"Cúi đầu trước cỏ" - Tản văn của Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 08:05 28/04/2022 Lượt xem: 198

 

---------------------------------------------------
Cúi đầu trước cỏ
NGUYỄN HỮU QUÝ
Thứ Tư, 27-04-2022, 15:04
+ |  Print
 
Ảnh: THANH LỘC

       Trong cỏ ấy mang chứa những gì của quá khứ mà xanh buốt đến vậy? Mỗi lần đến đây, trong tôi thường hiện lên câu hỏi đó. Trả lời tôi là im lặng của cỏ.

       Tôi nghe được những khoảng lặng im mênh mang… Thành cổ Quảng Trị. Cây cỏ đã tươi xanh. Tươi xanh ngằn ngặt, tươi xanh nghi ngút như là sự bù đắp không dễ nói được thành lời. Sông Thạch Hãn không xa mấy đã là dòng chảy hòa bình, soi rõ trời xanh lồng lộng và có khi nhuộm đỏ ráng chiều rừng rực mầu lửa cháy. Những đám mây mầu cánh vạc có lúc cũng qua sông, khói sóng phảng phất trên mấy gợn gió ký ức của thời gian. 

       Từ trên đài chứng tích, tôi nhìn xuống, nhìn ra xa chỉ thấy cỏ. Cỏ nối nhau, nối nhau dọc ngang thành một miền xanh thăm thẳm; tôi chưa bao giờ đi hết được miền diệp lục lạ kỳ đó, hình như thế. Dẫu rằng, những gì xảy ra với vùng đất rộng chưa đến ba cây số vuông này ở nửa thế kỷ trước người ta đã kể lại nhiều. Trong muôn vàn câu chuyện về Thành cổ được nghe, tôi thật sự ám ảnh với câu nói của một cựu binh từng tham gia tác chiến ở đây năm 1972. Nguyên văn câu anh nói: “Ở Thành cổ Quảng Trị rêu cũng đỏ như máu”. Tôi nhập dẫn tâm thức vào câu nói của anh để bật ra hai câu khai mở cho bài thơ “Thắp cho Thành cổ” của mình: “Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm”. Rêu và máu. Cỏ và chiến binh. 81 ngày đêm. Mùa hè năm 1972. Cho đến bây giờ, theo như tôi biết thì người ta chưa thống kê được một cách chính xác có bao nhiêu chiến sĩ ta đã hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị. Năm nghìn hay mười nghìn? Ai đã tìm thấy hài cốt và ai đang nằm dưới cỏ, dưới đáy sông Thạch Hãn? 

       Vùng đất này nổi tiếng khắc bạc với hai mùa rất rõ rệt. Mùa nắng, nắng gay gắt như đổ lửa, nắng như trời bị cháy. Cộng thêm gió lào, cái thứ gió quái kiệt thổi giống bão khan từ hướng tây nam về, nóng và khô. Mùa mưa, mưa tầm tã như trút nước, mưa như trời bị thủng. Dân Quảng Trị hay chép miệng nói, mưa chi mà mưa dễ sợ, mưa thúi đất, thúi đai. Tôi từng đến Thành cổ Quảng Trị vào hai mùa, nắng và mưa. Mùa nào, thật lạ, là cỏ vẫn nhói xanh như thế. Thạch Hãn có thể đổi mầu nhưng cỏ Thành cổ vẫn giữ một sắc xanh nhức buốt. Tôi biết lính tham gia chiến đấu ở Quảng Trị phần đông còn rất trẻ, họ là sinh viên đến từ các giảng đường đại học, học sinh cuối cấp ba, thanh niên ở nhiều làng quê, khu phố…Trường cấp ba tôi học có bạn được gọi nhập ngũ từ đầu năm 1972. Có người không được trở về nơi mình đã ra đi. Chiến cuộc tàn khốc đến vậy cơ mà! Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm càng tàn khốc hơn. Đất đá bị xới đào. Cỏ lau bị thiêu cháy. Nhà cửa bị tàn phá. Tan hoang. Đổ nát.

       Bây giờ tôi đã hiểu, cỏ xanh thăm thẳm có lẽ cũng vì cỏ khâu vá những vết thương đất mẹ. Cỏ làm dịu lại đớn đau dĩ vãng. Cỏ chính là ẩn dụ của bình yên. Trên cỏ sẽ là hoa. Trên sông sẽ là hoa. Tôi viết: “Thành cổ ơi, đã qua thời máu lửa/xin để hoa tươi được hát cho mình”. Những nhắn gửi của người sống tới thanh xuân bất tử. Giản dị vậy thôi mà cũng vô cùng sâu lắng. Tôi cúi đầu trước cỏ, lắng nghe cỏ Thành cổ thì thầm. Ngỡ như xa xăm mà thật gần gũi. Gần gũi như hương cỏ mùa xuân của tuổi thơ, của tuổi yêu, của những giấc mơ ăm ắp khát vọng trẻ. Trong cỏ, dưới cỏ đang có một thế giới nữa, chưa bao giờ chia cắt và không hề có thù hận đang đồng hành cùng ta trong khát vọng hòa bình tươi sáng! 

Phạm Sinh sưu tầm
Theo "Thời nay" - Ấn phẩm của Báo Nhân dân

 
 
 
tin tức liên quan