"Đất ấm tình người Mường Noong" - Bút ký của Võ Văn Luyến

Ngày đăng: 06:50 24/12/2022 Lượt xem: 144
Đất ấm tình người Mường Noong
Bút ký  Võ Văn Luyến
         1.
        Sa vẳn cuối mùa khô, cái nắng như dỗi hờn cứ dùng dằng chưa muốn dứt. Cây cỏ hai bên đường vào bản khô lẹm và hoang hoải khát chờ cơn mưa tới. Chúng tôi đến vào dịp tết Lào [Bunpimay] nên trời đất dường cảm thấu mà ôn hòa trở lại.  Bước vào bản doanh của Công ty Cổ phẩn  Đầu tư  Cao su SGS – Lào, mới thấy Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hòa là người dấn thân bằng sự đánh cược, thách thức với gian nan. Mục sở thị núi rừng trơ trọi, đất đá cỗi cằn, không nói quá mà rằng,  tự dưng tôi nghĩ ở anh chỉ có thể mang tinh thần Đam San để trụ vững gần chục năm nay. Bên anh, tôi lại muốn cho tâm tình đi về nẻo khác, còn về công việc thì chỉ nhờ đến anh google dẫn đường, là đã tóm được cái tổng quan cần thiết: “Ngày 17/8/2011, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Thongmy Phomvisay và Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư cao su SGS Nguyễn Xuân Hoà đã ký Hợp đồng phát triển dự án PDA, theo đó Chính phủ Lào sẽ giao 3.017 ha đất cho SGS để trồng cao su tại huyện Noong,tỉnh Savannakhet, vốn đầu tư 30 triệu USD, thời gian dự án 30 năm” [http://vietnamexport.com/lao-viet-namsgs-ky-pda-du-an-trong-cao-su-tai-savanakhet/vn254476.html]. Đủ biết, dự án một mặt góp phần bồi đắp tình hữu nghị mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc nên câu thơ vàng của nghĩa tình sâu nặng, “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long’; mặt khác bài toán phát triển kinh tế đôi bên cùng có lợi trở thành hiện thực của xu hướng hợp tác quốc tế các nước hiện nay.
          ***
          Câu chuyện trồng cây cao su trên đất Lào của công ty anh Hòa xin kể vào một dịp khác, có cơ hội tìm hiểu ngọn ngành hơn. Còn bây giờ, thú thực cũng một đôi lần qua Lào nhưng công việc liên kết các cơ sở giáo dục trong hợp tác đào tạo với  tỉnh bạn nặng phần đối ngoại với tiệc tùng giao đãi là chính, chứ ít khi có cái thân mật như người nhà của công ty với chính quyền và người dân sở tại lam lũ “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”. Có lẽ điều đó đã làm cho chúng tôi muốn nằm sàn để thấm cái thật thà của đất, cái dung dị của trời, cái mộc mạc của quê kiểng. Đêm đầu tiên ở Mường Noong bình yên đến lạ. Cũng bóng tối choàng lên tấm màn nhung nhưng có cảm giác nó thăm thẳm, nó xa xôi, nó bí ẩn buộc trí tưởng tượng lạc vào một thế giới khác, vừa mơ màng vừa huyễn hoặc, nếu như không có Thàn Côông Xay, Phó chủ tịch huyện Noong đến chào khách và chúc mừng bằng cút rượu Lào làm cho tươi tỉnh. Côông Xay trong dáng dấp thấp nhỏ và bình dị,  sau cái chắp tay kèm âm trầm phát ra “xa bai đi” là chuyển sang bắt chuyện bằng tiếng Việt ngay. Anh nói tiếng Việt khá sõi và tự nhiên. Điều đáng ngạc nhiên,  là cử nhân kinh tế nhưng am tường văn chương không ngờ. Đối đáp, so sánh xu pha xít [ca dao, tục ngữ] Lào Việt như giảng viên dạy văn học so sánh. Ngồi lắng nghe cuộc trò chuyện giữa Côông Xay với Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hòa cứ như “chim liền cánh, cây liền cành” khó dứt ra được, bởi tư duy vận dụng ngón folklore thật đắc địa của ông bạn Lào chí tình: “Đến đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ xanh cây mới về”.
         2.
         Hoa trái lòng tin
        Nơi đây, ngày nóng đêm lạnh. Nhiệt độ tụt dốc như hai mùa diễn ra trong 24 tiếng đồng hồ. Buổi sáng khi trời còn tối, bách bộ trong ánh trăng thượng tuần chập chờn ngái ngủ mới thấy điều thú vị. Chúng tôi lò dò vào chợ. Chợ họp vào 4 giờ sáng, chị em ngồi bên những cái sạp gỗ, trong tay kèm cây đèn pin. Trước mặt là rau quả, thịt thà, cá mú. Mua bán trong lờ mờ sáng tối giao tranh nhưng người ta tin ở chất lượng và giá cả không phải so kè bớt một thêm hai. Trời vừa sáng cũng là lúc chợ tan. Lần đầu tiên trong đời, chứng kiến cảnh họp chợ thật lạ lùng. Lạ hơn nữa, là không ồn ào náo nhiệt như chợ Việt mà thi thoảng người mua kẻ bán trao đổi ngắn gọn nhẹ nhàng với âm lượng chỉ đủ “truyền dẫn thông tin” cho hai bên và rồi tất thảy cái không gian “có một không hai” ấy chìm vào im lặng.
        Bạn bè tôi lúc trà dư tửu hậu thường khoe đi Tây về Đông như đi chợ mà gieo trồng khát vọng đủ đầy với bao nhiêu người, rồi cũng chỉ biết để tìm gặp trong mơ ước! Nhưng thú thật, bao lâu rồi vẫn mơ về một thuở cái cảnh “đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” như cụ Nguyễn Công Trứ từng nói đến, thì hôm nay tôi đã tận mắt nhìn thấy. Người ta nói, một đêm nằm bằng một năm ở. Đêm ở Mường Noong yên ả, ngon giấc không phải vì đường xa thấm mệt mà thật thoải mái ở chỗ cửa mở từ nhà ra ngõ thâu đêm suốt sáng, xe máy ngoài sân không cần phải giữ gìn, lo sợ mất mát. Xổm Phim, bí thư Huyện Đoàn, một cô gái trắng trẻo, có nụ cười rất duyên thêm lần nữa xác thực điều này và cho chúng tôi biết nguyên khởi thiện tâm người dân Lào tự bao giờ đã làm nên tính cách dân tộc của đất nước Triệu Voi.
         Tâm lý thường thấy, đến những nơi kỳ vĩ mới hứng thú, ít ai quan tâm đến sự đền bồi của hóa công làm nên lẽ công bằng từ người mẹ - thiên - nhiên bao dung và độ lượng đúc sẵn sự chân mộc với bao nhiêu nét đẹp lặn vào trong. Dọc theo triền sông Xê La noong có đôi bờ vách dựng, nhìn xuống những chiếc thuyền chài nhỏ lại như đến từ một phía xa xôi nào của quá khứ, chúng tôi bắt gặp cơ man những điều kỳ lạ như chưa hề có trong sự thật. Thỉnh thoảng dán mắt vào những mái nhà sàn cột dựng bằng mảnh bom thời chiến còn sót lại, có nhà lại dùng nó làm vật trang trí trước sân như phương cách thụ đắc nghệ thuật sắp đặt phi ngôn ngữ. Ấy là nói theo cách của người cảm nhận. Và ảnh hình chúng tôi dừng lâu hơn cả, là cây chuối trăm buồng. Nó không phơi phóng bằng hiển lộ sự sum suê tươi tốt như ở những nơi khác, mà buồng chuối được bao bọc bằng một lớp bẹ lá che cái nắng nung khắc nghiệt của xứ sở núi đồi nằm sâu trong lục địa. Nhìn cây, tự dưng lòng dâng lên niềm thương cảm khó nói thành lời.
         3.
         Hai con đường một niềm vui
       Con đường đầu tiên chúng tôi muốn nói đến nguyên thủy là đường đất. Nghe đâu mùa mưa lầy lội, nhão nhoẹt với bao nhiêu vệt cắt ngoằn ngoèo dọc ngang đồi dốc do nước chảy. Đi bộ đã nhọc nhằn, huống hồ xe cộ lưu thông. Chỉ cần nhìn một đoạn được dựng hàng rào bảo vệ để lưu giữ một nét kỳ tích của con đường Trường Sơn làm nên lịch sử đi qua Mường Noong đủ thấy bao nhiêu hình dung về ngày xưa thấp thoáng ẩn hiện. Chưa nói đến nỗi lo sợ đi giữa âm u ngút ngàn rừng núi và thú dữ. Là nghĩ theo lối của người hiện đại, còn người xưa chắc chắn rành rẽ nắm quy luật sinh tồn mà không phải điều nghiên như giới thư phòng nặng neo lý thuyết sách vở. Đi về hai phía Trường Sơn ngấm đủ mưa nắng cuộc đời, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hòa trải lòng với chúng tôi bằng tâm bào lắng sâu nỗi niềm và không thiếu sự hứng khởi của đam mê công việc. Dường như những trang sử Đất đã dội vào tim anh và bật ra những khúc hân hoan lan tỏa làm mê hoặc người khác qua diễn ngôn vừa cụ thể sinh động vừa pha phách chút dí dỏm bất ngờ. Hôm dẫn chúng tôi đi Mường Sê pôn ghé thăm một doanh nhân Việt Nam là chỗ bạn bè với anh trước khi đi Mường Phìn mục sở thị cây hóa thạch, anh Hòa vui sướng kể về con đường rộng dài phẳng lì mới nhựa hóa nối từ thị trấn Mường Noong ra đường xuyên Á do Việt Nam tài trợ thực hiện công trình bằng tình hữu nghị truyền thống và anh cũng không quên kể lại, tiến sĩ Su pha phom Năn thạ na von – Chủ tịch Mường Noong tri nhận và đánh giá đây là con đường giao thông phục vụ văn hóa - kinh tế dân sinh đẹp nhất từ trước đến nay. Nhớ thời còn học phổ thông, thầy dạy môn Địa lý bảo chúng tôi nhắm mắt cũng phải vẽ cho được bản đồ nước mình với các tuyến đường giao thông, bởi nó mở ra đến đâu văn minh tiến bộ sẽ đến đó. Niềm vui đã về đến Mường Noong trên những gương mặt hồng hào sắc diện. Niềm vui đó không dừng ở Mường Noong mà đang lây sang chúng tôi bằng sự sẻ chia và đồng cảm. Đó thực sự là con đường xuân trên xứ sở hoa Chăm pa!


Nét đặc sắc Tết cổ truyền Bunpimay – Lào (Ảnh minh họa)

          Nhớ hồi mới thống nhất hai miền đất nước, tôi cuốc bộ ra đầu làng xem một bộ phim mang màu sắc thần thoại của Anbani. Câu chuyện trong phim gây ấn tượng nhất là đoạn kể về một hoàng tử cùng đoàn tùy tùng phi mã đi tìm bóng hồng làm chàng “say nắng” trong lễ hội. Tiếc rằng sau đó, hội vãn mà chàng lại không nhớ hỏi tên nàng để lần tìm. Thế nên mải quẩn quanh giữa sa mạc bốn bề mù mịt gió cát. Ai cũng khuyên chàng bỏ cuộc, vì trên thiên hà mặt đất mông lung này, ý nguyện của chàng có khác chi mò kim đáy bể, đãi cát tìm vàng. Nhưng chàng quyết tâm bằng được, vì tin rằng tình yêu có trái tim chỉ đường. Và cái kết không nói ra ai cũng biết. Chẳng phải vòng vo mà muốn nói rằng, trong cõi nhân gian lạ lẫm này, chỉ có đường dẫn từ trái tim đến trái tim mới đem lại sự hòa kết và hóa giải những trở ngại, khó khăn. Trong hai cuộc kháng chiến cùng chống ngoại xâm, nhân dân Lào – Việt luôn sát cánh bên nhau, bên dải Trường Sơn như dải tâm đồ cùng đập nhịp buồn vui sướng khổ. Bây giờ thì mỗi bên đều đi tới con đường hạnh phúc.  Mang tình yêu hồng thắm ấy, chúng tôi đến Mường Noong cùng vui tết cổ truyền nước bạn.
          Thành ngữ Việt có câu: “Vui như tết”. Mỗi dân tộc đều có cách lựa chọn thời điểm và cách vui tết. Trên đất nước Lào anh em, lễ hội Bunpimay xâu chuỗi nhiều mỹ tục độc đáo nhìn tận mắt mới thấy sự hấp dẫn, lôi cuốn. Nó dụ dẫn người ta vào cuộc vui bằng lối chào đón chân thành, nồng nhiệt mà không phải chú mục đến quan hệ cao thấp, thân sơ, xa gần. Niềm vui ấy thấm sâu cái nhìn quán chiếu “vạn vật nhất thể” trong triết học phương đông.  Lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Hai dấu ấn cũng là hai điểm nhấn của lễ hội là té nướcbuộc chỉ cô tay. Phong tục té nước cầu chúc may mắn, hạnh phúc, sống lâu và gột rửa thân tâm những điều xót xa đau buồn, mong ước khỏe mạnh.  Té nước cũng là một thể cách tống tiễn mùa khô, đón rước mùa mưa tới để gieo trồng. Điều thú vị diễn ra sau Té nước là những điệu múa Lăm vông mềm mại, uyển chuyển và đậm sắc thái trữ tình nhờ sự cộng hưởng, kết hợp các ca khúc thiết tha sâu lắng. Ta hình dung Lăm vông như là một hiện thể dancing theo kiểu văn hóa Lào vừa nhẹ nhàng vừa tinh tế mang tính đặc thù phương đông. Tục buộc chỉ cổ tay lại có tính biểu tượng. hướng đến sự thông đạt của người khác bằng hiển tâm của chính mình. Các con đường kết nối siêu ngôn ngữ này quả thực mê hoặc bởi bản sắc rất riêng của một dân tộc như ai đó từng nói đến những mỹ tục “cổ truyền ấy đã thật sự nuôi dưỡng tâm hồn của nhân dân Lào để thêu dệt nên những thiên tình sử lứa đôi, kết nối bạn bè thắm tình hữu nghị Việt – Lào từ thuở xa xưa cho đến hôm nay và mai sau”.

Võ Văn Luyến
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Quảng Trị

tin tức liên quan