GÓP THÊM VỀ CÂU ĐỐI ĐƯỜNG 20
Ths. Vũ Minh Vỹ
I. ĐÔI ĐIỀU VỀ CÂU ĐỐI THỜI NAY
Trước hết cần nói rằng rất nhiều câu đối trong những năm gần đây xuất hiện trên các báo xuân, báo Tết, thậm chí được trạm khắc công phu, treo trang trọng ở nơi thờ tự thường mắc phải kiểu cũ mòn, sáo rỗng, trùng lặp, thiếu tính sáng tạo về nội dung, ép từ, ép câu, chú ý để cho hai vế đối chữ, đối vần. Song lại bỏ quên điều quan trọng nhất làm nên cốt lõi của câu đối không chỉ là đối chữ, đối thanh (trong đó bắt buộc phải đối thanh trắc > < bằng ở đuôi hai vế), mà còn phải đối cả danh - tính - liên - động - trạng… từ, tạm gọi vắn tắt là ĐỐI TỪ. So với đối chữ, đối thanh, đối từ là điều khó, và khó mà làm được mới gọi là câu đối.
Ai cũng biết khắp các đền chùa miếu mạo từ Bắc vào Nam đều có câu đối. Trong đó có những câu đối thời xưa được các bậc hiền nhân, chí sĩ sáng tạo, chọn lọc, viết bằng chữ Nho, hầu hết phải qua dịch nghĩa mới hiểu được tường tận.
Câu đối được sáng tác trong những thập kỷ gần đây thì được viết bằng chữ Nho hoặc chữ quốc ngữ, đa số không cần dịch nghĩa.
Ngoài ra rất nhiều bài thơ kiểu Đường luật của các thi sĩ tài danh đều chứa đựng những câu đối tuyệt hay. Còn Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì có hàng trăm câu thơ tự thân đã hình các câu đối từng cặp ba chữ trong câu lục, cặp bốn chữ trong câu bát.
Xin phân tích qua một số câu đối xưa và nay dễ đọc, dễ hiểu, làm sáng rõ thủ thuật đối từ trong nghệ thuật viết câu đối.
1. Đoàn Thị Điểm với Trạng Quỳnh
DA /TRẮNG/ VỖ / BÌ BẠCH > < RỪNG / SÂU/ MƯA / LÂM THÂM
Danh/ tính / động/ trạng (từ) = Danh / tính / động / trạng (từ)
Ta thấy vế trước lần lượt xuất hiện danh - tính - động - trạng từ, thì vế sau cũng xuất hiện thứ tự ý hệt như vậy, song chữ nghĩa của từng cặp từ ấy thì “đối nhau chan chát”.
Ngoài ra BÌ BẠCH theo nghĩa Hán Nôm lại là DA TRẮNG, còn LÂM THÂM nghĩa là RỪNG SÂU, trạng từ lại thành danh từ ghép với tính từ. Đó là ý tứ cao siêu, trò chơi chữ của người sáng tạo câu đối tài ba.
Bằng cách phân tích ngữ pháp các từ tương tự như trên, ta có thể thấy thủ pháp đối từ rất rõ qua các câu đối tiếp sau đây:
2. Câu đối ở đền thờ Bà Triệu (226 – 248), Thanh Hóa
CỬU CHÂN/ TRĂM TRẬN/ GAN/ HƠN SẮT
LỤC DẬN / NHIỀU PHEN/ MẮT/ ĐÃ VÀNG
(Cửu Chân là tên một quận, Lục Dận tên Thứ sử ngoại xâm cai trị nước ta thời Bà Triệu)
3. Câu đối trong thơ của vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308):
XÃ TẮC/ LƯỠNG HỒI/ LAO / THẠCH MÃ
SƠN HÀ/ THIÊN CỔ / ĐIỆN / KIM ÂU
(dịch nghĩa: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng)
4. Câu đối trong thơ Cao Bá Quát (1809 - 1855)
BA / HỒI TRỐNG/ GIỤC, ĐÙ CHA/ KIẾP
MỘT/ LƯỠI GƯƠM/ ĐƯA, Đ. MẸ / ĐỜI
(Có nhà nghien cứu cho rằng đây là câu thơ Cao Bá Quát viết khi bị triều đình phong kiến giam cầm chờ ngày xử chém)
5. Trong Truyện Kiều ta gặp hàng trăm câu thơ tự thân tạo thành hai vế đối nhau vô cùng đẹp đẽ, gợi tình, gợi cảnh, đem đến cảm xúc thẩm mĩ tuyệt vời cho người đọc:
- Bốn phương phẳng lặng/ hai kinh vững vàng
- Mai cốt cách/ tuyết tinh thần
- Khuôn trăng đầy đặn/nét ngài nở nang
- Mây thua nước tóc/ tuyết nhường màu da
- Làn thu thủy/ nét xuân sơn
- Hoa ghen đua thắm/ liễu hờn kém xanh
- Tình trong như đã/ mặt ngoài còn e
- Trúc se ngọn thỏ/ tơ chùng phím loan
- Thành xây khói biếc/ non phơi bóng vàng
...
Phải chăng những câu thơ như thế đã góp phần làm cho người đọc dễ cảm, dễ nhớ, để Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa rộng rãi trong mọi tầng lớp dân gian?
Bây giờ xin điểm qua câu đối ở một số nơi trang nghiêm hiện nay.
6. Câu đối về 10 liệt nữ TNXP ngã ba Đồng Lộc
HƯƠNG/ BỒ KẾT / GỘI/ LINH HỒN/ LIỆT NỮ
GIÓ / NGÀN THÔNG/ CA / CHÍ KHÍ / ANH HÙNG
Đây là câu đối hay. Không nói rõ tên Đồng Lộc, nhưng “hương bồ kết” hòa trong “gió Ngàn Thông” thì chỉ có thể ở Đồng Lộc chứ không có ở nơi nào khác. Tuy nhiên “liệt nữ” là từ ghép vắn tắt của “nữ nhi oanh liệt”, còn “anh hùng” là từ không ghép, nên cặp hai chữ này của hai vế trên và dưới, về ý nghĩa là tương xứng, về từ ngữ thì có lẽ vẫn hơi bị gò ép.
7. Câu đối treo trang trọng ở rất nhiều bàn thờ gia tiên trong các gia đình vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ hiện nay, viết bằng chữ Nho hoặc chữ quốc ngữ:
TỔ TÔNG /CÔNG ĐỨC/ THIÊN NIÊN/ THỊNH
TỬ HIẾU / TÔN HIỀN / VẠN ĐẠI / VINH
Mỗi vế có bảy chữ. Ba chữ sau thì đối từ tốt rồi (thiên niên thịnh > < vạn đại vinh). Nhưng bốn chữ trước thì hỏng. Nếu để “Tổ tông công đức” thì phải đối là “Tử tôn (con cháu) hiếu hiền (hoặc hiền hiếu)” (cách 1). Còn nếu để “Tử hiếu, tôn hiền” vế sau thì vế trước phải đối là “Tổ công, tôn đức” (cách 2). Nhưng cả hai cách đều bất ổn. Cách 1 thì làm vế sau không thuận vần: “Tử tôn hiếu hiền (hiền hiếu) vạn đại vinh”. Cách 2 càng không được, vì chả nhẽ Tổ chỉ có công, không có đức, còn Tông có đức lại chẳng có công?! Khi tra vào Google cũng với ý nghĩa này, thấy có người viết ổn thỏa hơn, và Việt hóa hơn:
TỔ TIÊN CÔNG ĐỨC MUÔN ĐỜI THỊNH
CON CHÁU THẢO HIỀN VẠN KIẾP VINH
Dẫn ra như trên để thấy nghệ thuật viết câu đối của người xưa rất cao minh. Và người xem, đọc câu đối cũng cần có sự thông hiểu nhất định mới thấm được cái hay, cái đẹp, thậm chí có khi là thần diệu của câu đối.
Ngày nay chúng ta viết câu đối thường chú trọng nội dung, rồi đối chữ, đối thanh, mà xem nhẹ việc đối từ. Tiếc thay điều này lại khá phổ biến với các câu đối đăng trên báo chí, in trên giấy bán chợ mỗi khi Tết đến xuân về. Còn ở những nơi trang trọng hay thiêng liêng thì đây đó vẫn xuất những câu đối khiếm khuyết, gọi là câu đối mà chỉ đối tương đối, không làm được đối tuyệt đối như người xưa. Phải chăng là do người viết và cả người có chức trách nhận xét, phê duyệt chưa thông hiểu cặn kẽ nghệ thuật sáng tác câu đối?
II. GÓP Ý CÂU ĐỐI ĐỀN THỜ ĐƯỜNG 20
Đọc các cặp đối về đền thờ đường 20 mà nhà văn - nhà báo Phạm Thanh Long đã đăng, tất cả đều hay về nội dung. Nhưng về hình thức, theo cách hiểu của tôi về nghệ thuật sáng tác câu đối đã phân tích ở trên, thì nhận xét của nhà báo Phạm Sinh có lý khi chọn câu đối của đại tá Vũ Trình Tường là tiêu biểu. Để tăng thêm chất “đối”, tôi xin bổ sung thành:
-
A - T - P TRỌNG ĐIỂM LỪNG DANH TUYẾN LỬA: MƯU TRÍ, ANH HÙNG, QUẢ CẢM
-
ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG SÁNG TÊN SỬ VÀNG: KỲ CÔNG, KỲ TÍCH, KỲ QUAN
Tuy nhiên, từ “quyết thắng” ở vế dưới cũ mòn, trùng lặp (dù chữ này vốn được gắn với đường 20 trong thời kỳ chiến tranh). Có thể cắt bớt, bởi đã nâng lên “Đường 20 sáng tên sử vàng” là đủ ý nghĩa lớn lao rồi. Do đó cũng bỏ từ “trọng điểm” ở vế trên. Như vậy câu đối càng gọn gàng, dễ nhớ, dễ thuộc. Song nếu không cắt cũng không sao.
Ngoài ra, với ba cặp tính từ (sáu chữ) cuối câu ở vế 1, nếu tác giả Vũ Trình Tường hoặc ai đó tiếp tục tìm thêm được các cặp có chữ đầu 3 lần lặp lại, như chữ “kỳ” ba lần lặp lại ở vế 2 thì càng tuyệt. Còn không thì vẫn có đủ các tiêu chuẩn đối chữ, đối thanh, đối từ cần thiết của một câu đối.
Với trách nhiệm của một hội viên Hội VHNT Trường Sơn, tôi có mấy lời góp ý trên. Nếu có gì không chuẩn, mong Ban lãnh đạo và các thành viên của Hội bỏ qua.
Tp Hồ Chí Minh, ngày 18/3/2022