“Cha tôi” - TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 06:36 20/11/2022 Lượt xem: 187
CHA TÔI
( Nhân ngày Quốc tế Đàn ông 19-11)
Hoàng Văn Kính

 
       Dằn lòng để vợ chồng cậu Út ở nhà, ông khăn gói lên Hà Nội ở, trông nhà cho anh con trai cả. Làng trên xóm dưới cũng nhiều điều tiếng dị nghị, thị phi, thậm chí xúc phạm. Nào là: ông chỉ muốn sướng bản thân mà bỏ rơi đứa tàn tật. Nào là ông ăn ở thất đức không nhớ gì đến lời hứa với vợ lúc bà lâm chung. Nhiều người còn thở dài thương xót cho số phận hẩm hưu của vợ chồng thằng Út rồi không biết sống thế nào… Ông biết hết, ông nghe thấy hết nhưng đành nuốt nước mắt cầm lòng ra đi.
       Được ba người con. Chị cả sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được điều động lên dậy học tận huyện Miền núi Mù Cang Chải rồi lấy chồng và định cư trên đó vài năm mới bồng bế nhau về thăm ông một lần. Anh thứ hai sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa xin vào làm việc cho một nhà máy ở Hà Nội, lấy vợ người Hà Nội rồi cũng ở luôn trên đó. Còn cậu Út mãi khi ông xuất ngũ sau năm bẩy lắm mới sinh, được ba tháng thì bà qua đời do một căn bệnh hiểm nghèo. Trước lúc lâm chung bà dặn ông trong hơi thở yếu ớt: Anh gắng nuôi các con cho bằng người, ở dưới suối vàng em sẽ phù hộ cho bố con anh…
       Một tay làm cha, một tay làm mẹ. Ngoài việc đồng áng, tranh thủ thời gian còn lại ai thuê gì ông cũng làm. Cầy thuê, cuốc mướn, nhổ mạ, chăn bò, cắt cỏ, phụ hồ…miễn kiếm được tiền. Mọi thú vui từ hồi còn trai trẻ như thuốc lào, thuốc lá, rượu chè…ông bỏ hết, vừa tiết kiệm được một khoản, vừa đỡ mất thời gian.
       Suy tư, lo lắng nhiều đêm trằn trọc mất ngủ, những kỉ niệm của một thời hào hùng đánh Mĩ trên đường Trường Sơn lại ùa về. Những trận bom, những đêm vác đá kè ngầm, những lần lao vào lửa cứu Thương binh cứu xe hàng; những giây phút căng thẳng đến ngạt thở khi phải đối đầu trực diện với bom từ trường, bom B52, bom nổ chậm; những giây phút bàng hoàng khi phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mà bất lực, ngậm ngùi, thương tiếc tiễn bạn về nơi an nghỉ cuối cùng.
       Ông nhớ nhất cái trận bom tọa độ trên đỉnh dèo Phu-la-nhích. Hôm ấy trời rét căm căm, cả Tiểu đội đang hối hả san lấp cái hố bom thì bỗng nghe thấy tiếng máy bay phản lưc, rồi tiếng bom rít, xé gió lao xuống. Không kịp chui xuống hầm, ông vội kéo cậu Tiến lao xuống đáy một hố bom cạnh đó. Một loạt bom nổ, trời đất tối sầm, khói bụi, đất đá mù trời rào rào rơi xuống, không khí như nén lại ngột ngạt, khó thở. Một lúc sau mọi thứ yên ắng trở lại. Ông cố gồng mình chui ra từ dưới lớp đất phủ kín.
-Tiến, Tiến ơi - Ông gọi nhưng không nghe tiếng trả lời. Ông vội quỳ xuống dùng hai bàn tay bới đất. Lúc kéo được nó ra thì người đã mềm oặt. Ông bế Tiến trên tay chạy một lèo về vị trí an toàn. Nhưng…không cứu được bạn. Cứ thế ông ôm chặt lấy nó khóc như một đứa trẻ.
       Trong muôn vàn khó khắn, cuộc sống luôn cận kề cái chết, gian khổ, vất vả, hy sinh là thế mà còn sống được huống hồ bây giờ được sống trong hòa bình, có con cái, có nhà cửa…dẫu chửa bằng ai. Niềm tự hào một thời thôi thúc ông không được gục ngã, là động lực giúp ông vượt lên. Cái đận sau khi chị mất, thằng út khát sữa quấy khóc suốt ngày đêm. Chẳng còn tiền mua sữa, thương con ông như phát điên lên, ai mách gì làm nấy: cho ăn nước cơm, nước cháo loãng, hễ cứ nghe ai mách ở đâu có người mới sinh con là ông lại tất tả đạp cái xe lọc cọc đến xin sữa. Người cho, người không nhưng với ông dù chỉ một chén cũng là vàng. Tình làng nghĩa xóm, thấy gia cảnh ông như vậy ai cũng thương xót, người thì cân gạo, mớ rau, chục trứng, cân đường hộp sữa cùng với ba sào ruộng và một sào vườn cha con ông gồng gánh đắp đổi qua ngày. Ông luôn tâm niệm: Dù khó đến mấy, mình có thể nhịn ăn, nhịn mặc nhưng nhất quyết phải nuôi dậy ba đứa con nên người.
       Thấy hoàn cảnh ông quá khốn khó, anh em họ hàng, bà con lối xóm, đồng đội cũng tìm người mai mối nhưng ông nhất quyết không nghe, một phần để giữ lời hứa với bà một phần sợ cảnh dì ghẻ con chồng rồi sợ người ta về sống với mình hạnh phúc chẳng thấy đâu lại chịu khổ lây.
       Cậu út càng lớn càng quặt quẽo, nó bị di chứng chất độc da cam Đio-xin từ ông, đầu óc không được minh mẫn như những đứa trẻ khác. Còn các anh chị nó đều ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi là nguồn an ủi, động viên ông. Rồi một ngày có người đến nhà mai mối cháu bà ta cho cậu út. Cô này hơn nó ba tuổi, người ngợm đen đủi, xấu xí nhưng được cái to khỏe, hiền lành. Ông gật đầu ngay: Nó đồng ý lấy con mình là phúc to rồi, còn kén chọn gì nữa.
       Chưa đến tuổi 60 nhưng sức khỏe của ông ngày càng suy giảm. bệnh đau dạ dầy, tiểu đường, xương khớp dầy vò khiến thể trạng ngày càng suy giảm. Anh cả không đành lòng nhìn cha ngày càng héo mòn quyết về đón ông lên Hà Nội vừa để dưỡng già, vừa để trông nhà giúp vợ chồng nó. Vét túi còn đồng nào cộng với sổ lĩnh chế độ ông để hết ở nhà, cắn răng, dứt ruột ra đi với hy vọng trên thành phố ông có thể kiếm được tiền gửi về cho con.
       Đã hơn một tháng, thương vợ chồng thằng út nhưng ông chưa nghĩ ra được cách kiếm tiền. Một hôm ông đi mua cái bánh mì ăn sáng. Những 15.000đ nhân toàn thịt ăn mãi không hết. Từ hôm sau ông quyết định chỉ ăn cái bánh mì “không người lái” có 2.000đ cũng ngon chán mà lại dư ra được những13.000đ. Bữa cơm tối hôm ấy ông nói với vợ chồng anh cả:
-Từ mai các con không phải lo ăn sáng cho bố, cứ để bố dậy lúc nào thì mua ăn lúc ấy cho nóng.
-Thế cũng được cho tiện bố ạ - Cô con dâu nói - Mỗi sáng bố cứ ăn 20.000đ cho đầy đặn, thích ăn gì cho hợp khẩu vị thì bố mua.
       Từ đấy mỗi buổi sáng ông để ra được 18.000đ. Có những lần nhà nó đi nghỉ mát cả tuần. Mời ông không đi. Thế là vợ chồng nó để tiền ăn cho ông mỗi ngày những 50.000đ. Ông ăn uống xả láng hết một nửa còn tiết kiệm một nửa. Hôm sau ông hạ bớt tiêu chuẩn, mỗi ngày chỉ hai bữa thôi - ở nhà ăn lắm chỉ tổ đầy bụng - bữa sáng hai cái bánh mì với hộp Milo là xong. Bữa chiều ông chỉ ăn xuất cơm bụi 15.000đ cho nhẹ bụng, tối dễ ngủ.
       Quyét dọn nhà cửa có cái gì vợ chồng con cái nó thải ra, ông nhặt hết vào bao tải cuối tuần bán đồng nát cũng được dăm bẩy ngàn. Quần, áo cũ vợ chồng con cái nó không dùng bảo để lau nhà, thấy cái nào còn lành lặn ông lặng lẽ giặt sạch, gấp lại để dành mang về. Cái nào bị đứt cúc hay khuỷu tay, đầu gối bị sờn ông lại giương kính cặm củi cả buổi khâu vá lại: Còn tốt chán ở quê lấy đâu ra. Kết hợp với đi thể dục sáng, chiều ông mang theo cái bao dứa nhặt nhạnh cái chai, cái lọ, tấm bìa…gom lại, mỗi lần bán cũng được những hơn chục ngàn đồng.
       Được hơn tuần vợ chồng anh cả phát hiện được, chúng nó nhất quyết không cho ông làm: Chúng con mời ông lên để dưỡng già chứ không phải đi nhặt ve chai; ông làm thế thiên hạ họ cười chúng con…Tiếc lắm, nhưng chúng nó đã nói thế ông đành phải nghe. Một hôm trong lúc dọn dẹp nhà, ông thấy trên bàn phấn con dâu có hơn chục tờ 50.000đ. Tần ngần một lát, rồi ông tặc lưỡi nhét 2 tờ vào túi áo. Một tuần sau ông lại thấy có một xếp tiền để ngay ngắn trên đầu giường. Ông lặng lẽ rút ra 4 tờ. Sáng hôm sau thấy cô con dâu hỏi chồng:
-Hôm qua khách hàng trả tiền anh có đếm không?
-Đếm làm gì, toàn chỗ anh em quen biết cả.
-Thiếu mất 4 tờ đấy. Lần trước cũng mất 2 tờ, sau anh phải cẩn thận. Một mất mười ngờ, phiền lắm với lại thời buổi này chả tin ai được đâu.
       Chạnh lòng, trằn trọc trắng đêm. Ông tự vấn lương tâm: mình làm thế là đúng hay sai. Ông thấy mình có lỗi, nhưng không có tội vì ông không hoang phí cho bản thân mà dành dụm cho vợ chồng thằng út. Chúng nó khổ quá. Ông dằn vặt, ân hận vì đã vô tình truyền sang cho nó thứ chất độc da-cam chết người ấy.
       Thi thoảng ông cũng ra đầu ngõ uống chén trà, hóng chuyện xem thiên hạ tiêu tiền. Có anh ngày nào cũng đánh đề tiền trăm, có hôm anh ta đánh cả năm trăm. Có đôi vợ chồng cũng lớn tuổi rồi, hôm nào cũng mua mấy tờ vé số, có ngày xấp vé xố của bà hàng nước không còn mà bán.
       Thiên hạ lắm tiền thật. Ông đang gật gù bên chén trà thì có hai người đàn ông chừng trên dưới bốn mươi cũng ghé xuống:
-Tuần trước chơi hai con năm thắng hơn ba triệu.
-Mấy vé mà xộp thế.
-Bốn vé, hết có hai chục bọ.
-Phải có niềm tin, đã chơi kiểu gì cũng thắng.
       Phải có niềm tin, ừ nhỉ, xem ra kiếm tiền kiểu này cũng không khó, vận đỏ đến chẳng mấy chốc thành tỉ phú. Thế là hôm sau ông quyết định chơi thử. Ông chọn mua vé số cho chắc ăn chứ chơi đề họ ghi vào mảnh giấy bằng nửa bàn tay, chữ kí ngoằn ngoèo lỡ mình trúng nó cãi bay, cãi biến thì ăn thịt được nó à. Ông mua 4 tờ hết có 20.000đ. Cũng chả đắt.
       Cả đêm mất ngủ, hồi hộp ông chỉ mong trời mau sáng. Sáng rồi ông lại mong đến chiều. Cầm 4 tờ vé xố ra so kết quả, mặt ông tái đi. Ông lê từng bước chân về nhà. Đến bữa không ăn, kêu mệt đi nghỉ sớm. Thế là mất toi 20.000đ. Tiếc tiền, cả ngày ông thẫn thờ, lẩm bẩm như người mất hồn. Các con thì bị một phen hú vía chỉ sợ ông ốm lăn ra đấy thì khổ.
       Ông tự trách mình: già rồi còn dại. Rồi thắp tuần hương trên bàn thờ cầu xin gia tiên tiền tổ, cầu xin bà tha thứ cho lỗi lầm của mình. Ông thề dù có nghèo khổ đến mấy cũng không bao giờ dính vào ba cái trò đỏ đen cả.
       Được tin nhân Ngày chất dộc da cam địa phương hỗ trợ tiền để cải tạo nhà cho thằng Út theo diện chính sách. Ông vui lắm. Anh cả bàn với ông:
-Mình phá cái nhà cũ nát ấy đi làm nhà mới bố ạ.
-Làm mới bây giờ cho đàng hoàng cũng phải ngót ngét một trăm.
       Lấy tiền đâu ra.
-Chúng con xin đóng góp 20 triệu.
       Ông nhẩm tính vị chi là được 60 triệu cộng với số tiền hơn chục triệu ông ki cóp, nhặt nhạnh được như vậy cũng tạm ổn, nếu có thiếu chút ít thì đi vay trả dần.
       Phải mất gần bốn tháng ngôi nhà mới khánh thành. Sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát, làng xóm sang chúc mừng, ai cũng khen đẹp. Nhưng có lẽ ông mới là người vui nhất, từ nay thằng út có nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống đỡ vất vả. Ông không lên Hà Nội nữa mà ở lại trông nom nhà cửa, kèm cặp dậy bảo con cái cho vợ chồng nó tập trung làm ăn. Cứ chiều chiều ông lại thúc thắc cái xe đạp, dạo một vòng quanh xã cho khỏe, rồi có hôm sang các xã bên cạnh. Ông chợt nhận ra: người ta vất nhiều chai lọ, túi nilon, bìa cat tông… ở ria đường, ở những chỗ để rác, tại sao mình không kết hợp một công đôi việc vừa thể dục, vừa thu gom phế liệu chắc cũng được một khoản thu. Thế là hôm sau ông làm ngay. Trông thế thôi có ngày ông nhặt được đầy cái tải dứa. Ông nghĩ: mình còn sức đỡ chúng nó được đồng nào quý đồng ấy. Thấy làm chơi ăn thật lại khỏe ra, ông càng ham, chẳng nề hà nắng mưa, có hôm tối muộn ông mới về đên
nhà. Thế mà trời vẫn không thương ông. Mải mê, một hôm ông về muộn với cái tải đầy ve chai buộc phia sau. Đường lại trơn trượt thế là ông lao xe vào cái ổ trâu, đập đầu xuống vệ đường. Được đưa đi cấp cứu, nhưng do thương sọ não quá nặng, ông vĩnh viễn ra đi.
       Cả làng đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Thương xót một con người, một CCB cả đời đã sống nghĩa tình với làng xóm, với đông đội. Không tiếc bản thân, tất cả vì con, vì cháu cho đến hơi thở cuối cùng. Ông có một quyển sổ chuyên để ghi chép thu chi - Tính ông cẩn thận - Sau khi ông tạ thế các con mới tìm thấy ở đáy cái rương quần áo của ông.
       Làm xong ba ngày cho bố. Con, cháu quây quần lại, anh con cả mang quyển nhật kí thu chi của ông ra đọc. Ông ghi chép cẩn thận lắm, ngày tháng rõ ràng. Thu bao nhiêu, nguồn thu ở đâu từ việc nhịn ăn, bán mấy cái vỏ chai Lavi đến số tiền ông lấy của cô con dâu. Chi bao nhiêu, chi vào mục đích gì, cụ thể, tỉ mỉ đến từng đồng, cả cái lần ông mất tiền vì sổ xố…
       Cả nhà cùng òa lên khóc. Mãi đến lúc ấy con cháu mới thấu hiểu được sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của ông. Sự vĩ đại và cao cả của một người cha.
       Cô con dâu cả sụt sùi thắp tiếp ba nén nhang trước di ảnh ông:
-Con ngàn lần lậy bố. Bố sống khôn, chết thiêng hãy tha thứ cho sự bất hiếu của con. Đã có lúc con không phải, con hiểu lầm những việc bố làm. Đến bây con mới nhận ra tất cả những gì bố làm cũng chỉ vì con, vì cháu. Gần 70 năm, cả đời bố vất vả hy sinh. Lúc còn trẻ thì đi chiến trường, khi được về thì sức khỏe giảm sút, lại phải gồng mình lo cho chúng con. Đất nước đã thống nhất nhưng chưa một ngày bố được thanh thản nghỉ ngơi. Đạo làm con không thấu hiểu được tấm lòng bố mẹ, chúng con có tội lớn lắm. Con xin bố xá tội. Chúng con hứa trước vong linh bố sẽ luôn đoàn kết, hết lòng chăm lo cho gia đinh chú út. Ở nơi suối vàng bố hãy phù hộ, độ trì cho chúng con.
       Từ trong di ảnh với bộ quân phục nghiêm trang, lấp lánh những tấm huân chương trên ngực, ông nhìn chị với ánh mắt bao dung, vị tha và nụ cười đôn hậu.

 
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
(CTV Trang TT&BT Trường Sơn)

tin tức liên quan