, còng số 8 vào tay, vậy mà nó vẫn còn gân cổ lên dọa: Chúng mày sẽ biết tay bố mày.
       Cũng có trường hợp phải ứng cứu ngoài cả sức tưởng tượng của mình. Khoảng 9 giờ tối cách đây mấy ngày, lúc ấy đường vắng, trời lất phất mưa có hai người phụ nữ đèo nhau trên một chiếc xe máy, dáng vẻ vội vàng, đến chỗ chốt chặn thì dừng xe:
- Bác ơi cứu cháu với, chị cháu đau bụng sắp đẻ rồi. Làm thế nào được hở bác. Bác ơi nhanh lên cứu chị cháu với.
       Cả ba anh em chạy lại, đỡ cô gái đang quằn quại đau từ trên xe xuống. Người thì dìu vào vệ đường, người che mưa, người thì chạy đi gõ của các gia đình gần đó nhờ cứu viện. Đúng lúc ấy, cô gái đau quặn bụng, hai hàm răng mím lại, níu lấy cánh tay tôi, rồi thằng bé chui ra. Nó to quá, chỉ lọt được cái đầu chẳng biết làm sao tôi vừa động viên mẹ cháu cố rặn, còn mình lựa tư thế đón cháu bé ra trong tiếng khóc oe oe. Em bế thằng bé còn đỏ hỏn lên tay, cũng may có mấy bà đến kịp trợ giúp. Hôm sau được tin cả hai mẹ con đều an toàn, khỏe mạnh lúc ấy chúng em mới thở phào nhẹ nhõm.
       Vợ chú Hải cười: Hết dịch em phải động viên anh nhà em đi học một khóa đỡ đẻ, kiếm ăn được bác nhỉ - Tôi nói vui: Cũng nên như thế, cô phải đẻ thêm vài đứa nữa để chú ấy có việc mà làm chứ. – Chị cười: Bác chỉ hay đùa, trên sáu mươi cả rồi em cũng muốn có thêm vài đứa nhưng cố mãi chả được.
- Bác ạ, đúng là một cuộc chiến, ngoài việc phải căng sức chống dịch, một loại kẻ thù rất tàn bạo nhưng vô hình, cơ quan chức năng và các lực lượng trực chốt còn phải chống lại một loại kẻ địch hữu hình chính là bà con của mình nhưng ý thức, trách nhiệm công dân rất kém không những không tuân thủ các quy định chống dịch mà còn cố tình vi phạm, chống đối, gây khó khăn, chửi bới, dọa nạt, hành hung, sử dụng giấy tờ giả, mạo danh cán bộ công chức cản trở việc thực thi công vụ.
       Đấy mới tháng trước một Thượng úy công an đuổi theo một thằng thông chốt ngáo đá, bị nó tạt đầu xe gây tai nạn hy sinh thương tâm, hoặc có đứa đâm thăng xe vào người trực chốt gây trấn thương sọ não. Có thằng còn vác rựa, đuổi chém các chiến sỹ trực chốt. Nhiều đứa tuổi chỉ bằng con cháu mình thế mà nó cứ xưng xưng quát tháo, chửi bới tao mày cá mè một lứa. Những chuyện như thế, it nhiều ngày nào cũng có.
- Trong cuộc chiến này không phải chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn có cả máu nữa, những giọt máu đổ xuống để đổi lấy sự bình yên cho mỗi người dân trong lúc dịch dã đang hoành hành. Họ rất xứng đáng được Đảng, Nhà nước và toàn dân tôn vinh – Bác Linh lặng người đi: Chú phải ăn uống, bồi bổ để có sức chiến đấu lâu dài chứ: Mắt thì thâm quầng, hai má tóp lại, da dẻ xạm đen, không giữ gìn sức khỏe là gục đấy. Xem chừng dịch dã chưa thể kết thúc sớm trong ngày một ngày hai được đâu. Thế chú không sợ lây bệnh à.
- Chuyện ấy thì yên tâm được. Tất cả những người trực chốt đều được tiêm đủ hai mũi vắc-xin, bà xã em với các cháu đều đã được tiêm một mũi. Với lại quán triệt kĩ lắm, nhắc nhở thường xuyên, nắm vững quy trình phòng chống nên cũng không đáng ngại bác ạ. Thôi đến giờ rồi, em xin phép đi trực đây. Bác cũng cố phải giữ gìn sức khỏe, lớn tuổi rồi lại có bệnh nền dễ bị lây nhiễm lắm, tốt nhất bác cứ ở nhà không phải ra ngoài, cần gì bảo các cháu nó đi cho, lúc không ai ở nhà thì cứ gọi bên nhà em. Bác cứ đăng kí trước đi, khi nào khỏe thì tiêm vắc-xin, phải tiêm thì mới sống chung với con Covid được.
- Cảm ơn chú. Anh cũng đăng kí rồi, cũng mong cho mau khỏe lại còn đắng kí xuất trực chốt. Chống dịch như chống giặc, mỗi người một chân một tay thì mới đánh bại được cái loại giặc này.
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan