CHẢY NHƯ SÔNG QUÊ
Tản văn của Nguyễn Hữu Quý
Sinh ra ở cuối một dòng sông lớn của miền Trung tôi có hạnh phúc được chảy giữa đôi bờ. Dòng chảy linh thiêng đó khởi thủy từ hàng triệu năm trước, khi mặt đất còn quá hoang vu, trong lau lách cây cối bạt ngàn, những “cây sậy mong manh biết suy nghĩ” chưa mọc. Thuở ấy…Mặt trời thế nào? Mặt trăng ra sao? Và, gió nữa, tôi chưa hình dung được. Trong thăm thẳm hơn cả thăm thẳm, mịt mùng hơn cả mịt mùng, bao la hơn cả bao la của thế giới hồng hoang phải có một nét đứt gãy địa chất nào đó xảy ra sông mới cất tiếng chào đời. Róc rách nguồn giữa hun hút âm u đại ngàn. Đại ngàn xa xưa, rất xa xưa ấy có bao nhiêu tầng xanh dưới những vệt mây tinh khôi bay qua để che chở cho những trong veo ngỡ ngàng chuyển dịch. Suối rồi sông. Chảy. Chảy mãi. Chảy từ thuở ấy cho đến bây giờ. Chảy từ khi vô danh cho đến khi được đặt tên. Chảy từ khi chưa có nhân loại tới lúc đông đúc con người. Con người là nấc cao nhất của sự tiến hóa sự sống? Sông không như thế. Sông sinh ra đã là sông. Chảy, ai chảy bằng sông…
Sông ôm lấy làng, một phía cong cong. Dòng chảy cong cong mềm mại tràn trề nữ tính. Khi là mẹ. Khi là em. Ướm đặt vào những bến nước đầy vơi, bồi lỡ khó mà biết trước. Qua bao khúc đận, cuối cùng còn lại tiếng thương là đáng bận lòng níu dạ nhất. Mẹ ạ ờ ru tôi bên cửa sông đầy sóng, "Quảng Bình là đất Ô châu / Ai đi đến đó quảy bầu về không". Đất Ô châu là gì? Sao lại quảy bầu về không? Hồi bé, tôi chưa một lần hỏi mẹ câu đó. Mẹ nhẫn nại, tần tảo nuôi chúng tôi, những đứa con tắm gió lào, dầm gió bấc, trên cát. Đời mẹ, tôi nghĩ, là một dòng chảy vô danh, ẩn khuất giữa dòng đời dọc ngang, chìm nổi. Cuốc đất trồng khoai, trồng rau, lại đặt lên vai chiếc đòn gánh tre đẫm bóng mồ hôi ngược xuôi chợ mai, chợ hôm kiếm cái nuôi con khôn lớn. Cuối sông, đầu biển, cát trắng, đất phèn có được cái ăn, cái mặc đâu dễ dàng chi. Mồ hôi đổ, nước mắt sôi, áo bạc màu nắng mưa xứ sở, mẹ vẫn âu yếm nhìn con với nụ cười hiền lành núp trong bóng nón. Chiếc nón lá cũng là quê hương, dày dặn hơn một bài thơ êm dịu, vẽ trong tôi một khoảng tròn ân nghĩa. Tôi nhớ mẹ nhiều lắm. Bóng người đổ xuống mặt sông, góp thêm vị mặn cho dòng chảy thiên thu. Vì thế, thương mẹ tôi lại nghĩ nhiều về sông. Những dòng chảy miệt mài hữu ích trong cõi trời đất chênh vênh.
Sông chưa bao giờ ngừng chảy. Dòng nước in màu trời đổi thay theo mùa tiết, khi biếc thắm, lúc bàng bạc. Mảnh thia lia bắt nắng lấp lánh vệt ấu thơ trước khi chìm vào lòng sông. Lũ trẻ chúng tôi nhảy ùm xuống sông, vùng vẫy, hò hét váng trời khi chiến tranh chưa lan ra tận đây. Tôi mang máng nhớ có lần chẳng hiểu sao mình bị chìm dần trong nước. Lúc ấy, mới chín, mười tuổi gì đấy. Có lẽ, tôi đã bơi hơi lâu nên bị đuối sức. Cảm giác ngạt thở càng tăng dần cho đến lúc như có ai đó đẩy tôi lên và đưa vào bờ. Sông trở nên bí ẩn với tôi, từ đấy. Tôi giữ bí mật này cho đến bây giờ, hầu như chưa hề nói với ai, kể cả cha mẹ, bạn bè tôi. Chỉ riêng có một người, một người thôi, biết được câu chuyện. Đó là cô bé láng giềng của tôi. Cô bé thường lẽo đẽo theo tôi ra vườn chơi. Tôi gọi bé là “chuồn chuồn kim” và tự phong cho mình là “chuồn chuồn bầu”. Khi chuồn chuồn bầu giơ tay bắt chuồn chuồn thật đang đậu trên đọt bí thì chuồn chuồn kim đọc sau lưng, "chuồn chuồn có cánh thì bay/ có thằng con nít giơ tay bắt chuồn"…Nghe động, con chuồn chuồn vụt bay đi để lại sự tiếc nuối của thằng chuồn chuồn bầu. Tôi cáu, mi làm cho hắn bay mất toi rồi, tau bắt đền mi đó, Hợi à. Chuồn chuồn kim cười, khuôn mặt trái xoan tỏ ra không hề sợ sệt, thôi, tau đền cho mi chiếc kẹo chanh ni hi…Khi nghe tôi kể lại chuyện tắm sông hôm qua, Hợi nhăn mặt lại, ui chao, rứa à, mi bị ma rà bắt đó. Chuồn chuồn kim bỗng như lớn thêm vài tuổi, may mà “mạ sông” cứu, không thì mi bị hắn kéo đi rồi.
Tôi nhớ mãi lời em nói. Mạ sông. Như nhớ thời em và tôi chơi trò “chồng vợ”. Vợ chồng con nít trong trẻo nên đáng yêu vô ngần. Đi qua những mùa hoa dại bên dòng nước thao thao chảy, tôi thầm gọi tên xuyến chi, cỏ may, tứ quý…Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi làm rung rinh vạt ấu thơ của chúng tôi. Xuyến chi vàng trắng. Cỏ may tim tím. Tứ quý thắm hồng. Em be bé hồn nhiên. Sông cũng hồn nhiên cởi mở nơi hạ lưu rộng rãi. Khi trưởng thành tôi tự hỏi, sao hồi ấy em đã biết gọi sông là “mạ” nhỉ? Ai bày cho em điều đó. Và khi trở thành người viết văn tôi cũng đã gọi sông quê mình là sông mạ, kiểu như ai đó gọi sông Hồng là sông mẹ, sông Cái đấy thôi. Có nhiều ẩn dụ dành cho mẹ, bởi phẩm tính của người luôn gắn với những chịu đựng lớn lao và cho nhiều hơn nhận. Đức hy sinh của mẹ khó ai sánh bằng dẫu họ có thể là anh hùng, vĩ nhân. Mẹ vĩ đại trong bình dị, bình thường. Như sông hào hùng và trữ tình trong thiên chức chảy để con người có những cánh đồng và xóm mạc, phố xá và bến chợ. Xa hay gần thì đời người vẫn thường gắn bó với sông, lừng danh hoặc vô danh cũng đều mang trong lòng một dòng sông tri kỷ. Nhắc đến sông ấy là nhắc tới quê nhà, để rơm rớm nước mắt hay tủm tỉm cười khi sống lại cùng năm tháng đã qua. Hồi học cấp 3, mấy tháng nghỉ hè, tôi phải đi làm để kiếm tiền. Công việc không nhẹ nhàng đối với tuổi tôi. Mấy cái lò vôi của hợp tác xã cần đá để nung. Xã tôi không có lèn núi đá vôi. Muốn có nguyên liệu nung vôi những con thuyền máy của hợp tác xã phải ngược sông lên mấy hòn lèn ở miền tây chở đá về. Thuyền đi từ chập tối đến tờ mờ sáng hôm sau mới đến bãi đá. Đêm nằm trong lòng thuyền tôi nghe tiếng sông chảy róc róc hai bên. Đêm trở nên vời vợi với tôi. Tiếng nước trôi như tiếng thời gian chuyển động, cái không gian chật chội tôi đang duỗi co thấp thoáng những nỗi buồn sớm. Nghiêng phía nào tôi cũng gặp tiếng sông, tiếng an ủi vỗ về rồi giấc ngủ đến với tôi lúc nào không biết. Khi tôi chìm vào chiêm bao với những ảnh hình đan nối chập chờn thì sông vẫn chảy. Lúc cậu tôi lay người gọi “Đến rồi, dậy thôi cháu” thì tôi mới uể oải tỉnh giấc. Trời đã sáng bạch. Một vùng sông lô xô bóng lèn, bóng núi. Trên bờ những khối đá vôi đã được xếp sẵn. Ăn sáng quấy quá xong chúng tôi bắt tay vào việc. Lòng thuyền đầy đá, mớn nước cao dần lên. Lưng lửng trưa, thuyền xuôi sông về hạ lưu. Tôi ngồi trước mũi thuyền ngắm cảnh đôi bờ. Những vệt làng cây cối xanh tốt; rặng bần, rặng tre soi bóng xuống sông, mấy cô gái giặt áo. Tóc dài đen mượt, bắp chân trắng, tiếng cười lan đến thuyền tôi. Cậu tôi cất tiếng "Ơ hò…Này o giặt áo bên sông/ Cho eng gởi cái…được không o hè?" Lấp lửng quá cậu ơi, gởi cái gì cơ chứ. Con thuyền lướt mau để lại đằng sau sau chuỗi cười thanh thanh và câu hò đáp trả tỏ mờ trong gió…
Có bao nhiêu đời người bên một đời sông. Ta đi bên sông, ta đi qua sông, có lúc vô tình không cúi xuống hỏi chào đầy vơi một câu tròn trịa. Cũng như cái thời công nghệ thông minh chiếm lĩnh bây giờ những ẩn dụ bến - thuyền có lẽ đã bị lãng quên rồi. Còn mấy ai hát nữa em nhỉ, "Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền". Ai nhớ ai? Ai đợi ai? Chuồn chuồn kim của tôi đã con bế, con bồng. Thế mà cớ chi tôi vẫn hay xào xạc với xa xưa, vẫn không quên nổi cái lần em gọi “mạ sông”. Bên sông, không còn những mái tranh nghèo nữa. Nhà cao tầng san sát. Chợ quê nhưng đủ thứ hàng, dập dìu váy áo bay bay. Sông vẫn chẳng mấy đổi thay, điềm nhiên chảy bên đời như đang tải đi lớp lớp thời gian vô hình. Chảy cho tất cả, chẳng phân biệt cao thấp, sang hèn, giàu nghèo. Chảy như mạch quê không bao giờ ngưng tắt. Cho tôi trở về quê sau những năm tháng đi xa vẫn nhận ra gương mặt cội nguồn chân mộc mà đẹp đẽ. Ngỡ như vừa nhặt được tiếng oa oa đầu đời trong gió mặn, tôi lại được thêm lần sinh hạ nơi cửa sông mang mang. Tất cả còn vẹn nguyên. Sông núi quê nhà.
Sông Gianh, con sông trữ tình ở Quảng Bình.
Nguyễn Hữu Quý
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn VN