"Giọt nước mắt muộn màng của ác quỷ đội lốt người" - TG: Phạm Hồng Loan
GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG CỦA ÁC QUỈ ĐỘI LỐT NGƯỜI
(Theo lời kể của Vũa Minh Tằng- Cựu tù Phú Quốc (Sư đoàn 304, Tiểu đoàn 13 -
Quê quán Thôn Tiên Hào,xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)
Một buổi chiều mùa hè năm 2000, Ban lãnh đạo Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (do những người cựu tù Phú Quốc lập nên ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên - Hà Nội lập nên) nhận món quà từ một vị khách đặc biệt: “Đây là 8 chiếc răng tôi đã cố cất giữ từ lúc bị bọn địch tại nhà tù Phú Quốc đục gãy, nay xin tặng lại bảo tàng để các thế hệ sau này hiểu được cha ông ta một thời đã sống, chiến đấu để bảo vệ đất nước như thế nào.” Người khách đặc biệt đó là Vũ Minh Tằng – người trở về từ địa ngục trần gian trước những ngón đòn tra tấn rùng rợn của kẻ thù trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
Năm 1962, khi vợ mang thai đứa con thứ hai, Vũ Minh Tằng xung phong lên đường đánh giặc. Anh được biên chế về đơn vị pháo phòng tăng (Sư đoàn 304, Tiểu đoàn 13). Sau thời gian huấn luyện, anh được cử đi học lớp y tá tại Viện 5 (Ninh Bình). Hai năm, anh say mê cùng đèn sách với suy nghĩ làm sao tiếp thu thật nhiều kiến thức để sau này ra mặt trận, trực tiếp cứu chữa đồng đội. Trở về đơn vị cũ một thời gian, anh chuyển về Sư đoàn 320 đóng quân ở Lương Sơn (Hòa Bình). Tháng 1/1965, đơn vị anh được lệnh lên đường vào Nam. Bắt đầu là những ngày tháng hành quân bổ sung cho chiến trường Quảng Ngãi. Ròng rã 7 tháng trời, vượt qua Nam Lào, xuống Gia Lai, Kon Tum, vừa đi vừa đánh giặc, đơn vị anh tập kết ở sát chợ Cát vùng Nam Quảng Ngãi. Vừa đến nơi, Tiểu đoàn trưởng thông báo:
- Các đồng chí chú ý. Do tình hình diễn biến phức tạp, chúng ta sẽ phân tán lực lượng, ở cùng dân. Bây giờ các đồng chí lần lượt theo sự hướng dẫn của giao liên.
Vũ Minh Tằng khoác ba lô lên vai, xách theo túi đựng thuốc men, dụng cụ y tế, theo o Giao liên, men theo con đường nhỏ hẹp, dừng bước trước căn nhà lợp tôn, kế bên chợ Cát. Như có sự chuẩn bị từ trước, nghe có tiếng gọi, người chủ nhà bước ra.O Giao liên quay sang anh: “Em xin giới thiệu, đây là bác Kiên. Anh sẽ ở đây cùng với gia đình.” Rồi o lẩn vào đêm tối. Từ đó, sau mỗi trận chiến, căn nhà bé nhỏ của bác Kiên trở thành “bệnh xá quân y”. Những kiến thức được anh tiếp thu bây giờ thực sự có tác dụng. Có ngày anh phải xử lí đến 80 ca, từ Bộ đội đến dân thường. Ám ảnh nhất đối với anh là những người dính bom xăng. Đây là loại bom có tích sát thương cao. Mảnh bom văng vào người không chỉ tàn phá cơ thể mà khiến cho da bị phồng rộp lên, phải lột đi từng miếng. Những chỗ quần áo bị cháy dính vào người thì chỉ còn cách cắt lọc cả da, cả áo quần. Trong những ngày đó, người phụ tá đắc lực cho anh là Thơ – con gái chủ nhà. Qua sự hướng dẫn của anh, chỉ mấy ngày sau, cô đã trở thành y tá thực thụ với những kĩ năng thành thạo. Ngày ngày, cô quấn quít bên anh không rời. Anh nhận ra tình cảm đặc biệt cô giành cho anh. Một buổi tối, sau khi cứu chữa thương binh xong, cô đến bên anh: “Anh có mệt lắm không?” “Anh mệt sao được. Cứ cứu chữa được thương binh là anh vui, quên hết cả mệt nhọc.” “Anh…-cô ngập ngừng – Em…em… thương anh…” Anh nhìn sâu vào mắt cô: “Anh hiểu tình cảm của em. Nhưng… anh có vợ con rồi”. Cô gái lặng yên, cúi đầu. Dưới ánh đèn mờ ảo leo lét cuối hầm, anh thấy hai vai cô rung lên nhè nhẹ.
Ngày hôm sau, đơn vị anh được lệnh tấn công, ngăn cản cuộc tấn công của địch. Hàng đàn, hàng đàn máy bay Mỹ ồ ạt đổ xuống với đủ các loại quân. Trận đánh kết thúc, anh cùng đồng đội đưa thương binh về tiến hành cứu chữa. Chợt có tiếng gọi thất thanh, nghẹn ngào: “Ông Kiên ơi! Con gái ông bị bom phạt vào đầu, ở ngoài kia kìa” Anh buông dụng cụ, lao ra như tên bắn. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt. Cô gái nằm sấp. Tấm áo bà ba ôm sát tấm thân thon thả bó sát người đẫm máu. Cách đó không xa, chiếc đầu đẫm máu với đôi mắt đen láy vẫn mở to với cái nhìn hoảng sợ, ngơ ngác. Anh bước tới, nghẹn ngào đặt tay lên mắt cô, ôm chặt cô vào lòng. Xong xuôi mọi thủ tục, anh đứng lặng bên nắm mộ: “An lòng ra đi, em nhé. Anh sẽ trả thù cho em.”
Tháng sau, đơn vị anh được lệnh hành quân về Minh Long, một huyện miền núi của Quảng Ngãi nằm trong thung lũng, giữa hai dãy núi tương đối cao với địa hình phức tạp do có nhiều đồi núi hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Nơi đơn vị anh đóng quân ba bề bốn bên là núi, quân địch có thể mai phục bất cứ chỗ nào. Mặc dù vậy, người dân vẫn hàng ngày cần mẫn gùi từng chuyến lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Hết lương thực, anh cùng đồng đội tranh thủ tìm những thứ có thể ăn được, từ lá cây, củ, quả cho đến các loại thú rừng. Với phương châm bí mật tiếp cận, bám thắt lưng địch mà đánh, đơn vị anh thường xuyên áp dụng cách đánh mật tập. Đêm đêm, từng tiểu đội bí mật luồn rừng, bao vây, tập kích, tiêu diệt các đồn nhỏ lẻ. Cách đánh xuất quỉ nhập thần đó khiến chúng luôn trong tình trạng hoảng loạn. Cách một thời gian, chúng lại tăng viện thêm. Từng đoàn máy bay ầm ầm đổ quân xuống. Cả đơn vị vận dụng cách đánh cường tập khiến chúng không kịp trở tay.
Một ngày cuối tháng 9/1967, ngay từ sáng sớm, cả núi rừng rùng rùng chuyển động bởi tiếng máy bay gầm rú, tiếng đạn pháo đinh tai, nhức óc. Cả đơn vị nhanh chóng triển khai đội hình. Mặc dù bị mảnh đạn găm vào đầu nhưng vừa chiến đấu với kẻ thù, anh vừa nhanh chóng băng bó cho những đồng đội bị thương và dìu họ vào hang Đá Chẹt. Trận đánh kết thúc. Thương binh được chuyển về tuyến sau, chỉ còn anh và ba chiến sĩ bị thương ở lại. Bất chợt anh thấy làn khói mỏng bay vào hang. Cảm giác khó thở, nôn nao, chóng mặt bao trùm cơ thể. “Đạn hơi cay rồi”. Anh từ từ khụy xuống, dần chìm vào cõi hư vô.
Chợt cảm giác đau buốt nhói đánh thức mọi giác quan. Dần dần, một màu trắng toát hiện ra trước mắt. Hai cánh tay anh bị giật ngược phía trên đầu gắn với thành giường bằng chiếc còng số 8. Anh ngọ nguậy chân. Chiếc cùm lạnh buốt thít chặt hai cổ chân. Trước cửa phòng, một tên lính ôm súng, đi đi lại lại. Thấy anh tỉnh lại, nó bước đến bên anh: “Chuẩn bị mà chết nghe con.” Lát sau, mấy tên lính ập vào, lấy mảnh vải đen bịt mắt, xốc nách đẩy anh lên máy bay. Chúng đưa mình đi đâu đây? Côn Đảo hay Phú Quốc? Anh nhắm mắt lại để nước mắt khỏi tràn bờ mi. Dù nơi nào chăng nữa thì đó cũng là nơi anh đã từng nghe bao chuyện rùng rợn đi dễ, khó về. Nhưng thôi. Dù có chết cũng phải chết cho xứng đáng. Anh nhủ lòng mình. Máy bay lượn vài vòng rồi đáp xuống bãi đậu. Chưa kịp nhảy xuống, mấy tên lính đã đẩy anh ngã dúi dụi “Đù mẹ mày. Lẹ lên. Lẹ lẹ lên”. Vừa bước chân xuống đất, một tốp quân cảnh từ đâu nhào đến. Hình như chúng đã đợi sẵn. Để dùi cui vung lên, để báng súng thúc tới tấp vào lưng vào đầu anh trong màn chào hỏi của lũ quỉ sa tăng mang mặt người.
Những người tù của phòng 13, Phân khu A2 chặt chội, hôi hám đón anh với cái nhìn trìu mến, xót xa. Một người đến bên ôm lấy vai anh với âm sắc trầm trầm, mà sau đó anh mới biết là Vũ Thế Khiêu, người Quảng Nam: “Can đảm lên anh. Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gian nan rèn luyện mới thành công”. Anh nắm chặt tay người tù mới quen. Giữ chốn ngục tù, câu thơ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh vang lên như lời nhắc nhở động viên, tiếp thêm sức mạnh cho anh.
Ngày hôm sau, mới sáng sớm, anh đã nghe thấy tiếng huyên náo ngoài cổng trại. Anh tò mò nhìn ra. Một chiếc xe tải kéo theo khúc gỗ to như thùng phi, có thể bổ ra nấu 18 vạc cơm trong một ngày, dừng trước cổng. Xích sắt được tháo ra. Chiếc xe rồ máy lao đi, để lại đằng sau lớp bụi mù mịt. Từ phía phòng giam số 3, một đoàn người bị bọn lính áp giải ra cổng. Một tên dáng vẻ chỉ huy, vung vẩy khẩu súng ngắn: “Hãy đẩy khúc gỗ này vào nhà bếp. Nếu không đẩy được, chúng bay sẽ chịu tội”. Cả đoàn người xúm vào, ra sức đẩy. Khúc gỗ ì ra, không nhúc nhích. Một tiếng súng vang lên…Hai…ba…bốn…Năm…Năm người tù gục xuống. Tiếng tên chỉ huy gào lên: “Đẩy đi”. Toán người tù lại ra sức đẩy. Khúc gỗ dịch dần, dịch dần rồi ì lại. Năm tiếng súng chát chúa lại vang lên. Năm người gục xuống. Nhóm người còn lại ra sức đẩy. Nhưng sức lực người tù kiệt quệ vì đói, khát với những đòn tra tấn chi chít, dọc ngang trên cơ thể làm sao có thể đẩy được khúc gỗ trơ lì như đá tảng. Lần lượt từng người gục xuống. Từ khắp các phòng giam, tiếng hô như sóng dậy: “Đả đảo đàn áp. Đả đảo…”Một chiếc xe tải ở đâu chạy đến. Chúng khiêng từng người, vất lên xe. Thấy anh đứng lặng im, mắt rớm lệ, Vũ Thế Khiêu đặt tay lên vai anh: “Tổ cha lũ khát máu. Chúng sẽ đưa họ ra bãi đất trống để những chiếc xe lu xiết dưới bánh xe. Sau việc này, bọn chúng sẽ rêu rao trên loa đài là tù binh phiến Cộng nổi loạn”.
Tranh minh họa
Những ngày đầu, ngày nào anh cũng thấy chúng gọi từng người đi rồi trả về với cơ thể hầu như nát bét với những trò tra tấn tàn bạo. Phải tìm cách cứu anh em, dù bằng bất cứ giá nào. Hàng ngày, anh thu gom dây những mẩu dây điện bọn lính dùng buộc hàng rào vứt lại, tỉ mẩn mài thành những kim châm cứu dài 12cm. Với những kiến thức đã học, anh tỉ mẩn chăm sóc cho những người bạn của mình, giúp họ phần nào hồi phục sức khỏe ngày một suy kiệt. Ở nơi thiếu thốn trăm bề, bên cạnh những vết đau giằng xé trên cơ thể do những ngón đòn tra tấn tàn độc, người tù còn mắc nhiều những căn bệnh khác. Thấy nhiều người bị căn bệnh viêm siêu lông mi, mi mắt ngứa, đỏ lên với cảm giác nóng rát trong mắt, anh mài cán bàn chải, thay cho que day mắt hột, ép vào mi mắt cho họ. Một cách chữa bệnh đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Đôi khi, anh còn nhận được thuốc từ bên ngoài, do nội tuyến nằm sâu trong hàng ngũ địch đưa vào, ưu tiên cho những người bị chúng tra tấn tàn bạo. Tiếng lành đồn xa, bọn cai ngục nể phục khả năng chữa bệnh của anh. Một hôm, ngay từ sáng sớm, tên Bảy Nhu xuất hiện ở cửa phòng giam, theo sau, lố nhố mấy tên quân cảnh. Mỗi bước hắn đi, lạo xạo tiếng tràng hạt được làm bằng những cái răng của các chiến sĩ giải phóng bị hắn nhổ ra, mài đi, đục lỗ, xâu vào dây đeo vào cổ, dài thòng xuống chân. Mỗi lần nghe âm thanh đó, người tù thấy tim mình như bị bóp nghẹt. Đến đâu hắn cũng vung vẩy hai tay: “Chúng mày nhìn đây. Máu của Cộng sản nè. Ha…Ha…” Những ánh mắt nhìn nhau. Lo lắng. Bồn chồn. Chuyện gì nữa đây? Ai sẽ là người bị chúng lôi đi? Tên chúa tể của những ngón đòn tra tấn rùng rợn quét ánh mắt sắc lạnh qua mặt từng người tù rồi dừng vào anh: “Nè. Tao cho mày một cơ hội. Tao bị đau lưng, mỏi vai, giãn dây chằng. Mày chữa khỏi cho tao. Bằng không…”Hắn giơ tay cứa ngang cổ. Cả phòng giam chìm trong im lặng. Anh lặng lẽ bước đến bên hắn. Mím chặt môi. Giá như có thể, anh sẽ giết chết hắn như một con chó ghẻ trả thù cho bao đồng đội. Nhưng không thể. Bởi anh biết, nếu phản ứng, không biết điều gì sẽ sảy ra với mình, với đồng đội. Anh lặng lẽ lấy kim. Lặng lẽ chuẩn xác từng động tác. Xong xuôi, anh đứng lên. Liền như thế bốn hôm. Sáng ngày thứ năm, hắn lại đến, theo sau là một tên sĩ quan Mỹ cao lớn: “Mày được đấy. Còn đây là ngài thiếu tá. Mày chữa cho ngài cẩn thận, không thì dừ đòn đó nghe.”
Ngày hôm sau, một phái đoàn của Hồng thập tự do Thượng tọa Thích Tâm Ấn dẫn đầu từ thành phố Sài Gòn ra gặp gỡ các tù nhân. Dừng chân trước phòng số 13, Thượng tọa trìu mến nhìn người tù cứng cỏi: “Nghe nói ông có tài chữa bệnh. Vậy ông nói ta nghe, nếu có một ca đẻ khó thì châm những huyệt nào?” “Thưa ngài, chỉ cần châm vào huyệt Hợp cốc và huyệt Nghinh dương là đẻ được luôn ạ”. Sau cái bắt tay trìu mến, Thượng tọa rời bước. Trước khi rời Phú Quốc, Thượng tọa yêu cầu trạm xá phát thêm thuốc để anh chữa bệnh. Nhưng những đề nghị đầy chất nhân văn đó cũng rơi vào im lặng. (Năm 2015, trong dịp 27/7, ra Phú Quốc thắp nến tri ân, họ gặp lại nhau. Vị Thượng tọa ôm chặt vai anh, mắt rơm rớm, không nói lên lời.)
Ở trong tù mới chỉ một thời gian ngắn, anh đã học được nhiều điều. Vào đây, anh mới biết mỗi trại giam, phòng giam lại là một trường học. Mỗi người tù đều trở thành thày giáo. Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Những người được phân công đi nấu cơm thì lấy mực ở mai con mực về làm mực viết. Những chiếc vỏ hộp được tận dụng từng lớp giấy, đóng lại thành sách. Những mảnh tôn bé xíu được mài giũa thành bút. Người biết thêu, dạy cho người chưa biết. Người thuộc thơ đọc cho những người khác nghe. Người để lại cho anh ấn tượng sâu sắc là giáo sư Lê Đình Cang (Hoa Lư-Ninh Bình). Là giảng viên của một trường Đại học ở Hà Nội, Lê Đình Cang viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau hai năm lăn lộn với chiến trường Tây Ninh, anh bị giặc bắt và đưa ra Phú Quốc. Với những người tù trí thức, bọn giặc có cách tra tấn, hành hạ riêng. Chúng đưa anh vào phòng thẩm vấn. Không có dụng cụ tra tấn, không có những gương mặt đằng đằng sát khí sẵn sàng ra tay, chỉ có các loại bánh trái, bia xếp đầy trên bàn. Chỉ có các ả đầm với những chiếc váy ngắn xẻ cao, lượn qua lượn lại trước mặt. Chỉ có những lời đường mật vẽ ra tương lai xán lạn nếu anh qui hồi. Ròng rã hàng tháng trời, không khuất phục được, chúng phải trả anh về trại với thân thể đầy thương tích. Với tố chất của người lính, tình yêu nghề của người thày, khi sức khỏe ổn định, anh bắt đầu dạy học cho các bạn tù. Không chỉ các “học trò”mê mải nghe mà cả bọn lính cũng há hốc mồm nhìn anh say sưa truyền đạt kiến thức về hình học không gian, đồ thị, hàm số...
Năm 1971, anh được bầu làm Bí thư Chi bộ của Phân khu A2.Tất cả hoạt động của chi bộ đều thận trọng, khôn khéo. Từ việc kết nạp Đảng viên đến họp chi bộ đều được triển khai bí mật, tránh bị kẻ thù phát hiện, bởi chúng thường cài người vào, tìm hiểu cách thức hoạt động trong các phòng giam. Vào những ngày Quốc khánh 2-9, Ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5, anh cùng chi bộ lên kế hoạch cho cả trại giam. Những lá cờ Tổ quốc được căng lên. Bài hát Quốc ca hùng tráng vang lên từ lồng ngực, từ trái tim những người con kiên trung một lòng son sắt với Đảng, với Bác Hồ, dội vào chấn song sắt khiến kẻ thù khiếp sợ, điên cuồng đàn áp. Nhiều hôm, đưa cơm đến, chúng bắt anh em phải hô khẩu hiệu "Đả đảo Bác Hồ"... mới cho ăn. Không khí im lặng bao trùm. Rồi không ai bảo ai, cả trại đồng thanh hô vang: Hồ Chí Minh muôn năm. Đảng Lao động Việt Nam muôn năm…Chúng hùng hổ lao vào đánh đập, bắt anh em phải nhịn đói trong cả một tuần. Nhiều người chết đói, chết khát nhưng không một ai nhụt chí, sờn lòng với tâm niệm: Họ có thể chết, nhưng dù chỉ còn một hơi thở vẫn hướng niềm tin sắt son về Đảng, về Bác kính yêu
Tháng 8/1971, sau nhiều lần hội ý, thảo luận, kế hoạch tổ chức cho anh em vượt ngục được đặt ra. Bằng cách nào khi từng phân khu đều có từ 10 đến 15 lớp hàng rào cao đến hơn hai mét bao quanh với những bãi mìn dày đặc? Cách duy nhất là đào hầm thoát ra ngoài. Nền phòng giam trước đây bằng đất nhưng bây giờ chúng láng xi măng sau nhiều vụ người tù đào hầm thoát ra ngoài. Mỗi phân khu đều có bếp ăn. Người tù phải tự nấu cơm dưới sự kiểm soát gắt gao của bọn lính. Nhưng khó khăn nào cũng có thể vượt qua được. Miễn là có quyết tâm, có ý chí. Trong nhà bếp ở phân khu A2 có 13 bếp. Sau khi xem xét, cân nhắc, anh cùng ba đồng chí trong chi bộ quyết định chọn một chiếc bếp để đào. Dụng cụ là chiếc xẻng vẫn dùng để ghế cơm trong những chiếc vạc lớn có thể nấu cho 80-100 người ăn. Miệng hầm cứ thế được đào sâu xuống. Mỗi xẻng đất moi ra, các anh trộn lẫn vào than củi, cho vào thùng, đưa ra bãi rác. Cứ thế mỗi ngày hai thùng đất được chuyển đi. Nhà tù Phú Quốc nằm giữa thung lũng. Bao quanh là núi, sau núi là biển nên việc đào đất rất vất vả. Không còn cách nào khác, các anh lấy bớt phần nước nấu ăn đổ xuống cho đất mềm ra. Mọi người phân công nhau vừa đào vừa cảnh giới, đặc biệt là tránh sự kiểm soát, của bọn cai ngục. Chúng đến bất chợt vào mọi thời điểm. Có hôm, 12 giờ khuya, chúng khua kẻng dồn dập. Những người tù phải ngồi dậy, xếp hàng 5 người cho chúng điểm danh. Cứ nghe thấy tiếng kẻng, dù đang mải mê đào dưới hầm sâu, các anh cũng phải bỏ dở công việc, bò lên, xếp hàng, tránh sự nghi ngờ của kẻ địch. Ròng rã suốt một năm trời, đường hầm đã lên gần mặt đất nhưng vấn đề nan giải trước mắt là làm sao thoát ra được với bãi mìn dày đặc xung quanh, với những đàn chó becgie cao lớn luôn bị bỏ đói, sẵn sàng lao vào cấu xé khi đánh hơi được. Một sáng kiến mới được anh và các bạn tù áp dụng. Mỗi khi được phát cơm, các anh bỏ vào lưng áo, nắm lại cho thấm mồ hôi, khi đi làm thả cho chó ăn. Chỉ vài lần, chúng quen hơi, sẽ không phát hiện ra các anh khi vượt ngục. Đào hầm trong bí mật, đưa người ra cũng phải tuyệt đối bí mật, tránh những trường hợp không hay sảy ra. Lần lượt 37 người vượt ngục thành công, được các thuyền của dân chài đợi sẵn, đưa về đất liền. Khi mọi người đã thoát ra An Thới, lũ chó bu đến, sủa nhặng xị ở miệng hầm. Kẻng trên các chòi dồn dập, loạn xạ. Các loại đạn pháo gầm rú, xé toạc màn đêm. Bọn giặc điên cuồng xô vào các trại, điểm danh rồi tỏa ra các hướng lùng sục. Hôm sau, vừa tinh mơ anh đã thấy những bóng người lố nhố trước cửa phòng giam. Một giọng khê nồng ồm ồm như từ âm ty địa ngục vọng lên: “Thằng nào là Vũ Minh Tằng ra ngay”. Anh bước ra cửa. Đón anh là một báng súng dội vào lưng: “Đi…Đi...” Thì ra đã có tên gián điệp mật báo. Bước vào phòng thẩm vấn, anh đã thấy tên Bảy Nhu ngồi đó từ lúc nào. Ánh nhìn lạnh lẽo như thần chết với cái cười nửa miệng cay độc chiếu thẳng vào anh: “Mày là bí thư phòng 13, đúng không?” “Đúng”. “Mày đã tổ chức cho bọn chúng đào hầm vượt ngục. Mày có nhận không?” “Đúng” “À. Mày cũng can đảm đấy. Đứng trước kẻ thù mà mày dám nhận. Nhưng tao hỏi mày điều này: Mày có hồi chánh không? Mày về với chánh nghĩa quốc gia sẽ được sang Mỹ ở nhà lầu, đi xe hơi, được vợ đẹp, con khôn, ăn sung mặc sướng” “Không. Tao đã vào đây sống thì về. Chết thì thôi. Người Cộng sản không bao giờ cúi đầu trước quân thù” “Ha…ha…Vậy thì tao sẽ cho mày biết lễ độ. Để xem cái chí khí Cộng sản của mày nó to như thế nào.” Nó hất hàm. Hai tên quân cảnh đứng bên xô đến, kéo anh ra giữa phòng, ấn anh ngồi xuống ghế. Một tên giữ chặt vai, một tên ấn chân anh vào cùm. Bảy Nhu cho người khiêng tấm sắt lỗ tròn đến, nhét hai đầu gối anh vào. Sau cái phẩy tay của hắn một tên cầm cái vồ mà bọn chúng gọi là “vồ sầu đời” được Bảy Nhu chế tác như chiếc chày giã gạo, cầm vừa tay. Những người bị tra tấn bằng loại này thì từng cái xương gần như gẫy vụn, có sống thì cũng tàn phế cả đời. Bên cạnh đó còn có nhiều gậy to nhỏ từng loại. Nếu chúng dùng“gậy bỏ cháo” thì người đó không thể húp nổi dù là miếng cháo. “Gậy sanh tử” gồm hai đầu, đánh bằng đầu sanh thì còn hy vọng sống, còn đánh bằng đầu tử có nghĩa là sẽ chết. Sau tiếng rít gằn giọng của hắn, vố chày đầu tiên giáng mạnh vào đầu gối anh. Cơn đau kéo đến xộc lên tận óc. Tiếp vồ thứ hai…thứ ba…thứ tư…thứ ba mươi, bốn mươi…sáu mươi… Nghe như từng mảnh xương ở đầu gối vỡ vụn dưới những nhát vồ. Cơ thể anh như lịm đi trong tiếng rú man dại theo nhịp đập của bầy quỉ dữ. Đến nhát vồ thứ 70, chúng dừng tay lại. Tên Nhu hất hàm: “Mày sờ xem nó đã nát vụn như vỏ trứng chưa?” “Báo cáo, nát rồi.” Con quỉ đội lốt người tiến đến bên anh: “Mày đã thấm với lí tưởng của Đảng, của Bác Hồ mà mày tôn thờ chưa?” Anh trừng mắt, trút căm hờn vào mặt tên quỉ khát máu: “Chúng tao chiến đấu vì lí tưởng của Đảng để tiêu diệt hết lũ chúng mày” “Thế thì tao sẽ cho mày chết vì lí tưởng, mà sẽ là cái chết từ từ cho mày thấm. Chúng bay, đập tiếp bên kia”. Anh nghiến răng. Sau mỗi nhịp đập, cả hai đầu gối anh đau buốt tận xương tủy. Anh nghiến răng, nhắm mắt. Chợt hiện lên hình ảnh những đồng đội khi anh đứng dưới là cờ Đảng trong giây phút được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chợt hiện lên hình ảnh người mẹ già ngày ngày ngồi cửa ngóng anh về, người vợ tảo tần cùng đứa con thơ. Anh nhủ lòng. Phải kiên cường đến giọt máu cuối cùng. Hồ Chí Minh muôn năm… Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm….Mỗi nhịp vồ nện xuống là tiếng thét căm hờn được bật ra từ lồng ngực. Rồi anh lịm đi. Không biết trong bao lâu. Bên tai vẫn thậm thịch tiếng vồ nện vào đầu gối. Chợt anh thấy mặt mát lạnh, hai mắt nhức buốt. Thì ra chúng hất nước vào mặt anh. Mở mắt ra, anh thấy khuôn mặt ác quỉ đang ghé sát mặt anh: “Chưa hết đâu. Nhìn đây.” Hắn gõ gõ trên tay một ống tuýp sắt dài: “Mày biết đây là cái gì không? Đây là gậy biệt ly. Một nhát gậy này là một cái răng lìa đời. Há miệng ra” Hắn dùng tuýp sắt ghè thẳng vào miệng anh. Một cái răng bị dứt ra khỏi hàm. Máu tuôn xối xả, “Ngậm miệng lại. Uống hết máu đi. Nuốt răng vào bụng. Giọt nào chảy ra ngoài miệng là tao giết.” Cứ như vậy lần lượt nó đánh gẫy 2..3..4..5.6. Đến cái thứ 7, anh không thể nuốt được nữa. Bọn quân cảnh dằn ngửa anh ra, xả nước vào miệng. Bụng anh chướng lên vì máu, vì nước, vì những cái răng nhọn hoắt cấu xé ngang dọc dạ dày vốn đã lép kẹp. Rồi ngất đi. Chúng lại hất nước vào mặt. Anh tỉnh lại, chúng tiếp tục đánh. Cứ như thế, lần lượt 9 cái răng của anh nằm gọn trong bụng sau một đêm dài tra tấn. Gần sáng, chúng quẳng anh ra ngoài bãi đất trống, nơi bọn Mỹ đang xây dựng phân khu B2, để xe lu xiết dưới bánh xe. Nhưng đêm đó, mải nhậu nhẹt, bọn chúng không làm việc. Sáng hôm sau, một tên Mỹ thấy anh nằm thoi thóp bên đống đá, liền gọi xe Zep đưa anh về trại.
Mấy ngày sau, Bảy Nhu cho lính khiêng anh lên phòng tra tấn: “Mày giỏi lắm. Tao phục mày. Nhưng tao sẽ cho mày chết từ từ, vừa chết vừa nhớ vợ nhớ con, nhớ đồng đội. Còn tao bắn bòm cái mày chết rồi ném xuống biển thì đơn giản cho mày quá”. Vừa nói, hắn vừa để xuống trước mặt anh 6 cái đinh 10 phân. “Làm đi.” Hắn gào lên. Anh nhắm mắt, nghiến chặt răng. Một chiếc đinh ghim vào đầu gối anh. Cảm giác đau đớn lại xộc lên tận óc sau mỗi nhát búa. Anh lịm đi sau khi cả 6 cái đóng chi chít vào hai đầu gối anh. Xong xuôi, chúng chuyển anh về phòng biệt giam. Nơi chỉ có 24m2 vuông với 300 người, anh em tù đỡ anh nằm xuống, lấy tay áo quạt mát, xoa cho anh những cơn đau nhức nhối. Đã quen với cảnh đón những người bạn về trong tình trạng thập tử nhất sinh, mọi người xúm vào chăm sóc anh. Họ nghiến răng. Từng cái đinh rời ra, kéo theo máu. Và nước mắt. Những giọt nước mắt hiếm hoi không phải của anh mà của những người đồng chí kiên trung ở nơi mà chúng gọi là “nhà mồ”, nơi uy vũ không khuất phục được họ.
Bữa cơm đầu tiên trong khu biệt giam. Nhìn bát cơm, anh ngạc nhiên. Sao cơm lại có màu vàng. Đưa lên miệng, anh nôn khan. Phân người. Trời ạ. Thì ra chúng trộn cơm với phân, bắt những người tù phải ăn. Ngày hôm sau, vừa đặt chảo cơm xuống trước cửa phòng, một tên lính gọi một người tù: “Lại đây. Giơ chân lên”. Chiếc búa đinh trong tay hắn vung lên, nhằm thẳng vào mắt cá chân người chiến sĩ. Máu tuôn ròng ròng. Ngay lập tức, hai thằng lính đứng bên hứng chậu cơm vào. “Món ngon đấy. Chúng mày ăn đi.” Nước mắt người tù hòa với cơm, với máu đồng đội. Mỗi ngày dưới cái nắng khô khát, chúng chỉ phát cho mỗi người khoảng 10cc nước. Mỗi khi tiểu tiện, anh em cho ra tay, chia nhau mỗi người một ít, không bỏ phí giọt nào. Để sống. Để tiếp tục đấu tranh với kẻ thù. Khi cơ thể dần dần hồi phục, mỗi lần đi đại tiện, anh lại lần mò lấy lại từng chiếc răng. Chúng nhổ 9 cái nhưng chỉ tìm được 8 cái, anh khâu vào cạp quần, không để địch phát hiện ra.
Năm 1973, anh được trao trả theo Hiệp định Pa-ri. Ra đi với thân thể cường tráng 70kg, giờ đây khi trở về chỉ còn 23kg với thương tật khắp người. Hộp sọ bên phải bị thương, màng nhĩ thủng, tai bên phải điếc hoàn toàn. Hai đầu gối lạo xạo xương vỡ. Hai rẻ xương sườn bên trái bị gãy, 4 đốt xương sống bị nứt, dạ dày bị thủng. Đó là hậu quả của những trò tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Mảnh đạn AR15 vẫn găm trong hốc mắt bên phải nhưng không thể phẫu thuật. Bởi nếu chỉ cần đụng dao kéo sẽ bị mù vĩnh viễn.
Trở về với đời thường, người chiến sĩ mình đồng da sắt lại cần mẫn với cuộc sống đời thường của cơm, áo gạo tiền để nuôi dậy 5 đứa con khôn lớn, thành đạt. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ẩn mình sau lũy tre yên bình của làng Tiên Hào, có 3 người già yếu nương tựa vào nhau để chống chọi với tuổi già, bệnh tật. Người năm nay đã gần bước sang tuổi 80, cùng với người vợ bị bệnh bệnh thấp khớp hàng ngày đi lại phải bám vào vai người em trai của chồng là ông Vũ Văn Mỹ mất trí nhớ từ năm 13 tuổi do trèo cây bắt chim bị ngã gãy cột sống năm nay cũng đã 76 tuổi.
Năm 2011, được sự tài trợ của ông Nguyễn Tấn Sỹ- giám đốc Hasico, anh lên đường trở lại nơi đã mang đến cho anh và bao người tù những nỗi ám ảnh kinh hoàng. Bốn ngày lưu lại Phú Quốc đủ thời gian cho anh gặp lại “con quỉ mang bộ mặt người” Bảy Nhu. Từ khi Phú Quốc giải phóng, sợ bị giết, bị trả thù, Bảy Nhu lẩn trốn vào rừng khi thấy có người tìm đến nhà. Hắn nuôi cả một đàn chó dữ, cài lựu đạn, mìn bên hàng rào dây thép gai xung quanh nhà. Để gặp được hắn cũng là một việc khó khăn, nhưng cuối cùng, hai kẻ tử thù cũng ngồi đối diện nhau trong căn nhà của hắn: “Ông nhận ra tôi chứ?” Người cựu tù nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Không còn vẻ ngổ ngáo, ngỗ ngược với bộ mặt sát khí đằng đằng, chỉ còn bộ mặt già nua, méo xẹo, cái nhìn thiểu não không dám chiếu vào người đối diện: “Dạ. Tôi không nhớ ạ.” “Không. Ông không thể quên được tôi. Trước tôi ở A2. Ông đã từng nhiều lần cởi áo để tôi châm cứu chữa bệnh đau lưng”. Bộ mặt quỉ dữ một thời là nỗi ám ảnh của 40 000 người tù ngẩng lên, hai tay giơ lên, nắm chặt tay anh: “Tôi nhận ra rồi. Ông là Tằng, bí thư phân khu A2. Ông vẫn còn sống à? Tôi thực sự kính nể ông. Lẽ ra ông đã vào quan tài từ lâu rồi. Chúng tôi đã hành hạ một người Cộng sản như ông thì thế giới có một không hai. Ông ở trong tù nhưng chúng tôi vẫn kính phục vì ông vẫn chữa bệnh cho người tù, cho chúng tôi, cho cả người Mỹ nữa. Tôi với ông trước đây khác chiến tuyến nhưng bây giờ không còn hằn thù nhau nữa. Chúng ta đều là người Việt Nam. Ông có tài châm cứu tuyệt lắm, chữa bệnh cho tôi đỡ lắm. Bây giờ tôi bị đau ốm quá. Mà này, giờ về quê, ông có phát huy được cái tay nghề đó nữa không?” Có lẽ cái giọng ngùi ngùi như chứa đựng nỗi ân hận đã xóa đi nỗi uất hận trong lòng người cựu tù: “Thế bây giờ ông sống ra sao?” “Tôi vẫn ở đây. Tôi già rồi, chẳng thể đi đâu được nữa. Nói thật với ông, trước đây, tôi đã có ý định vượt biên. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi khi thuyền rời khỏi đảo thì lại gặp chuyện trục trặc nào đó phải quay vào bờ. Nhiều lần như vậy nên tôi không đi nữa. Tôi biết rằng anh linh những người tù bị tôi giết đã không để cho tôi đi. Để tôi thấm thía những nỗi đau mà tôi đã gây ra cho họ. Bây giờ, tôi sẽ chỉ những chỗ mà trước kia chúng tôi đã vùi xác nhiều người để cho các ông bốc hót họ về”.
Vũ Minh Tằng lặng im. Tất cả như ùa về, giằng xé trong anh. Lát sau, anh trầm giọng: “Ông nghĩ được như thế là tốt rồi. Anh cho tay vào túi áo - Tôi có mấy đồng, cho ông để ông mua thêm chén thuốc dưỡng bệnh...”. Bảy Nhu đưa tay ra, một lần nữa nắm chặt tay anh. Hình như tay hắn run run. Hình như có gì đó xao động trong hốc mắt mờ đục.
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN