Nhà giáo Nguyễn Phương Anh. Cảm nhận về bài thơ “ Những ngày này” của Nguyễn Hữu Quý
NHÀ GIÁO NGUYỄN PHƯƠNG ANH
CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NHỮNG NGÀY NÀY”
CỦA NGUYỄN HỮU QUÝ
Kính thưa Ban Biên tập Báo Điện tử Trường Sơn.
Tôi là Nguyễn Phương Anh, đến từ Hà Nội.
Tình cờ lần ấy tôi xem trên VTV – Đài Truyền hình Việt Nam thấy có chương trình Lễ kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn. Với một chương trình phát sóng ngắn gọn chỉ mang tính đưa tin vắn về một sự kiện nhưng với tôi đấy là điều thật thú vị. Tôi tâm đắc khi nghe câu “ Trường Sơn – Con đường mang tên Bác – Con đường huyền thoại”… Rồi một lần tình cờ nữa – Cũng từ VTV – Đài Truyền hình Việt Nam tôi được xem trọn 8 tập phim mang tên “Trường Sơn một thời con gái”, những tập phim nói trên tôi không chỉ 1 lần xem mà có những tập tôi xem đi xem lại tới 3-4 lần. Và rồi “Trường Sơn một thời con gái” đã “vô tình” lấy đi của tôi không ít nước mắt – nước mắt của niềm cảm phục và rất đỗi tự hào…
Tôi “âm thầm” đến với hai chữ Trường Sơn từ ấy. Và cứ như có mối nhân duyên nào đó, cách nay không xa qua truyền thông tôi được biết có một Hội Văn học Nghệ thuật mang tên Trường Sơn – Truyền thông đưa tin về Đại hội nhiệm kỳ II của Hội này…
Trong khi tôi vẫn mải miết để “âm thầm” đến với hai chữ Trường Sơn. Tôi quyết định “truy tìm” cho bằng được nó. Lần này không còn là tình cờ nữa mà với kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, từ máy tính của mình tôi vào hai chữ “Trường Sơn”. Màn hình máy tính hiện lên nhiều lắm những dòng mang hai chữ “Trường Sơn”, tôi đã chọn địa chỉ “hoitruongson.vn” để tra cứu thông tin. Lại một lần nữa điều thú vị đến với tôi - “hoitruongson.vn” là địa chỉ của Báo Điện tử Trường Sơn… khi ấy tôi lại “âm thầm” reo lên – “Trường Sơn đây rồi…”.
Trường Sơn Điện tử có cả hàng chục chuyên mục – Đọc nó tôi thấy chuyên mục nào cũng hấp dẫn… Nhưng với tôi – tôi ấn tượng và “nặng lòng” hơn với chuyên mục “Văn học Nghệ thuật” bởi trước hết vì một cái lẽ cá nhân tôi rất yêu mến Văn học Nghệ thuật – Một cái sở thích “trái nghề” trong khi tôi lại là một Dược sỹ đang tham gia giảng dạy tại Khoa Y Dược của một Trường Đại học, tuy nhiên trong trường hợp này cái lẽ cá nhân kia của tôi phải xếp vào vai trò thứ yếu, còn vai trò chủ yếu nó được cấu thành qua một thời gian chưa dài thường xuyên đọc Trường Sơn tôi thấy chuyên mục này “gói” tất cả những gì của Trường Sơn xưa và nay trong ấy…
Kính thưa Ban Biên tập!
Kèm theo đôi dòng gọi là “câu chuyện làm quà” để làm quen với Trường Sơn của mình. Tôi xin gửi tới Trường Sơn một bài viết – Bài viết mà tôi xin được khiêm tốn gọi đó là “Đôi dòng cảm nhận” về bài thơ có tựa đề “NHỮNG NGÀY NÀY” của một người lính Trường Sơn – Đại tá Nguyễn Hữu Quý. Bài thơ này đăng trên Báo Điện tử Trường Sơn ngày 27-9-2022 và tôi vừa mới đọc được.
Xin trân trọng trao tới Ban Biên tập và trân trọng cảm ơn.
Nguyễn Phương Anh
TỔ QUỐC TRONG TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH
Lịch sử hành tinh này trải qua hàng triệu triệu năm, đã có biết bao nhiêu người nói về tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quốc. Điều này chẳng ai chối cãi.
Và hôm nay tôi cũng thế, hay nói đúng hơn là tôi cũng chẳng chối cãi khi đọc bài thơ “NHỮNG NGÀY NÀY” của một người lính Trường Sơn.
NHỮNG NGÀY NÀY
Bỗng thèm trở lại vùng cao
Đường biên mây vờn cột mốc
Tổ quốc chạm vào vầng ngực
Ngôi sao đậu xuống lòng tay
Bỗng thèm được đến chân mây
Ngắm đồng đội tôi bên sóng
Trường Sa qua ngày biển động
Thương từng vết sẹo phong ba
Nơi nào in dấu chân ta
Khi bình yên, lúc giông bão
Lòng tôi biên cương, biển đảo
Từng tấc non nước yêu thương!
Bỗng thèm lại được lên đường
Như thời còn mang áo lính
Nhọc nhằn chẳng hề toan tính
Chỉ mong thơ được mặn mà
Thương từng mảnh đất đã qua
Nhớ mỗi con người đã gặp
Nay giở lại từng trang sách
Rưng rưng, đồng đội quây quần...
27.9.2022
Nguyễn Hữu Quý
Nguyễn Hữu Quý cùng các chiến sỹ trên Đảo Trường Sa (Ảnh minh họa)
Nói là thế, vậy mà ngay khổ đầu tiên tôi đã thấy bâng khuâng khi chạm:
“Tổ quốc chạm vào vầng ngực”. Một cái chạm nhẹ nhàng thôi, mà thiêng liêng thế, mà gìn giữ thế ai ơi. Rồi sau đó: “Ngôi sao đậu xuống lòng tay”.
“Ngôi sao” ấy là “ngôi sao” nào? Phải chăng là “ngôi sao” trên chiếc mũ của người chiến sĩ? Hay “ngôi sao” năm cánh của lá cờ dải đất quê hương này? Hay “ngôi sao” hóa thân của tình yêu, của niềm tin, của những hy vọng xanh đối với non sông? Tôi chắc là tất cả những điều đó. Và nó “đậu xuống lòng tay” – cái “lòng tay” chứa mồ hôi sương nắng của người dân đất Việt. Mà là “lòng tay”, chứ không phải “bàn tay” nhé. Thế thì nó ấm lắm, yêu thương lắm. Thế thì cái tình yêu Tổ quốc ấy nó gần gụi lắm trong mỗi chúng ta. Hóa giải một tình yêu ngỡ là lớn lao, ngỡ là thiêng liêng như thế thành đôi câu thật bình dị, để rồi ai trong chúng ta cũng thấy mình trong đó, bất kể chúng ta là ai, là người lao công, anh thợ hồ, kỹ sư, nhà giáo hay người chiến sĩ quê hương.
Tác giả thật mộc mạc khi nói “Bỗng thèm trở lại...”, “Bỗng thèm” “lên đường”,... Chắc là anh – một người chiến sĩ đang da diết nhớ những miền anh qua, những nơi “in dấu chân” anh, những ngày tháng mà anh chứng kiến, anh thấm những gian truân, vất vả, sự quả cảm, anh dũng và cả những hy sinh của người lính nhiều lắm, nên anh “Thương từng mảnh đất đã qua”, “Thương từng vết sẹo phong ba”. Cái “vết sẹo” được anh nhân cách hóa lên thành “vết sẹo phong ba” thực sự đã làm chúng ta nhói đau khi đọc, để rồi nước mắt rơi theo những yêu thương, những mất mát của dân tộc này.
Đã có lần tôi may mắn được gặp những người lính Trường Sơn trong một Hội nghị. Và tôi ngỡ ngàng khi nhận thấy sự trong veo trong tâm hồn của họ. Những tâm hồn, những con người mà tôi như thấy ngay cả bây giờ, trong thời bình họ vẫn sẵn sàng lên đường ngay sau giây phút được giao nhiệm vụ. Và đây, đúng thế, nhà thơ của chúng ta đã nói lên điều đó:
“Bỗng thèm lại được lên đường
Như thời còn mang áo lính
Nhọc nhằn chẳng hề toan tính”.
Rất nhiều người trong chúng ta mang tình yêu đối với người lính bằng muôn sắc màu. Tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng hôm nay, đọc bài thơ này, tôi bỗng thấy lòng mình lại xao động, cái xao động vừa kề cận khi bàn tay tôi phải đỡ lấy trái tim mình, lại vừa thổn thức con sóng triều không nhỏ bởi những câu thơ của anh – một người lính:
“Bỗng thèm được đến chân mây
Ngắm đồng đội tôi bên sóng”
Hay nỗi nhớ của anh gợi đến hình ảnh những người dân quê chào hỏi gặp nhau nơi xóm làng:
“Thương từng mảnh đất đã qua
Nhớ mỗi con người đã gặp”
Và ta cũng rưng rưng, cũng cảm động theo, khi:
“Nay giở lại từng trang sách
Rưng rưng, đồng đội quây quần...”
Đôi chân của mỗi chúng ta đều đi trên đất mẹ. Có khi êm êm đường làng đất mịn, có khi cằn khô đá sỏi, có khi gập ghềnh non cao biển sóng. Người lính của chúng ta cũng thế và còn hơn thế rất nhiều. Có lẽ vậy nên anh nói về tình yêu Tổ quốc trong trái tim người lính vừa bình dị như câu chuyện bên khói thuốc lào, lại vừa bao la trọn cả biển trời sông núi:
“Khi bình yên, lúc giông bão
Lòng tôi biên cương, biển đảo
Từng tấc non nước yêu thương!”
Một bài thơ mộc mạc, tưởng như đơn sơ nhưng những hình ảnh lại được nhân cách hóa, được lồng cảm xúc vào những câu chuyện, vào mãi tít tận“Trường Sa qua ngày biển động”, hay trên cả những “Đường biên”, những “mây vờn cột mốc”. Để rồi ta thấy tình yêu đất nước, quê hương, tình yêu Tổ quốc trong trái tim người chiến sĩ thật da diết, thiết tha mà lại vô cùng bao la, rộng lớn. Tình yêu của người chiến sĩ thật chân tình, gần gũi biết mấy. Trong cái ban mai của đất trời hôm nay, ta thêm yêu người lính của đất nước, thêm yêu Tổ quốc mình hơn qua những vần thơ của anh.
Cảm ơn anh – Đại tá – Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.
Hà Nội, tháng 9/2022.
Nguyễn Phương Anh