"Một ký ức buồn" - Truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 06:59 10/03/2022 Lượt xem: 291


MỘT KÝ ỨC BUỒN

Truyện ngắn của Xuân Tuynh

       Sau một tháng đi điều trị bệnh sốt rét ở bệnh viện Binh trạm, cách đơn vị cả ba ngày đường rừng. Bản về đến đơn vị thì trời đã ngả về chiều. Điều buồn là đơn vị đã rời đi nơi khác, doanh trại của đơn vị giờ là một Đại đội nữ Thanh niên xung phong đến ở.
       Không còn đơn vị, Bản đứng ngơ ngác trước lán trại cũ của Đại đội bộ dưới gốc cây xăng lẻ, giờ là nơi ở của Ban chỉ huy nữ Thanh niên xung phong C45 trong lòng dâng lên một nỗi buồn, không biết đơn vị rời về đâu. Điện thoại liên lạc không có, mà có điện thoại bây giờ cũng chẳng thể liên lạc được. Đặc trưng của đơn vị Pháo cao xạ Trường Sơn, liên lạc giữa Đại đội với Tiểu đoàn, giữa Tiểu đoàn lên Trung đoàn đều liên lạc bằng vô tuyến điện.
       Trong lúc đang  phân vân không biết đêm nay mình ăn ở, nghỉ ngơi nơi đâu khi màn đêm đang ập đến rất nhanh, bao phủ hết cánh rừng, những ngôi sao sớm đã xuất hiện trên bầu trời, rọi những đốm sáng nhỏ qua kẽ lá rừng, loang lổ trên mặt đất. Đúng lúc này, một tốp nữ Thanh niên xung phong chừng mười cô, vai vác xẻng, cuốc, cào kéo về. Vừa nhìn thấy Bản, các cô xúm vây quanh hỏi dồn dập:
- Anh ở đơn vị pháo cao xạ 17 đúng không?
        Gặp các cô thanh niên xung phong Bản rất mừng, nghĩ là các cô biết được đơn vị mình giờ ở đâu. Bản vồn vã hỏi:
- Đúng rồi, tôi ở đơn vị pháo cao xạ D17, Các chị biết đơn vị tôi  chuyển về đâu không? Tôi xa đơn vị đi viện điều trị cả tháng, giờ trở về đơn vị chiến đấu. Không ngờ đơn vị đã rời đi nơi khác?
        Một chị người cao to, dưới ánh sáng lờ mờ, qua cách giao tiếp Bản nhận ra chị là người có địa vị trong đơn vị. Chị mời Bản vào lán, chị lấy bi đông nước để ở đầu giường, rót nước ra chiếc ca men màu trắng mời Bản, giọng nhỏ nhẹ :
- Đồng chí uống nước đi. Xin tự giới thiệu, tôi là Lê Thị Đào, Đại đội trưởng, Đại đội 45, Thanh niên xung phong. Đại đội tôi về tiếp quản doanh trại của đơn vị pháo cao xạ D17. Đơn vị vừa rời đi nửa tháng.
- Chị có biết D17 chuyển về đâu không? - Tôi hỏi. Chị Đào, tháo dây thắt lưng đeo chiếc dao găm, bi đông... ra khỏi người, treo lên vách lán, kéo ghế ngồi đối diện với Bản:
- Đơn vị của đồng chí chuyển về đâu, chúng tôi không rõ. Bởi đó là bí mật quân sự, chúng tôi là Thanh niên xung phong không được biết.
        Lúc này cả Đại đội đi làm đường đã về đông đủ. Thấy có chàng trai Bộ đội trẻ đến đơn vị, các cô kéo vào chật lán chỉ huy, đứng vây quanh Bản, những ánh mắt nhìn Bản như nhìn một vật thể lạ, làm Bản bối rối, mặt nóng bừng, có chút e ngại:
- Chào tất cả các chị, các cô. Tôi là Bản, Đinh Nguyên Bản, lính pháo cao xạ, D17.
        Bản vừa dứt lời, các cô cười rộ lên, một cô nhanh miệng nói:
- Lính pháo thủ có khác, trẻ khỏe đẹp trai phết. Tối nay ở lại với đơn vị chúng em nhé, anh trai.
       Nói xong các cô đấm vào lưng nhau thùm thụp, cười khúc khích. Trước sự nhiệt tình của các cô, Bản thành thực trả lời:
- Vâng. Tối rồi, lại chưa biết đơn vị ở đâu. Đêm nay phải nhờ chị Đào sắp xếp cho một chỗ nghỉ tạm. Ngày mai sẽ tính.
       Chị Đào vui vẻ nói:
- Đồng chí Bản ở lại bao lâu cũng được. Đêm nay đồng chí ở trong lán của Ban chỉ huy, tôi, đồng chí Mận, đồng chí Lan C phó xuống ở chung với chị em.
       Đúng lúc này kẻng báo ăn tối của đơn vị vang lên: keng keng!
       Chị Đào và các chị em xúm vào cầm tay Bản, chị Đào nói:
- Tôi thay mặt chị em trong Đại đội mời đồng chí Bản đi ăn tối.
       Tất cả kéo nhau xuống lán nhà ăn. Vẫn là nhà ăn của đơn vị Bản trước đây. Những chiếc bàn ăn làm bằng tre nứa thô sơ. Với những chiếc ghế ngồi bằng cả cây gỗ rừng to, chắc khỏe do anh em chiến sĩ của Đại đội Bản đốn về làm.
        Bữa cơm của các cô Thanh niên xung phong, cũng giống bao bữa cơm của lính Trường Sơn, gồm ba món chủ đạo, rau rừng nấu canh với muối, rau tàu bay luộc và thịt hộp. Có khác, cơm của các cô Thanh niên xung phong được ưu tiên không độn mì, khoai... và ăn thoải mái. Chế độ lương thực của các cô hàng tháng được cấp hai mốt ký gạo một người. Các cô vừa ăn, vừa cười nói vui vẻ. Nhìn gương mặt các cô dường như chẳng thể hiện một chút nào sự mệt nhọc. Bản biết rõ lực lượng Công binh và Thanh niên xung phong là những người vất vả nhất của Trường Sơn. Họ phải ngày đêm xẻ núi mở đường, phá gỡ bom mìn cho đường xe thông tuyến chở hàng ra mặt trận. Sự gian khổ vất vả và thường xuyên đối mặt với đạn bom. Có thể nói sự hy sinh của họ ngày nào cũng diễn ra. Mỗi tấc đất trên mỗi cung đường đều thấm máu của Bộ đội Công binh và Thanh niên xung phong.
Bữa ăn tối nay Bản được coi là khách quý. Tất cả mọi người chăm chút gắp thức ăn cho Bản, Bản thấy ngượng ngùng.
         Ăn tối xong, chị Đào vui vẻ nói:
- Tối nay Chủ nhật và cũng là tối sinh hoạt văn nghệ cuối tháng, đúng bảy giờ ba mươi mời cả Đại đội, không một ai vắng mặt, tập trung về hội trường đông đủ. Tối nay có đồng chí Bản, pháo cao xạ D17 tham dự. Mọi người vỗ tay hướng về phía Bản đồng thanh nói:
- Anh Bản có biết hát không đấy? Rồi các cô cùng nhau đồng thanh hát:
“Hò dô ta nào
Kéo pháo ta vượt qua đèo...”
         Dứt câu hát hò kéo pháo tất cả lại cười khúc khích.
- Tôi hát không hay nhưng hay hát, tối nay xin được góp vui với các chị. Có điều ai có cây đờn ghi ta mang theo cho tôi mượn.
         Một cô gái nhỏ nhắn, có hai bím tóc buộc nơ xanh, thả xuống hai bờ vai nói:
- Em có đờn ghi ta. Có điều chỉ có một dây thôi.
        Tất cả lại cười rộ lên!
         ***
      Buổi sinh hoạt văn nghệ diễn ra rất sôi động. Các cô hát rất say sưa. Các cô tổ hậu cần còn mang cả nồi niêu, xoong chảo lên gõ. Các cô Hạnh, Yến, Cúc, Thanh... hát hay. Bản đặc biệt để ý tới Thanh, cô gái có hai búi tóc thả ngang vai, người cho Bản mượn cây đơn ghi ta một giây. Thanh có giọng nữ cao trong sáng, hát rất hay bài hát :" Cô gái mở đường" . Phần Bản, Bản không hát các bài hát về pháo binh, về Trường Sơn... Anh đờn hát các bài hát Nga lời Việt. Trước khi hát Bản có vài lời phi lộ:
- Thưa các chị, các cô và các em, hôm nay hân hạnh được tham gia sinh hoạt văn nghệ, đây được coi là buổi sinh hoạt đặc biệt, trong một hoàn cảnh đặc biệt của tôi. Đó là sinh hoạt với các chị em Thanh niên xung phong ở giữa nơi trọng điểm ác liệt của Trường Sơn. Những bài hát tôi và bạn bè trong đơn vị thường hát là những bài hát Nga. Những bài hát về Trường Sơn rất hay nhưng các chị, các cô đã hát cả rồi. Phần tôi, tôi xin góp vui tình khúc Nga: “Đôi bờ”.
“Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
 Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời
 Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,
 Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa"
      Bản vừa hát dứt lời, hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay, tiếng nói thì thầm to nhỏ: “Hay, bài hát hay quá!”. Qua ánh đèn bão tỏa sáng, Bản thấy được cả những giọt nước mắt long lanh lăn trên gò má các cô gái trẻ.
        Sau bài “Đôi bờ” Bản hát tiếp bài “Chiều Mac xi cơ va”, “Triệu bông hồng”... Phần giữa chương trình trở đi hầu như chỉ có Bản hát như một Xôluyty trong đêm văn nghệ.
         Buổi sinh hoạt văn nghệ kéo dài tới mười hai giờ khuya mới dứt .Mọi người kéo nhau đứng vây quanh lấy Bản xin chép những bài hát Nga vào sổ tay. Cả trăm cô gãi trẻ, người ôm vai, người bá cổ... Làm cho Bản tưởng như nghẹt thở. Cuối cùng phải nhờ đến chị Đào can thiệp Bản mới thoát ra được.
         ***
      Đêm đó nằm một mình trong lán, Bản không sao ngủ được. Cứ trằn trọc. Chốc chốc lại ngồi dậy hút thuốc, thắp đèn ngồi ghi nhật ký. Từ ngày vào chiến trường, Bản có thói quen ghi nhật ký. Không những chỉ mình Bản thức mà các lán trại của chị em ở cách nhà Ban chỉ huy vài mét, nhận thấy chị em cũng không ngủ. Những tiếng cười khúc khích. Có những lúc ré lên sắc lạnh như lưỡi dao chém vào màn đêm dầy đặc. Hết cười lại rên, cồn có cả tiếng khóc nghe thổn thức trong đêm. Bản lắng tai nghe không hiểu có chuyện gì mà các cô gái không ngủ lại cười, lại rên rỉ như vậy. Bản rời khỏi lán ra ngoài rừng xem có chuyện gì. Lúc này trăng hạ tuần đã lên cao. Ánh trăng bàng bạc tỏa xuống cùng với tiếng côn trùng kêu và làn gió lạnh thổi  làm Bản thấy gai gai người. Trong lúc đang đứng tập trung tìm hiểu, bỗng một cô gái vai đeo súng AK, tay cầm đèn pin đi đến gần, giọng nhỏ nhẹ, vừa đủ để Bản nghe được:
- Anh Bản không ngủ sao?
- Cô... là...
- Em Yến, đang trong giờ gác. Em đi tuần ngang qua  thấy anh chưa ngủ, lại xem anh có cần giúp gì không?
- Không. Tôi không cần giúp gì, có điều... Cô Yến có thể vào lán một lát để tôi hỏi chút chuyện.
      Bản và Yến vào lán. Bản khêu ngọn đèn dầu cho sáng lên. Yến bỏ súng khoác trên vai, đặt cạnh bàn, ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Bản. Bản hỏi Yến:
- Yến quê ở đâu?
- Dạ em quê Hà Nội.
- Yến quê Hà Nội, Khu phố nào; vào Trường Sơn bao lâu rồi?
- Dạ, em ở Từ Liêm, vào Trường Sơn được năm năm rồi.
       Bản rót nước trong bi đông ra chiếc Ca men mời Yến. Yến rụt rè cầm lấy ca nước nhấp một hớp nhỏ rồi đặt ca nước xuống bàn. Lúc này Bản mới lân la hỏi chuyện:
- Anh không hiểu sao đêm khuya rồi mà sao các chị em trong lán trại chưa ngủ, còn nghe chị em cười, rên và cả tiếng khóc nữa?
       Yến không trả lời ngay. Bản liếc nhìn thấy gò má cô ửng đỏ, có vẻ thẹn thùng. Ngồi trầm ngâm vài giây Yến mới khẽ nói:
- Chuyện ấy... với chị em Thanh niên xung phong là chuyện diễn ra hàng đêm. Anh không ở gần chị em nên không biết đấy thôi.
- Chuyện chị em là chuyện gì. Yến có thể cho anh biết cụ thể hơn được không?
      Yến xoay người nhìn ra ngoài rừng đêm, giọng buồn nói:
- Chuyện phụ nữ ấy mà...
       Yến bỏ lửng câu nói, đứng dậy, khoác súng lên vai, vội vã đứng lên , ra khỏi lán.
- Thôi. Anh nghỉ đi. Em đi tuần đây.
    Yến ra khỏi lán, Bản đóng cửa, nằm miên man suy nghĩ. Bỗng thấy có một bóng người từ ngoài lao vào lán, Bản giật mình hỏi:
- Ai?
        Một giọng nữ khẽ cất lên:
- Em, Thanh đây. Em khát nước thấy anh còn thức, em vào xin  miếng nước .
      Bản ngồi dậy, thắp đèn, lấy nước cho Thanh:
   -Thanh uống nước đi.
     Thanh đón ca nước từ tay Bản, cô không uống, đặt ca nước xuống bàn, bất ngờ Thanh lao tới ôm  Bản, nói gấp gấp trong hơi thở:
- Em lạnh quá. Cho em ôm anh ngủ được không?
     Trước hành động táo bạo của Thanh, Bản bối rối không biết xử ra sao, đứng phắt lên như chiếc lò xo, đây Thanh ngồi xuống giường ,Thanh khóc nức nở . Trong tình huống này Bản không biết xử Lý ra sao bèn vỗ về, an ổi Thanh:
- Em ngủ đi để có sức mai đi làm, anh sang giường khác ngủ.


Tranh minh họa
   ***
      Đinh Nguyên Bản là một chàng trai Hà Nôi, đang học năm đầu trường Đại học tổng hợp thì có lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ, một Thanh niên mới hai mươi tuổi, chưa hề biết yêu đương, tính nhút nhát, chưa một lần nắm tay con gái. Giờ gặp tình huống này chẳng biết xử ra sao. Trong khi Thanh vẫn rên rỉ không chịu ngủ.
     Sáng hôm sau, ăn sáng xong các cô gái trong Đại đội ra mặt đường. Trước khi đi chị Đào nói với Bản: “ Bản ở nhà nghỉ, mai tôi xin phép cấp trên nghỉ một ngày đưa Bản lên Binh trạm hỏi tin tức, nơi đóng quân của đơn vị Bản. Từ đây đến Binh trạm đi cả nửa ngày đường đó.
      Mọi người đi làm hết, còn lại Bản và mấy chị em hậu cần ở nhà. Bản bí mật lẻn vào lán của chị em tìm hiểu xem có gì khác thường.
     Vào lán đầu tiên thấy chăn màn của các chị em gấp vuông vắn, đặt ngay ngắn nơi đầu giường giống như một đơn vị Bộ đội chính quy. Bản nhìn quanh không thấy gì. Điều đáng chú ý là trên vách lán, nơi đầu giường của chị em đều treo những tấm ảnh các tràng chai vạm vỡ, Bản nhận ra một điều, ở thế giới toàn phụ nữ họ thèm khát đàn ông, treo ảnh nam giới là chuyện bình thường . Bất chợt nhìn xuống gầm giường thấy mấy trái dưa gang còn non, nhỏ như cán dao con vất dưới gầm giường. Bản cầm một trái dưa lên xem, nó mềm nhũn, có những chất nhựa dinh dính như nhựa cây. Đến các lán khác cũng thấy có  trái dưa như vậy bỏ dưới gầm giường. Bản cầm mấy trái về nhà bếp hỏi chị nuôi. Tinh cờ  Bản gặp được chị Lài, người chị họ phía bên ngoại của Bản, chị Lài tình nguyện đi Thanh niên xung  phong từ năm 1968, khi đó Bản đang còn là học sinh  Trung học. Hai chị em gặp nhau ở chiến Trường Sơn Bản vui và xúc động. ChịLài, một phụ nữ đã lớn tuổi, là người  đã có chồng, chồng chị hiện là Phó tổng đội Thanh niên xung phòng. Chị Lài là bếp trưởng. Nhìn  Bản cầm mấy trái dưa, chị hỏi:
- Cậu lấy mấy trái dưa ấy ở đâu?
          Bản chìa mấy trái dưa ra trước mặt chị Lài hồn nhiên nói:
- Em nhặt được nó ở lán mấy cô . Sao dưa còn non đã hái và bỏ đi hả chị?
         Chị Lài nhìn Bản tủm tỉm cười, mặt đỏ lên, ngập ngừng không nói. Bản gặng hỏi:
- Chị cho em biết đi. Chị là chị của em có chi phải ngại?
        Chị Lài, búi lại búi tóc ra sau gáy, kéo Bản về sau bếp nói nhỏ:
- Ở đơn vị này có cả một vườn dưa ở cách đây chừng nửa cây số, chiều nay rảnh việc chị đưa cậu ra xem. Các cô gái trồng dưa không phải để ăn mà để dành cho...
      Nói tới đây chị dừng lại. Bản nóng lòng muốn biết cụ thể  đó là chuyện gì? hỏi rồn rập:
- Chị nói trồng dưa là để dành cho các cô gái là sao. Các cô ấy dùng vào việc gì?
- Tối hôm qua nghỉ ở gần lán mấy cô, cậu có nghe thấy gì không?
- Dạ. Em nghe thấy tiếng rên, tiếng cười và cả tiếng khóc nữa.
- Tiếng các cô gái Thanh niên xung phong đấy. Các cô dùng trái dưa nhỏ này... Để giải tỏa cơn khát... Cậu còn trẻ hẳn chưa hiểu gì nhiều về đàn bà. Chị nhiều tuổi lại có gia đình rồi. Tụi nó còn trẻ, ở cái tuổi mười chín đôi mươi, cái tuổi ấy nếu không có chiến tranh, không phải vào Trường Sơn, ở nhà khối đứa đã có chồng, con. Bây giờ sống ở đây không có đàn ông, sinh lý đòi hỏi, hàng đêm phải làm vậy thôi. Tội nghiệp tụi nó, biết sao được. Chiến tranh còn kéo dài thì hàng vạn nữ Thanh niên xung phong phải chết già mất thôi.
     Nói xong hai mắt chị rớm lệ. Nghe chị Lài nói, Bản hiểu ra vấn đề. Bản thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn.
   ***
      Nhờ có sự giúp đỡ của chị Đào, Bản nhanh chóng tìm được đơn vị. Tiểu đoàn pháo cao xạ của Bản được điều động vào chiến đấu ở Bắc sông Xê Ca Máng, trên trục đường xuống Quân khu 5.
     Từ ngày Bản về đơn vị, tính nết có phần khác lạ. Sống trầm tư, ít nói. Sau một ngày chiến đấu, chiều đến lại một mình ra phía sau trận địa ngồi một mình. Nhiều buổi chiều Bản ngồi cả hai giờ đồng hồ bên lùm cây sim  rậm rạp, khi trời tôi sẫm, như một tấm màn đen khổng lồ chùm xuống trận địa Bản vẫn chưa về lán trại. Bản ngồi nhớ về các cô Thanh niên Xung Phong ở C45; nhớ những giọt nước mắt của các cô gái trẻ khi Bản hát bài hát:" Đôi bờ "; nghĩ về những tiếng cười, tiếng khóc của các cô gái Thanh niên xung phong trong cái đêm Bản ở C45; nghĩ đến Thanh, cô gái đang đêm lao vào trong lán Bản đang nằm, ôm Bản khóc thảm thiêt, nói muốn được ngủ cùng Bản một đêm... Bản nghĩ nhiều về câu nói của chị Lài, bếp trưởng: "Chiến tránh còn kéo dài thì hàng nghìn, hàng vạn cô gái Thanh niên Xung Phong chết già mất." Bản bỗng thấy ghét chiến tranh hơn bao giờ hết. Chiến tranh đã làm mất đi bao điều tốt đẹp; hủy diệt đi sự sống, những ước mơ hoài bão của con người. Chiến tranh là tội ác . Những kẻ gây ra Chiến tranh phải bị trừng phạt.
      Sự trầm lặng của Bản làm cho đơn vị ngạc nhiên. Nhiều người đặt câu hỏi: Có lẽ Bản bị sốt lâu ngày làm tính tình đổi thay. Chính trị viên Tạ Sĩ Lầu, một thủ trưởng, người anh thân yêu của Bản nhiều đêm gần gũi Bản, tìm hiểu sao Bản lại có sự thay đổi, có diễn biến về tâm lý.
      Bản đem câu chuyện ở đơn vị Thanh niên xung phong C45 ra kể với Chính trị viên. Nghe xong câu chuyện, Chính trị viên ngồi trầm lặng, vẻ mặt đầy suy tư. Giọng xứ Nghệ ân cần nói:
- Anh vào Trường Sơn đã gần chục năm nay, trước đây anh đã từng làm Đại đội trưởng một đại đội Công binh, phần nhiều là Bộ đội nữ. Anh hiểu tâm tư từng cô. Những sự việc như em kể, anh biết cả. Ban đầu gặp chuyện ấy anh cũng xốc. Nhưng cũng cảm thông cho chị em . Chiến tranh, biết sao được.
   ***
      Cuối tháng Chạp năm một ngàn chín trăm bảy ba, đơn vị có lệnh cử người về Bộ tư lệnh Binh đoàn nhận pháo mới. Bản được đơn vị cử đi cùng với các anh trong Ban quân giới Tiểu đoàn. Xe ra đến Binh trạm 40, nghỉ lại một ngày để lấy xăng dầu. Bản tranh thủ về thăm doanh trại của đơn vị Nữ thanh niên xung phong C45. Nơi Bản có những kỷ niệm đáng nhớ với các chị em Thanh niên xung phong. Vừa đến nơi Bản bàng hoàng thấy doanh trại cháy hết, những hố bom ngang dọc chằng chịt. Cây cổ thụ đổ ngổn ngang, xác người vương khắp nơi, có những cái đầu còn treo lủng lẳng trên cành cây gãy. Quạ, ruồi nhặng, sâu bọ bám trên xác người còn vương trên mặt đất nhung nhúc. Mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Một bầu không khí đau thương trùm lên cả một cánh rừng. Bản đứng lặng, gọi tên từng người:
-Chị Đào, chị Mận, chị Lài, Yến, Cúc... ơi! Các chị các em ở đâu?
        Bản gọi khản giọng mà không một tiếng trả lời. Chỉ nghe tiếng gió rừng hiu hắt thổi. Đứng một mình giữa nền lán trại còn sót lại, bên cây cột cháy dở, bỗng nghe tiếng gọi:
- Anh Bản. Có phải anh Bản đấy không?
       Bản quay lại thấy Yến, cô gái Bản được trò chuyên trong đêm nghỉ ở C45. Bản chạy lại nắm tay Yến hỏi dồn:
- Yến. Em còn sống sao?
       Yến hai tay đặt lên ngực, thở một hơi dài, lấy lại bình tĩnh mới nói:
- Đơn vị bị B52 dải thảm tối qua, trong lúc mọi người đang ngủ say. Cả Đại đội chết hết, riêng em, ngày hôm qua về Tổng đội họp Công đoàn, sáng nay về nhìn thấy cảnh tượng này...Hãi hùng và đau thương quá anh ơi!
       Yến  đứng gục đầu vào vai Bản khóc nức nở. Lúc này Bản chỉ còn biết dỗ dành Yến, như dỗ dành một người em gái bé nhỏ:
- Thôi em, đừng khóc nữa. Chiến tranh là vậy. Biết làm sao được.
     Bản và Yến đứng với nhau hồi lâu, nhìn đồng hồ trên tay đã mười giờ. Mặt trời mùa đông lên cao, chiếu những tia nắng yếu ớt trên mặt đất lở loét đang bốc khói nghi ngút. Hai người chia tay nhau trong buồn thương. Mấy con quạ bay vụt qua đầu kêu những tiếng thất thanh: “Quạ! Quạ! Nghe khắc khoải” buồn đau!.
    
Nha Trang, chiều cuối năm 2021
Nguyễn Xuân Tuynh
Ủy viên BCH Hội Trường Sơn tỉnh Khánh Hòa
DĐ: 0908.625.369 

tin tức liên quan